Tại sao Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc chưa viết một quyển sách dạy Vovinam ?

Mùa tưởng niệm Cố võ sư Nguyễn Lộc, Sáng tổ môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đã cận kề. Mới đó thôi mà đã 57 năm ngày tôn sư trở về với linh hồn trắng trong của người-thực-người.

Đọc lại từng trang sách của quý thân hữu và các vị võ sư cao niên viết về người, tôi cảm phục biết bao trí tuệ vượt thời gian và cái “đạo” mà tôn sư đã đặt nền móng.
 
Một buổi chiều năm 2015, tôi được một người anh em cựu môn sinh tặng cho Quyển sách viết về Sáng tổ Nguyễn Lộc. Sách tập hợp những ghi chép, lời kể của các võ sư cao niên & quý thân hữu, những người kề cạnh sáng tổ lúc cuối đời. Trong đó, có phần ghi chép của Bác sĩ Đàm Quang Thiện mà tôi cực kỳ tâm đắc với tựa đề “Tại sao Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc chưa viết một quyển sách dạy Vovinam?”. “Bao nhiêu tài liệu sưu tập trong nhiều năm, đã bị anh đốt hết trong một lần xúc động!” – Bác sĩ Đàm Quang Thiện viết.
 
Tôi trích đoạn phần này để bạn và tôi cùng chậm rãi nhâm nhi từng câu chữ để hiểu hơn về tinh thần của tôn sư:
 
“…
 
Biết bao lần, thân cũng như sơ, những người quen biết Anh, và hiểu rõ giá trị của Vovinam với đồng bào đã yêu cầu anh viết thành sách dạy Vovinam. Luôn luôn bên cạnh Anh, tôi đã chứng kiến từng thời kỳ của việc sáng tạo Vovinam từ lúc hạt giống đầu tiên mới gieo vào đất tốt; trải qua bao nhiêu công vun bón bằng đủ các khóa: gần, thì như những khoa Võ Ta, Võ Tàu, Võ Nhật, Võ Anh v.v… xa, thì như khoa Giải Phẫu, Sinh Lý, Tâm Lý, Cứu Thương v.v… đến thời kỳ nảy mầm, phát nhánh, kết nụ, khai hoa, trổ trái. Rồi quảng bá khắp Bắc, Trung, Nam với tốc độ và sự hoan nghênh nhiệt liệt, như những tràng pháo tay nổ tóe sáng giữa đêm giao thừa tối đen như mực, khi kháng chiến còn ở thời kỳ du kích; như những tràng pháo nổ đỏ trời đất, sáng mồng một đầu xuân, trong thiều quang rực rỡ, khi kháng chiến đã chuyển sang thế trúc chẻ ngói tan… Được chứng kiến công phu thai nghén cực nhọc, kéo dài trên dưới hai mươi năm trời mới hoàn thành sự sinh hạ ra Vovinam, tôi cũng có mặt trong số những người đã yêu cầu Anh viết thành sách dạy Vovinam.
 
Nhưng, Anh đã luôn luôn không chịu chấp thuận đề nghị của các bạn thân, cũng như của các môn đệ.
 
Có một độ, khoảng hai ba năm trước khi anh vĩnh biệt trần thế, anh đã thu thập tất cả giấy tờ, có ghi các tìm tòi, so sánh, thí nghiệm, phân tích, tổng bước tiến triển của Vovinam từ lúc mới là một hạt giống lý tưởng trong lý tưởng hoạt động của Anh, đến ngày mà đương tuổi hoa niên, Anh đã thành một phái chủ tĩnh tọa theo dõi các môn đệ tiếp tục hoạt động sống khỏe, sống mạnh, sống động luôn luôn xung phong trên những con đường chưa có vết chân của người đi trước, sống không mặc cảm, sống với tin tưởng mãnh liệt và tuyệt đối ở tương lai xán lạn của dòng giống Lạc Việt, mà mình lấy làm vinh hạnh là một phần tử:
 
Tính ngang tàng noi gương Thượng Trứ,
Thói ngông nghênh học nết Tú Xương.
Nhưng, đến lúc phải đứng giữa sa trường,
Thì dòng máu Hưng Đạo Đại Vương
Sôi lửa hận!
Thì Mông Cổ, với Đế Quốc mênh mông vô tận,
Có nghĩa gì đâu?
Thì Thoát Hoan, với trăm vạn kỵ binh, từng dẫm nát cả châu Á lẫn châu Âu,
Có nghĩa gì đâu?
Tiếng Hịch âm vang truyền quyết liệt,
Thế là tất cả thành quỷ không đầu,
Trên Đất Việt!
 
