Khí Công Bài 3 : Luyện Khí

Lời mở đầu: Khí công có nhiều Nhà, nhiều Phái. Tại Trung Quốc hiện có tới 3000 trung tâm đang học tập và nghiên cứu Khí Công và ít nhất cũng có 18 Viện Đại Học đang dùng các phương pháp Khoa Học để nghiên cứu Khí Công. Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao Đại... đã dùng máy phát tia hồng ngoại đo được sự biến đổi nhiệt độ khi võ sư phát công. Các nhà bác học dùng máy quang phổ tử ngoại đo độ kiềm của DNA và RNA, khi có tác động của KHÍ CÔNG, đều thay đổi đến mức làm thay vật mẫu.

Trong công nghiệp cần áp xuất hàng trăm Atmosphere và ở nhiệt độ 300 độ C để hỗn hợp hydro với carbon, nhưng khi có tác động của Khí Công thì phản ứng có thể xảy ra ở điều kiện 01 Atmosphere và 13 độ C. Tại đại học Đài Bắc, Giáo sư Lý Tự Sầm, Chủ Nhiệm Khoa Học Điện Cơ đã dùng khoa học nghiên cứu được những thành tựu cụ thể về môn Khí Công như có khả năng chữa được một số bệnh cho người khác, ngay cả từ xa và ngược lại, võ sư cũng có thể dùng sát khí để giết hại đối thủ từ xa...

Khí Công của Vovinam-Việt Võ Đạo, tổng hợp kinh nghiệm của nhiều Trường Phái khác nhau, nhưng có những nét đặc thù riêng, mục đích để luyện Tâm + Thân theo nguyên lý Cương Nhu Phối Triển. Chủ yếu luyện Khí Công để Dưỡng sinh, bảo kiện, tăng cường thể lực để tự chữa một số bệnh cho chính bản thân và nếu khá hơn, có thể phát công để trị bệnh cho người khác. Đặc biệt là có khả năng tập trung sức mạnh của Tâm Thân, áp dụng trong tự vệ và chiến đấu.

Tôi đã dự định viết một cuốn "Nội Công Nhập Môn Việt Võ Đạo" từ mấy năm trước, nhưng không may tôi bị lâm trọng bệnh, nên chưa thực hiện được. Do yêu cầu của một số môn sinh, đề nghị tôi viết tiếp một vài bài nữa sau bài "Khái Lược Về Khí Công" đăng trong tập san Việt Võ Đạo - Trở Về Nguồn xuất bản năm 1993. Mặc dù đang tiếp tục điều trị bệnh tại Pháp (đợt 3), tôi cũng cố gắng đáp ứng lời yêu cầu của các bạn.

1. Môi Trường Tập:

Môi trường tập rất quan trọng, để tránh những tác động của khung cảnh từ bên ngoài có thể tác động không tốt vào cơ thể.

Không gian: Yên tĩnh - Sạch sẽ - Thoáng mát (đừng để bị ngoại cảnh quấy rầy, nhất là những thứ ảnh hưởng tới Ngũ Quan và cần nơi an toàn...) Không nên ngồi tập chỗ có gió lùa. Khi trời giông bão, sấm sét, mưa to, điện trường xung quanh biến động quá nhanh. Nên ngồi tập trên một tấm chiếu hay một tấm mền mỏng.

Thời gian: Người xưa chia thời gian theo giờ sinh thái rất phức tạp, ngày nay ít ai theo được. Tốt nhất là nên tập vào lúc bình minh, hoặc vào những giờ rảnh rỗi, không bị công việc chi phối là được.

  • Không nên luyện công trong lúc ăn no, uống say, chỉ tập khi bụng đã nhẹ (sau bữa ăn khoảng 2 giờ).

  • Không tập khi đau yếu, hoặc khi làm việc quá mệt mỏi.

  • Không giao hợp trước và sau buổi tập.

  • Uống một ly nước đun sôi để nguội trước và sau buổi tập.

2. Chuẩn bị tư tưởng:

Trước khi tập thở Nội Công, điều quan trọng trước hết là phải chuẩn bị Ý Niệm và Tư Tưởng: hãy buông bỏ tất cả... không còn hình ảnh nào vương vấn trong tâm ta nữa, không lo lắng, ưu tư, yêu ghét gì nữa... cuộc đời dù có ghê gớm đến đâu, ta cũng nên "vứt bỏ ra ngoài trong chốt lát, để Tâm được thực sự an bình, thư thái (điều Tâm).

3. Tư thế mẫu:

Hướng ngồi nên theo hướng Nam Bắc (quay mặt về hướng Bắc cho hợp với Địa từ, nhưng cũng không cần quan trọng hóa). Ngồi kiết già hay bán già đều được cả, miễn sao thấy thoải mái. Áp dụng các nguyên tắc sau:

  • Lưng thẳng, cổ thẳng, đầu ngay ngắn, cằm hơi thu lại.

