Võ phái ngũ long quyền và những bước thăng trầm

Có khá nhiều võ phái có gốc gác hẳn hoi, có cội nguồn lâu đời, đang lưu giữ nhiều bài võ "cổ bản" của tiền nhân và đã từng oanh liệt một thời trên các võ đài, thì hiện nay đang mất dần ưu thế trên đấu trường và gặp quá nhiều khó khăn trong việc duy trì cho mình một thế đứng.

Ngũ Long Quyền là một trong không ít võ phái như thế tại Quảng Nam. Tôi xin phép giới thiệu bài này được viết theo những lời kể của võ sư Lương Văn Lâm và tư liệu viết tay bản môn của Huấn luyện viên Trần Tiến đã tặng tôi. Hai vị này là môn đồ đời thứ 4 của Ngũ long Môn, đời thứ 2 Ngũ Long Quyền, là những truyền nhân còn lại mở lớp dạy võ chỉ để lưu truyền bài bản môn và duy trì "dòng chảy" của võ phái.

Khi người Việt mang nền võ thuật của mình đi qua một nơi nào đó thì ở nơi ấy võ cổ truyền Việt Nam lại mang tên một môn phái, võ phái do người địa phương đặt ra, nhưng thực ra các môn phái, võ phái ấy đều đang tồn tại trong một dòng võ mẹ, đó là Võ cổ truyền Việt Nam ở từng vùng, miền mà thôi.

Võ cổ truyền Việt Nam, mà trước đây được gọi là "Võ Ta", nguyên thủy là "Võ lâm", đến khi Nhà nước tập quyền phong kiến đưa vào chương trình tập luyện trong quân đội và thi cử tuyển chọn quan võ thì có thêm "Võ kinh". Từ ấy về sau, Võ lâm và Võ kinh phát triển song hành.

Võ kinh được tổ chức theo lối bác học, có sách vở, thi cử theo khuôn phép của triều đình. Ai qua võ cử thì được phong quan, tiến chức theo kết quả thi cử. Võ lâm thì được tổ chức theo lối bình dân, tự đặt luật lệ thi đấu riêng mang tính phóng túng, giang hồ. Ai có thực tài thì được đồng đạo võ lâm công nhận.
Võ phái "Ngũ Long Quyền" ở Quảng Nam có nguồn gốc từ "Ngũ Long Môn" là một môn phái võ lâm cũng là dựa theo tập quán ấy.

"Ngũ Long Môn" được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, do ông Huỳnh Kiệu (sinh năm 1887 và không rõ năm mất) là người làng Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lập ra.

Người ta kể rằng, vào thời ấy ở Quảng Nam có tình trạng giành đất mở làng. Dân của các làng xã ở kế cận nhau thường "trưng Tiền hiền" và dùng gậy gộc đánh nhau, giành giật đất đai để mở rộng địa phương (ấp, xã, làng, tổng..). Các bên giành đất thường thuê những võ sư, võ sĩ hoặc cho con, em luyện tập võ nghệ để tự vũ trang nhằm tiến hành các trận đánh giành đất. Khi đi giành đất, những người này cầm côn tề mi đi trước, vừa múa vừa xông tới. Sau lưng họ là đàn ông dân làng và những người khỏe mạnh dàn thành hàng ngang, cùng cầm chung một cây tre dài năm, sáu mét đi tới. Khi hai bên giành đất gặp nhau, các võ sư, võ sĩ và trai tráng có võ đấu với nhau tranh thắng. Bên nào núng thế tháo lui thì bên thắng thừa thế xông lên, cắm dùi để xác định ranh giới đất mới của mình. Những trận đánh này xảy ra rất khốc liệt trong một thời gian dài, cho nên phong trào học võ, luyện võ tại Quảng Nam lên rất cao và khi ấy, những công phu đặc dị của võ học cổ truyền cũng thi nhau phô diễn...

