Lịch sử võ đường Hồng Sơn Liên Hoa Huyền Linh - thiếu lâm Hồng Gia Phái

Cuốn theo dòng Lịch sử võ thuật cổ truyền Việt Nam, theo thời gian cũng hàng thế kỷ ông bà ta thường có câu "Cây có cội -nước có nguồn", Võ phái nào cũng có nguồn gốc hẳn hoi, cội nguồn lâu đời, đang lưu giữ nhiều cổ bản võ học của Tiền nhân một thời khai sáng giữ gìn và truyền thụ lại cho thế hệ sau.

Đức Thầy Trần A Hòa mất đi không chỉ để lại sự thương tiếc cho nhiều người mà còn để lại cho hậu thế một di sản Văn hóa võ thuật phi vật thể vô giá, sự cống hiến đáng kể, một tấm gương ngời sáng về người thầy nhân hậu đức độ. Chúng tôi còn nhớ hoài lời thầy đã dạy "khi chưa học võ hai tay của mình thật là vô dụng, đến khi học võ rồi thì đôi tay của mình càng vô dụng hơn". Người học võ như chúng ta phải lấy chữ "Nhẫn" làm đầu, thể hiện nghĩa cử cao cả của người học võ khi hữu sự. Lúc còn trẻ chúng tôi chưa hiểu được lời dạy của Thầy, đến khi trưởng thành mới hiểu ra ý nghĩa thật là sâu xa.

Lão võ sư Trần A Hòa sinh năm 1905 tại Chợ Được huyện Thăng Bình, lúc lên 7 tuổi theo cha luyện tập võ thuật, không bao lâu sau Thầy Hòa đã nhuần nhuyễn nhiều các bài bản võ thuật do cha truyền dạy như Hồng gia quyền, Bát bộ Mai hoa, Trường quyền, Trường côn, Đơn đao, Thất tinh kiếm, Lăng ba di bộ...

Picture30.jpg
Lão võ sư Trần A Hòa

Đến tuổi 15 thì cha mẹ qua đời do chiến tranh nên phải tự lập. Thầy Hòa xuôi ngược đó đây, cơ duyên gặp được Tôn sư Trịnh Tống Quân, tên thường gọi là thầy Xú, thuộc môn phái Thiếu Lâm, quê quán Quảng Đông- Trung Quốc- bang Phúc Kiến sang Việt Nam lánh nạn nhận làm đồ đệ.

Cuốn lượt sử võ thuật cổ truyền việt nam viết về Tôn sư Trịnh Tống Quân đến định cư tại Hội An vào đầu thập kỷ 1900, làm Thầy thuốc bắc và dạy võ thuật, là người sáng lập đội Thiên cẩu phố cổ Hội An biểu diễn rất nổi tiếng trong thời kỳ này. Đội Thiên cẩu của Tôn sư Trịnh Tống Quân có tên gọi là Đại Hòa Lạc. Đội thường biểu diễn vào dịp lễ tết, trung thu, khánh thành, khai trương cửa hiệu. Thiên cẩu vào nhà đem lại may mắn, phước lộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, được người dân reo hò tán thưởng. Thiên cẩu cũng là loại hình văn hóa được Ban nghiên cứu di tích phố cổ Hội An bảo tồn và phát triển.

Là người đam mê võ thuật và hiếu học, được Tôn sư nhận làm môn đồ, ban ngày giúp thầy cơm nước, cán thuốc, hót thuốc ban đêm tập luyện võ thuật, từ đó thầy trò sớm tối có nhau.

Tôn sư hành nghề thuốc bắc cứu rất nhiều người, nhận nhiều môn đồ cũng có chút tiếng vang, nên nhiều võ sư, võ sĩ đương thời tìm đến xin giao lưu võ thuật. Tôn sư rất tế nhị, khéo léo dùng những chiêu thức hóa giải không làm tổn thương hòa khí và biến đối phương thành bạn. Trong những người đó có một vị Quan lớn với chức danh là Thầy Chánh mà người dân địa phương thường gọi là Thầy Chánh Lơn, tên thật là Hồ Lan Đình (1884 - 1932) người thuộc Tỉnh Quảng Tín, bây giờ là thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam, hiện tại còn có con cháu thừa kế võ học đời thứ 3 là thầy Hồ Doãn của Võ Đường Hồ Tấn thành phố Tam Kỳ. Hai vị Tôn Sư giao lưu võ thuật với nhau, tâm đầu ý hợp, kết giao bằng hữu và cùng nhau nghiên cứu trao đổi võ học giữa hai nền Võ thuật Thiếu Lâm Trung Hoa và Võ cổ truyền Việt Nam, được báo chí thời đó đăng bài ca tụng.