  • Bụng lỏng, hai vai và hai tay buông lỏng, toàn thân thư giãn (điều thân) cho hai mạch Nhâm Đốc và 12 kinh thông.

  • Miệng ngậm để giữ Khí, lưỡi cong đặt trên vòm ếch để thông giữa hai mạch Nhâm Đốc, nếu có nước miếng thì nuốt đi.

  • Hai lòng bàn tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt ở vị trí bụng dưới. Con Trai tay trái chồng lên trên, con Gái tay phải chồng lên trên.

  • Mắt nhắm để định thần, tư tưởng tập trung dùng Ý dẫn Khí, vì vậy phải thuộc vị trí của các đại huyệt (coi bảng hướng dẫn).

  • Đầu tiên hơi thở phải tự nhiên, đều đặn (điều Tức).

  • Nhập Tĩnh: Tập trung tinh thần, ta nhẩm đọc bài Kệ, trong ý:

Lưng thẳng, vai mềm, bụng lỏng ra,
Gát phăng ý nghĩ khỏi đầu ta,
Điều hơi, vận khí theo phương pháp,
Óc cố, tâm yên, tiến rất xa.

(Óc cố có nghĩa là đầu óc chỉ tập trung cố định vào một điểm như hơi thở chẳng hạn).

Nếu Tâm vẫn chưa thực sự yên tĩnh, ta nhẩm đọc bài Kệ sau đây:

Chẳng mừng giận, cũng không yêu ghét,
Chẳng thương xót, cũng không lo buồn,
Đã không ham muốn, có chi sợ hãi,
Để lòng thanh thản, an nhiên tự tại.

4. Luyện Công:

Khi Tâm hồn đã thực sự đi vào yên tĩnh và thoải mái, ta bắt đầu luyện Công theo phương pháp 3 thời hoặc 4 thời, nhưng theo các nguyên tắc sau đây: 3-6-3.

  • Mượn hơi thở không khí bằng mũi, thở Nhẹ - Êm - Dài, nhưng thực tế dùng ý thở bằng toàn thân.

  • Tất nhiên vẫn thở như bài luyện thở Nội Công số 2, nhưng không quan tâm nhiều đến hơi thở (bằng khí trời) như trước mà thở gần như vô thức. Nhưng điểm chủ yếu là Thở Bằng Ý, thở bằng tất cả các huyệt đạo, bắt đầu thở từ huyệt Bách hội (đỉnh đầu), thở bằng tất cả các huyệt cao trên đầu, thở bằng lỗ tai, thở bằng các huyệt Dũng Tuyền (giữa gan bàn chân), bằng các huyệt Lao Cung (giữa gan bàn tay), thở bằng tất cả những lỗ chân lông, dưới hạ bàn, từ hậu môn, bộ phận sinh dục, từ huyệt Hội Âm, Trường Cường và các huyệt đạo khác... ta hấp thụ được Địa Khí v.v.. nghĩa là toàn thân đều thở. Thở như thế, có nghĩa là toàn bộ cơ thể ta đã được hấp thụ được nhiều Tinh Khí của trời đất, của Vũ Trụ, của các tia alfa, các tia điện từ của trái đất và các hành tinh khác...

Ta dồn tất cả các khí "Âm Dương" của trời đất ấy, tích tụ vào Đan Điền, nén thành một trái cầu ngũ sắc, to như một quả cam. Ta vận hành cho trái cầu này quay tròn trong Đan Điền, theo chiều quay của kim đồng hồ và ngược lại. Trái cầu này sẽ phát ánh sáng, soi sáng Lục Phủ Ngũ Tạng của ta, rồi soi sáng khắp các Kinh Mạch và cơ thể ta, có thể đó chỉ là do ta tưởng tượng ra mà cũng có thể là thật. Ánh sáng đó mỗi lúc một sáng, soi toả khắp cơ quan trong người. Hiện tượng này có thể chỉ là ý niệm, nhưng cũng có thể là sự thật. Người Tây phương sẽ khó có thể cảm nhận được hiện tượng này.

Trái cầu ấy chính là Khí Hậu Thiên của Trời Đất, kết hợp với Khí Tiên Thiên vốn đã sẵn có trong cơ thể ta để tăng cường, phối hợp, làm thành Chân Khí, mà Chân Khí là cái gốc của sự sống, nó lưu hành, cung ứng cho các Kinh Mạch và Nội Tạng của ta. Trái cầu "Chân Khí" đó, sau khi cung ứng cho các nội tạng và Kinh Mạch, nó sẽ mờ dần và nhỏ dần, chỉ còn là một điểm sáng... Nhưng sau đó ta lại tiếp tục thở, tiếp tục Nạp... trái cầu lại càng lớn và sáng trở lại... và cứ thế tiếp tục mãi cho đến hết buổi tập. Trung bình, mỗi buổi tập ít nhất cũng phải kéo dài trong 30 phút, ta sẽ tiếp thụ được thêm Chân Khí.

VS Trần Huy Phong