Giải vô địch Vovinam thế giới 2015 vừa kết thúc tại Algeria vào đầu tháng 8 vừa qua. Đây là lần đầu tiên Vovinam đến với "lục địa đen", một điều thật đáng tự hào cho võ Việt trên con đường ra biển lớn.
Vượt qua biết bao khó khăn về kinh tế, về khoảng cách địa lý, về đại dịch Ebola, giải vẫn được tổ chức thành công với gần 250 võ sĩ tham dự, thu hút 20 quốc gia trên khắp năm châu (17 đoàn tham gia thi đấu) tề tựu về Algiers, thủ đô của quốc gia Bắc Phi Algieria, trong ngày hội Vovinam.
Thế nhưng, câu chuyện muôn thuở về “vấn nạn huy chương” vẫn còn đó và đáng buồn hơn lại xuất phát từ đoàn Việt Nam. Mang danh đi truyền bá, đi phát triển võ Việt nơi xứ người là chính, nhưng tuyển Việt Nam vẫn cứ quyết tâm “đi làm ăn kinh tế” – theo cách gọi của khá nhiều facebooker trên mạng khi thấy Việt Nam “vét” hết huy chương tại giải. Họ đưa đi lực lượng hùng hậu nhất với 22 vận động viên, tham gia tất cả 36 nội dung.
Cũng như bao giải quốc tế Vovinam khác (từ Đông Nam Á, châu Á, đến thế giới), tuyển Việt Nam luôn giữ vững danh hiệu nhất toàn đoàn với số lượng huy chương vàng áp đảo và gần như với một đội hình duy nhất suốt gần 10 năm qua. Có cảm giác như chúng ta cố gắng “vơ vét” càng nhiều vàng càng tốt. Cụ thể, tại giải đấu này, với 36 nội dung thi đấu, Việt Nam đã giành đến 19 ngôi vô địch, xếp trên chủ nhà Algeria với 15 HCV. Chỉ có hai quốc gia có “mối giao hảo” tốt với giới chuyên môn là Ý và Campuchia có 1 HCV. Nghĩa là trong 17 đoàn đến với giải thì có đến 13 quốc gia không biết màu chiếc HCV.
Ai cũng biết, các võ sĩ Vovinam Việt Nam luôn ở một đẳng cấp vượt trội so với các đoàn bạn, đặc biệt ở các nội dung Hội diễn quyền. Thay vì ở sân chơi này với mục đích giao lưu là chính và giúp cho bạn bè thế giới phát triển phong trào (hoặc chúng ta chỉ nên tham dự với mục đích biểu diễn) thì tuyển Việt Nam lại ra sàn đấu với mục tiêu lấy vàng làm kinh tế. Người trong cuộc không khó lý giải kiểu “ăn dày” ấy nhằm báo công và lấy tiền thưởng cho ban huấn luyện.
Câu chuyện về vấn nạn huy chương không chỉ đơn giản như vậy. Suốt gần chục năm nay, đội tuyển Hội diễn Vovinam khi tham dự các giải đấu quốc tế (dù đấu trong nước hay nước ngoài) đều chỉ với một đội hình duy nhất của TP.HCM (không qua tuyển chọn tại các giải trong nước). Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những gương mặt cũ. Có VĐV “xì cân” (tăng cân theo cách gọi của dân thể thao) lên hơn 15, 20kg so với thời thi đấu; có người giữ cả những chức vụ cao trong vài Liên đoàn Vovinam quốc gia, quốc tế nhưng vẫn khoác áo võ sĩ để kiếm HCV.
Trong số 19 HCV gặt hái được tại Algeria năm nay, có không ít võ sĩ giành đến 2-3 chiếc huy chương. Những người làm chuyên môn Vovinam dĩ nhiên là không khỏi thắc mắc và bức xúc trước cách làm chụp giựt, tận dụng các giải đấu quốc tế để kiếm ăn mà không cần phải qua công tác tuyển chọn công bằng, phát triển lực lượng kế thừa.
Điều đáng nói là việc chọn “gà nhà” đi thi đấu kiếm tiền mà không qua thi tuyển công khai đã khiến cho nhiều địa phương chịu thiệt thòi. Họ có nhiều VĐV giữ ngôi vô địch ở nhiều nội dung quyền, nhiều hạng cân đối kháng ở các giải quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc 2014 lại chưa bao giờ có mặt ở tuyển quốc gia.
Còn có chuyện một vị quan chức cao nhất về chuyên môn của Vovinam toàn thế giới và cả môn phái, sức khỏe yếu, mỗi lần đi phải 2 – 3 người dìu nhưng vẫn “dấn thân” làm HLV trưởng quốc gia dự giải này. Người ta đặt câu hỏi: liệu ông ấy vừa làm HLV trưởng của một quốc gia, vừa cầm cân nảy mực cho phong trào toàn thế giới có thể công tâm? Hay vì con số tiền thưởng lên đến 2 tỷ đồng (theo tính toán số tiền thưởng của trung ương và địa phương sẽ thưởng cho HLV này với 19 HCV thế giới) nên ai chẳng ham?
Nguồn: Hoàng Yến - Pháp Luật TPHCM Online