Khi Liên đoàn Vovinam là nhà…

(PLO) - Trên thế giới, có lẽ Liên đoàn Vovinam Việt Nam được xem là độc nhất vô nhị với sự hiện diện của đầy đủ thành viên hai thế hệ trong gia đình của Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu và nắm xuyên suốt các vị trí quan trọng.

Chính cách quản lý “gia đình trị”, thâu tóm mọi quyền hành, bác bỏ mọi phản biện xây dựng đã gây bức xúc cho những người tâm huyết, kìm hãm sự phát triển của bộ môn, cản bước để Vovinam tiến ra biển lớn …

Vovinam Việt Nam vô địch tuyệt đối tại giải thế giới.

Hội võ thuật “quá hạn” hơn 10 năm không bầu cử

Ngoài chức vụ cao nhất ở môn phái Vovinam Việt Võ đạo, ở cấp độ Liên đoàn Vovinam Việt Nam, ông Nguyễn Văn Chiếu đang giữ chức Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký. Ông Nguyễn Bình Định, con trai ông Chiếu giữ chức phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng.

Không cần phải bàn cãi, 4 chức vụ quan trọng này đã được 2 cha con nhà họ Nguyễn nắm giữ, thừa sức bác bỏ mọi ý kiến đóng góp xây dựng để Liên đoàn vững tiến. Có người nói vui: “Cha con một nhà, nắm giữ quyền hành sẽ tạo được sự thống nhất từ trên xuống dưới, quan trọng nhất là đỡ phải… họp”. Thế nên cũng chẳng lạ khi ông Nguyễn Bình Định vốn là sinh viên môn bóng đá ĐH TDTT TP.HCM bỗng chốc ngồi lên chiếc ghế to của làng võ.

Ai cũng biết, hiện ông Chiếu cũng là Chủ tịch của Hội Vovinam - Việt Võ đạo TP.HCM suốt từ nhiều năm qua. Và đây cũng có lẽ là Hội võ thuật duy nhất của TP.HCM đã quá hạn hoạt động hơn gần 10 năm mà vẫn chưa bầu cử lại. Các thành viên của BCH Hội gồm 5 thành viên thì một đã qua đời. Võ sư Nguyễn Chánh Tứ mang tiếng là Tổng thư ký nhưng theo những lần trao đổi thì gần như 10 năm qua chẳng thấy họp hành, và nay đã bị tai nạn nặng.

Khi còn trực thuộc Liên đoàn Võ thuật TP.HCM, Hội Vovinam Việt Võ đạo đã từng bị các lãnh đạo Liên đoàn nhắc nhở ở các kỳ đại hội do không bao giờ báo cáo tài chính. Trong khi đó, hàng năm để cấp bằng, thi cử từ cấp lam đai đến hoàng đai tam (gồm 7 cấp thi) đều phải nộp lệ phí từ 50.000 đến 200.000/môn sinh. Hiện TP.HCM có đến hơn 200.000 người tập luyện kể các các CLB trường học cấp I,II,III, đại học. Chỉ cần làm một phép cộng đơn giản, “tập đoàn Vovinam” này đang ăn nên làm ra với con số thu nhiều trăm triệu đồng mỗi năm. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM đã làm gì, kiểm tra ra sao khi đã có rất nhiều thành viên Ban chấp hành Hội ý kiến về việc ai đang quản lý, giám sát và sử dụng nguồn tiền hàng trăm triệu đồng này.

Cánh tay nối dài “gia đình trị”

Không chỉ thao túng Liên đoàn trong nước với việc cha – con điều hành, ông Chiếu cũng muốn lan rộng quyền lực “gia đình trị” sang các Liên đoàn Vovinam quốc tế. Và nhân vật được “cài cắm” là con gái của ông: Nguyễn Thanh Nhã, tức Thanh Nhã Berrier (nay mang quốc tịch Pháp) tại Liên đoàn Vovinam châu Âu.

Nguy hiểm hơn là khi nhiệm kỳ 1 của Liên đoàn Vovinam châu Âu chưa kết thúc, phe cánh ông Chiếu đã tự ý vận động tổ chức Đại hội Liên đoàn Vovinam nhiệm kỳ 2 với chỉ có sự tham dự của những người thuộc “tay chân” ông. Đây là hành động vi phạm nguyên tắc bầu cử đại hội. Đáng nói hơn, chủ tịch đương nhiệm, ông Francis Didier, không hề hay biết và cũng không tham dự cuộc bầu bán.

Con gái, con rể cùng điều hành giải.

Hơn ai hết, ông Chiếu đều nắm rõ luật của Liên đoàn Vovinam thế giới là khi tổ chức Đại hội châu lục đều phải báo cáo về văn phòng Liên đoàn Vovinam thế giới để Chủ tịch WVVF phê duyệt và cử cán bộ của Liên đoàn tham dự và giám sát. Tất cả các Liên đoàn châu Á, châu Phi và cả châu Âu (nhiệm kỳ I) đều tuân thủ điều này. Dĩ nhiên, sau cuộc họp “bất bình thường” này, chức danh chủ tịch của ông Francis Didier đã không còn nữa và đáng nói, tân Tổng thư ký mới là cái tên quen thuộc: Thanh Nhã Berrier (con gái ông Chiếu) và con rể ông, Francois Berrier, nằm trong ban chuyên môn với chức danh Trưởng ban Kỷ luật.

