Vovinam VVĐ với một cựu nữ tù Thiều Thị Tân

Từ một nữ tù chính trị nổi tiếng của chuồng cọp Côn Đảo năm xưa, khi về già bà lại cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của môn phái Vovinam -Việt võ đạo.

Nữ võ sinh Vovinam trong chuồng cọp

Thiều Thị Tân sinh ra trong một gia đình khá giả ở quận 5, Sài Gòn. Say mê võ thuật từ nhỏ, năm 11 tuổi bà bắt đầu tập Judo và ngồi thiền mỗi ngày với Thượng tọa Thích Tâm Giác. Rồi một lần đến võ đường Vovinam (Việt võ đạo) tại quận 10, chứng kiến những đòn thế đẹp mắt, lại đọc được 10 điều tâm niệm của môn võ này, bà lập tức xin học ngay. Bà được các võ sư CM Lê Sáng, Trần Huy Phong trực tiếp truyền dạy.
 
Năm 13 tuổi, Thiều Thị Tân giác ngộ cách mạng. Sau đó bà làm việc tại Ban Binh vận Trung Ương Cục miền nam. Năm 1968 bà là đội phó Đội Võ trang tuyên truyền F105, nhận nhiệm vụ vận chuyển chất nổ, kíp nổ từ Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuẩn bị tấn công các vị trí trọng điểm của địch mà tổ chức đã vạch ra.
 
Chuẩn bị cho trận đánh, Tân cùng chị Thiều Thị Tạo móc nối và thuyết phục một nữ cảnh sát, để mang vũ khí vào Tổng nha cảnh sát. Thế nhưng do tham căn nhà ở mặt tiền quận 5 của gia đình chị Tân – theo như treo giải của Chính quyền Sài Gòn lúc đó nếu tố giác Việt Cộng thì sẽ được thưởng chính căn nhà của người Việt Cộng đang sinh sống – nữ cảnh sát này đã tố cáo Tân và người chị.
 
Cả 2 bị bắt, địch lục soát khắp nhà và phát hiện một số chất nổ và phương tiện tuyên truyền. Tân ra tòa và bị xử 1 năm án treo. Lẽ ra Tân đã về để tiếp tục theo học nhưng vào đêm 22/6/1968, một cuộc đấu tranh dữ dội do cô và các nữ tù tổ chức trong nhà giam đã dẫn tới một cái án khác: Tù nhân nguy hiểm. Năm 1969 cô bị đày ra Côn Đảo cùng người chị của mình lúc mới tròn 16 tuổi, nữ tù trẻ nhất lúc bấy giờ.

madame TTtan
 
Với tinh thần thép của một võ sĩ được tập luyện, trui rèn từ nhỏ, Tân đã cố gắng vượt qua những đòn tra tấn tàn bạo của bọn cai ngục. Năm 1970, một đoàn thanh tra quốc tế đến thăm Côn Đảo để điều tra về cái gọi là chuồng cọp trong hệ thống nhà tù miền nam Việt Nam.

Từ trong phòng giam, Tân sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp để tố cáo, vạch trần sự phi nhân của chuồng cọp Côn Đảo. Những thông tin này sau đó được báo chí Mỹ tung ra dẫn tới việc chuồng cọp bị phá bỏ để phi tang.

Năm 1971, một số nữ tù trong đó có Tân và Tạo được chuyển về nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Ở nhà tù này có một cai ngục rất tàn ác, thường xuyên đánh đập dã man tù nhân. Các nữ tù bàn kế tiêu diệt hắn. Một ngày Tân và các bạn được ra ngoài phơi nắng, khi đi ngang tên cai ngục, bằng một đòn Vovinam, Tân đã hạ gục tên cai ngục, các bạn tù cũng ùa vào giúp sức. Sau đó Tân đã phải chịu những ngày biệt giam tăm tối.

