Ông Hương mục Ngạc cư ngụ tại An Vinh, huyện Bình Khê (Tây Sơn ngày nay).
Thuộc dòng họ có võ nghệ. Tổ tổ cô của ông là sư phụ của bà Bùi Thị Xuân. Bà này nghe tiếng bà Xuân và tự thân đến gặp để đêm đêm truyền thụ võ nghệ. Dạy học trò mà không cho biết tên tuổi, quê quán. Đến khi gần chết, trong lúc chia tay cũng vẫn giữ hành tung bí mật.
Vốn truyền thống con nhà võ, nên ông Hương mục Ngạc đã ham mê võ nghệ ngay từ thuở niên thiếu. Sống trong thôn An Vinh vốn đã nổi tiếng giỏi về quyền, nhờ gia đình có truyền thống về võ nghệ, nên ông luyện tập võ nghệ rất có căn bản.
Nghe đồn tại Kiến Hàng có ông Khách Bút giỏi võ. Nhất là sự kiện chợ Gò lại làm ông nổi tiếng khắp nơi. Ông Hương mục Ngạc khăn gói xuống Kiến Hàng xin bái sư học tập. Ban đầu, ông Khách Bút từ chối, song trước tấm lòng thành khẩn của ông Hương mục Ngạc, ông Khách Bút tạm thời chấp nhận cho ở trọ lại vài hôm để khảo sát võ nghệ và đức tính con người.
Sau khi biết rõ về gia thế và nhìn người thanh niên biểu diễn quyền cước, ông Khách Bút lấy làm ưng ý và nhận làm học trò. Đồng thời, ông Khách Bút cũng nhận thêm một học trò nữa cũng cùng thôn An Vinh. Đó là ông Năm Nghĩa. Hai người học trò có hai tư chất khác nhau, nên ông Khách Bút chú tâm luyện cho mỗi người một chuyên biệt võ công.
Ông Hương mục Ngạc vốn đã rèn luyện về môn quyền, nên được thầy chuyên tâm hướng dẫn về quyền. Co nên sau này, ông Hương mục Ngạc nổi tiếng về quyền và làm cho thôn An Vinh vang danh về quyền:
Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh
Ông Năm Nghĩa thì người mảnh khảnh nhưng vóc cao, nên được rèn luyện về roi. Ông chuyên về trường tiên và trung bình tiên. Sau này ông truyền lại cho ông Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền các thế nổi danh về roi.
Ông Hương mục Ngạc sanh được ba người con, hai trai một gái (thật ra là tám người song ba còn sống).
Vì là con dòng võ, nên ngay từ thuở nhỏ, ba anh em được cha tận tình rèn luyện, nên sau này ba anh em đều nổi tiếng. Đó là Bảy Lụt, Tấm Cảng và Chín Giác.
Góa vợ sớm, nhưng ông không tục huyền và dành tất cả thời gian để dạy dỗ cho ba con. Đồng thời, ông cũng dạy nhiều học trò. Có nhiều người nổi tiếng như Hai Tửu là một.
Thôn An Vinh chẳng những nổi tiếng về giỏi võ trong huyện Bình Khê mà còn lan rộng ra khắp tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận.
Mỗi khi tỉnh Bình Định tổ chức một cuộc đấu võ đài nhân dịp lễ lộc hay tết nhất thì chính quyền thường mời ông Hương mục Ngạc đứng ra tổ chức. Một phần là nhờ ở uy danh ông Hương mục Ngạc, một phần ở chỗ ông Ngạc có bạn bè, học trò rất nhiều, nên sẽ đông người tham dự và nhất là không có sự phá phách làm rối trật tự trong các buổi giao đấu.
Cuộc đời ông Hương mục Ngạc tuy không để lại cho đời những mẫu chuyện võ lâm gay cấn hay huyền thoại ly kỳ, song ông đã có công dạy dỗ con cái thành danh, học trò nổi tiếng và nhất là hầu hết thanh niên thôn An Vinh phần nhiều đều biết võ nghệ và là học trò của ông.
Trong nghiệp võ, ông chưa hề để lại một điều ân hận nào. Người dân thôn An Vinh khi nhắc đến tên ông Hương mục Ngạc đều một niềm thánh kính, tuy ông không phải là tổ sư phái võ An Vinh, song cũng là một bậc tôn sư đầy khả năng và đức độ.
Riêng về ông Năm Nghĩa thì sống một cuộc đời thầm lặng của một nông dân, tuy thân mình mang nhiều tài ba võ nghệ.
Hai ông tham gia vào việc yểm trợ cho đồng bào chống thuế năm 1908, song hai ông vẫn coi đó là một nghĩa vụ góp phần vào đại cuộc chớ không phải là một thành tích đáng ghi. Tuy nhiên, người dân An Vinh cũng như nhân dân Bình Định vẫn ghi nhớ mãi trong lòng.