Nét độc đáo từ Thiếu lâm Bằng Long Hải

Ra đời cách đây 34 năm, môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải (TL-BLH)quy tụ được rất nhiều môn sinh từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Dù đã thành danh trên các lĩnh vực khác, nhiều người vẫn đến đây để học đạo, luyện sức khỏe và ý chí để vững vàng hơn trong cuộc sống và sự nghiệp.

HÀNH TRÌNH GIAN KHỔ

Ở tuổi 15, Phạm Văn Bằng được người cậu là Giám đốc Xí nghiệp gốm Móng Cái cho rời quê Hải Phòng để sang Quảng Tây (Trung Quốc) “ở với người quen và học nghề gốm sứ” như lời người cậu này nói. Đặt chân lên xứ người, ông Bằng lại được “người quen” cho học nghề làm đậu hũ một thời gian rất ngắn rồi bắt đi vào rừng… đốn củi.

Người quen đó chính là Quan Bản Thục – thầy dạy võ nổi tiếng thuộc môn phái Nga Mi Thuật, được phong là một trong bảy “con Hổ” của tỉnh Quảng Đông (dân số hơn 105 triệu người) – do tình hình quê nhà lộn xộn nên phải sang Hải Phòng lánh nạn trong 3 năm. Được cậu của ông Bằng cưu mang trong thời gian ở Việt Nam nên khi trở về Trung Quốc tiếp tục sinh sống ở tỉnh láng giềng Quảng Tây, ông Quan Bản Thục đã đồng ý với ân nhân của mình đb ông Bằng theo để truyền dạy võ nghệ.

Các võ sư, HLV và môn sinh Thiếu Lâm Bằng Long Hải tại điểm tập Chùa Pháp Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Ban đầu ông Bằng được thầy giao đốn củi, mỗi ngày vác về nhà rất nhiều, sau đó “được lệnh” phải tự bẻ những thanh củi rất cứng ấy bằng… tay. Rất mệt nhọc nên đôi lúc ông cũng không khỏi ấm ức, nhưng sau này mới thầm cảm ơn thầy đã ngấm ngầm truyền dạy để đôi tay của ông càng ngày càng rắn chắc hơn.

Thầy còn yêu cầu ông chỉ được dùng tay chân để làm ngã những cây chuối sứ khổng lồ trên rừng. Chuối được giao đánh ngã ở đây chính là những cây “chuối mẹ” mọc ở trong rừng hoang với đường kính khoảng 40 – 50cm, mỗi cây “đẻ” ra cả trăm cây con và “mẹ con” chiếm một khu đất to bằng nguyên một ngôi nhà lớn.

Ông Bằng kể: “Do không ai chăm sóc, những lớp bên ngoài vỏ những cây chuối này rất dày và dai lắm. Tôi phải tập luyện rất gian khổ, vừa đấm bằng tay và đạp bằng chân đến sưng tấy mà phải hai năm trời rèn luyện liên tục mới làm cho cây chuối ngã được!”.

Cũng chính nhờ ông Bằng kiên trì tập luyện, tiếp cận nhanh những đòn thế và vượt qua được nhiều thử thách trong suốt 3 năm ở Quảng Tây, thầy Quan Bản Thục quyết định truyền cho ông nhiều bài võ độc đáo, sau đó trao ông Bằng quyền đứng lớp những lúc thầy bận việc.

ĐÀO TẠO NHỮNG HỌC TRÒ GIỎI

Trong 7 năm ở xứ người, ông Bằng còn tự tìm thêm những bí quyết võ công của các môn phái khác nữa nên khi về nước mở lớp dạy võ được giới trẻ ở quê mình và các tỉnh miền Bắc theo học rất đông.

Cuối tháng 9/1975, võ sư Phạm Văn Bằng vào TP.HCM sinh sống và tiếp tục đào tạo nhiều môn sinh đủ các thành phần đến học như công an, bộ đội, dân quân tự vệ, sinh viên học sinh… Năm 1982, do yêu cầu phát triển và hội nhập, võ sư Phạm Văn Bằng đã sáng lập ra môn phái TL-BLH và trở thành Chưởng môn đầu tiên của môn phái này.

