Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Chánh chưởng quản Vovinam Việt Võ Đạo, qua đời.

Rạng sáng 4-2, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Chánh chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, đã qua đời tại nhà riêng (quận 8, TP HCM), thọ 72 tuổi. Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 4-2, lễ động quan sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ 30 ngày 8-2 và linh cữu được hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh – TP HCM).

Sinh năm 1949, võ sư Nguyễn Văn Chiếu là người đã có hơn 50 năm gắn bó với Vovinam (Việt Võ Đạo), một môn võ nổi tiếng của người Việt. Ông đã dồn rất nhiều tâm sức của mình cho sự nghiệp phát triển Vovinam trong nước và thế giới.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đến với Vovinam từ năm 1965. Năm 21 tuổi, ông đã bắt đầu các hoạt động truyền dạy võ Vovinam trong nước. Hồi tưởng lại những ngày đầu gian khó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu từng tâm sự: “Những năm 1965, 1975, các môn võ như Taekwondo, Judo phát triển mạnh ở Sài Gòn. Tôi là một thanh niên ham thích võ thuật nên cũng tìm đến học nhưng cảm thấy không hợp với mình. Sau đó, tôi và mấy người bạn đến xin học Vovinam với võ sư Trần Ngọc Anh. Về sau, võ sư Lê Sáng tập hợp anh em về Tổ đường của môn phái ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM”.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu cùng gia đình dịp tết nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua.

Là người rất có cơ duyên với Vovinam lại chịu khó chăm chỉ tập luyện nên chỉ sau hai năm, tức vào năm 1967, khi mới 23 tuổi, ông đã được phong tam đẳng huyền đai và đi dạy võ ở trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở TP HCM). Năm 1969, chàng võ sư trẻ Nguyễn Văn Chiếu đã “liều mình” rời nhà ngược ra thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để xây dựng phong trào Vovinam ngay trên “xứ võ”.

Vovinam trên đất võ Bình Định

Trong suốt 5 năm lăn lộn trên đất võ Quy Nhơn – Bình Định, trong vai trò như một giám đốc trung tâm huấn luyện phụ trách 12 câu lạc bộ Vovinam tại Bình Định, ông đã đưa phong trào Vovinam phát triển mạnh ở đây và lan dần ra các khu vực lân cận, để rồi sau đó lan tỏa khắp dải đất miền Trung từ Quảng Bình, Đà Nẵng đến Khánh Hòa, Phú Yên… Và đến nay đã phát triển mạnh mẽ ở Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Hà Nội, Thái Nguyên… Cậu con trai út được ông đặt tên là Bình Định như là một kỉ niệm cho những năm tháng dạy võ tại đây.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu và HLV Đinh Duy Huấn – Phó trưởng bộ môn Vovinam Thái Nguyên tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Vovinam Việt Nam.

Năm 1975, ông trở lại Sài Gòn. Khi đó, phong trào Vovinam gần như chìm xuống. Nhưng với niềm đam mê lớn với môn võ của dân tộc, ông lại gầy dựng và làm sống dậy phong trào Vovinam.

Không chỉ tạo dựng được phong trào Vovinam phát triển mạnh trong nước, võ sư Nguyễn Văn Chiếu còn là một trong những người có công lớn trong việc đưa Vovinam đến với các nước thế giới.

Vovinam đặt chân đến xứ sở bạch dương.

Sau chuyến biểu diễn thành công tại Nga vào năm 1990, đến năm 1997, theo lời mời của các võ sinh tại Tây Ban Nha, ông bắt đầu ra nước ngoài dạy Vovinam. Chuyến đi Tây Ban Nha lần ấy của võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã mở đường cho hành trình chinh phục thế giới của Vovinam – Việt Võ Đạo.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trao tặng sách về Vovinam cho võ sư Flores khi sang Việt Nam thách đấu.

Sau đó ông đã đến gần 20 nước để giới thiệu, biểu diễn và truyền dạy Vovinam; góp phần đưa Vovinam phổ biến rộng rãi ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều liên đoàn Vovinam ở châu Á, châu Âu, Đông Nam Á và các nước như Nga, Đức, Iran… cũng đã được thành lập.

Giải vô địch Vovinam Châu Âu

Theo võ sư Nguyễn Văn Chiếu, yếu tố thu hút môn sinh nước ngoài đến với Vovinam ngoài vấn đề kỹ chiến thuật còn có tính triết lí ẩn chứa sâu sắc trong môn võ này. Người nước ngoài thích Vovinam vì tính đơn giản nhưng rất logic, đòn thế dễ học mà rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao. Nếu Taewondo mạnh về chân, Karatedo mạnh về tay thì Vovinam lại là sự tổng hòa của tất cả các yếu tố.

Lớp tập huấn do Liên đoàn Vovinam Thế Giới tổ chức tại Châu Phi.

Ngôi nhà của ông ở Quận 8, TP.HCM cũng trở thành địa chỉ quen thuộc của các võ sinh nước ngoài mỗi khi tìm về Việt Nam trau dồi võ học. Mỗi năm, ông đón hàng chục đoàn võ sinh đến từ các nước như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia…

Võ sư Fugo – Nhật Bản

Nhiều võ sinh nước ngoài khó khăn về kinh phí, ông sẵn sàng cho ngủ nhờ và kêu gia đình nấu ăn cho họ trong những ngày ở Việt Nam luyện võ.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (ngồi xe lăn) tại cuộc họp ban chấp hành Vovinam trước đây.

Ngay cả khi bị mắc căn bệnh lạ khiến việc đi lại khó khăn sau chuyến sang châu Phi dạy và phát triển phong trào Vovinam, ông vẫn nỗ lực với phong trào Vovinam Việt Nam và thế giới.

Chính vì những đóng góp to lớn của mình, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã được kênh CNN chọn làm nhân vật cho chương trình “Human to Hero” (Từ người thường thành người hùng) hồi tháng 11-2014.

Phóng viên CNN thực hiện phóng sự tôn vinh võ sư NGUYỄN VĂN CHIẾU.

Ở chương trình “Human to Hero”, ông đã bộc bạch giấc mơ mở một Học viện Vovinam: “Giấc mơ của tôi là mở một học viện Vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới theo học và nghiên cứu môn võ này”.

Chỉ tiếc rằng, ông đã không thể hoàn thành giấc mơ đó cũng như tâm huyết của mình cho môn phái Vovinam khi ra đi ở tuổi 72. Không chỉ gia đình mà rất nhiều học trò, đồng môn đã không khỏi tiếc thương cho ông.

TỔ ĐƯỜNG VOVINAM – Nơi sẽ đặt di ảnh tưởng niệm của cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu

Năm 2010, chưởng môn Lê Sáng qua đời. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu được bầu làm Chánh chưởng quản Hội đồng võ sư môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo, mang Bạch đai Chánh chưởng quản từ năm 2015, trở thành võ sư có đẳng cấp Vovinam cao nhất Việt Nam, 9 đẳng quốc tế – theo Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam.

Trước khi qua đời, ông là Chánh chưởng quản Hội đồng võ sư, Chưởng quản môn phái Vovinam, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF), Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Chủ tịch hội Việt Võ Đạo TP HCM, Giám đốc kỹ thuật quốc tế.Ông từng làm Phó Phòng Thể dục thể thao quận 8, TP HCM.

Võ Sư Nguyễn Văn Chiếu
– Sinh năm 1949 tại Sài Gòn
– Tạ thế lúc: 4 giờ 33 ngày 4 tháng 2 năm 2020
( Tức ngày 11 tháng 1 năm Canh Tý )
– Hưởng thọ : 72 tuổi

?️ Chương trình tang lễ ?️

– Lễ Nhập quan: 15 giờ ngày 4 tháng 2 năm 2020
– Lễ tại tư gia: 18 giờ 30 ngày 7 tháng 2 năm 2020
– Lễ Động Quan: 4 giờ 30 ngày 8 tháng 2 năm 2020
– Thánh Lễ an táng: 5 giờ ngày 8 tháng 2 n ăm 2020
⛪ Tại thánh đường Giáo xứ Bình Thái.
? Sau đó Linh cữu được đưa đi hỏa táng tại:
Nghĩa trang Đa Phước – Bình Chánh – Tp Hồ Chí Minh…

Ban Thông tin & Truyền thông Vovinam Thái Nguyên