Thượng đẳng thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Hơn 300 trăm nước, có một vị tướng của triều đình nhà Nguyễn đã lĩnh ấn tiên phong vượt ngàn dặm đường thiên lý tiến vào Phương Nam để xác lập chủ quyền cương giới quốc gia Đại Việt ở Đàng trong. Và khi sự nghiệp thành công, ông được lịch sử ghi nhận là người đã hoàn tất phần việc mở cõi còn lại nặng nề mà nhiều đời chúa Nguyễn trước đó vẫn chưa hoàn thành. Nhờ công lao của ông, ngày nay, giang sơn tổ quốc Việt Nam mới trải dài thênh thang từ trùng điệp núi non Lũng Cú - Hà Giang tới tận đất mũi Cà Mau xinh đẹp.
Vâng! Đó là Nguyễn Hữu Cảnh. Người mà lịch sử Đại Việt đã tạc ghi công trạng là bậc Đại khai quốc công thần trong việc mở mang bờ cõi Phương Nam. Có mặt ở mảnh đất Quảng Bình vào thời điểm kỉ niệm 310 năm hình thành xứ Đồng Nai - Sài Gòn và Nam Bộ, tôi muốn bắt đầu câu chuyện về dòng họ Nguyễn Hữu nổi tiếng trong lịch sử, mà Nguyễn Hữu Cảnh là nhân vật lỗi lạc bật nhất của dòng dõi khai quốc công thần ấy. Nhiều người con của quê hương Quảng Bình cùng tề tựu về đây, vừa để nhìn lại hành trình gian khó mở cõi Phương Nam của cha ông hàng thế kỉ trước, vừa thắp nén hương thành kính dâng lên Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Một người con không chỉ làm rạng danh cho đất Quảng Bình - nơi ông đang yên nghỉ ngàn thu, mà còn được người dân ở lục tỉnh Nam Bộ tôn kính bái vọng, xem như vị Thành hoàng làng.
Quảng Bình, nơi Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra, xưa nay vốn được xem là vùng đất "lửa" bởi gió lào và cát trắng. Thiên nhiên ở đây luôn khắc nghiệt, lịch sử luôn thăng trầm bể dâu đã góp phần hình thành nên tính cách kiên cường của con người Quảng Bình. Dù ở hoàn cảnh nào, thời nào, những con người ở đây cũng luôn bật dậy, không ngại gian khó mà vươn lên vững chãi.
Dòng sông Nhật Lệ chảy giữa eo đất hẹp nhất nước này đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ngay từ thời vua Lý Nhân Tông - năm 1063, rồi đến thời nhà Trần mà nổi bật là cuộc "hôn nhân lịch sử" giữa Huyền Trân Công chúa với Chiêm vương Chế Mân, tiếp thời vua Lê Thánh Tông, các cuộc xuất chinh mở cõi lớn lao của những triều đại phong kiến thịnh trị ở Việt Nam đều in dấu bên dòng Nhật Lệ huyền thoại này. Chính vì được lịch sử chọn làm phên dậu cho các cuộc mở cõi nên có lẽ trong tâm thế và hành động của những cư dân Quảng Bình thuở ấy luôn thổn thức về một dải đất đai ruột thịt trù phú ở phía Nam. Chẳng thế mà đến thời đất nước dù bị chia cắt bởi các cuộc giao tranh Trịnh - Nguyễn, nhưng các chúa Nguyễn vẫn luôn canh cánh về việc mở mang bờ cõi Phương Nam.
Từ hàng trăm năm qua, Quảng Bình luôn là điểm kết nối của lịch sử. Cuộc nam tiến mạnh mẽ của chúa Nguyễn Hoàng theo lời tiên tri của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt Hoành Sơn đèo ngang vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, đã biến dải đất này trở thành nơi dung thân muôn đời cho con dân Việt. Theo chân chúa Nguyễn Hoàng vào Nam thuở ấy, có một dòng họ vừa theo phò chúa, vừa cùng với chúa ấp ủ nghiệp lớn mở cõi. Đó là dòng họ Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn. Kế tục sự nghiệp sau này của ông là con trai Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật và các cháu nội. Trong đó Nguyễn Hữu Cảnh nổi lên là bậc tướng kiệt, nhiều lần lĩnh ấn tiên phong mở rộng cõi Nam.
Điểm dừng chân theo chúa Nguyễn đi lập nghiệp của dòng họ Nguyễn Triều Văn là ở huyện Phong Lộc - phủ Quảng Bình, nay là thôn Đại Phúc - xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh - tỉnh Quảng Bình. Nơi đây có núi Đầu Mâu "vươn cao nhọn hoắt", núi Thần Đinh "hiên ngang dáng trùm bốn trăm châu quận". Có dòng Kiến Giang đẹp nhất trong xứ, lại có Nhật Lệ "cồn cát mênh mông, chất cao sầm uất". Quả là nơi đất lành chim đậu cho một dòng dõi luôn hết mình vì sự nghiệp phò chúa, dựng xây đất nước.
Sinh năm Canh Dần 1650 tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tên thật của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Hữu Kính. Được nuôi dưỡng trong môi trường của một gia tộc tướng quốc giỏi về binh đao võ nghệ, Nguyễn Hữu Cảnh sớm được người cha là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Dật truyền dạy võ nghệ và rèn luyện binh pháp. Lúc này Nguyễn Hữu Dật cùng với Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Tiến là những vị tướng trụ cột của triều đình nhà Nguyễn, được giao phó xây dựng các hệ thống thành lũy ở Đồng Hới để ngăn chặn các cuộc tiến công của chúa Trịnh ở Phương Bắc. Là người sở tại nên Nguyễn Hữu Dật đã đóng góp nhiều kế sách quan trọng trong việc xây dựng, cũng như bảo vệ thành lũy và đẩy lùi các cuộc tiến công của chúa Trịnh trong hơn nửa thế kỷ. Biến hệ thống Lũy Thầy bên dòng Nhật Lệ trở thành bức tường vững chắc bảo vệ mặt Bắc của xứ Đàng Trong - giang sơn của chúa Nguyễn.