anh-2

Võ sư Chưởng môn sáng lập môn phái TL-BLH Phạm Văn Bằng

Đến nay, môn phái TL-BLH đã đào tạo được 12 võ sư và 20 chuẩn võ sư trong đó nổi bật có các võ sư: Nguyễn Tiến Khoát (hiện là Phó Giám đốc Trại giam Bình Dương), Nguyễn Quốc Bảo (Chi hội phó Võ cổ truyền Thị xã Dĩ An, Bình Dương), Nguyễn Văn Khoa (Chi hội trưởng Võ cổ truyền Q. Bình Thạnh, TP.HCM), Nguyễn Văn Thái (Phó Giám đốc Công ty TNHH VINA Xanh), Nguyễn Chiến Thắng (Luật sư)…

Những học trò có nhiều thành tích do chính đích thân Chưởng môn sáng lập Phạm Văn Bằng đào tạo là Nguyễn Thị Kim Ngân (học võ từ năm 3 tuổi, 7 năm liền đoạt HCV toàn quốc (2004 – 2010) nội dung biểu diễn Quyền và Binh khí, hiện là Kỹ sư Kinh tế, HLV quốc gia cao cấp và đang mở lớp dạy tại Q. Bình Thạnh).

Riêng hai võ sư Nguyễn Quốc Bảo và Nguyễn Văn Khoa cùng đoạt HCV toàn quốc nội dung Đấu luyện tay không chống lại binh khí năm 2000 được người hâm mộ phong danh hiệu “Song hùng kỳ hiệp”… Những võ sư trên được tung đi đến 40 điểm tập trên toàn quốc (trên 2.000 võ sinh, đông nhất ở tỉnh Bình Dương, các quận Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức ở TP.HCM ) để tiếp tục đào luyện những học trò giỏi khác của môn phái.

anh-3

Thi đấu đối kháng

Nhờ tập luyện gian khổ từ lúc nhỏ, đến nay dù tuổi đã gần 70, Võ sư Phạm Văn Bằng vẫn rất khỏe khi thực hiện những đòn thế khó, chuyên chú khổ luyện bài Ngũ chảo công với động tác hít đất trên 10 đầu ngón tay.

Ông cho biết: “Độc đáo nhất của môn phái TL-BLH là chú tâm luyện quyền pháp; đôi tay và đôi chân của mình giống như một hàng rào, nếu không có động tác kín thì khó bảo vệ mảnh vườn thân thể lắm. Người học võ cần chú ý rèn luyện 4 tố chất: nhanh, mạnh, bền và chính xác, phải tập sao cho được trình độ cao để có thể hóa giải chính xác những đòn thế hiểm độc của đối thủ”.

anh-4

Những mầm non quý giá của môn phái Thiếu Lâm – Bằng Long Hải.

Chuẩn võ sư Nguyễn Cao Cường (doanh nhân tại TP.HCM) tâm sự: “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có ước mơ trở thành một người văn võ toàn tài như các anh hùng trong lịch sử giữ nước.

Được gia đình cho phép, tôi đã đi tìm các danh sư có tiếng trong làng võ cổ truyền để trau dồi võ học, sau cùng có duyên được võ sư Phạm Văn Bằng trực tiếp thu nhận và giảng dạy lâu dài. Những môn sinh của thầy đều cho rằng thầy là một người sống rất tình cảm, võ công cao cường và tinh thần thượng võ của thầy là kim chỉ nam của chúng tôi trên con đường phát triển niềm yêu thích võ thuật của mình”.

anh-5

Đông đảo phụ huynh hào hứng xem con em mình luyện võ Thiếu Lâm – Bằng Long Hải.

Điều đáng vui mừng là trong đội ngũ môn sinh của môn phái TL-BLH còn có rất đông các b thiếu nhi được cha mẹ cho tập võ ngay từ khi còn rất nhỏ. Ở buổi tập tại chùa Pháp Vân (Q. Tân Phú, TP.HCM) trong tháng 10/2016, chúng tôi thấy có nhiều b thể hiện các bài quyền rất tốt như Trần Khải Minh (7 tuổi với bài Quyền căn bản, học võ từ lúc 4 tuổi khi đang học lớp chồi).

Còn Nguyễn Thị Quyên (10 tuổi, đang là học sinh giỏi lớp 5 , biểu diễn rất thuần thục bài Nhị thập quyền môn) thì phấn khởi nói: “Nhờ được tập võ sớm nên cháu thấy luôn được khỏe mạnh để học tập tốt mà còn tham gia nhiều hoạt động khác trong trường”.

Bài và ảnh: CHU NGỌC