Vì sao vovinam không muốn quảng bá môn phái ra quốc tế?

(PLO) – Theo kế hoạch, ngày 24-8, đoàn Vovinam Việt Nam với 10 thành viên (7 võ sĩ) sẽ lên đường sang Chungju (Hàn Quốc) tham dự Festival Võ thuật thế giới lần thứ 14, một cơ hội tuyệt vời để Vovinam đến với bạn bè thế giới. Nhưng…

Mọi thủ tục của đoàn Vovinam Việt Nam đã chuẩn bị xong. Tuy nhiên, chính những người có trách nhiệm lại quyết không để hình ảnh môn phái vươn ra biển lớn khi ra sức cản trở chuyến đi này. Chuyện thật như đùa!

Mối cơ duyên từ 15 năm trước

Năm 2000, Festival Võ thuật thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Chungju – Hàn Quốc và nhanh chóng để lại tiếng vang lớn trên toàn thế giới khi các môn võ dân tộc trên thế giới có dịp tề tựu đông đủ, thi triển tinh hoa các môn võ cổ truyền dân tộc. Sở dĩ Chungju được lựa chọn là địa điểm đăng cai hằng năm sự kiện này bởi nơi đây được xem là cái nôi của môn Taekkyon danh tiếng. Với khẩu hiệu: Chungju – Trái tim võ thuật thế giới, Festival đã trở thành ngày hội lớn của 44 môn võ dân tộc toàn thế giới.


Vovinam luôn được bạn bè đánh giá cao tại festival.

Từ Festival này, Hiệp hội võ thuật thế giới (WoMAU) đã được thành lập và hiện có 39 quốc gia là thành viên với 44 môn võ cổ truyền dân tộc, trong đó có Việt Nam với 2 môn võ là Vovinam và Võ cổ truyền. Chính những hoạt động mang tính bảo tồn, gìn giữ và phát triển những di sản văn hóa nhân loại mà festival cùng tổ chức WoMAU đã được UNESCO đứng ra bảo trợ.

Suốt 15 năm qua, được sự ủng hộ của ngành TDTT, Việt Nam đã gửi lực lượng sang tham dự, nhanh chóng tạo dựng hình ảnh tốt đẹp với bạn bè quốc tế thông qua việc giới thiệu, quảng bá những đường quyền, ngọn cước ảo diệu của Vovinam và Võ cổ truyền (năm 2012, Vovinam đã giành HCB và đoạt hạng 4 năm 2014 tại lễ hội này). Chính vì sự quan trọng của lễ hội này mà 15 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn về kinh phí (các chuyến đi đều phải tự túc vé máy bay, BTC lo ăn nghỉ tại Hàn Quốc), nhưng những người tâm huyết phát triển môn Vovinam vẫn quyết tâm cử lực lượng sang Chungju giới thiệu hình ảnh trong sự ủng hộ nhiệt tình của những người lãnh đạo của Tổng cục TDTT. Hiện nay cả Vovinam và Võ cổ truyền là 2 môn võ thành viên chính thức của tổ chức võ thuật quốc tế uy tín này.

Một cơ hội vàng lại bỏ lỡ

Năm nay, cũng với quyết tâm đó, thông qua đầu mối là văn phòng Liên đoàn Vovinam thế giới, các võ sĩ Vovinam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng – nơi được chọn mặt gửi vàng – đã chuẩn bị lực lượng sang Chungju dự Liên hoan (với kinh phí tự túc) gồm 7 võ sĩ ưu tú do ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Thể thao và Giáo dục Quốc phòng trường Đại học Tôn Đức Thắng làm trưởng đoàn và VS Nguyễn Tuyết Loan (cựu vô địch thế giới, châu Á Vovinam) làm HLV.


Vovinam và võ cổ truyền tại festival võ thuật thế giới 2012.

