Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, thân phụ làm quan đến chức lãnh binh. Thuở nhỏ ông được phụ thân truyền thụ võ công. Là một cậu bé tư chất thông minh, ông sớm xuất lộ một tài năng xuất chúng, chẳng bao lâu đã tiếp thu được cái sở học của thân phụ và nổi tiếng là một thanh niên tinh thông võ nghệ.
Dạo đó, người Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt nối liền thủ phủ tỉnh Vân Nam là Côn Minh với cảng Hải Phòng, biến Hải Phòng thành một ngõ ra biển cho các sản phẩm của vùng đất Vân Nam trù phú này. Mặt khác, với những người trẻ VN đam mê võ thuật thì Trung Hoa vốn là đất nổi tiếng với các bậc kỳ tài trong giới võ lâm, những quyền sư cái thế như Dương Trừng Phủ, Hoàng Phi Hồng…
Rất nhiều chàng trai Việt đã lên đường theo ngả Vân Nam tầm sư học đạo. Chàng trai trẻ Lê Bái là một người trong số họ. Làm thân trai trong thời ly loạn, Lê Bái đã sớm nhận thức được mình không thể kế tục binh nghiệp của thân phụ, anh bèn xin vào làm nhân viên Sở Hỏa xa tại thủ phủ tỉnh Vân Nam để tìm cơ hội trau dồi võ nghệ.
Thời may, có người mách bảo ở Phước Kiến có một vị võ quan, giữ chức giáo đầu, nổi tiếng là bậc danh sư. Chàng liền xin nghỉ việc, lên đường ra miệt Phước Kiến tìm đến nhà tướng quân họ Lý. Vốn là một võ sư lão luyện giang hồ, Lý quân chỉ cần thoáng qua nhận ra nơi chàng trai Việt những tố chất hơn người. Trước khi thu nhận chàng làm đệ tử, Lý Quân vui lòng cho phép Lê Bái lãnh giáo một vài chiêu mở rộng tầm mắt.
Hết sức tự tin, Lê Bái nhảy tới xuất chiêu “Hắc hổ xuyên tâm” dùng ngũ trảo chộp vào ngực vị quyền sư. Chàng định bụng nếu Lý quân dùng tay đỡ gạt thì lập tức sẽ đạp lên chân đối thủ, đồng thời lách người đánh tiếp đòn “Thanh xà nhập động” vốn là ngón sở trường lâu nay của mình.
Không ngờ, thoắt cái Lý quân ngã người ra sau, xuống tấn chân trái, xoay người dùng tay trái vuốt theo cánh tay ra đòn của Lê Bái và nắm lấy tay áo đối thủ kéo tới trước. Đồng thời ông dùng chân phải quét một thức tảo địa vào chân trái của đối phương khiến Lê Bái văng xa mấy trượng, tay chân trầy trụa, rướm máu.
Lý phu nhân thấy vậy liền lật đật chạy ra đỡ Lê Bái vào nhà chăm sóc. Từ đó, Bái lạy Lý quân làm sư phụ và được hai ông bà nhận làm con nuôi ở luôn trong nhà. Lê Bái được hai vợ chồng quyền sư họ Lý hết lòng dạy bảo. Chàng cũng kết tình thâm giao với người con trai của hai ông bà, vốn đồng trang lứa với chàng. Thấm thoát đã ba năm trôi qua, vừa tài trí hơn người vừa khổ công tu luyện, lại được sự tận tình truyền thụ của hai vợ chồng họ Lý, và sự chỉ giáo của những bậc quyền sư giao du với Lý quân nên Lê Bái trở thành một tay cao thủ lừng danh vùng Phước Kiến.
Thế rồi một buổi chiều, sau giờ luyện công, Lý quân gọi Lê Bái vào, nói:- Võ công của ta chỉ có bấy nhiêu. Ta đã truyền hết bí quyết của ta cho con. Ta cảm thấy hài lòng vì con đã phần nào công thành danh toại. Nhưng biển học mênh mông, rừng võ điệp trùng, con còn phải tiến xa hơn nữa…
Ông đến bên bàn tứ bửu, cầm phong thư đưa cho Lê Bái:- Con hãy trở lại Vân Nam tìm trao cho ông Triệu Quang Chảo. Ông là bạn chí cốt của ta nhưng so về võ nghệ thì ta chỉ là hàng hậu bối thôi. Ông ta là bậc danh gia của phái Thiếu Lâm.
Ý thầy đã quyết, Lê Bái bèn ngậm ngùi bái tạ sư phụ, sư mẫu để trở lại Côn Minh.Kể từ dạo đó, bước chân giang hồ phiêu lãng của danh sư họ Triệu luôn có chàng trai đất Việt dõi theo. Lê Bái miệt mài theo thầy học đạo cho mãi đến năm 1918 thì trở lại quê nhà.
Như tất cả những ai đã từng bôn ba nơi đất khách quê người, dày công tu luyện đến công thành danh toại, ông Lê Bái ôm ấp hoài bão đem sở học ra truyền lại cho tuổi trẻ đất nước. Nhà đương cuộc Pháp lúc bấy giờ không cho phép mở trường dạy võ, không cho các hội võ hoạt động. Để phổ biến tuyệt nghệ của mình, các bậc danh sư, các tay cao thủ chỉ còn cách trở thành gia sư hay ẩn mình trong các bang hội của người Hoa, hoặc nơi thâm sơn cùng cốc, hoặc sống đời lang bạt kỳ hồ rày đây mai đó.
Ông Lê Bái do sinh trưởng trong một gia đình danh gia quyền quí không phải lo chuyện miếng cơm manh áo, mà còn nuôi học trò trong nhà mình. Tính ông hào phóng và cương trực, giao du rộng rãi và nghiêm khắc với học trò. Ông cũng rất thận trọng trong việc truyền thụ võ công. Thời gian theo các vị thầy ở vùng Hoa Nam, ông đã học được ngón tuyệt kỹ điểm huyệt. Theo lời kể của đại sư Vũ Bá Oai, cao đồ và là con nuôi của ông, ông nói chỉ dạy tuyệt nghệ này cho đệ tử nào đạo đức hơn người và đã thành thân, yên bề gia thất.
Không may ông đã sớm thất lộc, chính vì lý do đó mà ngón tuyệt kỹ này đã bị thất truyền, không được lưu lại trong di sản võ học của cụ Hàn Bái. Trong suốt 10 năm hành hiệp giang hồ và chấn hưng võ đạo, ông đã lập được nhiều kỳ công nên được người đương thời xưng tụng là Hàn Bái. Và khi ông đã ra người thiên cổ thì hậu thế đã tôn ông là một bậc tôn sư của võ lâm, liệt ông vào hàng “Tam Nhật” cùng với ông Ba Cát và Bảy Mùa cũng là hai đệ tử của quyền sư Triệu Quang Chảo.
Ông mất ngày mồng 6-3-1928, hưởng dương 40 tuổi.