Lớn lên giữa chiến trường Quảng Bình đầy binh đao, loạn lạc bởi cuộc tranh giành quyền lực Đàng Trong và Đàng ngoài, Nguyễn Hữu Cảnh và các huynh đệ: Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Hữu Tín đã được tôi luyện và lần lượt gia nhập quân đội, chiến đấu dưới trướng của cha mình là Nguyễn Hữu Dật. Khác với anh trai Nguyễn Hữu Hào (sau này được phong là Hào Lương Hầu) vốn từ nhỏ đôn hậu, bộc lộ thiên bẩm năng khiếu văn chương, Nguyễn Hữu Cảnh lại đam mê võ nghệ, chọn con đường binh nghiệp.
Trong những câu chuyện dân gian và sử sách vẫn còn lưu truyền ở đền thờ Vĩnh An Hầu ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, ghi rằng: khi còn nhỏ Nguyễn Hữu Cảnh thường vào khu Vườn Dầu dưới chân núi An Mã - nơi cất dấu binh lương của người cha để rèn luyện võ nghệ và học binh pháp. Bằng niềm say mê võ học và công lao khổ luyện, ông đã sáng lập ra võ phái "Bạch Hổ sơn quân", góp phần làm cho nền võ thuật cổ truyền của Việt Nam thêm tinh hoa, phong phú. Hiện nay những chi phái của môn võ này vẫn còn được bảo lưu, truyền dạy tại nhiều võ đường ở Quảng Bình và ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nói đến địa thế phong thủy khu vườn Vườn Dầu dưới chân núi An Mã thuộc xã Trường Thủy huyện Lệ Thủy mà ngày nay là nơi an táng của Nguyễn Hữu Cảnh, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng trong một lần ghé thăm đã nhận xét: đây là vùng đất hội đủ những yếu tố: "tả thanh long, hữu bạch hổ, chi huyền thủy", đúng là nơi yên nghỉ của bậc đại công thần.
Chính vì được tôi luyện qua các cuộc chiến chống sự chinh phạt của chúa Trịnh, cùng với tài thao lược trên chiến trường mà dù mới ngoài 20 tuổi, Nguyễn Hữu Cảnh đã được binh tướng chúa Nguyễn suy tôn là Hổ tướng. Điều đó được thể hiện qua trận chiến năm 1672. Cục diện cuộc chiến năm đó lúc đầu có lợi cho chúa Trịnh. Với một lực lượng lớn, sau khi đánh chiếm một số đồn lũy phía Bắc, quân Trịnh tiếp tục bao vây đánh Lũy Trấn Ninh. Đang lúc chiến sự cấp bách, tình thế trên chiến trường không có lợi, chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho người đến tận chiến trường hỏi tình hình. Nguyễn Hữu Dật dâng biểu rằng "Thần ra sức cố giữ và phá giặc đền ơn nước, nếu có sơ suất để sinh chuyện lo, xin theo quân pháp trị tội". Trong phủ tướng lúc đó, các con trai của ông đều tỏ ái ngại, ra sức can ngăn cha, duy chỉ có Nguyễn Hữu Cảnh biết rõ quân cơ chỉ ngồi nhìn và mĩm cười. Chúa Nguyễn xem biểu rồi nói rằng "Nguyễn Hữu Dật từ ngày lên làm tướng đến nay, bày mưu định kế đánh đâu thắng đấy. Nay nghe lời nói này, ta không lo nữa".
Cũng vì sự tin tưởng tuyệt đối của chúa, Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Dật và 3 người con của mình, cùng với các tướng lĩnh khác đã chiến đấu hết mình, lần lượt đẩy lui nhiều cuộc tiến công của quân Trịnh. Cả gia đình trở thành những vị tướng bách chiến bách thắng nơi chiến trường Quảng Bình. Điển hình là trận chiến năm Nhâm Tý - 1672, một cuộc chiến có tính quyết định, 3 cha con Nguyễn Hữu Dật đã đánh bật quân Trịnh ra tới bắc sông Gianh, buộc Chúa Trịnh phải chấm dứt các cuộc chiến tranh với chúa Nguyễn trên đất Quảng Bình, chấp nhận lấy giới tuyến sông Gianh chia đất nước thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, có thể nói cha con Chưởng cơ Nguyễn Hữu Dật là những tướng quốc đi đầu, đóng góp nhiều công trạng lớn đối với việc giữ yên bờ cõi cương giới phía Bắc của các chúa Nguyễn. Chính yếu tố đó đã tạo tiền đề vững chắc để các chúa Nguyễn tiếp tục công cuộc mở rộng biên giới Đại Việt vào phía Nam vốn ấp ủ bấy lâu.
Dù sử sách đã ghi tạc công trạng oanh liệt của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Dật, tuy nhiên khi nhìn nấm mồ của ông và con trai Hào Văn Hầu Nguyễn Hữu Hào nằm lẽ bóng giữa ngọn đồi hoang vắng ở xã Vạn Ninh. Những nấm mồ không có văn bia ghi danh, cũng chẳng có nơi để thờ tự kính vọng, tôi không khỏi chạnh lòng, và chợt nghĩ liệu con cháu Nguyễn Hữu đã lãng quên hay chúng ta vẫn chưa có những nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về công trạng của vị tướng tài này.
