Võ sư Phan Dương Bình (1929-2020) là một cây đại thụ của làng võ Việt, đặc biệt là với môn phái Vịnh Xuân.
Võ sư Phan Dương Bình (1929-2020) là một cây đại thụ của làng võ Việt, đặc biệt là với môn phái Vịnh Xuân. |
Tôi quen biết võ sư Phan Dương Bình từ năm 1987 khi đang công tác tại Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Lúc đó tôi mới học nước ngoài về và đang ấp ủ việc giới thiệu truyền thống võ nước ta với bạn bè quốc tế.
Một hôm, tôi tình cờ có việc đi xuống sân khuôn viên Bộ thì gặp 2 người, một nhà sư và một người hơi thấp nhưng vững chãi, linh động với ánh mắt có thần khí mạnh - tôi thầm đoán là võ sư thượng thặng, người đó nhìn tôi chào bằng nụ cười thân thiện. Tôi chào lại và hỏi có cần giúp đỡ gì không. Hai người bảo việc đã xong và sau mấy câu thăm hỏi, chúng tôi trở thành bạn bè sơ giao.
Thầy Bình nói người luyện võ như thầy thì “Tứ hải giai huynh đệ”, còn tôi thì khỏi phải nói được gặp gỡ, làm quen với đại võ sư đi cùng nhà sư là một cơ duyên. Thầy Bình lúc đó xấp xỉ 60 tuổi, còn quắc thước, tráng kiện lắm, còn sư Cẩn bắt tay tôi chặt làm tôi cảm thấy nội lực đại sư thật tràn trề.
Chúng tôi lên thăm chùa Một Cột - nơi sư Cẩn trụ trì rồi thầy Bình mời tôi về nhà thầy ở 87 Mã Mây chơi (sau này thầy chuyển đến Hàng Bạc). Từ chuyện võ sang chuyện văn thơ, lịch sử…rồi thầy mời tôi ăn trưa với món xôi đỗ và muối vừng. Hết giờ nghỉ trưa tôi xin phép thầy về cơ quan để làm việc. Thầy tiễn tôi và hẹn khi nào rảnh lại tới chơi, thăm các lớp võ của thầy.
Một kho tri thức toàn diện
Những lần gặp thầy thật sảng khoái, thầy gợi mở nhiều vấn đề về cuộc sống nhân sinh, nghề nghiệp, võ học... Thầy thường nhắc lời dạy người xưa: “Quân tử tri giao, đàm đạo như thủy” và ngước cặp mắt tinh anh, vui vẻ bảo tôi trình bày quan niệm, hiểu biết của mình về võ học, tôi ngần ngại rồi cũng thưa chuyện không theo trình tự lắm. Nguyên tôi quê gốc ở Cẩm Xuyên, vốn đang giữ cửa Hội, cửa Sót thì tổ tiên được điều vào vào trấn giữ vùng Quảng Trị từ thời Lê-Trịnh. Xuất thân từ gia đình trí thức-quân nhân, đến thời ông nội tôi thì việc luyện võ trong gia tộc có gián đoạn do thời cuộc. Lớn lên là người miền Trung nhưng thích giao du, học hỏi mọi thứ trong đó có võ học nên quen thuộc nhiều học sinh miền Nam ra Bắc học tập.
