Khí Công Bài 4: Luyện Vòng Tiểu Chu Thiên

Ghi chú: Vòng Tiểu Chu Thiên (còn gọi là Vòng Nhâm Đốc Mạch) xưa kia được coi như một phương pháp Khí Công bí truyền vì Luyện Vòng Tiểu Chu Thiên duy trì sự quân bình Âm Dương. Khí luôn vận hành theo vòng khép kín, không bao giờ ngừng, tầm mức tác dụng rất cao vào toàn bộ Kinh Mạch và chức năng của Phủ Tạng.

Hướng đi của hai mạch Nhâm Đốc:

  • Mạch Nhâm thuộc Âm (thuộc phía trước thân ngực, bụng của ta).

  • Mạch Đốc thuộc Dương (thuộc phía sau lưng, chạy qua đỉnh đầu của ta).

  • Theo luật Âm giáng (đi xuống), Dương thăng (đi lên) thì:

  • Mạch Nhâm sẽ đi từ huyệt Thừa Tương (huyệt nằm ở giữa cằm, cách môi dưới độ 1cm), đi xuống theo đường giữa bụng, xuống đến huyệt Hội Âm (huyệt Hội Âm nằm ở chính giữa bộ phận sinh dục và hậu môn).

  • Mạch Đốc sẽ đi ngược lên, đi từ huyệt Trường Cường (huyệt này nằm ở điểm chót của đốt cột sống cuối cùng, ngay đầu hậu môn), chạy ngược lên, qua đỉnh đầu, xuống tới huyệt Ngân Giao (là huyệt nằm ở chính giữa vòm miệng, thường gọi là hàm ếch).

Vì vậy, trong tập luyện vòng Tiểu Chu Thiên, cũng như luyện các phương pháp Khí Công khác, lưỡi luôn phải uốn cong, đặt lên nóc hàm ếch, tại vùng huyệt Ngân Giao, nhằm khép kín vòng Âm Dương, để Khí không bị phân tán.

Nhập Tĩnh: Ngồi bán già hay kiết già, hoặc ngồi trên ghế, từ huyệt Bách hội (đỉnh đầu) qua sống lưng, xuống huyệt Hội Âm đều nằm trên một trục thẳng.

I. Luyện Nhâm Mạch và Đốc Mạch riêng (áp dụng phương pháp thở hai thời)

1. Luyện Nhâm Mạch:

  • Thở vào: từ từ dẫn Khí theo Mạch Nhâm, đi từ huyệt Thừa Tương xuống huyệt Hội Âm.
  • Thở ra:từ từ dẫn Khí theo Mạch Nhâm, đi từ huyệt Hội Âm đi ngược lên huyệt Thừa Tương.

2. Luyện Mạch Đốc:

  • Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Trường Cường, ngược lên theo cột sống, qua đỉnh đầu, tới huyệt Ngân Giao (vòm miệng)
  • Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Nhân Trung (huyệt này nằm giữa vùng môi trên, ngay giữa sống mũi), lên đỉnh đầu, xuống gáy, chạy dọc theo cột sống, xuống huyệt Trường Cường.

II. Luyện vòng Nhâm Đốc chung:

Thông suốt hai mạch mà không cảm thấy vướng víu, do đó cần tập trung Ý để Khí có thể chạy dễ dàng.

a. Phương pháp thứ nhất: Luyện vòng Tiểu Chu Thiên theo hai hơi thở (mỗi hơi hai thời).

  • Hơi thở thứ nhất:
  • Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Thừa Tương, xuống tới huyệt Khí Hải, hay Đan Điền.
  • Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Khí Hải xuống Hội Âm rồi theo Đốc Mạch lên huyệt Trường Cường, đồng thời co thắt hậu môn để đẩy Khí lên.
  • Hơi thở thứ hai:
  • Thở vào: dẫn Khí từ huyệt Trường Cường cho tới huyệt Đại Chùy (huyệt này nằm dưới các đốt xương cổ, nhưng ngay ở đốt xương sống đầu tiên, khi ta cúi đầu xuống, ở phần giáp xương cổ và lưng có một cục xương nhô cao, sát bên dưới đốt xương đó là huyệt Đại Chùy).
  • Thở ra: dẫn Khí từ huyệt Đại Chùy cho tới huyệt Nhân Trung.

b. Phương pháp thứ hai: Luyện nguyên vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở

  • Thở vào: tưởng tượng Khí nhập vào huyệt Thừa tương, dẫn xuống qua huyệt Khí Hải, tới Hội Âm (trong 5 giây)
  • Thở ra: Co thắt hậu môn, đẩy Khí từ huyệt Hội Âm, ngược theo cột sống, chạy lên đỉnh đầu (huyệt Bách Hội), rồi tới huyệt Nhân Trung (trong 5 giây).

