Lý thuyết Võ đạo - Sơ Đẳng - Thi lam đai lên Tam Cấp

Trình độ Lam đai II Cấp Thi Thăng Cấp Lam đai III Cấp

Hỏi và đáp khảo hạch lý thuyết võ đạo


1. Hãy giải thích ý nghĩa đại cương điều tâm niệm thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín, thứ mười của Việt võ đạo sinh?

  • Điều tâm niệm thứ sáu nói về ý hướng và đời sống tinh thần của Việt võ đạo sinh là phải chuyên cần học tập (võ thuật, võ đạo, văn hóa, nghề nghiệp...).
  • Điều tâm niệm thứ bảy nói về tâm nguyện sống của Việt võ đạo sinh đó là sống trong sạch, giản dị, trung thực, cao thượng.
  • Điều tâm niệm thứ tám nói về ý chí của Việt võ đạo sinh. Việt võ đạo sinh phải rèn luyện cho bản thân một ý chí đanh thép, thích nghi với mọi thử thách gian nguy và nỗ lực tự thân cầu tiến.
  • Điều tâm niệm thứ chín nói về nghị lực và tính thực tế của Việt võ đạo sinh là phải sáng suốt khi nhận định, bền gan khi tranh đấu và tháo vát khi hành động.
  • Điều tâm niệm thứ mười nói về đức sống và tinh thần cầu tiến của Việt võ đạo sinh. Đối với bản thân, Việt võ đạo sinh phải tự tin, tự thắng, luôn luôn tự kiểm điểm để tiến bộ. Đối với người phải khiêm cung, độ lượng.

2. Muốn thực hiện chuyên cần học tập Việt võ đạo sinh phải làm gì?

Muốn thực hiện chuyên cần học tập, Việt võ đạo sinh phải:

  • Học cho rộng (võ thuật, võ đạo, văn hóa, nghề nghiệp, lý thuyết, thực hành...)
  • Học cho kỹ (cầu thị, không hiểu thì hỏi, không tự ái, chán nản).
  • Nghĩ cẩn thận (nghiền ngẫm những điều đã học và làm).
  • Luận cho sáng (so sánh, phân tích, tổng hợp, biện luận và phản luận).
  • Luôn gắng sức (dùng sức nhiều hơn bình thường để làm một việc gì).

3. Muốn rèn luyện tinh thần, Việt võ đạo sinh phải làm gì?

Muốn rèn luyện tinh thần, Việt võ đạo sinh phải:

  • Sống khỏe: Thân thể khỏe mạnh, tư tưởng trong sáng.
  • Đức độ: Luôn luôn bao dung, điều hòa, khắc chế bản thân và tha nhân (người khác) để cùng tiến bộ.
  • Cương trực: Cương quyết và thẳng thắn.
  • Trầm tĩnh: Điềm đạm, bình tĩnh để tránh những trường hợp xốc nổi, nóng vội.
  • Tháo vát: Lanh lợi, quyền biến để có thể ứng phó được với mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp bất ngờ.

4. Bạn hiểu nếp sống giản dị của Việt võ đạo sinh như thế nào?

  • Sống giản dị là không đua đòi, sống phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của bản thân và xã hội. Có điều kiện thì hưởng những tiện nghi tốt đẹp, không có điều kiện thì không đòi hỏi, hạch sách, gây phiền toái, khó chịu cho mọi người.

5. Muốn kiện toàn ý chí đanh thép Việt võ đạo sinh phải làm như thế nào?

Muốn kiện toàn ý chí đanh thép Việt võ đạo sinh phải:

  • Nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc các sự kiện đã thu lượm trước khi quyết định.
  • Thực hiện cho bằng được quyết định của mình với tất cả năng lực, nhiệt tình và cương quyết khi bắt tay vào việc.

6. Tại sao phải sáng suốt khi nhận định?

  • Việt võ đạo sinh cần sáng suốt nhận định để phân biệt phải trái, đúng sai, tình lý, bề mặt, các khúc mắc của sự việc, ngõ hầu xử sự cho hợp thời, đúng lúc.

7. Thế nào là bền gan tranh đấu?

  • Bền gan tranh đấu là có một ý chí và nghị lực sung mãn, thất bại không nản lòng, không chịu khuất phục trước sức mạnh, giải quyết các khó khăn một cách bền bỉ, dẻo dai.

8. Thế nào là tháo vát hành động?

  • Hành động tháo vát là hành động chủ động, thông minh, sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh, hợp tình hợp lý với mọi trường hợp.

9. Thế nào là tự tín, tự thắng và khiêm cung, độ lượng?

  • Tự tín: Tín ở năng lực phẩm chất đạo đức và ý chí của bản thân biết phát huy cái tốt đẹp của bản thân để tiến bộ.
  • Tự thắng: Thắng được mình, tự sửa chữa những thói hư, tật xấu, những vị kỷ yếu đối của bản thân.
  • Khiêm cung: Khiêm nhường và cung kính với người trên hay người cao tuổi hơn mình.
  • Độ lượng: Rộng lượng với người dưới hay người nhỏ tuổi hơn mình.

10. Việt võ đạo sinh nhìn lại bước đã qua với thái độ như thế nào?

  • Việt võ đạo sinh nhìn lại bước đã qua bằng thái độ luôn tự kiểm điểm những ưu khuyết điểm hầu rút ra những bài học kinh nghiệm để tiến bộ chứ không phải nhìn lại những bước đã qua bằng đôi mắt kiêu ngạo, tự mãn trước thành công hoặc than vãn trách móc trước những thất bại đổ vỡ.