Và từ đó Thầy Xú được nhiều người trong giới võ và những ngươi đam mê võ thuật kính trọng, đã phong tặng hai câu thơ:
- Ngựa Đan Tứ Diện, Cầm Nả Thủ.
- Huyền Linh Tứ Mã, Khắc Ghi Tâm.

Trong thời gian dài gần gũi luyện tập võ thuật với Tôn sư Trịnh Tống Quân, thầy Hòa được học những bài võ cổ bản như : Hồng gia thập tự quyền, Thiếu lâm phục hổ quyền, Bạch mi thập tự quyền, Lý ngư phản thủy, Bát tiên, Hổ hạc song hình quyền, Hồng các côn, Trường thương, Lục hoa đao, Song đao quá hội, Kiếm pháp mai hoa, Song kiếm phá thạch, Thanh long đại đao...

Khi tuổi đã già Tôn Sư Trịnh Tống Quân an cư tại chùa Phước Lâm để yên dưỡng quãng đời còn lại. Thầy Hòa vẫn thường xuyên lui tới thăm viếng và được truyền dạy thêm một số kinh nghiệm về chiêu thức võ thuật, đồng thời được thừa kế một số sách vở ghi chép bài bản võ học và 40 bài thuốc bắc cho người học trò yêu quí nhân hậu, đức độ, dùng để luyện tập võ thuật, chữa trị những chấn thương trong khi luyện võ cũng như giao đấu và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Đến năm 1945, Tôn Sư Trịnh Cẩm Quân qua đời và được ang táng bên hữu chùa Phước Lâm- Hội An.

Những giai thoại về Thầy Hòa trên bước đường ngao du sơn thủy trên khắp mọi miền đất nước. Một hôm tình cờ đi ngang qua một ngôi làng thuộc tỉnh Bình Định, thấy nhiều người bao quanh một thiếu nữ tài hoa xinh đẹp mặc bộ đồ bà ba trắng dõng dạc nói, nếu người nào đánh trúng ngực (vú), thì tôi xin thua và được nhận một số tiền khen thưởng. Nhiều chàng trai làng nghe thấy vậy xin vào thi đấu nhưng tất cả đều bị đánh văng ra ngoài, cô ta võ công rất thâm hậu muốn thắng cũng không phải chuyện đơn giản. Thầy Hòa nghĩ thầm nếu điểm trúng ngực cô nàng, mà không để lại bằng chứng thì cũng khó lòng thuyết phục, nên đi về hướng sau nhà hai tay bôi đầy nhọ nồi, rồi xin giao đấu. Cô nàng tự phụ cũng dõng dạc tuyên báo như lúc ban đầu, hai bên qua lại dò quyền, bất ngờ cô nàng tung ra một ngọn cước thần sầu, Thầy Hòa lui về phía sau để tránh ngọn cước, cô nàng thuận thế nhập nội tấn công như vũ bão, thầy Hòa tránh né hóa giải đồng thời chẽ quyền hai tay đụng nhẹ vào ngực áo của cô, rồi nhảy lui về phía sau xin chiụ thua. Cô nàng nói giao đấu chưa phân thắng bại mà sao đã chiụ thua, lúc đó mọi người bật lên cười vì nhìn thấy hai dấu bàn tay nhọ nồi đen dính vào ngực áo cô nàng, nhưng cô ta không hay biết vì đụng vào quá nhẹ, khi nhìn xuống thấy vậy nên cô nàng che mặt chạy vào nhà trong.

