Tấn gia quyền

Võ thuật cổ truyền Viêt Nam có Tấn Gia Quyền, tên gọi gần gũi là Lò Tấn. Dòng võ Tấn uy danh một thời, chứng minh Võ thuật cổ truyền Việt Nam là môn võ chiến đấu thực tế.

Tấn Gia Quyền khởi đi từ võ sư Tấn Hoành (Nguyễn Trần Tiếp 1921 - 2002), một kỳ nhân võ thuật Quảng Ngãi với quá trình tìm thầy học võ nhiều nơi, đến giai đoạn mở lò năm 1955 truyền dạy những thế hệ học trò nổi tiếng trên các võ đài trước năm 1975 và cho đến ngày nay. Sư phụ của võ sư Tấn Hoành có người chỉ một ngày, có người đôi ba tháng, có người một vài năm; sự đam mê và sức sáng tạo trong đường quyền, thế cước đã giúp võ sư Tấn Hoành danh bất hư truyền mà thế hệ con cháu chưa "giải mã" được sự kỳ diệu ấy. Võ đường của ông là điểm dừng chân của những võ sĩ, danh sư nổi tiếng trong nước như võ sư Minh Cảnh, Dương Minh Quảng, Bảo Truy Phong...

Võ sư Tấn Diêu (Nguyễn Trần Diêu), sinh 1936, người gốc Quảng Ngãi, ông là con chú nhưng được võ sư Tấn Hoành coi như con ruột trong gia đình đồng thời là học trò lớn. Thời trẻ là một võ sĩ lừng danh, võ sư Tấn Diêu không ngại so găng với bất cứ một danh thủ nào, nhất là những võ sĩ nước ngoài thời ấy, Đông Dương hay Âu Châu. Đặc điểm của Lò Tấn là thiện chiến về võ đài Võ cổ truyền tự do và Quyền Anh. Ông hiện sống tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Võ sư Tấn Tương Lai (Nguyễn Trần Lai), sinh năm 1943 tại Quảng Ngãi, con trai của võ sư Tấn Hoành. Ông là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh Quảng Ngãi, con chim đầu đàn của lực lượng trọng tài quốc gia Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam những năm về trước. Võ sư Tấn Tương Lai đào tạo nhiều võ sĩ nổi tiếng, góp công xây dựng phong trào Võ cổ truyền Quảng Ngãi. Nhớ lại những năm trước, trong các giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc khi xếp lịch thi đấu, các đơn vị gặp Quảng Ngãi đều phải kiêng nể. Ông sống tình nghĩa, hiền hoà, khiêm tốn, đơn giản nhưng suy nghĩ sâu sắc. Con trai của ông là Tấn Đại Lực (Nguyễn Trần Tấn Lực), thành danh trên con đường sự nghiệp Thể dục Thể thao, chuyên ngành võ thuật, hiện là Trưởng bộ môn võ thuật Trung tâm huấn luyện Thể dục, Thể thao Quốc gia III.

Võ sư Tấn Phi Diệu (Nguyễn Trần Diệu), sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi, con trai võ sư Tấn Diêu, thường trú tại Nghĩa Hưng, Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng, là Uỷ viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng. Bản thân võ sư Tấn Phi Diệu thi đấu thành công trên võ đài Võ cổ truyền tự do, và Quyền Anh nhiều năm, thời chỉ có đôi găng, không mũ bảo hiểm, không giáp che thân, dùng chỏ, gối trên võ đài, đổ máu là chuyện thường tình trong giao đấu. Em trai Tấn Phi Diệu là Tấn Nhất Duy (Nguyễn Trần Duy) thi đấu rất xuất sắc, vô địch nhiều năm liền, gần như chưa nếm mùi thất bại, nhất là những trận đấu Quyền Anh với lối di chuyển nhanh nhẹn, ra vào hợp lý, tung đòn chính xác, có sức mạnh, hiệu quả, nên các trận đấu của Duy gây nhiều ấn tượng cho người xem. Con trai của Tấn Phi Diệu là Nguyễn Trần Duy Nhất và Nguyễn Trần Tự Do, là những võ sĩ xuất sắc của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, về học Đại học ở Saigon, tham gia thi đấu Muay Thai, Kick Boxing với thành tích rất tốt. Chỉ trong một thời gian ngắn tập luyện Muay Thai, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất đã 3 lần vô địch thế giới năm 2010, 2011, 2012, vô địch tiền Indoor Games, huy chương vàng Châu Á, huy chương bạc Seagames...Phải chăng Võ cổ truyền đã làm nền tảng vững chắc cho các võ sĩ Việt Nam khoác áo các môn võ nước ngoài thi đấu trên đấu trường thế giới thành công, mang vinh quang về cho đất nước.