Trong hoàn cảnh ấy, ông Huỳnh Kiệu là một võ sĩ nổi tiếng tài giỏi đã mở lớp dạy võ. Ba người học trò xuất sắc của ông lúc bấy giờ là:
- Nguyễn Soạn, ở Thi Lai, Hà Mật, Điện Bàn
- Hùynh Đường, ở Điện Phong, Điện bàn
- Nguyễn Tường, ở Nông Sơn, Duy Xuyên

Từ ba người học trò đó, khi thành danh võ sĩ đã truyền thừa võ nghệ Ngũ Long Môn xuống các thế hệ sau thành ba nhánh:
1. Nhánh ông Nguyễn Sọan đã đào tạo được các ông: Lê Hoan, Văn Phú Đường, Trần Đình Phương và ông Cung (không rõ họ). Cả ba người này đều là người ở Xuyên Mỹ Đông (tức thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên ngày nay), trong đó có võ sĩ Lê Hoan rất xuất sắc.
2. Nhánh ông Huỳnh Đường đào tạo được các ông: Lương Tứ, Huỳnh Khôi, Huỳnh Tiên, Huỳnh Lẫm, Trương Minh Phụng, ông Sao, ông Hóa.
3. Nhánh ông Nguyễn Tường đào tạo được chỉ một người nhưng người này là võ sĩ rất xuất sắc. Đó là ông Ngô Khái. Theo những người già kể lại, Ngô Khái rất giỏi về khinh công. Ông có thể nhảy lên mái nhà, di chuyển từ mái nhà này sang mái nhà khác rồi nhảy xuống đất nhẹ nhàng như chim. Ông Ngô Khái là người nghĩa hiệp, lấy của người giàu đem chia cho người nghèo, hành tung xuất quỉ nhập thần làm Pháp và quan chức chính quyền đương thời rất kinh sợ. Rất tiếc là ông Ngô Khái không nhận dạy học trò, không có người kế nghiệp và nhánh này đã dừng lại ở đời thứ 3 với ông Ngô Khái là truyền nhân cuối cùng.

Như vậy, sau đời thứ 3 Ngũ Long Môn chỉ còn hai nhánh: Nhánh ông Nguyễn Soạn và nhánh ông Huỳnh Đường.

Các Võ sư Quảng Nam

Nhánh ông Nguyễn Soạn có võ sĩ Lê Hoan mở lớp dạy võ, người theo học rất đông. Trong rất nhiều học trò đó có những người học lâu dài như: Lương Văn Lâm, Đỗ Thành Nhẫm, Trần Tiến, Nguyễn Thiện Trung, Trần Ngọc Dũng, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Bảy, Nguyễn Tây, Trương An...
Nhánh ông Huỳnh Đường có võ sĩ Lương Tứ mở lớp dạy võ. Những người theo học gồm có: Hồ Tất, Hồ Phước, Hồ Tráng. Hồ Rạng, Lương Văn Lâm và Đỗ Thành Nhẫm. Khi ông Huỳnh Đường mất, Lương Văn Lâm và Đỗ Thành Nhẫm chuyển sang học với thầy Lê Hoan, còn các ông Hồ Tất, Hồ Phước, Hồ Tráng, Hồ Rạng đều không theo nghiệp võ. Như vậy nhánh võ của ông Huỳnh Đường cũng dừng lại tại đây ở đời thứ tư. Trong các bậc tiền bối của Ngũ Long Môn chỉ còn một mình võ sĩ Lê Hoan là tiếp tục giữ nghiệp võ.

