Hỏi và đáp khảo hạch lý thuyết võ đạo
1. Vovinam là gì?
- Vovinam là từ quốc tế hóa của cụm từ võ thuật – võ đạo Việt Nam.
- Về nội dung Vovinam có 2 phần:
- Võ thuật Việt Nam (Việt võ thuật).
- Võ đạo Việt Nam (Việt võ đạo).
- Vovinam là gốc rễ, cội nguồn, còn Việt võ đạo là hoa trái của Vovinam sau quá trình mấy chục năm phát triển.
2. Khi “Nghiêm lễ” Việt võ đạo sinh đặt bàn tay phải lên trái tim có ý nghĩa gì?
- Khi “Nghiêm lễ” Việt võ đạo sinh đặt bàn tay phải lên trái tim có ý nghĩa bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái, đức dũng đi đôi với lòng nhân, Võ thuật gắn liền với Võ đạo. Việt võ đạo sinh chỉ được dùng võ để cảnh báo, cảm hóa người, chứ không phải để trừng phạt, trả thù người.
3. Có mấy điều sơ khởi cần ghi nhớ về kỷ luật võ đường (câu lạc bộ)?
Việt võ đạo sinh cần ghi nhớ 3 điều sơ khởi sau đây về kỷ luật võ đường:
- Đi tập đều đặn và đúng giờ. Đến trễ phải báo lý do. Nghỉ tập phải xin phép.
- Trong giờ tập phải chăm chỉ luyện tập, hòa nhã và giúp đỡ bạn bè.
- Gặp người trên phải chào theo lối “Nghiêm – Lễ”. Khi đến võ đường (CLB) và trước khi ra về phải chào di ảnh cố võ sư Sáng tổ môn phái và Chưởng môn.
Kiến thức võ đạo
1. Hãy cho biết danh tính, ngày sinh, nơi sinh, ngày qua đời, nơi qua đời của cố võ sư Sáng tổ môn phái Vovinam – Việt võ đạo?
- Cố võ sư Sáng tổ môn phái Vovinam – Việt võ đạo tên là Nguyễn Lộc. Ông sinh ngày mồng 08 tháng 04 năm Nhâm Tý (1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) và qua đời ngày mồng 04 tháng 04 năm Canh Tý (1960) tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh).
2. Hãy cho biết danh tính, ngày sinh, nơi sinh, ngày qua đời, nơi qua đời của cố võ sư Chưởng môn môn phái Vovinam – Việt võ đạo?
- Cố võ sư Chưởng môn, môn phái Vovinam – Việt võ đạo tên là Lê Sáng. Ông sinh vào mùa thu năm 1920 tại Hà Nội, mất ngày 27 tháng 9 năm 2010 tại TP. Hồ Chí Minh (20 tháng 8 năm Canh Dần).
3. Hiện nay môn phái Vovinam Việt Võ Đạo do ai lãnh đạo ?
- Trước khi mất, võ sư Lê Sáng giao quyền lãnh đạo và phát triển môn phái lại cho một tập thể môn đồ được người lựa chọn, gọi là Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn phái (bao gồm 9 vị), mà người đứng đầu gọi là Chánh Chưởng Quản. Hiện nay, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đảm nhận vai trò Chánh Chưởng Quản (theo quyết định ngày 31/3/2010 của Võ sư Chưởng môn), là người lãnh đạo môn phái hiện nay.