Trung Sơn võ đạo

Vào những năm 60 của thế kỷ trước,  ở Sài Gòn có một vị đại sư với tấm lòng từ bi cùng tinh thần yêu nước đã sáng lập ra môn phái võ thuật Trung Sơn võ đạo.

Hình ảnh Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN số 1

Cố võ sư Mai Văn Phát - Người sáng lập Võ phái Trung Sơn Võ Đạo

Vào những năm 60 của thế kỷ trước,  ở Sài Gòn có một vị đại sư với tấm lòng từ bi cùng tinh thần yêu nước đã sáng lập ra môn phái võ thuật Trung Sơn võ đạo. Đó chính là võ sư Mai Văn Phát (1917 – 1997).

Theo lời của một số môn sinh cao tuổi trong võ phái kể lại, võ sư Mai Văn Phát xuất thân trong một gia đình nông dân ở Cần Thơ, nhưng với niềm đam mê võ học, từ nhỏ ông được cha mẹ gửi theo học võ với hòa thượng Thích Thiện Hoa ở vùng núi Thất Sơn – An Giang. Sau hơn mười năm khổ luyện, ông hạ sơn về quê tổ chức dạy võ cho thanh niên địa phương với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ mong được dốc lòng góp sức trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, ông còn được một võ sư người Hoa yêu mến mà truyền dạy thêm võ học của phái Thiếu Lâm.

Đến 1955, võ sư Mai Văn Phát rời quê lên Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh ngày nay) vừa làm việc vừa dạy võ. Sau đó, ông xuất gia nương nhờ cửa Phật, lấy pháp hiệu là Thích Thiện Tánh và lấy việc dạy võ cho thanh thiếu niên làm định hướng để giáo huấn lòng yêu nước, đạo đức làm người. Trong thời gian này, ông từng bước hệ thống hóa lại những tinh hoa võ thuật học được từ hai vị ân sư, biên soạn thành giáo trình, sắp xếp một cách khoa học từ thấp đến cao. Để thuận lợi cho việc truyền bá võ thuật, năm 1964, võ sư Mai Văn Phát chính thức sáng lập ra môn phái Trung Sơn võ đạo. Năm 1969, ông cùng cùng một số võ sư có uy tín trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam thành lập Tổng Cục quyền thuật Việt Nam, sau này ông được giao giữ chức Trưởng Ban cố vấn Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam trong một thời gian dài.


Môn phái Trung Sơn võ đạo tổ chức lễ kỉ niệm 49 năm thành lập môn phái
và khai trương thêm võ đường thứ 33 tại quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 24/11/2013

Mang tấm lòng nhân đạo của nhà Phật, vị chưởng môn Trung Sơn võ đạo đã định hướng truyền dạy võ học của môn phái theo lý tưởng “thông qua võ học để rèn luyện nhân cách”. Các thế hệ môn sinh nối tiếp sau này đều thực hiện và phát huy tinh thần thượng võ đó. Đấu pháp và quyền thuật của môn phái dựa trên nền tảng võ trận của Việt Nam kết hợp với võ thuật của phái Thiếu Lâm, đồng thời lấy nội ngoại công phu làm căn bản. Võ trận của dân tộc Việt đòi hỏi sự đoàn kết trong một tập thể, sự hiểu ý giữa các môn sinh, đó chính là cái tinh túy của võ đạo Trung Sơn, điều này được thể hiện rõ qua bài quyền "Thập nhị hình long" của bổn phái. Bài quyền này dành cho 8 hoặc 12 người cùng tập luyện, đứng trong một vòng tròn hình bát quái. Mỗi võ sinh phải phối hợp ăn ý, xoay người đổi hướng, công thủ hỗ trợ lẫn nhau, chuyển bộ linh hoạt tạo thành một thế trận bí hiểm. Hay bài quyền tay không "Lão hầu ly sơn" đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các bộ pháp, thân thủ, cước pháp, phải linh hoạt trong các động tác, tư thế giống loài khỉ như khom lưng, xoay mình, vươn tay, đạp, đá cao, nhảy né tránh rồi bất ngờ tấn công, biến hóa liên hoàn. Bài quyền này thích hợp cho những người có vóc dáng nhỏ bé, linh lợi.

Các môn sinh của võ phái thực hiện lễ rước di ảnh của cố võ sư chưởng môn Mai Văn Phát tại võ đường quận Bình Tân

Đông đảo các môn sinh của nhiều võ đường ở các nơi về tham dự buổi lễ kỉ niệm 49 năm thành lập môn phái

Trung Sơn võ đạo rèn luyện về kỹ thuật và thể lực, lấy nội ngoại công phu làm căn bản

Một cách tập luyện thể lực và kỹ thuật của môn sinh Trung Sơn võ đạo

Binh khí đặc trưng của bổn phái chính là cặp song tô, hay còn gọi là hồ điệp song đao. Đó chính là hai cây đao ngắn, bản rộng, chuôi đao có một cái quai, vừa để bảo vệ tay cầm, vừa giúp người sử dụng có thể xoay trở đao linh hoạt. Chỉ có những môn sinh học tới bậc trung đẳng trong võ phái mới được phép tập luyện bài "Song tô lão hổ", bởi thân thủ và bộ pháp phải đạt đến một trình độ nhất định thì tập luyện mới có hiệu quả. Người học kết hợp giữa cặp song đao cùng thủ pháp, thân pháp và cước pháp hòa hợp với nhau. Cây đao có nhiều cách đánh rất uyển chuyển và linh hoạt, có khi cả hai đao cùng lúc tấn công, khi thì một đao tấn công, một đao phòng thủ, tạo thành thế trận liên hoàn khó có sơ hở. Ngoài ra, còn có hắc long đao, song chùy hay trường xà côn đều là những vũ khí độc đáo của bổn phái.

Môn sinh biểu diễn bài "trường xà côn" của bổn phái

Quạt cũng là một võ khí của môn phái, thích hợp với các môn sinh nữ

Hiện nay, dưới sự điều hành của một Hội đồng võ sư, môn phái Trung Sơn võ đạo phát triển rất mạnh ở khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Môn phái hiện có 33 võ đường trong cả nước, cùng một số võ đường ở Mỹ và Úc do các võ sư trong môn phái đứng lớp. Số lượng môn sinh theo học hiện nay ước tính khoảng 8.000 người. Nhiều võ sĩ của môn phái đã tham gia một số giải võ cổ truyền toàn quốc, liên hoan võ thuật thế giới tổ chức tại Việt Nam và đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn như: Trần Thanh Tuyền, Lê Văn Đức, Nguyễn Mai Trinh… vô địch võ cổ truyền toàn quốc nhiều năm liền. Võ sư Lê Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng võ sư chia sẻ: “Các môn sinh của bổn phái đều noi gương và học tập theo định hướng mười điều tâm niệm của cố Chưởng môn, giáo dục nhân cách gắn liền với giáo dục thể chất, môn phái Trung Sơn võ đạo cũng xin góp một phần nhỏ công sức trong việc gìn giữ và bảo tồn tinh hoa võ học dân tộc”

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

 



Nguồn: http://vocotruyenvn.net