Thầy Võ & hai chữ Việt Nam - Báo Thanh Niên

Võ sư Chánh Chưởng quản  (CCQ) Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo Nguyễn Văn Chiếu không phải là thầy dạy võ của tôi. Thầy tôi là Võ sư Đoàn Văn Viễn ở Bình Dương.

Tôi theo học với thầy Viễn đến khi mang Hoàng đai Tam, đứng lớp nhiều năm trước khi lập gia đình và ngừng học võ. Lưu ý thêm với cấp đai đó trong Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo tôi là huấn luyện viên chứ không phải là võ sư. Trong Môn phái chúng tôi gọi các võ sư lớn tuổi là thầy. Tôi gọi Võ sư CCQ là thầy còn bởi tôi học được nhiều điều từ thầy trong quá trình cùng làm việc ở Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) và Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF). 

Võ sư CCQ qua đời là một mất mát to lớn với Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo. Có rất ít người trong xã hội ngày nay có thể phấn đấu và dành trọn đời mình cho một mục đích xã hội duy nhất. Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo may mắn có được nhiều người như vậy, mà Võ sư CCQ Nguyễn Văn Chiếu là một ngôi sao sáng trong số đó. Gọi ông là anh hùng như CNN đã làm (Human to Hero), theo tôi, hoàn toàn xứng đáng. 

Ngôi nhà nhỏ nơi diễn ra tang lễ của Võ sư CCQ mang số 1938, năm Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo ra đời. Có thể sự trùng hợp là tình cờ, và cũng có thể là số phận. Nhà nhỏ nên việc tổ chức tang lễ cho một người có ảnh hưởng như Võ sư CCQ thật khó khăn, thậm chí chúng tôi không thể sắp được đủ chỗ ngồi cho các võ sư cao niên đến dự Lễ Tưởng niệm.

Chỉ riêng số người chịu khó thức dậy sớm để đến dự Thánh lễ An táng cho Võ sư CCQ sáng hôm qua tại nhà thờ Bình Thái thôi đã phủ kín toàn bộ chỗ ngồi của Thánh đường. Bao trùm lên tất cả là sự kính trọng, niềm cảm mến và sự thương yêu mà mọi người dành cho ông, cho dù với cương vị của mình, rất khó để các quyết định khi còn sống của ông có thể làm hài lòng mọi người. Tôi ngồi dự Thánh lễ, nghĩ đến câu “Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa.” mà không khỏi cảm kích, nhưng cũng ngậm ngùi khi hiểu những khó khăn cơm áo mà ông đã phải qua khi chọn nghiệp làm thầy võ. 

Thầy Võ & hai chữ Việt Nam - ảnh 1

Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông (giữa) đến viếng ông Nguyễn Văn Chiếu

Lê Giang

Từ khi đảm nhận nhiệm vụ cùng phát triển Môn phái, tôi đã đi lại gần hết con đường mà Võ sư CCQ đã đi, đến gần 20 quốc gia, và thêm nhiều nước khác. Đi để hiểu mình có gì, cần làm gì, và để hiểu chính mình hơn. Khao khát quảng bá Vovinam Việt Võ Đạo không chỉ là nỗ lực cho riêng Môn phái, mà qua đó, các Võ sư Vovinam Việt Võ Đạo - các ông thầy võ như chúng ta vẫn gọi - vô hình chung đã quảng bá luôn cho văn hoá, đất nước, và con người Việt Nam.

Môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo ở gần 70 quốc gia học võ thuật Việt, học võ đạo Việt, học một chút tiếng Việt, và học luôn cả cách ăn nếp ở của người Việt. Những ông thầy võ Vovinam Việt Võ Đạo, do vậy, cũng trở thành những đại sứ văn hoá bình dị mà chúng ta không nhận ra giữa đời thường. Đến cuối đời mình, sau hơn 50 năm cống hiến cho Môn phái, Võ sư CCQ vẫn chỉ mong có một Học viện Vovinam Việt Võ Đạo xứng tầm để dạy được thêm nhiều học trò, một mơ ước chính đáng nhưng cũng thật nhỏ nhoi so với những đóng góp của cả một phận người.

Thầy Võ & hai chữ Việt Nam - ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Chiếu tạo ảnh hưởng lớn với bạn bè quốc tế khi truyền bá Vovinam

T.K

Taekwondo, Judo & Karatedo - những môn thi đấu Olympic - do những điều kiện thuận lợi mà đất nước của họ tạo ra, lớn hơn chúng tôi rất nhiều. Wushu, Muay Thai, Pencak Silat - với tiềm lực tài chính lớn hơn - đều đang phấn đấu quảng bá rất quyết liệt trên cùng đường đua với chúng tôi vào Olympic. Đó mới là đích ngắm lớn nhất của mọi võ phái hiện nay. Và trên con đường đó, thật thương những ông thầy võ Việt Nam chúng ta. Họ không có gì khác ngoài khả năng cá nhân và tấm lòng với Môn phái, cũng là với đất nước này. 

Nguồn tin: https://m.thanhnien.vn/the-thao/hau-truong/thay-vo-hai-chu-viet-nam-111105.html