Đất nước tuy đôi lúc lâm vào cảnh chia cắt, cát cứ. Những cuộc chiến trong hơn nữa thế kỉ thời Trịnh - Nguyễn cũng đã lấy đi xương máu của nhiều con dân chung dòng máu lạc hồng. Nhưng khách quan mà nói, nếu không có Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Dật và các con ông, cùng các tướng lĩnh khác chiến đấu giữ vững ở tuyến đầu Quảng Bình thì sự nghiệp mỡ mang bờ cõi của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong chắc gì đã hoàn thành. Không chỉ giúp chúa Nguyễn chống trả các cuộc xâm lấn của chúa Trịnh mà Nguyễn Hữu Dật còn mang khát vọng cả đời phò chúa dựng xây mở mang bờ cõi Đàng Trong thổi vào chí hướng của các con ông. Và không ai khác, Nguyễn Hữu Cảnh đã tiếp thu được tinh thần ấy của cha mình và dòng họ, để sau này khát vọng ấy trở thành động lực giúp ông làm nên những công trạng lớn lao, trở thành vị tướng luôn lĩnh ấn tiên phong đi khai phá mở mang bờ cõi. Nhờ thế mà sự nghiệp mở cõi của các chúa Nguyễn từ Thuận Hóa, Quảng Nam vào đến đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian từ thế kỉ 16 đến 18 đã hoàn thành to lớn. Và ngày nay, giang sơn Việt Nam đã rộng mở và tươi đẹp hơn. Quảng Bình là nơi khởi nghiệp của dòng họ danh tướng Nguyễn Hữu. Sự nghiệp và công trạng của dòng họ này còn tiếp tục phát triển rực rỡ trong các cuộc tiên phong mỡ cõi sau này. Quê hương qua những năm binh lửa là môi trường để vị tướng trẻ Nguyễn Hữu Cảnh rèn luyện võ nghệ, binh pháp và bản lĩnh. Quan trọng hơn, đó là cái nôi để chàng thanh niên này hấp thụ truyền thống quê hương, dòng tộc và ấp ủ nuôi dưỡng nghiệp lớn. Khi chiến tranh hai miền Nam - Bắc kết thúc, cùng với những công trạng đã lập được nơi chiến trường Quảng Bình, chúa Nguyễn Phúc Tần đã phong chức cai cơ cho Nguyễn Hữu Cảnh (một chức quan võ thuộc bậc cao), dù lúc này ông mới ngoài tuổi 20.
Năm 1692, chúa Hiển Tông Nguyễn Phước Chu giao cho Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh vào dẹp loạn dinh Bình Khương, lập trấn Thuận Thành, nay thuộc địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình thuận. Đây chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự nghiệp mở cõi của Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu phát triển. Kể từ đây, khí phách, tài thao lược tài ba của Hổ tướng Nguyễn Hữu Cảnh mới được vận dụng và phát triển rực rỡ, cùng những công trạng lập được sau đó đã đưa ông trở thành bậc Đại khai quốc công thần của triều đình nhà Nguyễn.
Sử chép rằng: Đến nữa cuối thế kỉ 17, cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn sau bảy lần chinh chiến đến sức cùng lực kiệt, cả hai vẫn chưa phân thắng bại nên đã quyết định lui quân, lấy sông Gianh - Quảng Bình làm định giới chia đất nước thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Cuộc chiến với Chúa Trịnh chưa yên, chúa Nguyễn ở Đàng Trong lại phải đối phó với sự quấy nhiễu của lân bang ở phía Nam.
Dãy núi Thạch Bi nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay. Gần 4 thế kỉ trở về trước, dãy núi này là ranh giới giữa Đại Việt và Hoa Anh thời vua Lê Thánh Tông. Dừng chân bên ngọn đèo Cả, dưới chân dãy núi Đại Lãnh, không ai không thể tự hào với những kí ức lịch sử hào hùng về 4 thế kỉ mở cõi và giữ nước của cha ông. Năm Quý Tỵ 1653, nhân sự kiện Bà Tấm xâm lấn phần đất Phú Yên, chúa Thái Tông Nguyễn Phúc Tần đã mang quân vượt núi Thạch Bi lấy vùng đất từ phía Đông sông Phan Rang trở ra để lập dinh Bình Khang gồm 2 phủ Thái Khang ở Ninh Hòa và phủ Diên Ninh ở Diên Khánh, giao cho cai cơ Hùng Lộc Hầu trấn giữ. Vùng đất ấy ngày nay là địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Lục tìm trong nhiều tài liệu lịch sử hiện hành, hầu như không thấy sách nào ghi lại việc Nguyễn Hữu Cảnh được phong làm cai cơ trấn thủ dinh Bình Khang vào năm nào. Nhưng gia phả dòng họ Nguyễn Hữu có chép cụ thể rằng: "lúc mới ngoài 20 tuổi ông đã được chúa Nguyễn phong chức cai cơ trấn thủ dinh Bình Khang". Như vậy, đối chiếu với năm sinh của ông, có thể nhận định rằng: vào khoảng thời gian giữa thập niên 70 đến 80 của thế kỉ 17, Nguyễn Hữu Cảnh từng tiếp quản công việc quân binh ở dinh Bình Khang.
Chưa được bao lâu sau khi phủ Thái Khang vừa yên dân, thì năm 1692, phủ Diên Ninh ở phía Nam bị đe dọa bởi sự kiện quấy phá của Kế Bà Tranh. Chúa Nguyễn Phúc Chu lại trọng dụng Nguyễn Hữu Cảnh bởi tài binh lược mà ông đã thừa kế từ người cha trong những năm binh lửa ở phòng lũy Quảng Bình. Một lần nữa, nắm quyền Thống binh, Nguyễn Hữu Cảnh lại định yên đất biên ải Diên Ninh, bắt Kế Bà Tranh về quy phục, tạo điều kiện cho chúa Nguyễn Phúc Chu lập trấn Thuận Thành ở phía Nam sông Phan Rang. Vùng đất ấy thuộc địa bàn hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.