Thế nhưng lạ lùng thay là khi Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã chuẩn bị lực lượng, được chủ trương cho phép của nhà trường và thống nhất của Tổng cục TDTT và làm công văn gửi xin ý kiến hiệp y của Liên đoàn Vovinam Việt Nam thì bị bác thẳng thừng.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc – Giám đốc Trung tâm bức xúc: “Khi nhận được thư mời chính thức của BTC, chúng tôi đã làm công văn gửi VVF và thậm chí là nhờ anh Ngô Bá Huy – phụ trách bộ môn Vovinam của TC TDTT – tác động thêm để đoàn võ sĩ nhà trường có dịp được giao lưu quảng bá môn Vovinam với sự kiện quan trọng này nhưng bị Chánh chưởng quản môn phái gạt phắt với lý do “đi chẳng hiệu quả gì”.

Đây không phải là lần đầu tiên Chánh chưởng quản môn phái Nguyễn Văn Chiếu làm khó trong việc cử đội hình sang Chungju dự lễ hội. Năm 2014, đội tuyển Vovinam Bình Dương do Phó GĐ Sở VH-TT&DL làm trưởng đoàn được Tổng cục TDTT cử đại diện tham dự Festival (giao lưu quảng bá thành công và giành vị trí thứ tư trên 40 đoàn quốc tế trong cuộc thi biểu diễn) nhưng ngày về lại trở thành bi kịch cho cả đội khi bị phản ứng dữ dội. HLV Nguyễn Tú (Bình Dương) bức xúc tiết lộ: “tôi không hiểu sao võ sư Chiếu lại gửi công văn bắt bí và đòi kỷ luật Vovinam Bình Dương vì dự Festival này”.

Khẳng định chủ trương của ngành TDTT với việc các đơn vị có điều kiện kinh phí tham gia các dự kiện quảng bá võ thuật với bè bạn quốc tế và các sự kiện truyền thống này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết: “Quan điểm của Tổng cục TDTT là luôn ủng hộ việc tham giam giao lưu quảng bá võ thuật Việt Nam mà Vovinam và Võ Cổ truyền đại diện. Bằng chứng là Tổng cục luôn cử các đoàn tham gia Festival Võ thuật thế giới từ hơn 10 năm qua. Vấn đề là các Liên đoàn, Bộ môn phải đồng thuận và ủng hộ để các địa phương có điều kiện kinh phí tham dự các sự kiện này”.

Phụ trách bộ môn Vovinam Tổng cục TDTT Ngô Bá Huy nói thêm, anh đã chuẩn bị các thủ tục để trình lãnh đạo Tổng cục về đoàn đi, nhưng vì có việc VVF đã làm khó việc tương tự với đoàn Bình Dương tham dự Festival năm ngoái nên đã chủ động trao đổi với PCT Nguyễn Văn Chiếu nhưng ông này gạt phắt. Chủ trương đã có, các thủ tục tham dự Festival, visa, vé máy bay đã chuẩn bị xong thì chính ông Nguyễn Văn Chiếu, người đang giữ chức Chánh chưởng quản môn phái, phó CT Liên đoàn Vovinam thế giới lại ra sức cản ngăn chuyến đi này với công văn không đồng thuận về việc cử đội Vovinam sang Chungju giao lưu võ thuật (dù kinh phí chuyến đi do các thành viên tự túc).

Trong chăn có rận

Chuyện cũng không phải lần đầu mà cả giới võ sư Vovinam đều biết chuyện vào đầu năm 2015, võ sư Nguyễn Chánh Tứ – một cao đồ xuất sắc của Vovinam –là Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học VVF đi Senegal giảng dạy và tập huấn Vovinam cho 5 nước châu Phi bị ngăn cản quyết liệt. Mặc dù Chủ tịch Vovinam Senegal gửi thư thống thiết cho Liên đoàn Vovinam thế giới mời võ sư Tứ kèm vé máy bay, tập hợp võ sư HLV 5 nước của châu Phi sang Senegal để tập huấn nhưng bất thành.


Vovinam tham gia Chungju từ những năm 2000 đến nay.