Lấy cuốn tài liệu giấy dó có hỏng đôi chỗ do thời gian nói về phái võ Hồng liên hoa phái của dòng họ ra đọc, cậu học sinh cuối cấp 2 là tôi không hiểu lắm các đòn thế nên lại cất cuốn sách cũ đi và từ đấy mong muốn được học võ trực tiếp với bạn hữu, các bậc tiền bối. Người bạn suốt thời cấp 3 cổ vũ, chỉ cho tôi thêm về tấn, tiến thoái, sàng... ban đầu là Nguyễn Hòa Bình, người Quảng Ngãi. Sau đó tôi học anh Tô Dũng (Bình Định), anh Nguyễn Gia Thành (Vĩnh Phúc), anh Võ Khánh (Thường Tín), Đỗ Văn Đúc (Mỹ Đức) rồi vào bộ đội thì có luyện chút ít với anh Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Đức Số (Cao Bằng). Sang Nga du học, tôi trợ giảng các lớp võ cho anh Trần Quốc Tú (học Luật MGU), Nguyễn Thiên Ân (học Đại học Lưu Trữ Moscow) - cả hai anh đều quê xứ Nghệ để học hỏi thêm…
Thầy Bình bắt tay tôi rồi nheo mắt hóm hỉnh: Thế là em chịu khó đấy nhưng võ có 3 thứ là võ đạo, võ lý và võ thuật, thầy mới tiếp xúc thấy em giàu hùng tâm nhưng năng khiếu thực chiến không cao lắm. Tóm lại, võ thuật đối với em không phải là sở trường, em nên tiếp tục đọc, nghiên cứu lĩnh vực mình được đào tạo rồi quảng bá võ đạo, viết về võ lý và sau này nên bỏ công sức khôi phục phái võ của gia tộc, dù có thể là phái nhỏ nhưng cũng nên trân trọng, gìn giữ.
Nhờ gợi ý của thầy, tôi đã sưu tầm khá đủ đòn thế Hồng liên hoa phái, lịch sử phát triển, vẽ lại võ hình để dễ phân thế; viết khúc nhạc cho Khai quyền nhằm nâng cao khí thế tập luyện; giúp hài hòa tâm pháp, thân pháp, thủ pháp, bộ pháp...
Đến chỗ thầy, tôi gặp trực tiếp hoặc thông qua trao đổi của chủ khách, tôi cũng biết danh tính nhiều võ sư thời đó như các võ sư Đỗ Hóa, Nguyễn Xuân Thi, Chung Linh, Đội Tường; Triệu Tử Long (Phạm Văn Trí ở Gò Công), Ngô Bông, Hai Nhân, Trần Tiến… Các võ sư dù tâm phục, khẩu phục thầy Bình nhưng một số võ sư cá tính mạnh nên khi trò chuyện, giao lưu giữa những người trẻ với nhau có khi cũng khúc mắc. Lúc đó, thầy với tư cách là bậc trưởng thượng lại nhẹ nhàng lái đi vào hướng hài hòa. Thầy bảo: Trò chuyện phải như nước chảy mãi đừng để vướng víu. Người cao minh nên tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và tâm thế nên là “Hòa nhi bất đồng”, có thể giữ ý riêng nhưng khi đàm luận nên giữ chữ “Hòa”.
Thầy Bình rất yêu sử sách nên rất hợp với tôi. Thầy bảo các nhà thơ nổi tiếng Trung Hoa giỏi võ, đánh kiếm phải kể đến Lục Du đời Tống. Còn kiếm khách biết làm thơ phải kể đến Kinh Kha; rồi nhã hứng dâng tràn, thầy khẽ ngâm 2 câu thơ của Kinh Kha : "Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn" (Gió thổi hiu hắt, sông Dịch lạnh/ Tráng sĩ một đi chẳng trở về). Thầy kể: Hạng Vũ dù võ công cái thế, vì có cái nhân đàn bà nên diệt thân nhưng tướng mạo cũng phạm. Đó là tướng “Mặt da lim, tim ứa máu, cáu giận thất thường…”. Thầy hỏi mọi người đọc tên Tào Tháo theo âm Trung Quốc thế nào, khi thấy mọi người yên lặng thầy phát âm vài lần rồi bảo tên quốc tế theo tiếng Anh của Tào Tháo là Cao Cao đấy các bạn ạ.