Thực hiện chủ trương an dân của chúa Nguyễn, thống binh Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng tổ chức công cuộc khai thiết và bảo vệ vùng đất mới. Điều ông chú trọng nhất là việc xây dựng mối quan hệ hòa hảo với lân bang. Theo đề xuất của Nguyễn Hữu Cảnh, chúa Nguyễn Phúc Chu ngoài việc cử các quan lại triều đình, còn bổ nhiệm nhiều viên quan người Chăm đảm nhiệm một số chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính trên vùng đất mới.
Trấn Thuận Thành lúc bấy giờ có nhiều người Chăm sinh sống. Đây là cộng đồng có những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Điều đó được thể hiện qua các lễ hội dân gian, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng cùng với hệ thống di tích đền tháp uy nghiêm, hoành tráng. Công việc của Nguyễn Hữu Cảnh trong những ngày đầu tiếp quản vùng đất mới, đó là trên cơ sở được thụ hưởng nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ, ông đã tự mình làm chiếc cầu nối để kết hợp và dung hòa 2 nền văn hóa Đại Việt và Chăm Pa, xây dựng trấn Thuận Thành trở thành vùng đất phong phú về bản sắc văn hóa. Cũng chính từ công lao gắn kết buổi đầu của ông mà ngày nay, Ninh Thuận, Bình Thuận là vùng đất mang trong mình nhiều sắc thái văn hóa độc đáo nhất khu vực Nam Trung Bộ.
Chính từ việc ổn định được mối quan hệ và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, tạo sự phấn chấn trong lòng dân, nên việc xây dựng bộ máy chính quyền, phân chia làng, xã của Nguyễn Hữu Cảnh ở Trấn Thuận Thành mới gặp nhiều thuận lợi và thành công. Sau khi ổn định bộ máy hành chính, ông đã chỉ đạo quân sỹ xuống đồng giúp dân cày bừa, khai khẩn thêm đất đai, phát triển kinh tế. Theo truyền ngôn mà người già trong các làng Chăm ở huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận nghe kể lại, thì: "…Thuở ấy, quân lính của thống binh Nguyễn Hữu Cảnh rất thạo nghề nông. Mỗi khi rãnh việc binh, bất kì ở đâu họ đều phải tham gia việc đồng ruộng giúp dân ở đó..., khiến ai nấy đều an tâm làm lụng…". Với chính sách ôn hòa, lấy đại nghiệp lập quốc làm trọng, bằng lòng nhân đức hướng tới sự hòa đồng sắc tộc, Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thu phục được lòng dân ở trấn Thuận Thành.
Như vậy, vào những năm cuối thế kỉ 17, dù không phải là người đầu tiên, nhưng như lịch sử ghi nhận thì Nguyễn Hữu Cảnh chính là người đã có công lớn giúp chúa Nguyễn định giới xứ Đàng Trong về tận cực Nam Trung Bộ hiện nay. Không chỉ tỏ rõ nghệ thuật dùng binh của một vị tướng đã kinh qua nhiều trận mạc, ông còn là người giỏi cắt đặt công việc hành chính và tổ chức cuộc sống cho các cộng đồng dân cư. Chính vì lẽ đó mà sau này chúa Nguyễn Phúc Chu đã toàn tâm giao cho Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục làm Thống binh đi kinh lược xứ Đồng Nai - Gia Định, khai mở đất Phương Nam.
Đồng Nai - Gia Định cuối thế kỉ 17 là: "Nơi hoang vu, địa thế hãi hùng; dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um". Những hiện vật được tìm thấy rải rác trong lòng đất từ nhiều thập kỉ qua trên vùng đất này phần nào gợi lên hình bóng của những vương quốc cổ đã từng tồn tại và suy tàn trong quá khứ. Đâu đó, rải rác dọc theo các con sông lớn, những phế tích còn sót lại của các nền văn hóa Phù Nam, Java, Kam-pu-ja chen lẫn giữa cuộc sống của một số nhóm cư dân bản địa Khơ Me, Churu, Mạ. Những hình đó đã phần nào cho chúng ta thấy gương mặt của một vùng đất gần như vô chủ và hoang dại mà sách "Gia Định Thành Thông chí" của Trịnh Hoài Đức đã miêu tả: "Xứ ấy gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp vài trăm dặm…".
Cả một vùng đầm lầy rộng lớn hoang hóa từ nhiều thế kỉ trước chỉ thực sự thức dậy, trở thành xứ Đồng Nai - Gia Định sầm uất khi có dấu chân người Việt đến khai hoang, định cư. Lịch sử mở đất của Đại Việt ghi dấu trên vùng đất này được bắt đầu bằng cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vạn - con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên với vua Chân Lạp vào năm 1620. Sau sự kiện này mối bang giao hòa hảo Việt - Miên mới bắt đầu khởi sắc. Kể từ đó, các nhóm cư dân Việt bắt đầu di cư từ các dinh, phủ phía ngoài đến xứ Đồng Nai - Sài Côn để lập nghiệp. Theo "Việt Nam Sử lược" của Trần Trọng Kim, thuở ấy: "vùng đất này có lắm sông, nhiều ngòi, ruộng đất thì nhiều mà nước Nam ta thường hay mất mùa, đói khổ. Cuộc chiến Trịnh - Nguyễn diễn ra liên miên cho nên nhiều người bỏ vào khai khẩn, làm ruộng ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Biên Hòa (Đồng Nai)".
