Cố võ sư Trương Chưởng - Người sáng lập Võ Đường Kỳ Sơn

Võ Đường Kỳ Sơn là tên gọi của một võ phái võ cổ truyền Việt Nam đang tồn tại và phát triển cùng các võ phái khác trên đất Quảng Nam nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

cố Võ sư Trương ChưởngDo cố Võ sư Trương Chưởng sáng lập vào tháng 7 năm 1973 tại số nhà 67/10 Phan Châu Trinh, xã Hội An, quận Hiếu Nhơn, tỉnh Quảng Nam.

Võ sư Trương Chưởng sinh ngày 04 tháng 4 năm 1899 tại làng Mỹ Cựu (nay là xã Duy An), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.Ông đến Hội An trước năm 1924. Thời trai trẻ ông nổi tiếng là người rất ham học võ. Niềm đam mê đó luôn đeo bám ông, sau này dù đã lập gia đình và có con nhưng  nghe nói thầy nào giỏi thì đến xin học.

Năm 1927, ông đi lính Khố Xanh của Pháp nhưng tham gia Hội bóng đá ORO do chi bộ "Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội" Hội An tổ chức để hoạt động cách mạng hợp pháp.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông gia nhập Giải Phóng Quân rồi rời Hội An lên đường theo chiến dịch "Nam tiến" với chức vụ đại đội trưởng. Khi mặt trận Nha Trang bị vỡ, quân giải phóng rút về Đà Nẵng đổi tên thành Vệ Quốc Đoàn, lúc đó ông mang cấp bậc đại uý, chức vụ đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 17, trung đoàn 96. Về sau, đơn vị này rút về Quảng Ngãi đổi thành trung đoàn 108, ông công tác tại chiến khu Nguyễn Nhạc.

Năm 1952, ông được điều động về tỉnh Quảng Nam nhận các nhiệm vụ Tỉnh đoàn trưởng cảnh vệ, Giám đốc lao xá Tiên Hội và Uỷ viên kinh tài xã đặc biệt Tam Kỳ.

Năm 1954, khi đất nước chia hai, ông về lại ngôi nhà trong con hẽm nhỏ đường Phan Châu Trinh, Hội An, sống với vợ (hai người con đều ở xa, con gái lấy chồng về Tam Kỳ, con trai độc nhất tập kết ra Bắc) và xem nơi này như thâm sơn còn mình là ẩn sĩ.Võ hiệu "Sơn ẩn" của ông bắt đầu từ đó. Ban ngày ông làm thư ký hãng rượu SICA rồi thư ký cho lò bánh mì Tân Hương, tối về lấy việc nghiên cứu, tập luyện võ nghệ làm niềm vui cuộc sống.

Năm 1964, khi liên lạc được với các đồng đội cũ, ông lại tham gia công tác cách mạng nội thành nhưng từ năm 1964 đến 1968 ông bị bắt giam hai lần.

Khi ra tù, ông giành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu võ thuật và các bài thuốc phòng ngừa, trị bệnh khi bị chấn thương.

Từ năm 1970 ông bắt đầu thu nhận học trò để truyền dạy võ thuật. Lúc đầu chỉ có vài người ở trong xóm và bạn bè gởi con, cháu đến học, về sau thì đông dần lên.

Tháng 7/1973, võ sư Trương Chưởng chính thức thành lập võ đường Kỳ Sơn và gia nhập Liên đoàn quyền thuật quân khu I thuộc Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam. Trong thời gian này, những người học trò phụ trợ việc huấn luyện cho ông có: Võ Viết Hồng, Nguyễn Dũng, Đinh Văn Phước … . Có hàng trăm võ sinh theo học và hiện nay có không ít người đã có tên tuổi trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam

Năm 1975 đất nước thống nhất, ông tham gia công tác địa phương. Từ năm 1980, ông nhận dạy một số học trò nhưng không còn tổ chức mặc võ phục và thi đai đẳng.

Trong cuộc sống, võ sư Trương Chưởng rất khiêm tốn. Đức khiêm tốn của ông thể hiện cả trong lời nói, cử chỉ đến hành vi. Khi đã cao tuổi, võ sư Trương Chưởng vẫn sống vui vẻ, gần gũi với mọi người, hết lòng giúp đỡ bà con lối xóm khi ốm đau, hoạn nạn và là nơi nương tựa của rất nhiều người, nhất là những năm tháng ông làm khối trưởng khối 2, phường Minh An trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn sau ngày đất nước thống nhất.Gần như cả đời ông vừa làm việc để kiếm sống vừa học chữ Hán, chữ Pháp và nghiên cứu y thuật, võ thuật đến nơi đến chốn.

Trong gia đình ông là người chồng rất chung thủy, là người cha gương mẫu. Vợ lâm bệnh nhiều năm phải nằm một chỗ, ông tận tụy chăm lo thuốc thang, cơm cháo. Khi vợ qua đời ông đau buồn suốt một thời gian dài.

Cả một đời võ nghiệp, võ sư Trương Chưởng dạy học trò với tất cả tấm lòng của một người cha, người ông.

Năm 1985, do tuổi cao sức yếu nên con cháu đưa ông về Tam Kỳ để chăm sóc, phụng dưỡng. Căn nhà 67/10 Phan Châu Trinh, xã Hội An, quận Hiếu Nhơn, tỉnh Quảng Nam, nơi ông ở và thành lập Võ Đường Kỳ Sơn để dạy võ sau nhiều năm đã được bán cho người khác.

Ngày 30 tháng 8 âm lịch năm 1988 ông qua đời, thọ 89 tuổi. Linh cửu của ông được an táng tại Hội An. Sau này, con cháu đã cải táng, đưa mộ ông và bà về nghĩa trang tộc Trương ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên.

 

Thực hiện theo di ngôn của võ sư Trương Chưởng lúc sinh thời. Hai người con của ông là Ông Trương Câu và Bà Trương Thị Điểu cùng Hội đồng môn phái của Võ Đường Kỳ Sơn thống nhất bầu chọn Võ sư Võ Viết Hồng – Người học trò ưu tú đầu tiên do ông đã kỳ công đào tạo và đích thân truyền dạy lên nắm giữ chức vụ Chưởng môn đời thứ 2 thay ông.

Di ảnh của Cố võ sư Trương Chưởng đã được long trọng rước về nhà của võ sư Võ Viết Hồng ở Đội 5 Khối Sơn Phô II - Phường Cẩm Châu, Thành Phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã trở thành Tổ Đường chính thức của Võ phái Võ Đường Kỳ Sơn.

 

Đại Nghĩa



Nguồn: http://vocotruyenvn.net