Năm 1972, Tân bị đưa trở lại Côn Đảo, lần này ở phòng giam bên ngoài. Cô cùng các bạn tù như Mười Mai, Trần Thị Bé trao đổi kinh nghiệm võ thuật. Rồi cùng Phan Thị Đời (đặc công) dạy võ cho các nữ tù khác tại phòng 7, trại 2 nhà tù Côn Đảo sau khi bọn cai tù nhượng bộ một thời gian.

Năm 1974, Tân được trao trả tự do theo tinh thần hiệp định Paris. Ra tù cô phải mất rất nhiều năm vất vả điều trị những chứng bệnh do di chứng của những cuộc tra tấn tàn bạo trong tù.

Mối duyên kỳ lạ của “bà Năm Vovinam”

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Bà Tân trở lại giảng đường. Ngày tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP.HCM, bà chỉ cân vỏn vẹn 28 kg! Sợ không đủ cân thì không được phát bằng tốt nghiệp, bà đã lén bỏ quả cân 3kg trong túi áo để khi khám sức khỏe đạt tiêu chuẩn nhận bằng.

dames tao-tanHai bà Tạo và Tân nhìn lại vết tích tại chuồng cọp năm xưa.

 
Năm 1983, Bà Tân được giới thiệu về dạy môn Triết ở trường Trung học Y tế TP.HCM. Được 3 năm do sức khỏe không đảm bảo Tân xin nghỉ dạy và về tiếp tục tập tại võ đường ở quận 10.
 
Năm 1992, bà Tân mở quán bán thức ăn trong khuôn viên Viện trao đổi văn hóa với Pháp tại quận 1. Một ngày nọ khi bà đang soạn lại những tấm ảnh cũ có một ông khách tây chỉ vào một tấm ảnh và nói: “Bà có thể giúp tôi tìm cô gái trong tấm hình này được không?”
 
Người con gái trong ảnh chính là Thiều Thị Tân hồi còn trẻ. Hỏi ra mới biết, hình ảnh nữ tù nhân gan dạ ngày xưa từng xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài đã làm rung động chàng thanh niên người Pháp tên Marcel Beynaud – người tham gia đấu tranh trong phong trào công nhân đường sắt ở Pháp phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
 
Định mệnh sui khiến thế nào mà trong một lần sang Việt Nam du lịch, ông đã gặp lại người mà ông đã ngưỡng mộ từ lâu. Vậy là họ đã cưới nhau trong một chữ “duyên” kỳ lạ trong cuộc đời!
 
Hiện nay 2 vợ chồng bà Tân mở một cửa hàng nhỏ bán thức ăn Pháp tại Campuchia. Bà đi về thường xuyên Việt Nam – Campuchia vì ngoài việc còn phải phụ giúp ông, bà còn phải lo cho các võ sinh nhỏ tuổi ở quận 12.
 
Có tới thăm CLB Vovinam do bà khởi xướng mới thấy hết tình cảm mà bà dành cho Vovinam Việt võ đạo và những đứa trẻ vùng ven. Cứ chốc chốc chúng tôi lại nghe thấy các võ sinh nhí nhõng nhẽo: “Bà Năm ơi con đói bụng”, “Bà Năm ơi con khát nước”. Cái tên “Bà Năm Vovinam” từ lâu đã trở thành hết đỗi thân thương với những đứa trẻ trong vùng.
 
“Tuổi thơ tôi là chiến tranh và tù đày. Hồi xưa tôi học võ chỉ để góp công đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình. Giờ đây tôi muốn dùng ý chí và tinh thần võ Việt để khơi gợi những ước mơ, khát vọng của lớp trẻ, để chúng có thể làm được những điều mà thế hệ tôi chưa làm được....”, Bà Tân tâm sự.
 
Trong khuôn viên CLB Vovinam ở vùng ven chiều cuối năm, chúng tôi thấy trong mắt bà Thiều Thị Tân sáng lên niềm tin tưởng!