Giải vô địch Vovinam Đông Nam Á lần 5 năm 2018 được tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) vừa kết thúc thành công mở ra cơ hội để vận động đưa Vovinam trở lại đấu trường SEA Games 30.
Các VĐV tham dự giải chụp ảnh kỷ niệm
Giải đấu năm nay diễn ra từ 7 – 12/8 tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) thu hút đến hơn 200 HLV, VĐV, trọng tài đến từ 8 quốc gia: Cambodia, Lào, Thái Lan, Indonesia, Đông Timo, Philippines, Việt Nam và chủ nhà Myanmar. Các VĐV tranh tài ở 31 bộ huy chương. Trong đó, 20 nội dung quyền: đơn luyện, đa luyện, dong luyện, đồng đội kỹ thuật căn bản nam, đồng đội kỹ thuật căn bản nữ, đồng đội kỹ thuật căn bản nam – nữ,… và 11 hạng cân đối kháng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử sau 5 lần tổ chức, giải có đến 8 quốc gia tham dự giải. Thành quả này là nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm công tác vận động và phát triển phong trào Vovinam quốc tế. Bên cạnh đó, giải đấu này cũng là cơ hội tốt để vận động Philippines và các nước trong khu vực thông qua việc đưa Vovinam trở lại SEA Games 30. Bên cạnh đó, với sự thành công bước đầu của giải đấu khi thu hút đến 8 quốc gia tham dự là cở sở để Uỷ ban Olympic Việt Nam đặt vấn đề đưa Vovinam vào SEA Games 30 trong cuộc họp giữa Uỷ ban Olympic các nước vào ngày 18/8 tại Indonesia nhân dịp Asiad 2018. Đại diện Uỷ ban Olympic Việt Nam là Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang, người rất có uy tín với Uỷ ban Olympic các nước. Nếu Giáo sư Giang vận động thành công, đây sẽ là tin vui rất lớn đối với người hâm mộ võ Việt cũng như thể thao Việt Nam.
Đại diện 8 quốc gia tham dự giải
Hiện tại, phong trào Vovinam Đông Nam Á đang phát triển tốt với 8 nước có phong trào Vovinam như: Việt Nam, Cambodia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Indonesia, Đông Timo và Philippines. Vì thế, việc vận động đưa Vovinam vào SEA Games 30 được các nước ủng hộ nhiệt tình.
Ông U Myo Hlaing (giữa) – Tổng thư ký Uỷ ban Olympic, Tổng cục trưởng cục thể thao – Bộ Y tế và thể thao Myanmar
Tại giải đấu này, ông U Myo Hlaing – Tổng thư ký Uỷ ban Olympic, Tổng cục trưởng cục thể thao – Bộ Y tế và thể thao Myanmar, người được xem là tư lệnh ngành thể thao nước này cho biết: “Kể từ SEA Games 27 năm 2013, chúng tôi luôn ủng hộ đưa vovinam vào các kỳ SEA Games. Tại cuộc họp lãnh đạo Uỷ ban Olympic các nước khu vực Đông Nam Á sắp tới, nếu Uỷ ban Olympic Việt Nam đề xuất đưa vovinam vào SEA Games 30 tại Philippines, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và vận động các nước đồng ý”.
VĐV Kirstine BaGuio (Philippines) giành HCV nội dung Thập tự quyền
Việc đưa vovinam vào SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines là bước đệm quan trọng để môn thể thao của Việt Nam trở thành môn thể thao khu vực Đông Nam Á. Vì tại SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam và SEA Games 32 năm 2023 tại Cambodia chắc chắn môn võ Việt này là môn thể thao chính thức.
Đội tuyển Vovinam Việt Nam
Trở lại với Giải năm nay, các cuộc tranh tài diễn ra quyết liệt khi trình độ các VĐV không còn nhiều khoảng cách. Việt Nam dẫu chiếm lợi thế vì là cái nôi phát triển phong trào nhưng việc giành HCV cũng không hề dễ dàng. Các võ sĩ đã rất nỗ lực để giành 11 HCV, 10 HCB và 1 HCĐ để giành ngôi đầu toàn đoàn.
Việt Nam giành ngôi đầu toàn đoàn không hề dễ dàng
Trong khi đó, chủ nhà Myanmar cũng cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng khi với lực lượng đông đảo và chất lượng. Họ giành được 10 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ để chiếm vị trí á quân.
Các VĐV Myanmar cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng, đây là lực lượng nòng cốt tham dự Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á vào tháng 12 năm nay.
Cambodia cũng cho thấy sức mạnh khi họ giành được 6 HCV, 8 HCB và 15 HCĐ xếp hạng ba chung cuộc.
Riêng Indonesia họ cũng thành công ở giải khi đoạt 2 HCV, 1 HCB, 7 HCĐ. Lào xếp thứ 5 khi có 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ.
Trong khi đó, Philippines – chủ nhà SEA Games 30 sắp tới, họ thi đấu ấn tượng ở giải khi giành 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ xếp trên Thái Lan (1 HCB và 1 HCĐ) và Đông Timo (2 HCĐ).
Phương Lê