Thầy cho rằng: Võ Việt Nam có chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Đông Á như của Nhật, Trung Hoa, Cao Ly, sau này có thêm ảnh hưởng của Pháp, Tây dương, nhưng ta có đặc điểm riêng. Nói gọn là võ ta chủ yếu dùng đoản quyền, liên hoàn quyền cước, âm dương phối triển, phù hợp sự khép léo, người nhỏ nhắn, tầm trung để đắc thủ. Thầy chủ trương rằng các bài quyền, thế đánh của một số chi phái ở nước ta nếu bị thất lạc tên gọi nên đặt lại tên cho phù hợp, gắn với sự vật hiện tượng thiên nhiên như lời thơ, ca dao tục ngữ, lời kệ... Ví dụ đặt tên thế đánh "Lựa gió bẻ măng" (Lựa chiều bắt chân đối thủ, dù cùi chỏ kết hợp gối mình dập sát thương chân địch); "Niệm Phật phóng song chỉ" (Khi địch thủ đánh ra 1 chưởng, 1 tay ta đưa bàn tay đảnh lễ trước ngực phòng bị, tay kia chia bàn tay thành 2 chỉ phóng vào mắt địch)... Làm được vậy vừa dễ nhớ, vừa gợi tả sẽ có nhiều tác dụng để dạy, học, quảng bá, lưu giữ lâu dài
Khi trò chuyện với võ sinh người Việt và cả võ sinh nước ngoài, thầy luôn nhấn mạnh sự kiên trì, điều độ, thường xuyên luyện tập và không chỉ tập các bài quyền, các thế, tập với mộc nhân…mà phải chú ý cả luyện công.
Thầy đọc bài thơ nằm lòng của tiền nhân: “Hữu lực bất đả võ/Hữu võ bất đả công/Luyện võ bất luyện công/ Đáo lão như trường không”. Thầy Bình nhận được nhiều danh hiệu cao quý của xã hội, của giới võ thuật. Thầy là đệ tử chân truyền của cả hệ phái Vịnh Xuân Việt Nam và Vovinam – Việt Võ Đạo, ở thầy quy tụ, dung hợp cả tinh hoa võ thuật quốc tế và võ cổ truyền Việt Nam. Thầy không chỉ là người đại diện của môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo của miền Bắc mà còn là người có công lớn trong việc mang tinh thần võ học Việt quảng bá ra với thế giới. Gặp các võ sư lớp sau hay các môn sinh trẻ tuổi, lúc nào thầy cũng ân cần niềm nở, trân trọng, tạo cho họ một niềm tin, một cái nhìn mới mẻ, toàn diện về võ học, về sức khỏe, về kiến công lập nghiệp ở đời.
Khát vọng tỏa sáng võ học Việt
Khi gần gũi thầy nhiều rồi, tôi xin chụp ảnh thầy và viết 1 bài dài giới thiệu bằng tiếng Nga trên báo ảnh Việt Nam (lúc đó có cả bản in tiếng Nga). Thế rồi ngay khi tờ Báo ảnh Việt Nam ấn hành 11/1987 được phát hành tại Nga bằng tiếng Nga đã có nhiều người yêu võ Việt đón đọc. Trong số đó có bác sĩ Igor Sokolov, sinh viên khoa báo chí MGU Andrey Iaoshin, những người thuộc lực lượng an ninh, cảnh vệ… của nước Nga.
Bác sĩ Igor đưa thông tin cho bạn bè ở Đức, anh Andrey truyền đạt tới bạn bè biết tiếng Tây Ban Nha của mình, còn những người khác trong đó nhiều Việt kiều đọc từ tiếng Nga, và một cộng đồng ham võ đã dần mở rộng, đông đảo đã biết tới tên tuổi của võ sư Phan Dương Bình với một tiểu sử võ lừng danh, đang sống ở Hà Nội, mở các lớp võ tại nhà và câu lạc bộ. Thời gian sau đó, các tổ chức yêu chuộng võ thuật của Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Algeria… dần dần gửi thư mời thầy sang thăm và tập huấn. Tuy không đi được nhiều nơi nhưng chỉ mấy lần sang biểu diễn, tập huấn ở nước ngoài cũng đủ làm dân võ các nước xôn xao, ngưỡng mộ.