Thời trai trẻ Thầy Hòa rất say mê võ thuật, nên thấy nơi nào có dạy võ là xin vào học tập để tìm hiểu thêm những điều mới lạ của những môn võ của người nước ngoài. Vào thờì kỳ Pháp đô hộ có lớp quyền anh của người Pháp đang tập luyện, Thầy Hòa đăng ký xin vào học. Một thời gian sau HLV người Pháp thấy thầy Hòa tay chân lanh lẹ nên mời ra tập đấu với người Pháp. Võ sĩ người Pháp tấn công hàng loạt quả đấm thẳng, thầy Hòa di chuyển và dùng bộ tay nội hóa giải những quả đấm, đồng thời trả đòn trúng vào mặt võ sĩ người Pháp, nên HLV người Pháp không cho thầy Hòa tiếp tục tập luyện ở lớp nữa. Mọi võ sinh trong sân tập đều rất luyến tiếc và phong tặng cho thầy Hòa danh hiệu "nhất thủ địch song quyền".

Khi Thầy Xú mất, Thầy Hòa đã bước vào tuổi 40 là người tiếp nối con đường võ thuật của Tôn sư Trịnh Tống Quân, lo tập trung vào việc nghiên cứu, phân tích, ghi chép lại bài bản biên dịch các tư liệu võ thuật từ tiếng Hán sang tiếng Việt, tìm hiểu cốt lõi các chiêu thức, đòn thế võ thuật mà Thầy đã được học. Cũng từ đây Thầy đã nhận một số học trò để lưu truyền bài bản.

Năm 1971 được lời mời của Trường Trần Quí Cáp, thầy Hòa cùng con trai là Trần A Hồng đến dạy võ thuật cho học sinh của trường, đồng thời tham gia biểu diễn võ thuật vào năm 1971 tại trường.

Đến năm 1973 thầy Hòa thành lập Võ đường và được ông Trần Văn Thoản là Chủ tịch Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam cấp Chứng minh thư, chứng thật Võ sư Trần A Hòa là Giám đốc Võ đường Hồng Sơn.

Nhiều năm trôi qua thầy Hòa đã đào tạo hàng trăm môn sinh trên khắp mọi miền đất nước nhưng hiện giờ đã phân tán, chỉ còn lại một số môn sinh nòng cốt như:
- Thầy Trần Do: hiện giảng dạy tại trường PTTH Nguyễn Trãi -Hội An.
- Thầy Dương Ngọc Tạo: hiện ở tại TPHCM.
- Thầy Bùi Phước Hoàng: hiện ở tại khối 3 phường Thanh Hà.
- Thầy Nguyễn Thành: nhà ở khu vực chùa Pháp Bảo-Hội An nay đã qua đời.
- Thầy Lê Nga: là tu sĩ phật giáo tiểu thừa tại Nha Trang.

Và một số môn sinh khác như Ngô Thi Hải là chủ nhiệm CLB Vạn Xuân, Nguyễn Dân, Nguyễn Long, Nguyễn Mẹo, Nguyễn Đình Nguyên, Đỗ Thi Nhân, Phùng Phương, Nguyễn Tám v.v...

Thời gian trôi qua, vào ngày mồng 5 tháng 5 năm Ất Mão (1975) Thầy Trần A Hòa qua đời. Mọi người vô cùng thương tiếc vị thầy hiền từ, đức độ nhân hậu, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp võ thuật, và đào tạo nhiều thế hệ môn sinh đời sau.
Ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển võ thuật của cố võ sư Trần A Hòa là người đã có công sáng lập Võ đường và trở thành Chưởng Môn đời thứ nhất của Võ Đường Hồng Sơn.

Các sư huynh đệ đồng môn của thầy như Lão võ sư Trịnh Đông Sơn hiệu là Hai Quờn hiện ở Đạt Lý- TP Buôn Ma Thuột; Trần Tứ một thời nổi tiếng với Nhị thập tứ liên hoàn cước là một cầu thủ bóng đá xuất sắc qua đời vào thời kỳ Pháp, Lão võ sư Mai Tích, Triệu Nhất Lang hiện còn có học trò giảng dạy tại Đà Nẵng và huyện Hiệp Đức, Ông "Xí mà" ở tại vườn ươm hiện nay đã qua đời...

