Các dòng võ cổ truyền từ phía trong tỉnh Thanh Hóa trở vào nói chung, Quảng Nam nói riêng đều có phát tích từ cuộc nam tiến lịch sử mở rộng bờ cõi của nước Đại Việt vào khoảng thời gian bắt đầu từ năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đặt vùng đất Hòa Vang và Điện Bàn (thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay) vào phủ Triệu Phong thuộc thừa tuyên Thuận Hóa.
Theo những sử liệu đáng tin cậy thì dòng võ đầu tiên tại Quảng Nam được lập ra vào đầu thế kỷ XVII do tướng quân Hồ Công Sùng, làm quan đến chức "Đô chỉ huy sứ Thiêm sự vệ phù Nam" dưới triều nhà Mạc, dẫn ba người con trai chạy vào làng Châu Bí (xã Điện Tiến, huyện Điện bàn ngày nay) khi nhà Mạc bị Trịnh Tùng tru diệt vào năm 1596.
Dòng võ thứ hai là Ngũ Long Môn, một dòng võ theo tập quán võ lâm (được tổ chức theo lối bình dân, tự đặt luật lệ thi đấu riêng mang tính phóng túng, giang hồ, ai có thực tài thì được đồng đạo võ lâm công nhận) được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, do ông Huỳnh Kiệu (sinh năm 1887 và không rõ năm mất) là người làng Gò Nổi, huyện Điện Bàn lập ra.
Dòng võ thứ ba do ông Hồ Lan Đình lập ra vào năm 1914 tại phủ Hà Đông (về sau đổi thành phủ Tam Kỳ rồi trở thành thị xã Tam Kỳ vào năm 1997 và ngày nay là thành phố Tam Kỳ, thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam).
Sự ra đời và thành quả hoạt động của dòng võ thứ ba này được khẳng định bằng các văn bản của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền Pháp (bằng hai thứ chữ Hán và Pháp, có triện son của Bộ Lại, bộ Hình và con dấu của chính quyền Bảo hộ Pháp) ký vào các năm 1916, 1917 và nhiều năm sau đó mà hiện nay võ đường Hồ Tấn còn lưu giữ. Trong đó có một văn bản ký vào năm 1916 cho biết khi còn làm Lý trưởng, ông Hồ Lan Đình đã có công dẹp quân phiến loạn, được vua Khải Định ân thưởng, phong chức Chánh Tổng (từ đó ông có thêm một tên mới là Chánh Lơn).
Các văn bản còn lại được Nam triều và chính quyền Pháp ký vào các năm từ 1917 đến 1921, chứng nhận ông Chánh Lơn và võ đường của ông đã tổ chức được nhiều cuộc biểu diễn võ thuật với mục đích quyên góp tiền bạc để cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt lớn.
Ông Chánh Lơn là một trong những võ sư có danh tiếng của vùng đất Quảng Nam, đã đào tạo nhiều võ sĩ có thực tài, nổi bậc nhất là người con trai của ông tên Hồ Tấn Ba.
Khi ông Chánh Lơn qua đời, ông Hồ Tấn Ba nối nghiệp cha, tiếp tục truyền dạy võ cổ truyền và đặt tên chính thức cho võ đường là võ đường Hồ Tấn. Trong thời gian này, võ đường Hồ Tấn có nhiều võ sĩ thượng đài làm cho danh tiếng của võ đường ngày càng vang xa.
Sau khi ông Hồ Tấn Ba qua đời, chức Chưởng môn đời thứ ba của dòng võ được trao truyền cho người con trai là ông Hồ Ngọc Doãn. Trong thời gian trước năm 1975, ông Hồ Ngọc Doãn là giáo viên dạy Anh văn, đồng thời là một vị thầy có đức độ, khiêm tốn, đào tạo được nhiều võ sĩ tài danh.
Sau năm 1975, dù thị lực bị giảm dần, thầy Hồ Ngọc Doãn vẫn còn rất khỏe để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo võ đường và tiếp tục công việc bốc thuốc, chữa bệnh được gia truyền nhiều đời. Trong thời gian này, võ đường có nhiều võ sĩ đạt huy chương vàng và bạc liên tục nhiều năm ở các giải vô địch Võ cổ truyền toàn tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Nam.
Điều đáng nói nhất là hiện nay võ đường Hồ Tấn còn lưu giữ rất nhiều bài võ gốc, không bị lai tạp, thất bổn. Những ai đã từng chứng kiến lực lượng cả chục huấn luyện viên đã ngoài 60 tuổi của võ đường biểu diễn gần 10 bài võ cổ bản trong lễ Giỗ Tổ - Kỷ niệm 100 năm thành lập võ đường vào chiều ngày 02 tháng 6 năm 2014 vừa qua, đều phải nhìn nhận rằng, ngày nay mà còn một võ đường tồn tại hằng trăm năm, có bề dày và tiềm năng lớn lao thực sự như thế thì thật đáng quí, đáng trân trọng.
Có thể nói rằng, cùng với một số võ đường khác ở Quảng Nam, võ đường Hồ Tấn đã làm cho Quảng Nam xứng đáng được xem là một trong những miền đất bảo tồn Võ Tây Sơn với giá trị thực thể của nó sau hơn hai trăm năm kể từ ngày triều đại Tây Sơn lùi sâu vào quá khứ" ./.
Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn