Năm 1924, làng võ Bình Định xuất hiện thêm một dòng võ mới đó là quyền Tàu. Người sáng lập ra dòng võ này là Tàu Sáu, tên thật là Diệp Trường Phát, sinh năm 1896 tại An Thái.
Tuy là người Trung Quốc nhưng gia đình Diệp Trường Phát sinh sống ở An Thái đã được mấy đời.
Ông sinh trưởng tại Việt Nam, song theo tục lệ Trung Quốc, năm lên mười ông được đưa về Trung Quốc học văn lẫn võ trong năm năm. Ông nói tiếng Việt rành rỗi như một người dân Việt. Võ nghệ giỏi, văn chương lại tinh thông, hợp với tính tình đôn hậu nên bạn bè của ông có khắp nơi trong tỉnh.
Cùng với họ Quách, họ Diệp là hai họ đầu tiên gây dựng nên thôn An Thái và tổ chức thành một nơi thị tứ. Hai họ rất thân với nhau. Sau khi họ Quách dời lên thôn Thuận Nghĩa, hai bên vẫn thường xuyên qua lại thân tình với Quách Trường Xuyên và Quách Trường Sa, tuy hai anh b họ Quách thuộc vào hàng con cháu.
Hầu hết các trai tráng trong làng đều học võ nơi ông. Tuy nhiên, ông không chuyên tâm huấn luyện một ai để trở thành truyền nhân của ông. Ngoại trừ người con trai.
Ông Tàu Sáu giỏi về quyền cước. Bởi vậy, ở Bình Định có câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hoặc “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”, vì tại An Thái có võ sư Diệp Trường Phát, ở An Vinh có gia đình ông Hương Mục Ngạc. Cho nên dùng câu nào cũng được.
Trong những năm ở Trung Quốc, ông theo học võ Thiếu lâm. Gần đây có người ghép ông là ông tổ phái võ Tây Sơn. Chuyện này không được chính xác. Vì tổ tiên của ông không có liên hệ gì với nhà Tây Sơn và chính ông cũng thừa nhận ông thuộc môn phái Thiếu lâm.
Ông không bao giờ đấu võ ở các nơi. Khi phải giao đấu với Hai Tửu là sự chẳng đặng đừng. Một là cho Hai Tửu một bài học, hai là chứng tỏ tài nghệ của mình. Tuy là một võ sư danh tiếng mà thái độ ôn tồn nhã nhặn như một văn nhân. Nhìn qua, không ai ngờ là người đã từng đánh ngã một lần mười người đàn ông mạnh khỏe.
Sau đây là mẩu đối thoại giữa ông và Quách Trường Xuyên:
– Đối với tôi, nước Trung Hoa là cha, nước Việt Nam là mẹ. Chữ hiếu nặng cả hai vai.
Trường Xuyên hỏi:
– Võ Bình Định nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng đối với võ Tàu thì như thế nào?
Diệp Trường Phát đáp:
– Võ Bình Định gốc võ Tàu mà ra. Mà võ Tàu có nhiều môn phái. Truyền sang Việt Nam hầu hết là môn phái Thiếu lâm. Những võ sư sang Việt Nam có lắm người chưa học hết các môn trong môn phái. Rất ít người đã lãnh hội được môn bí truyền của bổn sư. Như thế những người Việt Nam học võ, thì làm sao sánh kịp những người học tận gốc.
– Lúc về Tàu, chắc chú thụ giáo được nhiều?
– Học suốt đời mà còn chưa tới chỗ vi diệu, huống hồ tôi chỉ học có mấy năm. Những gì trước kia tôi học được ở Việt Nam, khi về Tàu đều trở thành vô dụng mà còn có hại là khác. Những đường đi sai lâu ngày trở thành thói quen, thật khó cải tạo! Cho nên muốn học võ phải tìm thầy thiện nghệ chớ nếu học với những người thiếu căn bản chỉ biết “tròm trèm đôi miếng”, tục gọi là “thầy vườn” thì đừng học còn hơn. Chính những người thiếu căn bản, những ông thầy vườn lại là những người ưa khoe khoang, ưa đấm đá, làm mất uy danh của võ lâm nhiều lắm. Do đó tôi ít muốn nói về võ nghệ.
Diệp Trường Phát cũng giỏi về văn chương. Ông sở trường về thơ Nôm. Cũng như phần đông người làm thơ Đường Luật, họ Diệp bị ảnh hưởng lối thơ trực trần và thiên về lối tiểu xảo lấy việc đối chọi cân xứng, sít sao mà định giá trị của thơ.
Một năm nọ, họ Diệp ra Quảng Nghĩa chơi, nhân có người ra đề “Dạ Vịnh Bút Sơn thi”, ai muốn làm thơ chữ, thơ Nôm tùy thích. Phần đông người Việt và người Hoa làm thơ chữ Hán. Một mình họ Diệp là người Hoa lại làm thơ Việt. Ai nấy đều ngạc nhiên:
Dựng ngược giữa trời bút một cây
Chữ là hàng nhạn, chép là mây
Sao vì chấm hẳn từng câu rõ
Trăng cứ khuyên lần mấy chỗ hay
Nét mực nước chan nào có giậm
Cái ngòi gió thổi vẫn không lay
Nghìn thu cao ngất hình còn tạc
Tạo hóa vì ai khéo đắp xây
(Trích hồi ký Bóng ngày qua của Quách Tấn)
Ông cũng rất rành về môn hát bội. Giọng hát hay, lý thuyết giỏi và nghiên cứu rất tường tận các bản tuồng của các cụ Tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu và cụ Đào Tấn. Những buổi gặp gỡ bạn bè võ nghệ như Đoàn Phong, Trường Sa, các bạn lại ít bàn về võ nghệ mà lại làm thơ thù tạc và phân vai cùng hát một vài lớp Trầm hương các, Cổ thành hội, Ngũ hổ bình tây.
Ông mất vào năm 1963, mộ chôn tại quê hương An Thái.