Các môn đệ thân mến,
VOVINAM là một môn phái Võ đạo do Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc sáng tạo vào năm 1938 tại Hà Nội – miền Bắc Việt Nam. Vào năm 1954, chỉ trong một thời gian ngắn đã lan rộng ra khắp các tỉnh, quận, huyện. Tới thập niên 1970 mới bắt đầu đặt kế hoạch phát triển quốc tế và hiện nay VOVINAM đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Ngay khi sáng tạo, Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã nghĩ tới toàn thể nhân loại, đặt tên cho môn võ của mình là VOVINAM để tất cả các dân tộc trên thế giới đều dễ đọc, dễ nhớ, VOVINAM lại là từ quốc tế hóa, bao gồm hai ý nghĩa: Võ thuật và Võ đạo Việt Nam.
Do đó, VOVINAM là cội nguồn, còn Việt Võ Đạo là hoa kết trái của VOVINAM.
Gọi là VOVINAM hay Việt Võ Đạo đều được cả vì cùng chung một nguồn gốc. Cách gọi đúng nhất là VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO.
- Logo Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo
Tâm nguyện của vị Sáng tổ môn phái VOVINAM là cố gắng hình thành một nền Võ đạo chung cho nhân loại khởi xướng từ Việt Nam. Do đó:
A. Về Nghệ Thuật:
VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO là kết tinh của tinh thần và kỹ thuật tự vệ, chiến đấu giữ nước, dựng nước và mở nước của dân tộc Việt Nam có từ thời lập quốc. Sáng tổ Nguyễn Lộc là người đầu tiên có công thâu thập kho tàng võ học phong phú của các dân tộc ẩn náu ở nhiều vùng với nhiều phương pháp huấn luyện độc đáo, đặc dị; san định và bổ túc phần phân thế thất truyền, rồi hệ thống hóa và hiện đại hóa thành môn VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO. Bởi vậy, trong VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO có đủ mọi hình thức chiến đấu, tự vệ và tấn công được hệ thống qua phương thức một phát triển thành ba, như:
- Các đòn phản thế Tay, Chân trình độ 1.
- Ghép thành bài Tứ Trụ Quyền.
- Phối hợp lại thành bài Song Luyện hoặc Liên hoàn đối luyện.
Cũng như:
- Các thế chiến lược tấn công từ 1 đến 10.
- Ghép lại thành bài Thập Tự Quyền.
- Phối hợp đánh đuổi để thực tập đối kháng.
Với phương thức một phát triển thành ba này được áp dụng xuyên suốt cho tất cả các đòn thế, bài bản gắn bó với nhau trên các đơn vị:
- Đòn cơ bản phân thế (tay không hoặc các loại vũ khí)
- Đòn chiến lược tấn công.
- Song luyện hoặc Liên hoàn đối luyện (không té)
- Vật, khóa gỡ.
- Giao đấu (đối kháng)
- Đơn luyện (Đi quyền, Thập bát ban…)
- Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc
Đây là một sáng tạo rất tân kỳ, độc đáo do Sáng tổ Nguyễn Lộc làm khuôn mẫu cho các đệ tử nối tiếp nhau hoàn chỉnh. Sáng Tổ cũng truyền dạy:
“VOVINAM phải luôn tiến theo trào lưu của võ học thời đại, phải lấy các môn võ đã có và hiện có trên thế giới làm đối tượng nghiên cứu, để rồi, hoặc là thái dụng tinh hoa của họ, ngõ hầu kiện toàn tinh tiến cho mình; hoặc tìm cách hóa giải khắc chệ lại những tinh hoa đó. Điều cần phân biệt ở đây: thái dụng không có nghĩa là toa rập, mô phỏng. Thái dụng là thâu thái những tinh hoa rồi biến chế, hòa điệu theo một tinh thần riêng, hợp với thể chất từng loại người, rồi đem áp dụng. Cũng ví như ta thái dụng tinh hoa của màu xanh, màu đỏ để biến cải thành màu tím, chứ không còn là màu xanh màu đỏ nữa.“
B. Về Tinh Thần:
VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO mang truyền thống dùng võ để bảo vệ đất nước, chống xâm lăng, dùng võ của những người yếu muốn vươn lên tự giải quyết lấy những khó khăn trở ngại, không chịu nép mình dưới cường lực bạo tàn để được sống xứng đáng, và làm cho mọi người đều được sống xứng đáng.
Khác với mọi môn phái Võ đạo chịu ảnh hưởng của tôn giáo hay chính trị, để đôi khi trở thành công cụ hay phương tiện hành giáo hay hành chính, VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO luôn giữ vững truyền thống tổng hợp võ học và lý thuyết võ đạo qua những gương phấn đấu của các danh nhân thế giới, dung hợp mọi triết thuyết, mọi tôn giáo, thích ứng đời sống tư tưởng vào đời sống hành động trong truyền thống giữ, dựng và mở nước của các thời đại lịch sử loài người.
VOVINAM mang sứ vụ truyền dạy cho người biết võ, rồi hướng dẫn họ phải làm gì lợi ích cho mình, cho người. Tinh thần đó phải được thể hiện bằng nếp sống tình cảm, cách ăn nết ở, cách đối đãi tha nhân, sao cho mọi người đều hiểu và tin tưởng, yêu thương mình. Phải truyền thông ấn tượng tốt vào cảm quan của đối tượng tinh thần võ đạo thật sự không biên giới quốc gia, giai cấp và tôn giáo.
Đó mới đích thực là tinh thần: VOVINAM - VIỆT VÕ ĐẠO