Không kể Judo của Nhật đã trở thành môn thể thao Olympic từ khá sớm, cách đây chưa lâu Hàn Quốc khá gian nan khi vận động đưa Taekwondo vào Olympic.
Ở cấp độ thấp hơn, Indonesia đã đưa được Pencak Silat vào SEA Games thì tại sao Vovinam (Võ Việt Nam), tinh hoa võ Việt, lại không trở thành một môn thể thao quốc tế?
Vovinam tại SEA Games 27
Tinh hoa võ thuật
Thật xúc động khi chứng kiến cảnh các môn sinh nhiều sắc da trên khắp thế giới ngồi lạy tạ di ảnh của tổ sư Nguyễn Lộc bên dưới lá cờ đỏ sao vàng trong những lần trở về Việt Nam tham dự các giải đấu quốc tế của Vovinam. Vovinam có quá trình quốc tế hóa khá sớm và khá rộng khắp, nhưng cho đến bây giờ, tiến trình vận động để Vovinam trở thành một môn võ thể thao quốc tế mới có những dấu hiệu chuyển biến rõ nét.
Vovinam được sáng lập tại Hà Nội năm 1938 bởi Sáng tổ Nguyễn Lộc. Qua nghiên cứu về võ thuật Việt Nam và quốc tế, ông nhận thấy các phái võ Việt Nam rất độc đáo, không theo cương hay nhu nhất định, mà biến hóa, linh động tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Từ việc nhận ra thực chất kỹ thuật của bài võ đến việc nhận rõ giá trị đặc thù của từng phái võ, đồng thời đối chiếu với đặc điểm tâm lý, thể tạng của người Việt, thấy cần phải xây dựng một môn võ mang tính dân tộc, khoa học và hiện đại, tổ sư Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm căn bản, đồng thời khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo một môn phái riêng đặt tên là VOVINAM (từ quốc tế hóa của cụm từ “Võ Việt Nam”). Cố võ sư Sáng tổ môn phái Vovinam cũng để lại lời di huấn là Vovinam phục vụ dân tộc và nhân loại.
Theo dòng lịch sử, Vovinam đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và du nhập vào nhiều nước trên thế giới. Tinh hoa võ Việt đã thực sự hấp dẫn hàng triệu môn đồ trên khắp thế giới như một lời giới thiệu về cốt cách, tinh thần thượng võ của người Việt Nam với quốc tế.
Hành trình gian nan
Đã từ lâu, câu cửa miệng “Ta chơi võ người” trên sân chơi đỉnh cao đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong làng thể thao Việt Nam. Nhưng giấc mơ, một ngày nào đó, trên những sân chơi quốc tế có tính chính thống, “người” sẽ chơi võ “ta” vẫn được những người làm võ Việt có tâm huyết ôm ấp dù đường đi lắm ghềnh nhiều thác.
Hơn 2.000 võ sinh Vovinam tại thủ đô Alger của Algeria
Học tập Olympic Seoul 1988 khi Hàn Quốc đưa môn Taekwondo của họ ra biểu diễn, lẽ ra Vovinam đã có cơ hội ra mắt bạn bè trong khu vực với tư cách là môn biểu diễn ở SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà, nhưng tiếc thay vì nhiều lý do, kế hoạch bất thành. Mãi 6 năm sau, Vovinam mới lại tìm thấy cơ hội khi Việt Nam chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (Indoor Games) lần thứ 3 vào năm 2009.
Phải nói rằng Vovinam đã có một hành trình ngược khi có nhiều giải đấu quốc tế ở trong nước và cả giải vô địch quốc gia trước khi Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập. Mãi đến 2007, VVF nhiệm kỳ đầu tiên (2007 – 2011) mới chính thức ra mắt giới mộ điệu võ thuật trong và ngoài nước. Như vậy, sau 69 năm hình thành và phát triển, Vovinam mới chính thức có một tổ chức xã hội hóa cao nhất để làm đầu mối thống nhất mọi hoạt động của Vovinam Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển của bộ môn trong cũng như ngoài nước. Sự kiện này đã đặt cột mốc quan trọng trong lộ trình quốc tế hóa môn võ Việt này.
Lộ trình quốc tế hóa tổ chức Vovinam diễn ra khá nhanh, khi chỉ 1 năm sau, cuối tháng 9/2008 diễn ra Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) – một tổ chức xã hội cao nhất là đầu mối điều hành thống nhất mọi hoạt động của Vovinam quốc tế và thúc đẩy tiến trình phát triển của Vovinam trên trường quốc tế. IVF thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là giúp người dân Việt và bạn bè quốc tế đến với Vovinam nhiều hơn nữa, qua đó đẩy mạnh phong trào rộng khắp hơn; bảo tồn, phát huy các giá trị của Vovinam hiện đại song vẫn giữ được bản sắc môn võ thuật cổ truyền của dân tộc Việt; xây dựng, tổ chức các giải quốc tế, nỗ lực phấn đấu đưa Vovinam vào thi đấu tại các đại hội thể thao khu vực, châu lục, Olympic…
Nhưng vẫn còn một hành trình ngược mà Vovinam Việt Nam phải đi là đã có Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) rồi mới có Liên đoàn Vovinam châu Á (AVF). Rất may là phía Iran nhiệt tình đồng ý chuẩn bị kỹ các bước để xúc tiến thành lập AVF và trụ sở chính được đặt tại thủ đô Teheran của nước này.
Năm 2015, Vovinam sẽ tiếp tục được VVF đẩy mạnh quảng bá với nhiều sự kiện quốc tế lớn như Giải vô địch thế giới lần 4/2015 vào tháng 7 tại Algeria, Giải vô địch Đông Nam Á lần 4/2015 vào tháng 8 tại Thái Lan, Giải vô địch Vovinam châu Á lần 3/2015 vào tháng 11 tại Ấn Độ.
VVF cũng sẽ mở rộng quan hệ giao lưu với các nước có phong trào Vovinam phát triển, quan tâm phát triển đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hong Kong…, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Brunei… nhằm có thể đưa Vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 29 năm 2017. Bên cạnh đó, VVF sẽ tổ chức tập huấn Vovinam cho các nước khu vực châu Á tham gia Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016 do Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.
Tại châu Á, ngoài Việt Nam, Vovinam đã xuất hiện tại Afghanistan, Ấn Độ, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Iran, Iraq, Lào, Li-băng, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan. Ông Lê Quốc Ân, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVF) kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), ước mơ đưa Vovinam vào sân chơi ASIAD.
Dấu hiệu tốt lành
Sau khi được Đài truyền hình CNN (Mỹ) ghi hình và giới thiệu đến hàng triệu người trên thế giới vào tháng 11/2014, Vovinam Việt Nam sắp tới còn được Đài truyền hình TV5 (Pháp) giới thiệu đến với các nước nói tiếng Pháp và Đài truyền hình Áo giới thiệu trong chương trình “Đất nước và con người Việt Nam”.
Vovinam được đưa vào trường học
Năm 2015, VVF tiếp tục được Tập đoàn Dệt may Việt Nam đồng hành và tài trợ 1,2 tỷ đồng nhằm có thể hoạt động và quảng bá cho hình ảnh võ Việt vươn xa ra thế giới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Vovinam đang có mặt ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu.
Không ít môn sinh nước ngoài đã về đất tổ Việt Nam tập huấn và một số HLV Vovinam cũng được mời sang châu Âu, châu Á và tận châu Phi xa xôi để quảng bá một nét văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.
Từ buổi lễ kỷ niện 70 năm hình thành và phát triển Vovinam (26/9/2008) tại TPHCM, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân hồi đó là Phó Thủ tướng đã xúc động trước hình ảnh hàng trăm võ sinh thiếu nhi biểu diễn các đường quyền, thế cước của Vovinam. Ông nói: Vovinam đã có sự lớn mạnh vượt bậc, mong VVF và IVF sẽ tiếp tục có kế hoạch, chiến lược để phát triển rộng khắp hơn nữa Vovinam trên toàn quốc cũng như trên toàn thế giới.
Ở trong nước, Vovinam liên tục tạo ra nhiều cơ hội cọ xát cho các võ sỹ Việt Nam nâng cao trình độ. Phong trào tập luyện Vovinam phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện. Phong trào đặc biệt được đông đảo học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang tham gia. Vovinam cũng được quảng bá mạnh mẽ qua các cuộc giao lưu, thi đấu quốc tế.
Từ một môn phái manh nha tại Hà Nội vào mùa thu 1938, Vovinam giờ đây phát triển vượt bậc và mở rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trở thành môn phái được đông đảo bạn bè khắp năm châu hâm mộ tinh thần thượng võ Việt Nam. Liệu Vovinam có sớm trở thành môn võ thể thao thi đấu chính thức tại ASIAD và xa hơn nữa là Olympic?
Theo: Tienphong.vn