Võ sư Nguyễn Ninh, nguyên giám đốc Trung tâm Thể dục, Thể thao tỉnh Quảng Ngãi, Uỷ viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban chuyên môn - kỹ thuật Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, là học trò của anh trai Tấn Hồng (Nguyễn Hồng), Võ sư Tấn Hồng là học trò của võ sư Tấn Thành (Nguyễn Trần Thành), cùng thời ấy còn có võ sư Tấn Tề (Nguyễn Trần Tề). Võ sư Nguyễn Ninh, sinh năm 1952 tại Quảng Ngãi, biệt danh Nguyễn Phi Hùng, nhiều lần vô địch và phá vỡ kỷ lục đánh bại các võ sĩ đương kim vô địch thời ấy trên võ đài trước và sau năm 1975. Tính tình hiền hậu, hoà đồng, ông là Phó tổng trọng tài các giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc

Picture41-1.jpg
Võ sư Tấn Nhật Bích và con gái Tấn Nhật Liên Thư

Võ sư Tấn Nhật Bích (Đào Văn Bích), người có công lớn trong việc phát triển Võ thuật cổ truyền nói chung và Võ cổ truyền Bình Định cùng Lò Tấn nói riêng tại hải ngoại. Quê quán của ông là Thừa Thiên - Huế, thời trẻ vào học ở Quảng Ngãi, duyên võ đưa ông đến thọ giáo trực tiếp với võ sư Tấn Hoành. Ông hiện định cư tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Tuổi ngoài 60 nhưng vẫn còn quắc thước, mày rậm, mắt sáng, mang tâm huyết phục hưng Võ cổ truyền Việt Nam, truyền dạy không chỉ võ thuật mà còn chú trọng đến đạo lý uống nước nhớ nguồn và nhắc nhở cho các thế hệ võ sinh về lịch sử dân tộc. Ông sáng lập Hội Võ thuật Bình Định và Trường huấn luyện Võ thuật Bình Định tại Boston, gọi là Bình Định Academy.

Là người nặng lòng với quê hương, đất nước, tháng 12 hằng năm, ông cùng các đệ tử tổ chức Lễ cúng Tổ và kỷ niệm ngày thành lập Trường huấn luyện Võ thuật Bình Định tại Dorchester House Multi-Services Center, Massachusetts. Trên bàn thờ Tổ là hình Hoàng Đế Quang Trung, di ảnh võ sư Tấn Hoành, áo choàng mang chữ Tấn, "Võ học còn, hồn Việt còn" và hai bên là hai câu đối mang ý nghĩa giáo dục với quyết tâm: "Dạ sắt, chí cao, xây nền Tấn; Gan vàng, mộng lớn, bạt chông gai". Đích thân võ sư Tấn Nhật Bích dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế lên Tổ võ nghiệp Việt Nam, đại diện võ sinh đọc bài truyền thống lịch sử trước sự chứng kiến của các hội đoàn, đoàn thể, báo chí, phát thanh truyền hình, người Việt hải ngoại và đông đảo phụ huynh võ sinh. Sau lễ cúng Tổ là phần biểu diễn võ thuật cổ truyền Việt Nam: Tây Sơn thập thần binh khí, Trống trận Tây Sơn. Tất cả đều mang ý nghĩa về nguồn vô cùng quý giá.

Các con trong gia đình võ sư Tấn Nhật Bích đều theo tập Võ cổ truyền Việt Nam, con gái Tấn Nhật Liên Thư, bác sĩ nhãn khoa, một huấn luyện viên đắc lực giúp võ sư Tấn Nhật Bích và Trường huấn luyện Võ thuật Bình Định phát triển vững mạnh ở Boston, Massachusetts. Tại buổi lễ, võ sư Tấn Nhật Bích trao tấm áo choàng cho con gái Tấn Nhật Liên Thư, tấm áo choàng này ngày trước võ sư Tấn Hoành trao cho ông dưới chân núi Bạch Mã, cách thành phố Huế 40 cây số về phía Tây Nam như một lới nhắn nhủ tiếp nối truyền thống thượng võ Việt Nam

 



Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn