Vì sao Vovinam vắng mặt 
tại SEA Games 29?

Dù từng hai lần có mặt ở SEA Games 26 và 27, nhưng vovinam vừa đón nhận thông tin không vui khi tiếp tục vắng mặt ở SEA Games 29 tại Malaysia 2017 và trước đó là SEA Games 28 ở Singapore.

Đội tuyển Vovinam VN biểu diễn tại SEA Games 27 ở Myanmar năm 2013. Ảnh: GIANG LÊ

Tham dự cuộc họp của chủ nhà Malaysia và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) để quyết định 38 môn tham dự SEA Games 29 tại Kuala Lumpur mới đây, phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN (VOC) Hoàng Vĩnh Giang cho biết việc vovinam không có mặt là chuyện không bất ngờ.

Ông nói: “Điều lệ SEAGF cho phép nước chủ nhà được quyền quyết định môn thi đấu. Nên vovinam dù được Myanmar, Indonesia, Campuchia, Lào ủng hộ cũng không thể được đưa vào SEA Games 29 nếu như chủ nhà Malaysia không ủng hộ. VOC vận động Malaysia rất nhiều nhưng cũng không được. Vì điều quan trọng là vovinam chưa có liên đoàn tại Malaysia nên không thể đưa vào thi đấu được. Do đó có thể nói vovinam bị loại ngay từ vòng gửi xe”.

Việc lần thứ hai liên tiếp không thể có mặt ở SEA Games thật sự là một nỗi buồn cho vovinam khi đã tốn nhiều công sức gây dựng và phát triển phong trào rộng khắp ở 7/11 nước trong khu vực thời gian qua. Trong đó Malaysia là nước mà vovinam đã đến quảng bá cũng như đặt nền móng từ tháng 3-2011, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 26 tại Indonesia năm 2011 cũng như cho tương lai. Nhưng trong hơn 5 năm qua, phong trào vovinam tại Malaysia lại phát triển không mạnh cũng như chưa được Ủy ban Olympic nước này công nhận.

Lý giải về việc vovinam không được đưa vào chương trình thi đấu ở SEA Games 29, phó tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á Nguyễn Bình Định – người từng biểu diễn quảng bá vovinam tại Malaysia năm 2011 cũng như có nhiều cuộc tiếp xúc vận động cho vovinam tại đây thời gian qua – cho biết rào cản lớn nhất ở Malaysia chính là nước này quản lý các liên đoàn thể thao rất chặt chẽ. Ông nói: “Năm 2011, chúng tôi khi sang Malaysia quảng bá cho SEA Games 26 đã liên hệ với cộng đồng Hồi giáo lớn nhất tại đây để tranh thủ sự ủng hộ, nhưng rốt cuộc cũng không được. Hiệp hội Vovinam Malaysia cũng được thành lập, nhưng lại chưa được công nhận và cho đi thi đấu quốc tế do chưa đáp ứng được các yêu cầu là phải có bao nhiêu môn sinh, CLB, giải đấu quốc gia hằng năm”.

Trong khi đó, phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới đồng thời là chủ tịch Liên đoàn Vovinam VN Lê Quốc Ân không khỏi tiếc rẻ khi vovinam tiếp tục vắng mặt ở kỳ tranh tài khu vực. Ông nói: “Chúng tôi vận động, hứa hẹn sẽ giúp đào tạo VĐV nhưng Malaysia nhất định không chịu. Điều này có lẽ cũng do phong trào vovinam tại Malaysia chưa mạnh nên họ không mặn mà lắm. Đây là điều đáng tiếc và đáng lo. Bởi vì nếu cứ vắng mặt ở SEA Games thì phong trào vovinam tại khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng, khi các nước dễ chán nếu như tập mà không có nhiều giải để thi đấu. Giờ thì chúng tôi phải tranh thủ thời gian để có thể đưa vovinam vào SEA Games 30 tại Philippines 2019”.

VN đang hi vọng chủ nhà Philippines đưa vovinam vào chương trình thi đấu SEA Games 30. Bởi Ủy ban Olympic Philippines vừa công nhận Liên đoàn Vovinam tại nước này và sẽ cử đội tuyển tham dự Đại hội bãi biển châu Á 2016 ở Đà Nẵng sắp tới.

Hai kỳ SEA Games 26 và 27 của vovinam

– SEA Games 2011, vovinam có bốn nước tham dự là VN, Indonesia, Campuchia và Lào. VN nhất toàn đoàn khi giành 5/14 HCV. Cùng có 5 HCV nhưng chủ nhà Indonesia xếp thứ hai do thua về số HCB (1 so với 7).

– SEA Games 2013, vovinam có 5 nước tham dự, thêm chủ nhà Myanmar. Kết quả, VN nhất toàn đoàn khi giành 6/18 HCV. Cùng 6 HCV nhưng Myanmar xếp sau do thua về số HCB (2 so với 10).

Nguồn: NGUYÊN KHÔI – TTO