Võ sĩ Lê Hoan sinh năm 1917, người gốc làng Xuyên Mỹ Đông, huyện Duy Xuyên (nay là thị trấn Nam Phước). Ông còn có tên thứ hai là Lê Quá và có tên thường gọi là thầy Nhựt. Trong cuộc đời võ nghiệp của mình, võ sĩ Lê Hoan đã thi đấu trên nhiều võ đài, với nhiều võ sĩ ở cả miền Trung và miền Nam. Đỉnh cao thành tích võ đài của ông là đoạt cúp vô địch võ Tự do (tức Võ Ta, Võ cổ truyền Việt Nam) Quảng Nam vào năm 1950. Trong công việc giảng dạy, truyền bá võ thuật cổ truyền, võ sĩ Lê Hoan rất thương yêu học trò, tận tâm chỉ dạy đến nơi đến chốn.
Năm 1971, võ sĩ Lê Hoan gia nhập Liên đoàn Quyền thuật quân khu I, thuộc Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam của miền Nam và được phong cấp võ sư, làm giám đốc võ đường Tạ Thu Thâu tại Đà Nẵng.

Trong thời gian này, võ sư Lê Hoan đã đào tạo được nhiều võ sĩ giỏi tham gia nhiều trận đài đáng nhớ như: Võ đài Ngô Văn Sở có Từ Sinh. Võ đài quận II (Đà Nẵng), có Lê Dũng, Tấn Sinh. Võ đài Cẩm Lệ (Đà Nẵng), có Lê Bổn, Trần Tiến, Đức. Võ đài Hải Nam (Hội An), có Lương Văn Lâm. Võ đài Quảng Ngãi, có Trần Tiến, Bảy Ngộ, Quang, Đức. Võ đài Hòa Khánh (Đà Nẵng) có Lương Văn Lâm và Quang.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, dù Nhà nước chưa có chủ trương khôi phục võ cổ truyền, nhưng võ sư Lê Hoan là cán bộ đã tham gia hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Kháng chiến hạng III, nên được chính quyền địa phương tin tưởng để cho nhận dạy học trò.

Mùa xuân năm Mậu Ngọ - 1978, khi học trò theo học đã khá đông, thượng đài cũng khá nhiều, trước sự chứng giám của võ sư Lưu Thanh Bình, võ sư Nguyễn Hội, ông Đặng Lượng, bí thư Đảng bộ xã Duy Phước, Duy Xuyên và nhiều môn đệ, võ sư Lê Hoan đã công bố quyết định của mình là dựa vào tên "Ngũ Long Môn" ngày xưa để đặt tên "Ngũ Long Quyền" cho võ phái kể từ đời của ông về sau.

Vào thời gian này, phong trào võ thuật tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực Trung Trung Bộ lên rất cao. Võ sĩ Quảng Ngãi, Bình Định ra, võ sĩ Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng vào thi đấu, võ đài được tổ chức nhiều lần tại Điện bàn. Thầy Lê Hoan đã đào tạo được nhiều võ sĩ có tên tuổi trên võ đài như: Lương Chanh, Trương An, Trương Thanh Vương, Nguyễn Tuần, Nguyễn Bảy (Bảy Liên Xô), Bảy Dít, Bảy Xu, Nguyễn Tám, Thế Sự, Nguyễn Tính, Lê Hiệu, Lê Tuấn Sanh... Trong đó, tiêu biểu là những trận võ đài như: Võ đài Điện Trung, có Lương Văn Lâm, Trần Tiến. Võ đài Điện Phong, có Nguyễn Tám, Bảy Xu. Võ đài Điện Phương, có Trần Tiến, Đỗ Thành Nhẫm. Võ đài Duy An, có Trần Ngọc Dũng, Bảy Liên Xô. Võ đường Điện Hồng, có Thế Sự, Thanh Vương. .v.v..

Từ năm 1991 trở về sau, khi Liên đòan Võ thuật cổ truyền Việt Nam ra đời, các Sở Thể dục Thể thao đứng ra tổ chức các giải Vô địch võ cổ truyền hằng năm. Những trận võ đài tự phát do các võ sư xin phép các xã, huyện đứng ra tổ chức thưa thớt dần. Tuy vậy, số võ sĩ Ngũ Long Quyền tham gia thi đấu võ đài vào thời gian này cũng còn khá nhiều.

