Ông Nguyễn Lộc sinh ngày 08 tháng 4 năm Nhâm Tý ( 24-5-1912 ) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây). Ông là trưởng nam trong một gia đình có 5 anh chị em (3 trai và 2 gái). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa.
Ông lớn lên trong thảm cảnh mất nước, giữa lúc các phong trào cách mạng và phóng đảng đang phát triển trên đất nước. Ông phê phán và lên án gắt gao dã tâm của bọn thực dân, và Ông quan niệm muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chỗ thành tựu, cần phải gây cho thanh niên một tinh thần dân tộc, một ý thức học tập tu dưỡng, một ý chí quật cường, một nghị lực quả cảm, song song với một thân thể khỏe mạnh, vững chắc, có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ hữu hiệu.
Mang hoài bão lớn lao ấy, nên ngoài việc trau giồi học vấn và đạo đức, Ông còn nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, luyện tập nhiều môn võ thuật khác nhau. Ông nhận thấy môn võ nào cũng có những ưu điểm, đặc điểm riêng, song với thể tạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt, nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi thì khó đạt được kết quả như ý. Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại.
Với luận cứ đó, ông Nguyễn Lộc đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ môn Võ và Vật cổ truyền Việt Nam đến việc phối hợp, thái dụng các tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo thành một môn phái riêng, đặt tên là VOVINAM. Năm 1938, cuộc nghiên cứu hoàn tất. Ông đem VOVINAM ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi để thể nghiệm môn võ mới do mình sáng tạo.
Hơn một năm sau, mùa thu 1939, Ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Hội Thân Hữu Thể Dục mời Ông cộng tác, tổ chức những lớp võ cho thanh niên Hà Nội. Lớp đầu tiên được khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại trường sư phạm Hà Nội.
Năm 1945, Ông Nguyễn Lộc lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh là con của cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ. Sau 15 năm chung sống, ông bà Nguyễn Lộc có được 9 người con (3 trai và 6 gái).
Năm 1954, Ông cùng một số môn đệ tâm huyết di cư vào Nam và mở trường dạy Vovinam tại đường Thủ Khoa Huân Sài Gòn và một số nơi khác.
Ông Nguyễn Lộc mất ngày mùng 4 tháng 4 năm Canh Tý (29 / 04 / 1960) tại Sài Gòn, sau khi ủy thác quyền lãnh đạo môn phái cho người môn đồ tâm huyết là Võ sư Lê Sáng, Chưởng môn Vovinam. Hiện nay di cốt của Cố Võ Sư Sáng Tổ được bảo quản tại Tổ đường Môn phái số 31 đường Sư Vạn Hạnh, Phường 3, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt cuộc đời tận tụy, hy sinh để góp phần xây dựng môn võ đạo dân tộc Việt Nam , Ông đã để lại một sự nghiệp võ học lớn lao cho các môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo sau nầy. Hàng năm, những môn đồ kế nghiệp từ bốn phương trời hướng về ngày giổ Ông – bậc Thầy của một môn phái võ đạo dân tộc - đốt nén hương tưởng niệm, đặt bàn tay thép lên trái tim từ ái, cùng cúi đầu, thầm nhắc nhở : không ngừng rèn luyện thân thể, gắng công luyện tập võ thuật và trau giồi tinh thần võ đạo để phát triển Môn Phái ngày càng vững mạnh, trường tồn góp phần minh danh dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhân loại.