Đại gia đình của ông đã nghiễm nhiên vào Liên đoàn Vovinam châu Âu một cách chóng vánh và bất bình thường như thế. Cũng cần nói thêm, Vương quốc Anh, nơi cô Thanh Nhã Berrier đang giữ vai trò đại diện, không hề có phong trào Vovinam và cả hai đều là công dân Pháp, chỉ có Francois sang làm việc ngắn hạn tại London. Thanh Nhã và Francois đều không thể đại diện Vovinam Pháp vì FFKDA chỉ cử 3 thành viên chính thức tham gia các Liên đoàn Vovinam thế giới là Chủ tịch FFKDA Francis Didier, Shudoruslan, Jacques Chaprenet. Câu hỏi là: con gái và con rể ông Chiếu không đại diện cho Vovinam Pháp, Vương quốc Anh không có Vovinam vậy họ đứng ở đâu để “tiến quyền” nhanh đến vậy?

Sau bài viết, Vì sao Vovinam không muốn quảng bá môn phái ra quốc tế? đăng trên Pháp Luật ngày 19 tháng 8, tác giả bài viết tiếp tục nhận được những ý kiến phản ánh. Không chỉ Vovinam Senegal “bó tay” trước quyết định của ông Chiếu “cấm” võ sư Nguyễn Chánh Tứ hỗ trợ kỹ thuật, truyền bá Vovinam tại châu Phi, điều tương tự cũng diễn ra với võ sư Vishnu Sahai - Chủ tịch Hội Vovinam Ấn Độ. Trong lúc “gia đình” ông Chiếu tranh nhau đến với giải VĐTG để lấy tiền thưởng thì các hoạt động phát triển khác của Vovinam bị “bỏ qua” hết. Hàng loạt các quốc gia có phong trào như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Banglades… rất muốn mời chuyên gia, HLV sang tập huấn, hỗ trợ nhưng đều bị gạt.

Cả gia đình đi “săn” tiền thưởng

Chính vì quá dễ dàng nắm mọi quyền hành nên đến với các giải vô địch khu vực, châu lục và thế giới, 2 cha con – 4 chức vụ này đã “biến hình” thành những vị trí khác nhau trong thành phần đội tuyển quốc gia để “săn vét” tiền thưởng. Riêng tại giải Vô địch thế giới vừa tổ chức tại Algieria vừa qua (giải đấu để lại quá nhiều tai tiếng với việc đội tuyển VN “đi săn vàng”, giành vị trí nhất toàn đoàn với 19 HCV), ông Nguyễn Văn Chiếu giữ chức HLV trưởng, trong khi Nguyễn Bình Định, đường đường là một quan chức của Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á thì nắm giữ vị trí vận động viên.

Đáng nói hơn là ở Giải Vô địch thế giới 2015 tại Algeria cả con gái và con rể cũng đến Algiers theo suất quan chức (được lo vé máy bay, ăn nghỉ như quan chức cấp cao WVVF) mà không hề được sự đồng ý của Chủ tịch WVVF như thông lệ các Giải thế giới.

Chuyện mà giới Vovinam rỉ tai nhau mà các PV ảnh ghi lại hình ảnh không hề đẹp đẽ khi gia đình ông Chiếu “dàn hàng ngang” ở nhà thi đấu Hassan để điều hành giải.

“Đem con bỏ chợ”

Trước thềm Liên hoan Võ thuật thế giới năm 2014 (tháng 11 tại Thổ Nhĩ Kỳ), mà Vovinam là 1 trong những môn võ được truyền bá tại Liên hoan với giải Vovinam châu Á mở rộng, lấy lý do không có kinh phí, ông Chiếu gửi email ủy quyền luôn cho ông Vishnu Sahai thay mặt cho WVVF chịu trách nhiệm phụ trách về chuyên môn Kỹ thuật và Trọng tài của giải, phối hợp với Liên đoàn Châu Á điều động trọng tài Ấn độ sang điều hành giải mà không hề tập huấn và hỗ trợ tổ chức thi đấu.

Chính vì bị “đem con bỏ chợ”, ông Vishnu Sahai đã khóc ròng chia sẻ: “Chúng tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ với 22 thành viên vào ngày 23 tháng 11. Đến sáng ngày 24, chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin nào về chương trình thi đấu. Đến ngày 25, tự vận động mãi, giải cũng chỉ có vài quốc gia đồng ý tham dự thi đấu đối kháng với chỉ có 2 võ sĩ/đội (hầu hết họ chỉ chuẩn bị thi đấu các môn võ khác). Đến ngày 26, ở nội dung quyền, chỉ có Ấn Độ, Iran và Afghanistan đồng ý tham gia. Tôi đã phải tự mình lo tập huấn kỹ thuật, nói chuyện luật lệ với các võ sĩ, lo cả bảng điểm, chuyện ăn uống cho các đội tham dự mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ WVVF. Tôi tự hỏi rằng, tại sao chẳng có quốc gia nào của khu vực Đông Nam Á, kể cả Việt Nam tham dự. Và trong tương lai, không biết Vovinam có thể còn phát triển được tại khu vực này nữa hay không?”.

HOÀNG YẾN