Sau khi sư phụ Trần A Hòa qua đời, vào thời kỳ đất nước mới giải phóng, môn sinh bị phân tán nhiều nơi để tìm kế mưu sinh. Vì thế Võ đường không có điều kiện duy trì thường xuyên. Đến năm 1984, người con trai của Cố võ sư Trần A Hòa là Thầy Trần A Hồng đứng ra quy tụ một số anh em huynh đệ và môn đồ cũ như Thầy Trần Do, Bùi Phước Hoàng, Nguyễn Thành và một số môn đồ khác cùng chung tay góp sức khôi phục và xây dựng lại Võ đường, địa điểm tập luyện tại trường Nguyễn Bá Ngọc-Hội An.

Sau nhiều sinh hoạt mang tính nội bộ, về sau các anh em sư huynh đệ Võ đường nhận thấy cần phải bầu chọn người đứng ra chiụ trách nhiệm và thành lập CLB võ thuật để mang tính hợp pháp, đồng thời quảng bá và mở rộng phạm vi hoạt động truyền thụ võ công lại cho các lớp môn sinh thế hệ sau.
Tất cả các anh sư huynh đệ tổ chức cuộc họp và đi đến thống nhất bầu chọn Thầy Trần A Hồng là người tiếp nối sự nghiệp của cha là Cố võ sư Trần A Hòa, đứng ra mang trọng trách dìu dắt môn sinh thế hệ sau và thành lập CLB võ thuật.
Năm 1988 thầy Trần A Hồng thành lập CLB võ thuật dưới sự quản lý nghành dọc của Phòng VHTDTT thị xã Hội An và được cấp quyết định với tên gọi CLB võ thuật Liên Hoa Huyền Linh - Thiếu Lâm Hồng Gia Phái.

CLB võ thuật Liên Hoa Huyền Linh được sự dìu dắt, huấn luyện của thầy Trần A Hồng, Thầy Bùi Phước Hoàn và các HLV của Võ đường, trong một thời gian ngắn đã phát triển rất tốt, môn sinh tập luyện tại CLB rất đông, lên đến hàng trăm môn sinh tập luyện thường xuyên.
Năm 1993 Thầy Hồng tham dự lớp tập huấn 4 bài quyền, binh khí qui định của liên đoàn võ thuật cổ truyên Việt Nam: Lão hổ thượng sơn, hung kê quyền, Roi thai sơn và Tứ linh đao được tổ chức tại 30 Ngô Gia Tự Thành phố Đà nẵng.

Năm 1994 CLB Liên Hoa Huyền Linh tham gia Giải thi đấu vô địch đối kháng tự do võ thuật cổ truyền toàn tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ, được tổ chức tại Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương TP Đà Nẵng và đã giành được một huy chương bạc. Tuy thành tích còn khiêm tốn nhưng bước đầu Võ đường cũng khẳng định được bước đi và có những định hướng cho những năm tiếp theo, đồng thời góp phần xây dựng cho phong trào võ thuật Thị xã Hội An ngày còn phát triển mạnh hơn.

Cùng năm Võ đường Tổ chức Đại hội lần thứ I vào ngày Giỗ tổ 10/10AL tại trường Nguyễn Bá Ngọc. Môn sinh các thế hệ tham dự đông đủ. Đại hội đã ghi nhận công lao đóng góp vào sự nghiệp phát triển Võ đường của các thế hệ môn sinh, đồng thời tập thể Võ đường nhất trí chọn người xứng đáng làm Chưởng môn đời thứ 2 để kế thừa sự nghiệp võ thuật mà sư phụ Trần A Hòa để lại.

Người mang trọng trách đó là con trai duy nhất của Cố võ sư Trần A Hòa là Võ sư Trần A Hồng. Sau khi nhận trọng trách của sư tổ và thân sinh, thầy Trần A Hồng cùng các huynh đệ năng nổ tập luyện và truyền dạy võ nghệ cho các môn sinh không quản nắng mưa, gian khổ để tìm nhân tài hầu phát huy được tinh hoa võ thuật của môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia. Vì nặng chữ gia truyền nên Thầy Trần A Hồng gắng sức truyền dạy và nghiên cứu võ học theo hệ thống bài bản rất khoa học như mình đã được học của thân sinh, do đó đã thu hút hàng ngàn võ sinh tham gia tập luyện, làm cho Võ đường ngày càng được vững mạnh và phát triển, đóng góp một phần công sức của đơn vị mình cho sự phát triển chung của làng võ Thị xã Hội An cũng như của tỉnh Quảng Nam.

