Sáng 16/11, Chương trình tập huấn Thể thao cơ bản võ nhạc vovinam đã khai mạc tại Câu lạc bộ Văn hóa – TDTT Nguyễn Du (Quận 1) với sự tham dự của 500 giáo viên, HLV.
Những đường quyền mạnh mẽ kết hợp cùng âm nhạc và vũ điệu khiến các tiết mục võ thuật trở nên sinh động, từ đó võ thuật trở nên gần gũi hơn với người hâm mộ. Việc kết hợp các bài quyền đặc trưng của môn võ mình cùng với những bài nhạc trở thành xu thế mới trung những năm gần đây để gầy dựng phong trào luyện tập võ thuật.
Trước xu thế phát triển của thời đại, tất cả mọi tổ chức đều phải luôn vận động, thay đổi, làm mới mình để tồn tại và phát triển, các môn thể thao, đặc biệt là các môn võ thuật trên thế giới cũng hòa mình vào sự thay đổi đó, vovinam cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chấp thuận đưa môn vovinam vào chương trình hoạt động chính thức năm 2018 là cơ sở để vovinam – Việt võ đạo phát triển mạnh mẽ trong học đường. Ngày 7/9/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 4108/BGDĐT-GDTC về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường năm học 2017-2018.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ban hành Công văn số 3991/GDĐT-CTTT ngày 25/10/2017 về triển khai thực hiện tập huấn chương trình thể thao cơ bản võ nhạc Vovinam trong trường học năm học 2017 – 2018.
Sau công tác chuẩn bị, Chương trình tập huấn Thể thao cơ bản võ nhạc vovinam do Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM và Hội Việt Võ Đạo TP.HCM cùng sự đồng hành của Công ty truyền thông và giải trí Điền Quân sẽ được tổ chức trong 02 ngày 16/11 và 17/11/2017 tại Câu lạc bộ Văn hóa – TDTT Nguyễn Du, Quận 1. Chương trình quy tụ hơn 300 giáo viên từ 120 trường phổ thông trong toàn thành phố ở 03 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT. Các học viên sẽ được trang bị áo thun đồng phục tập huấn, tài liệu – hình ảnh bài tập. Bên cạnh đó, gần 120 HLV của 24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM, các HLV của các tỉnh Long An, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang cũng tham dự trong chương trình tập huấn này.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết: "Chúng ta sẽ được sự hỗ trợ nghiên cứu, hướng dẫn từ các đối tác nước ngoài trong việc kết hợp đưa âm nhạc vào các động tác thể dục và võ thuật. Điều này tạo ra sự gắn kết và mang tính hiện đại để thu hút người tập. Ngoài ra, âm nhạc và võ thuật đều có chung mục đích giáo dục, hướng thiện. Do vậy, kết hợp Vovinam cùng nhạc mang tính dân tộc vào học đường sẽ giúp học sinh có thêm tinh thần yêu nước và hiểu lịch sử, truyền thống dân tộc hơn".
Học võ vì sức khỏe, vì yêu thích võ thuật cũng là một lý do quan trọng. Với những người theo xu hướng này, việc dùng võ nhạc để thu hút họ là một chuyện hay, hiệu quả. Việc đưa võ nhạc vovinam vào học đường sẽ giúp môn võ Việt này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Song song đó, hình ảnh của môn vovinam đa dạng, thực dụng nhưng không kém phần nghệ thuật, gần gũi nhu cầu tập luyện võ thuật kết hợp giải trí của quý Thầy Cô giáo viên và các em học sinh trong môi trường học đường, giúp nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh, phục vụ tốt cho học tập và lao động, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc “Học võ Việt, yêu nước Việt”.
Theo ông Nguyễn Bình Định – Trưởng bộ môn vovinam TPHCM: “Võ nhạc rất hay. Tùy kỹ thuật và tùy môn võ mà chúng ta có thể xây dựng bài biểu diễn võ nhạc phù hợp nhất. Việc chúng ta đưa được võ nhạc vào trong trường học là một thành công. Bởi võ nhạc không cần cầu kỳ mà chỉ cần vài kỹ thuật cơ bản của môn võ thôi, thì nó hay hơn nhiều so với bài thể dục nhàm chán như hiện nay. Nếu cho thi đồng diễn võ nhạc thì phong trào sẽ phát triển lớn lắm, cả về nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp”.
Giang Lê