Năm 1679, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch là những tướng lưu vong của nhà Minh ở Trung Quốc vì không chịu làm tôi tớ cho nhà Thanh nên đã mang theo gia quyến và binh lính xuôi thuyền xuống phía Nam, vào cầu xin chúa Nguyễn được tá túc. Khi ấy, có người tấu trình, vùng Đông Phố (tức Đồng Nai - Gia Định) có đất đai màu mỡ, triều đình chưa rãnh để đi kinh lý, nên chúa Nguyễn đã cho họ vào định cư ở vùng đất này. Khi vào đây, số người Hoa lúc ấy với khoảng 3000 người đã chia thành 2 nhóm định cư tại Đồng Nai và Mỹ Tho.
Sự có mặt của người Hoa cùng với người Việt và các cộng đồng bản địa sinh sống trước đó đã góp phần làm cho vùng đất Đồng Nai - Gia Định ngày một trở nên đông đúc hơn. Với bản tính căn cơ trong sản xuất nông nghiệp của người Việt, kết hợp với truyền thống thương mại, giỏi buôn bán của người Hoa nên chỉ một thời gian ngắn, vùng đất Đồng Nai - Gia Định đã trở thành trung tâm kinh tế sầm uất, được mệnh danh là Nông Nại Đại Phố. Nhà cửa, phố, chợ mọc lên đông vui, nhộn nhịp. Có thể vì lẽ đó mà những thập niên cuối thế kỉ 17, vua Chân Lạp bắt đầu dòm ngó và quấy phá, gây tình hình bất ổn, ảnh hưởng đến việc an cư, lập nghiệp của các cộng đồng cư dân ở vùng đất Đông Phố. Nhân cớ đó, năm 1689, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã cử cai cơ Nguyễn Hữu Hào - anh trai của Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh vào dẹp loạn. Cuộc tiến binh của Nguyễn Hữu Hào năm ấy tuy đã ổn định được tình hình, bắt vua Chân Lạp là Nặc Thu hàng phục, nhưng điều quan trọng là vẫn chưa xác lập được chủ quyền lãnh thổ cho chúa Nguyễn ở vùng đất này. Chưa xác lập được chủ quyền lãnh thổ ở vùng đất Đồng Nai - Gia Định đồng nghĩa với ước nguyện mở rộng giang sơn vào đất phương Nam của Thái Tổ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng vẫn chưa hoàn thành. Tâm nguyện lớn lao trước lúc lâm chung ấy của Nguyễn Hoàng lại một lần nữa được đặt lên vai của tướng binh Nguyễn Hữu Cảnh. Mùa xuân năm 1698, Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu tiếp tục cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất vào kinh lược xứ Đồng Nai. Kể từ đây, sự nghiệp mở mang đất nước của các Chúa Nguyễn mới được phát huy toàn diện.
Khi đoàn chiến thuyền vừa cập cảng Cù Lao Phố, Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng xem xét, nắm bắt tình hình cư dân ở khu vực Đông Phố. Bằng kinh nghiệm và nhãn quan tinh tế của một vị Thống suất đã nhiều năm đi định yên đất biên ải, Nguyễn Hữu Cảnh liền bắt tay vào việc thiết lập bộ máy hành chính để tiến tới xác lập chủ quyền lãnh thổ, phục vụ cho công cuộc khai phá vùng đất Đông Nam Bộ.
Giữa hoàn cảnh thiên nan, vạn nan, ông đã vạch ra các kế sách cấp tốc, trong đó, 2 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải tiến hành gấp đó là: Khai hoang mở cõi và dàn xếp biên cương. Chỉ trong thời gian khoảng 2 năm từ khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành một khối lượng công việc to lớn, đó là: chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long, dựng dinh Trấn biên; lấy xứ Sài Gòn đặt huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn; đặt phủ Gia Định để thống thuộc hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Với việc đổi tên Sài Gòn thành huyện Tân Bình, hẳn trong sâu thẳm suy nghĩ, Nguyễn Hữu Cảnh luôn dành một tình cảm sâu nặng với vùng đất sinh thành. Bởi phủ Quảng Bình - quê hương của ông xưa kia dưới thời nhà Trần cũng từng có tên là Tân Bình.
Sau khi phân chia các đơn vị hành chính, Nguyễn Hữu Cảnh đã lập ra bộ máy để điều hành, cai quản vùng đất mới. Mỗi dinh đều có quan Lưu Phủ đứng đầu bộ máy hành chính, quan Cai Bạ coi về ngân khố, quan Kỷ Lục coi về hình án. Cùng với việc ổn định về mặt hành chính, Nguyễn Hữu Cảnh còn lo tổ chức lại lực lượng quân đội để bảo vệ an ninh vùng lãnh thổ mới thiết lập một cách vững chắc. Lúc bấy giờ, ở phủ Gia Định, lực lượng quân đội được Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức, biên chế thành hàng chục thuyền, đội và cơ với các lực lượng thủy binh, bộ binh, tượng binh tinh nhuệ.
Dù được lịch sử công nhận là người tiên phong mang gươm đi mở cõi Phương Nam, nhưng phải nói một điều rằng: hiếm khi Nguyễn Hữu Cảnh dùng đến sức mạnh của thanh gươm, gây ra cảnh máu đổ tang thương để tỏ rõ uy thế của một đội quân thiện chiến. Ngược lại, những thành công mà ông thu được trong quá trình mở cõi và giữ cõi lại đến từ sức mạnh của lòng đại nghĩa, đức độ bao dung của một vị tướng có nhân cách lớn.