Cứ thế tiếp tục không ngừng nghỉ cho đến hết buổi tập. Đến khi kết thúc buổi tập, lúc thở ra, ta sẽ dẫn Khí xuống thẳng Đan Điền.

c. Phương pháp thứ ba: Luyện hai vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở:

  • Thở vào: dẫn Khí đi từ huyệt Thừa Tương, chạy suốt hai mạch Nhâm Đốc đến huyệt Nhân Trung.
  • Thở ra: cũng dẫn Khí chạy suốt hai mạch Nhâm Đốc, nhưng ở vòng cuối, dẫn Khí chạy thẳng xuống Đan Điền.

d. Phương pháp thứ tư:Luyện nhiều vòng Tiểu Chu Thiên bằng một chu kỳ thở ba thời:

  • Tạm ngưng thở: dẫn Khí chạy lướt qua vòng Nhâm Đốc mạch.
  • Thở vào: tụ Khí đầy ở huyệt Thừa Tương.
  • Ngưng thở: Tập trung ý, dẫn Khí chạy theo đường Nhâm Đốc mạch từ 3 đến 4 lần nhanh. Ở vòng cuối cùng dẫn Khí xuống Đan Điền.
  • Thở ra: tưởng tượng Khí tỏa ra khắp vùng bụng dưới.

e. Phương pháp thứ năm:Vận Khí chạy ngược vòng Nhâm Đốc Mạch. Sau khi đã tập thành thục, ta có thể:

1. Vận Khí chạy ngược với đường đi tự nhiên trên vòng Nhâm Đốc:

  • Thở vào: Vận Khí từ huyệt Hội Âm ngược lên đường giữa bụng, lên huyệt Thừa Tương (luyện Nhâm Mạch).
  • Thở ra: vận Khí từ huyệt Thừa Tương, lên mặt, qua đỉnh đầu, chạy dọc xương sống xuống Hội Âm, về Đan Điền.

2. Vận Khí chạy ngược xuôi, qua lại, tới lui trên suốt vòng Nhâm Đốc:

  • Có khi, chỉ cần dùng lưỡi, để lên vòm miệng (hàm ếch), hơi thở tự nhiên bình thường, tự động vòng Nhâm Đốc vận hành chạy liên tục không ngừng nghỉ. Tất nhiên phải đạt tới giai đoạn nhuần nhuyền lắm thì mới có thành tựu như vậy được.

Ghi chú: những huyệt khó vượt qua trên mạch Đốc

  • Huyệt Trường Cường (nằm ở đốt xương cùng của cột sống), từ Hội Âm lên Trường Cường phải qua hậu môn, là một đường cong... vì thế, ta phải co thắt hậu môn để giúp đẩy Khí lên.

  • Huyệt Mệnh Môn (nằm trong khối thận, khoảng chính giữa trục Đan Điền và cột xương sống.) Khi dẫn Khí qua Mệnh Môn, ta chỉ cần tập trung Ý, cho chạy chậm lại một chút là có thể vượt qua dễ dàng.

  • Huyệt Não Hộ (nằm trên vùng gáy, dưới Bách Hội, ngang với huyệt Ấn Đường ở phía trước), vì Khí phải vượt qua đường hõm, vòng cung của gáy nên khó đi, nhưng nếu ta tập trung Ý, cho chạy chậm lại một chút thì Khí sẽ vượt qua dễ dàng.

Người mới tập vòng Tiểu Chu Thiên, lúc đầu chưa thấy cảm giác gì. Nhưng sau thời gian tập quen, ta tập trung được Tâm Ý, dẫn Khí đi đúng hướng, không bị phân tán, lúc đó ta sẽ thấy một luồng chân Khí chạy thành vòng cung trên suốt vòng Nhâm Đốc.

Tầm quan trọng của vòng Nhâm Đốc: luyện vòng Nhâm Đốc là sự giao hòa giữa Tiên Thiên (mạch Đốc vốn là di sản của cha mẹ), và Hậu Thiên (mạch Nhâm được tiếp thụ từ đời sống bên ngoài).

Luyện Tiểu Chu Thiên làm thanh khiết và quân bình Âm Dương, tránh được sự rối loạn chức năng của Phủ Tạng. Luyện vòng Tiểu Chu Thiên là bước đầu tác động vào Tinh - Khí - Thần, tiến tới bài tập để "Tinh biến thành Khí, Khí biến thành Thần".

VS Trần Huy Phong