- Tháng 9/1995 Phòng VHTT&TDTT, HLV Trần A Hồng của Võ đường tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ môn võ quốc tế Pencaksilat và Wushu do Sở TDTT tổ chức tại Đà Nẵng, được cấp văn bằng chứng nhận là HLV giỏi.
- Tháng 11/1995 tại Hội An, Sở TDTT tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài Pencaksilat và Wushu sanshou. Võ đường cử 7 thành viên tham gia đều đạt loại giỏi, riêng HLV trưởng Trần A Hồng đạt thủ khoa.
- Tháng 12/1995 HLV trưởng Trần A Hồng tham gia lớp tập huấn trọng tài và 9 bài quyền binh khí quy định võ cổ truyền do Sở TDTT tỉnh Quảng Nam tổ chức tại huyện Duy Xuyên.

Nhiều năm trôi qua Võ đường Được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của các cấp lãnh đạo Thành phố, CLB Liên Hoa Huyền Linh ngày càng được giao lưu hòa nhập với làng võ của tỉnh nhà cũng như toàn quốc. Đến nay Võ đường đã Tham gia tập huấn 14 bài qui định của LĐVTCTVN tập huấn ở nhiều nơi và tham gia các cuộc thi cấp văn bằng Võ sư- HLV. Đến nay Võ đường có 2 võ sư cấp quốc gia và nhiều HLV cao cấp, đạt được 4HCV, 3HCB, 1HCĐ ở các giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc, hàng chục huy chương vàng bạc đồng cấp tỉnh như Trần Hoàng Phúc 5 năm liền đạt huy chương vàng cấp tỉnh, Trần Quang Huy 5 năm liền đạt huy chương vàng cấp tỉnh...và là một trong những đơn vị đầu tiên của Tỉnh QNĐN có võ sinh được phong danh hiệu kiện tướng quốc gia môn võ cổ truyền vào năm 1996.

Năm 2005 Võ đường Hồng Sơn Tổ chức Đại hội lần thứ II vào ngày Giỗ tổ 10/10AL tại nhà Võ sư Trần A Hồng. Môn sinh 2 thế hệ tham dự đầy đủ, dưới sự chứng kiến của các cấp lãnh đạo như ông Nguyễn Thành Tự- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam, ông Lê Thanh Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT TP Hội An, Lão võ sư Võ Kiểu và một số thân hữu, võ đường bạn trong toàn tỉnh Quảng Nam. Đại hội đã ghi nhận công lao đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển Võ đường của võ sư Trần A Hồng, tập thể thống nhất tín nhiệm Chưởng môn Trần A Hồng tiếp tục nhận trách nhiệm dìu dắt môn sinh thế hệ sau đồng thời đưa Võ đường ngày càng phát triển và giao lưu hòa nhập, tham gia đẩy mạnh phong trào của địa phương cũng như tỉnh Quảng Nam ngày càng tiến xa hơn nữa.

Hiện nay ngôi nhà của Chưởng môn Trần A Hồng trở thành ngôi nhà thờ Tổ của Võ đường Hồng Sơn, tọa lạc tại xã Cẩm Hà TP Hội An, là điểm hội tụ tập luyện của các thế hệ môn sinh cũng như thông lệ hằng năm môn sinh tề tựu đông đủ về thắp những nén hương thơm nhân ngày giỗ Tổ Võ đường vào 10/10 ÂL để tưởng nhớ đến những bậc tiền bối đã khai sáng giữ gìn và truyền thụ võ công lại cho thế hệ sau.

Vào ngày 16 tháng 10 năm 2010, Phòng VH&TT thành phố Hội An thành lập Chi hội võ thuật TP, Võ sư Trần A Hồng đã được các thành viên trong làng võ của Thành phố Hội An tín nhiệm bầu chọn làm Chi hội phó kiêm Trưởng ban chuyên môn của Chi hội võ thuật thành phố Hội An.