Cũng nhờ thế mà chỉ vọn vẹn trong thời gian 2 năm, Nguyễn Hữu Cảnh đã thiết lập được 2 vùng đất quan trọng đó là Đồng Nai và Sài Gòn. Sau này, đây đều là những trung tâm kinh tế trọng điểm của Miền Nam và cả nước. Từ việc xây dựng nền tảng hành chính vững chắc ở phủ Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh lại tiếp tục sứ mệnh của các chúa Nguyễn kinh lược xuống miền Tây Nam Bộ để hoàn thành cương giới quốc gia Đại Việt.
Trước khi Thống Binh Nguyễn Hữu Cảnh đặt chân lên xứ Đồng Nai, Gia Định thì vùng đất này vẫn còn hoang vu và đầy hiểm nguy đến độ "Tiếng chim kêu cũng sợ. Tiếng cá vùng cũng kinh". Trải qua những thập kỉ, lưu dân Việt từ các dinh, trấn vùng ngũ Quảng dồn vào đây lập nghiệp ngày càng đông, nhưng điều quan trọng là vùng đất này vẫn chưa xác lập được bộ máy chính quyền để bảo hộ và ban cho họ một danh phận chính thức, không còn mang tiếng là kẻ ngụ cư. Mãi cho tới khi Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược, đem theo uy đức của một vương triều biết lấy lòng dân thì số phận của những lưu dân Việt trên vùng đất Đồng Nai, Gia Định mới thực sự được đổi đời.
Sau khi xác lập bộ máy hành chính phủ Gia Định với 2 huyện Phước Long và Tân Bình mà lị sở là 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục phân chia địa giới hành chính cơ sở tới cấp xã, ấp để tiện việc quản lý, thu thuế và khai khẩn ruộng đất trên vùng đất mới. Phủ Gia Định lúc ấy không chỉ giới hạn ở địa bàn Đồng Nai và Bến Nghé, mà đã được ông nới rộng hàng ngàn dặm vuông, kéo dài từ toàn bộ miền Đông Nam Bộ tới tận tỉnh Long An bây giờ, với số dân cư đếm được hơn 40.000 hộ. Khắp nơi nhà cửa mọc san sát. Người Việt lúc ấy thực sự đã trở thành chủ nhân của xứ đồng bằng Nam Bộ rộng ngàn dặm này.
Kinh lược vùng đất mới, Nguyễn Hữu Cảnh mang theo trong mình hình ảnh quê cha đất tổ. Bởi thế ông đã đem tên làng, tên xã của nơi quê cũ Quảng Bình đặt cho những xã, ấp mới khai phá ở vùng Đồng Nai - Gia Định. Và chẳng phải vô tình mà những địa danh xã ấp ở Tân Bình thuở ấy đã lần lượt ra đời như: Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Trị, Bình Phước..vv mãi mãi mang hình ảnh thân quen của quê hương Quảng Bình nhưng lại chất chứa ý nghĩa chinh phục thiên nhiên nhọc nhằn trong cuộc mở cõi…
Nhận thấy phủ Gia Định là vùng đất đặc thù có nhiều cộng đồng sinh sống, bên cạnh người bản địa, người Việt, người Hoa đã cộng cư trước đó, còn một số người Phương Tây, Nhật và Mã Lai thường xuyên đến giao lưu buôn bán, nên Nguyễn Hữu Cảnh luôn quan tâm xử lý các mối quan hệ, điều hòa lợi ích một cách hợp lý. Nhờ vậy, mối quan giữa các cộng đồng cũ và mới ngày một khăng khít, không hề có sự xung đột sắc tộc xảy ra. Như các nhà nghiên cứu lịch sử đã nhận định: chính việc xử lý các mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng phong tục tập quán của từng cộng đồng và từ góc nhìn của một người yêu nước thương dân nên chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Hữu Cảnh đã thu phục được lòng dân ở vùng đất Đồng Nai, Gia Định.
Cộng đồng người Hoa sau bao nhiêu năm sinh cơ lập nghiệp ở xứ Đồng Nai - Gia Định đã ngày một đông hơn. Nhận thấy người Hoa có sở trường tổ chức các hoạt động thương mại, Nguyễn Hữu Cảnh đã lập ra xã Thanh Hà ở Đồng Nai và xã Minh Hương ở Sài Gòn để tập hợp họ về đây sinh sống, tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng kinh doanh buôn bán và giữ gìn phong tục tập quán. Ghé thăm Đình Minh Hương Gia Thạnh ở Quận 5 thành phố HCM, nghe ban quý tế của đình kể lại thì thuở trước đây là trụ sở làm việc mà Nguyễn Hữu Cảnh và tướng Trần Thượng Xuyên thường gặp gỡ, bàn bạc việc phát triển thương mại và xây dựng mối quan hệ giữa các cộng đồng ở khu vực Sài Gòn - Bến Nghé. Cùng với việc chăm lo phát triển thương mại ở khu vực Sài Gòn, Nguyễn Hữu Cảnh còn khuyến khích các thương nhân khuếch trương bộ mặt cảng thị Cù Lao Phố ở Biên Hòa - Đồng Nai. Nhờ thế mà vào cuối thế kỉ 17, thương thuyền Nhật Bản và Phương Tây ra vào buôn bán đông vui, tấp nập, biến Đại Phố trở thành thương cảng sầm uất nhất lúc bấy giờ ở Miền Nam. Với việc thành lập các xã người Hoa, thừa nhận họ là một bộ phận dân cư của phủ Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh đã thể hiện rất rõ ý thức tập hợp tất cả sức mạnh, trong đó có cộng đồng ngoại kiều để cùng nhau xây dựng mảnh đất Đồng Nai - Gia Định phát triển bền vững và đoàn kết.