Thế rồi, giữa lúc tôi tưởng là Anh đã đổi ý kiến, đã chịu xếp đặt các tài liệu, để biên soạn thành sách dạy Vovinam, thì anh đã bật lửa đốt hết! Trước sự sửng sốt của tôi, Anh chậm rãi thuyết phục tôi:
 
<< Bạn ơi, nếu trong đời sống của chúng ta, chúng ta có thể làm được cái gì lợi ích, bất cứ về phương diện nào, cho Gia đình, cho Tổ quốc, cho Nhân loại thì chúng ta nên hết sức mà làm, chịu đựng mọi thử thách mà làm. Nhưng, theo thiển kiến của tôi, chúng ta không bao giờ nên có ý định đặt những sáng kiến của chúng ta, những sản phẩm của chúng ta thành quy tắc bất di bất dịch, để người đồng thời và hậu thế phải theo. Vì làm như thế là ghìm đà tiến bộ của hậu sinh lại.
 
Trên dưới hai mươi nhăm thế kỷ, nhân loại – nói cho chính xác hơn, bọn “Tống-Nho” Tây cũng như Đông đã đặt những sáng kiến của Khổng Tổ và Aristote thành “khuôn vàng thước ngọc”, bắt hậu thế phải quy theo. Nếu tất cả người Đông Phương đếu thành Khổng Tử, tất cả người Tây Phương đều thành Aristote, thì Nhân loại mới đạt đến mức mà Khổng Tử và Aristote đã đạt được cách đây 2.500 năm. Vậy tiến bộ ở chỗ nào?
Theo thiển kiến của tôi, những thứ thật có giá trị, thì không cần viết và in thành sách mới truyền lại thiên thu. Hiến pháp của Anh quốc có bao giờ được in mực đen trên giấy trắng đâu? Những dân phong quốc tục của mọi quốc gia, có cần ai viết thành sách để giảng dạy cho hậu thế đâu, sao quốc dân vẫn theo đúng từng chi tiết? Lại còn phong dao, tục ngữ, được truyền tụng trước rồi các văn nhân mới sưu tầm in thành sách sau, thế sao vẫn ở cửa miệng mọi người?
 
Bạn ơi, nếu Vovinam của tôi mà có chân giá trị, thì mặc dầu tôi không viết thành sách, bạn cũng đừng lo nó bị thất truyền. Nó sẽ thấm nhuần vào tận tâm khảm môn sinh, vào mỗi sợi cơ của thân thể môn sinh; nó sẽ thành một phần của thể chất, cũng như tâm hồn của môn sinh; nó sẽ được khắc vào các “sinh: gènes” của một “nhiễm thể: chromosome” nào đó, của các tế bào cơ thể người Việt Nam. Và, như thế, và chỉ có như thế, nó mới có hy vọng được truyền lại thế hệ nọ đến thế hệ kia, mà không bao giờ cần phải viết ra thành sách giáo khoa cả.”
 
Tôi đã hoàn toàn bị Võ sư thuyết phục. Và, tôi cũng đã thấy cái cao vọng của Võ sư vượt thật xa cái tham vọng của đại đa số, nếu không phải là tất cả: Những sáng tạo gia trong mọi địa hạt. Cái cao vọng ấy chỉ có thể là một hệ sinh của một tinh thần quốc gia đã đến tuyệt độ.
 
….”
 
Tôi nghĩ, khi đọc đến đây, bạn cũng như tôi, cháy hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết, sống dấn thân hiến ích; ngọn lửa đó có sẵn trong chính bạn và tôi, ngay cả khi nó không mang tên “Vovinam Việt Võ Đạo”.
 
Khi nào còn hơi thở, khi đó có con đường
 
Vovinam Việt Võ Đạo không nổi bật bởi các đòn thế tuyệt kỹ, mà ở cái “đạo” của Việt Võ Đạo Sinh. Đồng tâm nhất trí, kính trên, nhường dưới, thương mến đồng đạo; hay Sống trong sạch, trung thực, giản dị và cao thượng. Bất kỳ nơi nào hiện diện bộ võ phục màu xanh đại dương, nơi đó có những người Việt Võ Đạo Sinh người-thực-người như vậy. Thầy tôi từng dạy, đích đến chỉ là quán trọ ven đường, đối với người luyện võ, con đường mới là quan trọng. Con đường là cách mà chúng ta chạm đến từng cái đích và VƯỢT QUA nó. Đó mới là Đạo của Vovinam Việt Võ Đạo.
 
Người luyện võ không được phép bằng lòng với thực tại. Như thế không chỉ dậm chân tại chỗ, mà còn bước lùi về quá khứ.
 
Nguyễn Tiến Khoa – CLB Vạn Hạnh
Trích dẫn từ Sách Vovinam Việt Võ Đạo – Sáng tổ Nguyễn Lộc
Mùa tưởng niệm lần thứ 57, Cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (1960 – 2017)