Năm 2004, lão võ sư Lê Hoan qua đời. Trần Tiến về quê Duy Vinh, huyện Duy Xuyên dạy văn hóa và dạy võ để duy trì võ phái không gián đoạn. Đỗ Thành Nhẫm có dạy võ một thời gian nữa tại xã Điện Phong, huyện Điện bàn, rồi bị bệnh qua đời. Lương Văn Lâm về Điện Phong cũng chỉ dạy võ một thời rồi vì sinh kế, không tiếp tục việc dạy võ nữa.

Đến năm 2010, Võ sư Lương Văn Lâm xin phép chính quyền xã Điện Phong mở câu lạc bộ võ thuật cổ truyền, học trò theo học rất đông, có tổ chức võ đài giao hữu một lần.

Như vậy, hiện nay, Ngũ Long Quyền vẫn duy trì được hai câu lạc bộ võ thuật, một tại Duy Vinh, Duy Xuyên (do Huấn luyện viên Trần Tiến giảng dạy) và một tại Điện Phong, Điện bàn (do võ sư Lương văn Lâm giảng dạy) nhưng thực chất các câu lạc bộ này chỉ hoạt động với mục đích duy trì chứ không còn mạnh mẽ như những thời kỳ trước đây.

Nguyên nhân của sự suy yếu này, một phần do các câu lạc bộ Ngũ Long Quyền không thâm nhập vào phong trào chung của Huyện và của Tỉnh. Từ đó thiếu sự chỉ đạo của ngành Văn hóa Thể thao, không có nhiều cơ hội được tham gia giao lưu, cọ xác, dẫn đến việc tập luyện không có mục tiêu phấn đấu đạt tới.

Tuy nhiên, Trường hợp "thoái trào" của Ngũ Long Quyền không phải là cá biệt mà nhiều võ phái ở nhiều nơi cũng gặp tình trạng như thế, nên cũng cần tìm hiểu thêm nguyên nhân nào về phía các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và các cấp Liên đoàn, Hội Võ thuật cổ truyền. Ở góc độ này, các cơ quan, tổ chức Hội cũng phải thừa nhận trách nhiệm của mình là: Sự thoái trào của những võ phái đậm đà bản sắc Võ Ta, đang nắm giữ phần tinh túy nhất của võ Ta, có nguyên nhân từ việc chạy theo thành tích phát triển diện rộng mà quên đi vào nghiên cứu chiều sâu chưá đựng tinh hoa độc đáo của võ cổ truyền dân tộc.

Viết đến đây, tôi nhớ đến anh Phạm Đình Phong, Phó chủ tịch, Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, người đau đáu lo lắng rồi đây võ cổ truyền Việt Nam chỉ còn là những bài biểu diễn và lối đánh "hiện đại hóa". Cái đặc trưng cốt lõi của Võ Ta-Võ cổ truyền Việt Nam là tính chiến đấu cao đang bị "bỏ ngõ". Điều anh Phong lo là đúng, bởi vì võ của chúng ta là võ giữ nước. Cứ nói thẳng ra với nhau như thế và cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm cùng nhau, nhưng vấn đề đặt ra là phải cấp thiết tìm ra giải pháp gì đây để còn kịp lấy lại những gì đang mất.

Trước thềm Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ 4 (2012-2016) đang là cơ hội cho những giải pháp mới có điều kiện ra đời. Đây là lúc cần tập trung vào việc tìm ra những giải pháp. Nhưng giải pháp "đắc" nhất vẫn là: Mạnh dạn thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, tìm cho đúng những con người để bổ nhiệm công việc dù phải mất lòng nhau và tìm ra cách làm: Làm sao hòa nhập mà không hòa tan, làm sao hiện đại hóa mà không mất bản sắc./.



Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn