Nhu Khí Công Quyền Việt Võ Đạo

Nền tảng khí công của Vovinam là Nhu Khí Công Quyền. Bởi quyền tượng hình, hình gợi ý, ý dẫn khí. Khi đi quyền cần phải biết tụ khí và vận khí ở các bộ phận cần thiết trong cơ thể mới mang lại kết quả mong muốn, nếu không chỉ là múa cái hình bề ngoài mà thôi.

Phổ thông việc hướng dẫn đi Nhu Khí Công Quyền phân ra hai phần: bên trong là hô hấp (thở ra, hít vào), bên ngoài là quyền thức. Khi đi quyền, xuất thủ thì hô (thở ra), thu tay thì hấp (hít vào); thăng thì hấp, giáng thì hô; khai thì hấp, hợp thì hô; đồng bộ chuyển thân và lúc đi những thức quá độ thì hít thở ngắn chứ không hô hấp dài; giữa hô và hấp còn hàm cái lượng hơi đình chỉ hơi thở (tức ngưng thở). Khi đẩy, ấn tay ra thì hô, lúc thu tay vào thì hấp.

Tập Nhu Khí Công Quyền, gân cốt phải mềm mại, các khớp phải linh hoạt chuyển động tay chân, di thân chuyển hướng như nước chảy không thôi, bản lề không mọt. Công pháp này nhằm rèn luyện các khớp xương trong toàn thân hoạt động, làm cho các cơ quan nội tạng cũng hoạt động theo, từng bước nâng cao tính hưng phấn của hệ thần kinh, tạo tính linh hoạt, nhịp nhàng của các khớp xương cốt và dây chằng. Đi Nhu Khí Công Quyền, tiết tấu trầm nhẹ, mạch lạc, tư thế phóng khoáng, thi triển khoảng khoát, đường bệ. Khi luyện động tác nhịp nhàng, phối hợp với hơi thở một cách khoan thai, không cứng nhắc, không uể oải mà phải linh hoạt tự nhiên với hai mắt nhìn thẳng long lanh có thần, khắp châu thân tràn trề sức sống.

Tà khí nhập vào tim phổi thường lưu giữ ở hai nách. Tà khí nhập gan tích tụ ở mạng sườn. Do đó, khi tập cần vươn tay, mở nách, chuyển động khu trừ tà khí ở Tim, Phổi, Gan làm tăng thêm lượng chứa hơi trong phổi, tăng sức dẻo dai cơ ngực, cơ đầu cổ và cơ bụng rèn luyện các khớp ở vai, khuỷu tay, sườn, đồng thời bổ tâm ích tỳ vị, khiến huyết lưu thông tốt, thúc đẩy sự bài tiết và hấp thụ tốt, tránh bệnh tật, hỗ trở và trị liệu chứng viêm phế quản, mãn tính...

Y học Đông Phương nhận định: Thận là cái gốc của hậu thiên, lưng là cái nơi chứa quả thận. Cho nên, bất cứ loại quyền thuật hay thể thao nào, cho chí lao động sản xuất, nếu lưng yếu làm việc sẽ yếu kém. Tuy nhiên, phải căn cứ vào tình hình thể chất của mình mà "Tập tùy sức, vừa phải, tuần tự, tiệm tiếm để giữ sức không bị tổn hại". Sự sống tồn tại nhờ ở vận động, ít hoạt động sẽ giảm bớt quá trình sống. Người khỏe mạnh nhờ thường xuyên vận động, luyện tập; người yếu, mắc bệnh mãn tính càng cần thiết hoạt động, luyện tập hơn. Vấn đề là nên hoạt động, luyện tập như thế nào? Phải dựa vào tình hình cụ thể của bản thân từng người mà lựa chọn phương pháp khí công thích hợp, luyện tập đúng mức, vừa sức sẽ có hiệu quả tốt, tăng cường sức khỏe. Khi người yếu mắc bệnh mãn tính mà quá chú trọng nghỉ ngơi, không dám rèn luyện khí công sẽ khiến tinh thần ủy mị, thiếu lòng tin về khả năng chiến thắng bệnh tật, bị suy sụp tức khắc.

Rèn luyện khí công có tác dụng tốt để chữa trị về nhiều mặt trong cơ thể đặc biệt là đối với hệ thần kinh trung ương. Thần kinh trung ương là bộ tư lệnh của toàn thân, các tế bào thần kinh trung ương có quan hệ mật thiết với các cơ quan nội tạng và cơ bắp trong toàn thân. Chữa trị bằng khí công, người bệnh cần làm những hoạt động thích hợp để khiến cho cơ bắp co giãn và thả lỏng, sẽ điều hòa các quá trình hưng phấn và ức chế để điều tiết sự hoạt động của các cơ quan nội tạng toàn thân để có khả năng đề kháng, tiêu trừ bệnh tật.

  1. Xây dựng lòng tự tin và tư tưởng lạc quan yêu đời.

  2. Kiên trì và thường nhật luyện tập một cách có hệt thống (không tập bữa đực bữa cái).

  3. Tuần tự và tiệm tiến theo đà thuyên giảm của bệnh tật. Khi bệnh đã lui cần nâng cao lượng hoạt động và luyện tập để tăng cường sức khỏe.

  4. Rèn luyện toàn diện. Mọi cơ bắp, gân cốt đều được vận động, cả trong và ngoài cơ thể cho khí huyết lưu thông, mới đẩy lui được bệt tật.

Đốt sống cổ, sống lưng là những bộ phận sung yếu trong cơ thể, thường xuyên luyện tập động tác xoay lưng, cơ thể khai thông các mạch Đốc, Nhâm, Đới làm linh hoạt cột sống, tăng cường thăng bằng.

Động tác dang rộng cánh tay, mở rộng lồng ngực có thể làm cho cơ tay chân thả lỏng, huyết áp hạ thấp; hít hơi thật sâu rồi thở ra thật hết, nhờ đó tăng lượng hơi ở phổi, tăng cường cơ ngực, cơ bả vai, cơ hai đầu cánh tay dưới, cánh tay trên và cơ bụng. Đồng thời còn giảm bớt mỡ dưới da... Eo lưng là chỗ ở của thận. Thận làm chủ lưng, đùi. Tập uốn và xoay eo lưng làm cho eo và đùi vững chắc, khiến gan, thận khỏe mạnh. Động công tiến hành rèn luyện trên cơ sở tĩnh công, chú trọng lấy thế chuyển khí, nhờ đó đạt được "Khí huyết cùng luyện, kình khí cùng luyện, nội ngoại cùng luyện", khiến khí lực tăng gấp đôi, thúc đẩy khí huyết toàn thân điều hòa, kinh lạc thơi thông, chủ yếu luyện tích lũy và giải phóng năng lượng, tăng cường công năng "ngoại khí nội thu, nội khí phóng ngoại" của đôi tay thao tác, đôi chân di động.

"Nội kình" trong khí công là năng lượng hoạt động trong cơ thể, là cơ sở vật chất của hoạt động sinh mạng, là tiềm lực ẩn náu trong cơ thể con người. Trong quá trình luyện công nhất thiết phải có sự huấn luyện đặc biệt và có tính mấu chốt, đó là sự rèn luyện ban động và án động của 10 ngón tay và 10 ngón chân. Chính chúng là nơi khởi đầu và là chỗ kết thúc của 12 kinh trong cơ thể, sự ban động (các hoạt động của các ngón tay như nắm, gẩy... là ban động) và án động (các ngón chân bấm, ấn... là án động) không những có thể tích lũy và điều tiết giải phóng nội kình mà còn là phương pháp hỗ trợ, khiến việc luyện công đạt được kết quả gấp đôi trong cùng một thời gian.

Ban chỉ pháp kiên trì luyện tập sẽ có cảm giác có một dòng hơi ấm từ Mạch Đốc ở sau lưng vận chuyển lên rồi từ Mạch Nhâm vận chuyển xuống ở phía trước, chu chuyển tuần hoàn làm cho Mạch Nhâm, Mạch Đốc lưu thông. Mạch Nhâm là biển của Âm Mạch. Mạch Đốc là nơi tụ hội chung của Dương Mạch. Một khi khơi thông hai mạch đó thì Bát Mạch Kinh Kỳ trong cơ thể đều thông; qua đó cho thấy sự quan trọng của hai mạch Nhâm, Đốc.

Sự ban động ngón tay và án động ngón chân nhịp nhàng cùng lúc sẽ thúc đẩy sự vận chuyển khí trong các kinh lạc có liên quan, cho nên ban, án, ngón tay, ngón chân đúng quy luật thì sẽ có thể điều chỉnh trực tiếp về lưu lượng và vận tốc, nhờ đó thúc đẩy được sự vận hành của khí huyết, khơi thông kinh lạc, kích phát và tích trữ nội kình (tiềm năng trong cơ thể). Dẫn đến tác dụng tăng nhanh tiến trình luyện công đạt hiệu quả gấp đôi.

Tĩnh công định tâm để tụ khí. Động công để tán phóng khí. Động tĩnh phối hợp, trong Động có Tĩnh, trong Tĩnh có Động. Tĩnh là cơ sở, Động là thể dụng. Vận khí bằng đi quyền, tay chân ban, án lúc thăng lúc trầm! Dẫn lực bằng hơi, thu phóng tự nhiên. Hữu hình vô ảnh, theo khí sinh lực.Vận dụng phát huy thông suốt kinh lạc. Khí thông bì phu, xuyên thông cốt tủy, xương khớp chơn tru, gân xương cứng khỏe. Ngón tay co bóp, ngón chân bấm ấn, khí thông toàn kinh, lục phủ ngũ tạng. Âm dương cân bằng, thuận nhĩ thính vượng, phù chính trừ tà, đẩy lùi bách bệnh.

Nhu Khí Công Quyền phối hợp giữa Động công và Tĩnh công, hỗ trợ lẫn nhau, nên không thủ ý, lấy chuyển động trong thư giãn để dẫn khí khiến người tập cảm thấy sảng khoái, khoáng hoạt, đi hoài không mệt mỏi.

Chú trọng về Động công, nhưng khi đi xong những bài Nhu Khí Công Quyền. Vovinam vẫn cho môn sinh tĩnh tọa để tập Tĩnh công. Tĩnh tọa theo cách ngồi "kiết già" hay "bán già" hay ngồi thông thường đều được, nhưng phải ngồi ngay ngắn vững vàng (chính thân đoan tọa), đỉnh đầu như treo lên (hư linh đỉnh kình), vai trầm ngực ngậm, toàn thân buông lỏng, đầu lưỡi chạm nhẹ vào giữa vòm miệng trên, môi răng ngậm nhẹ, mắt lim dim hơi khép. Lưng tay trái đặt vào lòng bàn tay phải, để sát bụng dưới buông lỏng trên hai đùi, bụng rốn buông nhẹ xuống.

Giềng mối của Tĩnh công là "Tam điểm nhất tuyến" tức là: Điều Thân - Điều Tức - Điều Tâm. Tâm Bình, Khí Hòa, Chí Chính, Thể Trực, Tâm phải thanh tịnh, không vọng tưởng lan man, cũng không để tinh thần căng thẳng. Và phải:

  1. Tập trong khung cảnh vắng lặng yên tĩnh, có cảm giác ở huyệt Ấn Đường.

  2. Các khớp xương toàn thân buông lỏng, mềm mại, nhẹ nhàng, tránh cứng đơ, căng thẳng.

  3. Tránh tập lúc quá đói hoặc quá no; nên tập vào giờ Mão (5-6 giờ sáng) và giờ Dậu (gà lên chuồng 5-6 giờ chiều). Nếu nửa đêm không ngủ được, có thể tập vào giờ Tý (12 giờ đêm).

Quan trọng nhất là tâm tư phải thật vắng lặng, không ta không người. Nhất thiết mọi tư lự không chạy ra ngoai (thu thị phản thính - thu cái nhìn nghe ngược lại)

  1. Tai không nghe để Tinh quay về Thận.

  2. Mắt không nhìn để Hồn quay về Can.

  3. Miệng không nói để Thần quay về Tâm.

  4. Mũi không ngửi để Phách quay về Phế.

  5. Ý không nghĩ để Ý quay về Tỳ.

Tinh-Hồn-Thần-Phách-Ý có chỗ quy về Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận thì là "Phục Kỳ Mện" ắt thiện Tâm nhiên hậu hiện ra.

Tập khí công đạt mức, thành tựu sẽ khơi thông được ba huyệt "Tam Quan", tức các huyệt Vĩ Lư, Hiệp Tích, và Ngọc Chẩm.

CẦN LƯU Ý: Nước bọt có rất nhiều tác dụng. Ở trong miệng, trước hết, nước bọt bôi trơn lưỡi và miệng nên tiếng nói phát âm dễ dàng. Nếu miệng lưỡi khô, nói sẽ hụt hơi. Trong nước bọt có chất kháng sinh có thể diệt được vi trùng và làm trung hòa vi khuẩn hình thành ở men răng sau khi ăn. Ngay sau khi thức ăn vào miệng, nước bọt đã bắt đầu tác động đến quá trình dễ tiêu hóa cho bao tử, làm tốt việc phục hồi men răng và giữ vệ sinh cho răng miệng. Do đó, khi tập Tĩnh công cần phải chạm đầu lưỡi vào giữa miệng trên để nước bọt ứa ra giữ hơi cho bền.

Huy Vũ