Tôi nhớ anh Tham tán văn hóa Pháp Loran hồi về phép thăm nhà bị kẻ xấu đánh thâm tím mặt, tôi bèn giới thiệu đến học lớp thầy Bình. Bẵng đi gần 1 năm gặp lại, anh nhanh nhẹn ra mấy chiêu cho tôi xem rất thành thục, hiệu quả. Do công việc thuyên chuyển, có lúc tôi không ở trong nước nên không gặp thầy, nhưng khi có thời gian tôi đều thăm thầy. Hồi đi nghiên cứu tại UCA ở Mỹ, thầy giới thiệu tôi với võ sư Phạm Mẫn, võ sư Nguyễn Văn Thọ và họ đều nhiệt tình giúp đỡ tôi trong công việc, trong giao lưu với người tập võ ở Mỹ.
Võ sư Phan Dương Bình và tác giả. |
Năm con trai tôi lên cấp 2, thầy gợi ý cho cháu học Vịnh xuân với thầy, tôi mừng quá nên mấy năm liền cứ đều đặn tuần 2 buổi đưa cháu đến học. Khi cháu học tập và thầy có thời gian rảnh tôi và thầy lại hàn huyên trò chuyện. Năm 2013 tôi đi luân chuyển công tác ở sứ quán nước ta tại Na Uy, con trai tôi sang học cấp 3 và cháu có sẵn nền tảng võ nhờ thầy Bình dạy nên được nhận vào lớp học võ của võ sư Kim Gipson, huấn luyện viên võ thuật quốc gia Na Uy. Chúng tôi đưa ảnh thầy và giới thiệu thầy với anh Kim, anh rất thích và mong có dịp được về Hà Nội thọ giáo thầy.
Thầy là người giỏi các tiếng Hán ngữ, Anh ngữ tuy tính thầy khiêm tốn nhưng quảng giao, cộng với phẩm chất cao nên tự thầy đã là hình ảnh đẹp trước công chúng nước ngoài. Các đại võ sư Trần Nguyên Đạo (Pháp), Hà Chí Thành (Thụy Sỹ) rất kính trọng, yêu quý thầy và trong các tác phẩm của mình đều dành nhiều trang viết về thầy. Các nhà lãnh đạo quản lý uy tín như PGS.TS. Hoàng Vĩnh Giang, Hoàng Thao, Lê Bửu… đều đánh giá cao công lao của thầy đối với nền võ học Việt Nam.
Dạo thầy còn khỏe, ngoài việc xây dựng võ đường Phan gia, thầy còn trao đổi thêm với nhiều đồng đạo về con đường phát triển võ học Việt Nam. Khi nghe tôi kể chuyện về các phái võ nước ngoài đăng ký biểu diễn và xin UNESCO công nhận tài sản phi vật thể nhân loại thầy trầm ngâm rồi nói: Nền võ học Việt Nam đã có những bước phát triển dài, ta cũng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch để tham gia diễn đàn quốc tế như các nước, ngoài chuyện mở võ đường, quảng bá bằng các phong trào, tổ chức thi đấu, giao lưu quốc tế... như hiện nay.
Trong thời gian tới phải tính tới việc bồi dưỡng đội ngũ võ sư gạo cội vừa có chuyên môn, lý luận, phẩm chất tốt để có thể kế tục sự nghiệp các võ sư xuất sắc, nhiều cống hiến, ở vị trí đầu tàu nhưng dần tuổi tác cao. Võ học cũng nên chủ động hội nhập như các lĩnh vực kinh tế, văn hóa... và lĩnh vực khác. Võ học, ẩm thực, Đông y... có thể lồng ghép với các loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhằm thúc đẩy du lịch trong nước và góp phần quảng bá cho con người, văn hóa, đất nước Việt Nam ở nước ngoài...
Biết tin thầy tạ thế ở tuổi 91 (1929-2020) tại tư gia ở Hà Nội, anh chị em võ sư trong, ngoài nước; võ sư nước ngoài, những môn đồ từng theo học, người từng tiếp xúc, những bạn bè hâm mộ ông khắp bốn phương trời đều xúc động. Hôm nay tôi viết những dòng này như một nén hương lòng để tưởng nhớ thầy Phan Dương Bình, một đại võ sư, một nhân cách đẹp, một con người hết lòng vì nền võ học nước nhà.
PGS.TS. Lê Thanh Bình
Nguồn tin: https://baoquocte.vn/nho-dai-vo-su-thay-phan-duong-binh-117446.html