Sau khi thiết lập xong địa giới hành chính từ Đông Nam Bộ đến phía Bắc sông Hậu, Nguyễn Hữu Cảnh liền thực hiện công cuộc khai phá đất đai nhằm ổn định từng bước, nâng cao đời sống cho các cộng đồng dân cư. Dựa vào đặc thù địa lý, thổ nhưỡng của từng vùng mà ông đã hướng dẫn những nhóm cư dân cư trú, sinh hoạt theo 2 loại hình Làng Rừng và Làng Biển. Ở khu vực Đông Nam Bộ, ông khuyến khích dân khai hoang vỡ hóa vùng rừng rậm, đầm lầy để làm sơn điền với kế sách "đao canh hỏa nậu", tức đốt cháy cây cỏ rồi trồng lúa và hoa màu. Ở khu vực Tây Nam Bộ mênh mông sông nước, ông đã hướng dẫn cho dân khơi thông luồng lạch, phát dọn lau sậy để làm thảo điền - ruộng trồng lúa nước. Chỉ một thời gian ngắn, với những kế sách hợp lý trong việc khẩn hoang, phát triển nông nghiệp, Nguyễn Hữu Cảnh đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế vùng đất Phương Nam cuối thể kỉ 17.
Xét thấy Đồng Nai - Gia Định là vùng đất rộng lớn, đất đai phì nhiêu nhưng dân cư vẫn còn thưa thớt, nên Nguyễn Hữu Cảnh đã đề xuất với chúa Nguyễn Phúc Chu cho chiêu mộ thêm lưu dân từ Miền Trung vào, vừa để khai phá vừa xây dựng tiềm lực kinh tế cho chúa Nguyễn. Tận tâm tận lực trong một thời gian ngắn, công trình đại di dân của ông đã thành công hơn mong đợi. Đa số dân chúng miền Ngũ Quảng đều hưởng ứng, nhất là nhân dân vùng Bố Chính - Quảng Bình đã đáp lời kêu gọi của bậc lãnh tướng đồng hương mà ngày đêm không quản đường xá xa xôi mong sớm đến đất Phương Nam. Trong số lưu dân ấy, ông đặc biệt chú trọng chiêu mộ những gia đình có "vạn lực", tức là những người có tiền của để đẩy nhanh công cuộc khai phá. Không khí theo chân Nguyễn Hữu Cảnh đi mở đất thuở ấy được đúc kết qua những câu ca dao lai láng:
Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng.
Hay:
Nhà Bè nước chảy chia hai.
Ai vào Gia Định - Đồng Nai thì vào.
Ngày nay, đi về đất Phương Nam, xuôi theo Sông Tiền, Sông Hậu ta vẫn nghe thổn thức đâu đây những bước chân trần lầm lụi của cha ông đi mở đất thuở ấy. Khí thế khẩn hoang mãi rạng ngời trên từng gương mặt, trên từng thớ đất Phương Nam. Từ việc định phận địa giới hành chính xứ Đồng Nai, Gia Định một cách vững chắc, Nguyễn Hữu Cảnh đã tạo tiền đề cho mình và những bậc khai cơ sau này tiếp tục khai phá đất Phương Nam. Lần lượt các châu Định Viễn, dinh Long Hồ ở Tiền Giang, đạo Động Khẩu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu, Châu Đốc ở An Giang, trấn Hà Tiên - Kiên Giang và tận cùng là mũi Cà Mau mênh mông biển trời đã thuộc về Đại Việt.
Phải nói rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Hữu Cảnh không chỉ hoàn thành hàng ngàn công việc nặng nề từ khai phá, tạo lập, ổn định dân cư, tổ chức sản xuất phát triển kinh tế, mà quan trọng hơn ông là người góp phần truyền tải văn hóa Đại Việt vào Phương Nam.
Mênh mang trong lời vọng cổ của người Nam Bộ là nỗi nhớ quê hương da diết. Lập nghiệp ở nơi xa xứ, nổi nhớ làng quê bổn quán của những lưu dân Việt ở Phương Nam cứ dày theo năm tháng. Thấu hiểu được tâm tư ấy nên mỗi khi lập thêm một xã ấp mới, Nguyễn Hữu Cảnh đều không quên xây dựng những ngôi đình, chùa am miếu để người dân có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh. Cũng chính vì có nơi thờ tự, cúng bái tổ tiên vào mỗi độ lễ, tết nên nỗi nhớ quê cha đất tổ đã nguôi ngoai, từ đó người dân mới yên tâm định cư lập nghiệp lâu dài.
Từ nền tảng văn hóa làng, xã của người Việt ở phía ngoài mang vào kết hợp với yếu tố địa hình khí hậu Phương Nam đã dần dần hình thành nên một sắc thái văn hóa đặc trưng - Văn hóa Nam Bộ. Mới buổi đầu mở đất với hàng ngàn công việc gian nan nặng nề, nhưng Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã kịp tập hợp được tiếng nói chung giữa các cộng đồng dân cư, từ đó giúp cho Văn hóa Kinh Bắc lan tỏa đến từng ngõ ngách phương Nam để hòa chung một dòng chảy - Văn hóa Đại Việt.
Khai mở đất đai đã khó, nhưng việc bảo vệ cương thổ trước sự dòm ngó của lân bang lại khó khăn hơn. Trong thời gian làm Thống suất ở phủ Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh đã nhiều lần tiến binh để bảo vệ vùng biên ải ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Sử viết rằng: Tháng 7 năm 1699, vua Nặc Thu nước Chân Lạp cho đắp lũy ở Bích Đôi và Nam Vang để quấy phá vùng đất mới xác lập của chúa Nguyễn. Đầu xuân 1700, Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh đã xuất binh chinh phạt. Mục đích chính của việc đem quân đi lần này là dẹp loạn, giữ gìn bờ cõi nhưng trên đường hành quân, Nguyễn Hữu Cảnh vẫn không quên chỉ đạo quân lính nạo vét kênh mương khơi rộng nhánh sông Tiền rẽ ngang sông Hậu để thông luồng lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất. Nhánh sông đó ngày nay là Rạch lòng Ông Chưởng ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Trên đường hành quân ông sử dụng chính sách lấy binh làm nông, lấy việc khuyến nông để vỗ an dân chúng. Nhờ thế mà nhân dân các vùng dọc sông Tiền, sông Hậu đã yên tâm định cư lâu dài.
