Trình độ Hoàng đai Thi Thăng cấp lên Hoàng đai Nhất Cấp
Hỏi và đáp khảo hạch lý thuyết võ đạo
1. Quan niệm của môn sinh Vovinam về Tu Thân ra sao?
Tu thân là cách mạng tâm thân, là thường xuyên và liên tục:
- Hàm dưỡng ý chí
- Mở mang kiến thức
- Trau dồi đức hạnh
- Rèn luyện tài năng
2. Quan niệm của môn sinh Vovinam về tề gia ra sao?
Tổ chức và đặt đúng mối tương quan đối xử, đãi ngộ, thông tình đạt lý giữa những phần tử trong gia đình với nhau để gia đình được ổn định hầu có thời giờ và đầu óc thực hiên lý tưởng của mình đã vạch ra. Gia đình theo nghĩa hiện đại gồm 3 thế hệ: ông bà, vợ chồng, con cái. Có gia đình cũng sống chung với nhau cả năm đời. Phải tổ chức sắp đặt sao cho những người liên hệ đó đừng làm trở ngại công việc của ta.
3. Quan niệm về tình nghĩa sư đệ ngày nay?
Nói chung tình nghĩa sư đệ hôm nay đã suy giảm rất nhiều, vì:
- Ảnh hưởng của tư tưởng tự do dân chủ tiến bộ.
- Ảnh hưởng của các vấn đề tiến bộ xã hội như chiến tranh, sự tiến bộ của kỹ thuật và khoa học, khiến cho con người muốn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ, coi trọng trí tuệ, nhẹ niềm tin và giá trị tinh thần.
- Hệ thống tổ chức nền giáo dục đã đổi mới, ông thầy ngày nay chỉ là một chuyên viên. Do đó, về đức độ, tuổi tác, kinh nghiệm sống chưa hẳn đã vượt trên người học mình. Một học sinh từ Tiểu học lên đến Đại học thường qua vài chục ông thầy. Tình cảm sư đệ làm sao có thể sâu đậm được. Ngày xưa, một thầy đồ có khi dạy học trò từ lúc còn để chỏm cho đến lúc thành ông Nghè, ông Cống, giáo huấn cả về nếp sống, cách cư xử ở đời.
4. Muốn tình sư đệ được thiêng liêng thắm thiết, thầy trò phải đối xử với nhau ra sao?
Tình sư đệ ngày nay có nồng độ cao hay thấp tùy theo tổ chức giáo dục, tùy theo tư cách cá nhân và cách cư xử giữa thầy trò.
Muốn tình nghĩa sư đệ thắm thiết, thầy và trò phải:
- Trước hết, thầy phải xứng đáng là thầy (có tác phong, tư cách, khả năng, có tinh thần phục vụ cao cả).
- Kế đến thầy phải thành thực, tận tâm dạy bảo, thương mến trò, coi trò như gan ruột, tay chân.
- Đổi lại, trò phải trung thực, tôn kính, biết ơn và làm vinh danh thầy bằng cách thực nghiệm những điều đã thụ huấn.
Kiến thức Vovinam Việt Võ Đạo
1. Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo ra đời từ năm nào? Do ai sáng lập?
Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo ra đời năm 1938 tại Hà Nội, do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập.
2. Hãy cho biết ngày-nơi sinh, ngày-nơi mất của Cố Võ sư Sáng Tổ Môn phái?
Võ sư Nguyễn Lộc sinh ngày 24/5/1912 tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt.
Võ sư Nguyễn Lộc mất ngày 29/4/1960 (mồng bốn, tháng tư, năm Canh Tý) tại Sài Gòn. Di cốt hiện lưu giữ tại Tổ đường môn phái, số 31 Sư Vạn Hạnh, Phường 3, Quận 10, TPHCM, Việt Nam.
3. Trước khi mất, võ sư Nguyễn Lộc giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho ai? Sơ lượt về người kế nhiệm võ sư Nguyễn Lộc?
Trước khi lâm chung, Cố Võ sư Sáng Tổ giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho Võ sư Lê Sáng.
Võ sư Lê Sáng là Chưởng môn môn phái Vovinam Việt Võ Đạo (1960 -2010). Ông sinh năm 1920 tại Hà Nội, mất ngày 27/9/2010 (hai mươi, tháng tám, năm Canh Dần) tại Quận 10, TpHCM, Việt Nam. Di cốt hiện lưu giữ tại Tổ đường môn phái, số 31 Sư Vạn Hạnh, Phường 3, Quận 10, TPHCM, Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Võ sư Chưởng môn Lê Sáng, trong suốt 50 năm với không ít thăng trầm, từ một môn võ phục hồi hoạt động tại Sài Gòn sau 1964, VVN-VVĐ đã phát triển vượt bậc và mở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trở thành một môn phái được đông đảo bạn bè khắp năm châu hâm mộ, xây dựng trên một hệ thống triết lý võ đạo (triết lý sống) mang tính nhân văn và thượng võ.
4. Hiện nay môn phái Vovinam Việt Võ Đạo do ai lãnh đạo?
Trước khi mất, võ sư Lê Sáng giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho một tập thể môn đồ được người lựa chọn, gọi là Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn phái (bao gồm 9 vị), mà người đứng đầu gọi là Chánh Chưởng Quản. Hiện nay, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đảm nhận vai trò Chánh Chưởng Quản (theo quyết định ngày 31/3/2010 của Võ sư Chưởng môn), là người lãnh đạo môn phái Vovinam Việt Võ Đạo hiện nay.