Sau ngày Đại hội Chi hội võ thuật TP Hội An, Võ sư Trần A Hồng đã tham mưu Chi hội võ thuật Thành phố Hội An phối hợp với Phòng VH&TT tổ chức Giải thi đấu võ thuật mở rộng tại Nhà hát lớn TP Hội An, gồm 4 đơn vị tham gia : thành phố Hội An, huyện Quế Sơn, huyện Thăng Bình và huyện Điện Bàn . Chi hội võ thuật TP Hội An đã giành được giải nhất toàn đoàn. Ngoài ra Chi hội liên tục tổ chức thành công 2 lần thi thăng cấp đai từ cấp 9 – 14, do Hội võ thuật cổ truyền tỉnh QN cấp văn bằng, 6 lần thi thăng cấp đai từ cấp 1- 8 do Chi hội võ thuật TP Hội An cấp văn bằng, có hàng trăm lượt môn sinh tham gia dự thi, sung quỹ hàng chục triệu đồng.

Trung thu 2011 Trung tâm VHTT TP Hội An tổ chức Hội thi múa lân trên Mai hoa thung tại Quảng trường sông Hoài với sự tham gia của 5 CLB như : CLB Liên Hoa Huyền Linh, CLB Minh an, CLB Hoàng Lộc, CLB Thiếu Lâm Hồng Gia, CLB nhà Thiếu nhi. CLB Liên Hoa Huyền Linh- Đoàn lân Hồng Sơn Đường danh dự đã giành được giải Nhất lân và Nhất ông địa.

Nhân hội tết dân tộc năm 2011 UBND TP, Phòng VH&TT và Trung tâmVHTT TP Hội An Tổ chức Hội thi võ thuật cổ truyền và Pencacksilat Mừng xuân Nhâm Thìn, với sự tham gia của 7 CLB võ thuật đang hoạt động thường xuyên trong chi hội võ thuật TP Hội An như : CLB Liên Hoa Huyền Linh, CLB Ngũ Phụng Sơn, CLB Minh An, CLB Thiếu Lâm Hồng Gia, CLB Cẩm Châu, CLB Nhà Thiếu Nhi, CLB Cẩm Nam. Trong đó CLB Liên Hoa Huyền Linh đã giành được giải nhất toàn đoàn.

Trung thu 2012 Võ đường cử đoàn lân-thiên cẩu tham gia chương trình vui cùng trò chơi dân gian tại Thủ đô Hà Nội. Đoàn Lân, Thiên Cẩu Hồng Sơn Đường tham gia biểu diễn Màn Thiên Cẩu ăn lá, là màn biểu diễn đặc sắc truyền tích của Thiên cẩu, vì vậy người diễn phải thể hiện thần thái từ tốn của linh vật, vờn mồi, tranh mồi đầy tính nghệ thuật và thể hiện độ khó cao, đã được người xem tán thưởng và cổ vũ nhiệt tình, được Ban giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tặng giấy khen.

Cho đến nay Võ đường đã thành lập được 3 câu lạc bộ trực thuộc Võ Đường Hồng Sơn là CLB Liên Hoa Huyền Linh, CLB Thiếu Lâm Hồng Gia phường Cẩm Phô và CLB Phường Thanh Hà với 4 điểm tập luyện thường xuyên: sân Khổng Tử Miếu, sân Trường dạy nghề Bắc Quảng Nam, sân thiết chế khối Thanh Chiếm phường Thanh Hà, sân thiết chế văn hóa thôn Triêm Trung 2 xã Điện Phương, đã đào tạo được hàng ngàn môn sinh.
Được sự huấn luyện, dìu dắt tận tình của võ sư Trần A Hồng, Võ Đường Hồng Sơn ngày càng phát triển giao lưu hòa nhập và có tiếng nói chung trong làng võ của tỉnh nhà, hiện nay Vị Chưởng Môn mà chúng tôi lựa chọn bây giờ là Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Võ Thuật Tỉnh Quảng Nam, Chi Hội Phó Trưởng Ban Chuyên Môn Chi hội võ thật TP Hội An.


Nguồn: http://vocotruyenvietnam.vn