Đáng tiếc cho võ sư Tứ sau khi gửi công văn xin phép VVF, được sự đồng ý của Chủ tịch VVF Lê Quốc Ân nhưng một lần nữa, không hiểu sao ông Chánh chưởng quản vẫn bác bỏ. Nay thì võ sư Nguyễn Chánh Tứ bị tai nạn nặng (hôn mê sâu) có muốn đi tập huấn cũng không thể.

Chuyện nghe như đùa nhưng làng Vovinam TP.HCM ai cũng nhớ khi hai võ sư Vovinam trẻ của Việt Nam sang Pháp và Đức thăm thân nhân, sẵn đến thăm CLB Vovinam của nước sở tại và thay đồ võ kèm cho các võ sinh nước bạn liền bị bắt hứa chắc chắc là không đi dạy Vovinam (!?). Và cũng chính 1 trong 2 vị võ sư này bị kiểm điểm nặng khi “dám” quay video clip kỹ thuật Vovinam để phát miễn phí quảng bá cho Vovinam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thế Hiển – Chánh văn phòng WVVF cho biết: “Mấy ngày qua, phía WoMAU liên tục gọi và thiết tha Việt Nam cử đoàn tham dự vì Chủ tịch và TTK WoMAU đã nhiều lần đến Việt Nam và có kế hoạch hỗ trợ quảng bá mạnh Võ Việt Nam (gồm Vovinam và Võ Cổ truyền) ra khu vực châu Á trong thời gian tới như đã làm với môn Taekkyon của Hàn Quốc. Văn phòng WVVF đã gửi công văn cho VVF và Tổng cục TDTT để đề xuất cử đoàn Vovinam đi dự sự kiện quan trọng này nhưng đến nay vẫn tắc”.

Thật ra, giới chuyên môn không quá ngạc nhiên với việc một số người muốn kìm hãm sự phát triển của bộ môn Vovinam dù là trong nước hay quốc tế nếu người đó không cùng ê kíp. Bài viết: “Lùm xùm quanh việc đội tuyển Vovinam đi “săn” huy chương: Kiếm chác tiền thưởng”, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã đề cập đến một phần của vấn đề này.

Nghe đến đây chắc ai cũng sẽ hỏi: Tại sao một người đứng đầu một môn phái lại ra sức cản đường quảng bá của môn phái mình? Câu trả lời xin dành cho người trong cuộc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và thông tin thêm cho bạn đọc trong các số báo tới!

Những việc làm khó hiểu của Vovinam Việt Nam

Chánh văn phòng WVVF Lê Thế Hiển cho biết: “Năm ngoái, Liên đoàn Vovinam Ấn Độ đề nghị Việt Nam cử 3 võ sư sang tập huấn cho Ấn Độ và các nước khu vực Nam Á (Ấn Độ còn mời thêm đại diện của Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka và Bangladesh) mà không hiểu vì sao, phía Việt Nam lại trả lời là không đi nữa. Tôi chỉ nghe nói lý do là không có kinh phí, nhưng tiếc là Liên đoàn vẫn không có thư phúc đáp Ấn Độ và lời giải thích nào chính thức cho WVVF.

Tương tự, Liên đoàn Vovinam châu Á đã nhiều lần kiến nghị xin PCT Kỹ thuật WVVF cử võ sư và huấn luyện viên sang Iran và một số nước Trung Đông để tập huấn. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 đến nay, Liên đoàn Vovinam Châu Á đã không thể tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nào để nâng cao chất lượng cho Vovinam khu vực.

Ngoài ra, việc lãnh đạo Liên đoàn Vovinam Việt Nam hoàn toàn không ủng hộ võ sư Nguyễn Chánh Tứ – Trưởng ban Nghiên cứu khoa học sang châu Phi để tập huấn cho các quốc gia có phong trào kém phát triển (theo thư mời của Liên đoàn Senegal và Bờ Biển Ngà) là điều hết sức khó hiểu”.