Tháng 3 -1700, Nguyễn Hữu Cảnh cho quân tiến đến lũy Bích Đôi và Nam Vang. Thấy khí thế hùng mạnh của đội quân Nguyễn Hữu Cảnh, vua Nặc Thu bỏ thành chạy trốn, quân Chân Lạp tan vỡ. Ông vào thành vỗ an dân chúng, sau đó Nặc Thu quay lại xin hàng. Nguyễn Hữu Cảnh giao lại thành cho dân chúng và kéo quân về đóng ở cù lao Cây Sao, sau này nhân dân nhớ ơn ông nên đặt tên là Cù lao ông Chưởng, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cuộc tiến quân này, rõ ràng Nguyễn Hữu Cảnh không lấy mục đích chiếm đất mà chỉ tỏ rõ quyết tâm bảo vệ vùng biên ải, đồng thời khẳng định quyền bất khả xâm phạm đến cương giới quốc gia Đại Việt
Dù chỉ lưu lại ở cù lao Cây Sao một thời gian ngắn nhưng hình ảnh về vị tướng nhân hậu vẫn đọng lại mãi trong lòng người dân An Giang. Chính vì thế mà An Giang là tỉnh có nhiều dinh, đình thờ phụng Nguyễn Hữu Cảnh nhất vùng Tây Nam Bộ hiện nay.
Sau cuộc chinh phạt bảo vệ biên cương, trên đường trở về ghé lại An Giang, Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu lâm trọng bệnh. Tháng 5 - 1700, ông kéo quân về Sầm Giang - Tiền Giang thì qua đời, quan cửu sau đó được đưa về Cù Lao Phố ở dinh Trấn Biên. Về việc Nguyễn Hữu Cảnh mất, sách Gia Định Thành thông chí chép rằng: "Lễ công đem quân về đóng ở đồn Cây Sao… đêm ấy, mưa gió nổi lên đùng đùng. Trong đêm ông chiêm bao thấy một người cao lớn, mình áo gấm, tay cầm búa vàng, mặt đỏ như son đến trước mặt nói rằng: Tướng quân nên về gấp không nên lưu lại nơi ác địa này. Ông tỉnh dậy ngẫm nghĩ thấy làm buồn, vì việc biên phòng sắp đặt chưa xong, không biết tính sao. Bỗng trong quân phát bệnh dịch, ông cũng nhiễm đau. Đến ngày tiết Đoan Ngọ ông gượng dậy ra khao quân thưởng binh sĩ, bị gió thổ huyết, bệnh trở nên trầm trọng. Ngày 14 kéo quân về, ngày 16 đến Sầm Giang… Than ôi! Ông qua đời ngày ấy".
Tin dữ báo lên, chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu đau buồn khôn xiết, truy tặng Hiện Tán công thần, đặc tiến Chưởng Dinh. Nguyễn Hữu Cảnh mất đi giữa lúc sự nghiệp khai phá mở mang đất Phương Nam của Đại Việt đang diễn ra thuận lợi là một tổn thất lo lớn. Triều đình chúa Nguyễn mất đi một vị tướng khai quốc thiên tài, nhân dân Phương Nam mất đi một vị thủ lĩnh giàu lòng nhân ái. Có thể nói rằng không một nhân vật lịch sử nào ở thế kỉ 17, 18 được nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ thờ phụng nhiều như Nguyễn Hữu Cảnh. Những nơi ông dừng chân trên dặm đường kinh lí, kể cả những nơi ông chưa đến, nhân nhân đều lập đền thờ kính vọng phong thần.
Hàng năm từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5 Âm lịch, khắp các dinh, đình trong tỉnh An Giang đều tổ chức lễ kị yên cúng tế Nguyễn Hữu Cảnh. Còn tại đình Bình Kính ở Cù Lao Phố - Biên Hòa, người dân tổ chức lễ kị yên vào ngày 15 - 16. Trong các dịp ấy, người dân khắp nơi ở Miền Nam đều về đây thắp hương bái vọng, tôn kính ông như là vị thần khai sáng và trong coi vùng đất Phương Nam này.
Như vậy chỉ trong vòng 3 năm, một khoảng thời gian rất ngắn so với chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã định biên làng mạc cho vùng đất ngàn dặm ở miền Đông Nam Bộ mà ngày nay là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển năng động nhất nước. Theo bước chân ông, những bậc khai cơ sau này của chúa Nguyễn đã tiếp tục khai phá mở mang vùng đất Tây Nam Bộ mênh mông ruộng đồng. Vùng đất mà ngày nay được xem vựa thóc của Việt Nam.
Trên con đường thiên lý Bắc Nam dọc dài theo đất nước hình chữ S, lớp lớp con cháu người Việt không ai không thể tự hào về dấu chân của những lưu dân thời mở nước. Họ đã để lại hào khí của cả dân tộc qua những di tích đền đài miếu vũ mà lịch sử đã hằn in trên gương mặt Tổ Quốc. Và trong đoàn hùng binh mở đất đầy gian khổ ấy, hình bóng của vị Thượng đẳng thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngời ngợi vị thế lĩnh ấn tiên phong.
Trần Ngọc Huyền (Sưu tầm)
Nguồn: http://vocotruyenvn.net