Đoản côn là binh khí thực dụng, đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Theo Hán tự, đoản có nghĩa là ngắn, côn là một khúc gỗ; chiều dài phổ thông bằng cánh tay của người sử dụng. Thân đoản côn có hình khối tròn hay hình khối vuông, thường là khối tròn với đường kính vừa giáp bàn tay nắm của người cầm côn, hai đầu đoản côn thường có độ lớn bằng nhau. Dùng một côn gọi là độc (đơn) côn (single stick), dùng hai côn gọi là song côn (double sticks). Đoản côn có thể mang theo bên mình tự vệ, chiến đấu, dễ tìm, dễ làm vì chất liệu thông dụng là gỗ, tre cứng, tầm vông; có những loại cây, gỗ làm đoản côn mà đao, kiếm chặt không đứt.
Khi cầm đoản côn người ta thường cầm ở tay thuận, đa số thuận tay phải, một số người thuận tay trái. Tư thế cầm đoản côn phải tuân theo kỹ thuật, nhất là biến hoá theo phép đánh để đạt hiệu quả tối ưu. Bàn tay nắm trọn thân côn ở một đầu gọi là gốc (đốc), đầu côn còn lại gọi là ngọn; tay nắm côn phải để lộ ra một đoạn gốc khoảng 2 lóng ngón tay phòng trường hợp phải trở gốc côn trợ chiến khi bị đối phương nhập nội.
Song côn là hai tay cầm hai đoản côn mà chiến đấu, sức mạnh và uy lực vượt bậc. Một côn đánh, một côn đỡ, một côn thủ, một côn công, hai côn cùng công, cùng thủ. Dùng song côn đòi hỏi sự nhanh nhẹn, có sức, đều tay, di chuyển trước, sau, trái, phải, xoay vòng hợp lý không rối loạn. Ngoài các kỹ thuật tấn công, phòng thủ, đoản côn còn có khả năng khoá khống chế đối phương. Các lực lượng làm nhiệm vụ an ninh hiện đại trên thế giới ngày nay dùng đoản côn dưới hình thức là cây cao su đặc, hoặc ngoài bọc cao su bên trong là kim loại, mang theo bên mình như một loại vũ khí, thường gọi là dùi cui để tự vệ và trấn áp tội phạm rất hiệu quả.
Đối với một số loại binh khí ngắn như đao, kiếm, chùy, phủ, giản, trủy thủ… kỹ thuật vận dụng cổ tay là quan trọng, đoản côn cũng không ngoại lệ. Chính sự linh hoạt, uyển chuyển của cổ tay giúp cho đoản côn phát đòn nhanh, mạnh, chính xác. Vì vậy kỹ thuật cơ bản của đoản côn là những bài tập về vận động cổ tay.
Đoản côn là binh khí võ thuật nên cách đánh đoản côn dựa trên nền tảng công phu võ thuật từ tư thế phòng thủ đến tấn công hoặc phản đòn, biến thế. Các tư thế thủ của đoản côn yêu cầu kín đáo, thuận lợi khi phản công. Tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, nhãn pháp nhất nhất phối hợp hài hoà như đánh võ; một số trường hợp vừa dùng đoản côn vừa sử dụng quyền cước, kỹ thuật quyền cước là nền tảng cần phải có để vừa chiến đấu vừa bảo vệ đoản côn. Nếu chỉ thuần dùng đoản côn mà không biết võ, đối phương có thể tước đoạt đoản côn dễ dàng.
Các thế của đoản côn dùng tấn công như đập, đánh, phang, quất, đâm, thọc vào mục tiêu: đầu, gáy (ót), mắt, màng tang (thái dương), quai hàm, cánh tay, cổ, ngực, bụng, hông, gối, cẳng chân, bàn chân, hạ bộ… cả hai chiều thuận, nghịch. Khi phòng thủ, đoản côn dùng đỡ, gạt ở nhiều góc độ khác nhau. Đoản côn còn có thể dùng khoá tay, khoá cổ, chấn ngực, chấn hông. Kỹ thuật đoản côn gồm đủ các yếu tố triệt, phá, hoá giải, phản kích. Những vật dụng xung quanh khi cần có thể dùng như một đoản côn là khúc cây, cái ô (dù), cây gậy (ba toong), ống bơm xe đạp…
Nghệ thuật song đoản côn yêu cầu thủ pháp, nhãn nháp, bộ pháp, thân pháp làm cho hợp điệu sẽ tăng được sức mạnh, sức nhanh, sức bền và dùng song đoản côn cũng cần đến tâm pháp an nhiên, một tinh thần ngoan cường, dũng cảm.
BÀI SONG LONG ĐOẢN CÔN
(Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt)
1. Lập bộ bái tổ;
2. Đồng tử khai môn;
3. Anh hùng xung trận;
4. Song côn loạn chiến;
5. Nhất thế hàng long;
6. Nhị thế phục hổ;
7. Tam thế hồi đầu;
8. Hầu vương trá tẩu;
9. Lôi công giáng hạ;
10. Côn chuyển luân xa;
11. Song long bảo biên;
12. Hạ bàn phạt thảo;
13. Tả xung hữu đột;
14. Nhứt tấn tam công;
15. Hồi đầu phản bộ;
16. Chung cổ tề minh;
17. Song long xuất hải;
18. Bái tổ hoàn nguyên.
Nội dung binh khí tự chọn và đấu luyện trong các giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc, thỉnh thoảng một số bài binh khí đấu binh khí hoặc tay không đấu binh khí có sử dụng đoản côn. Đó là đấu luyện quy ước. Thực tế như loại hình chiến đấu trên đường phố (street fighting) thì kỹ thuật tấn công, phòng thủ, phản đòn, biến thế của đoản côn hiệu quả cao và vô cùng lợi hại.
Đà Lạt, 11/2013
Võ sư Trương Văn Bảo - Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Nguồn: http://vocotruyenvn.net