Đưa võ thuật vào học đường: Tăng cường phối hợp để triển khai mạnh mẽ hơn

Năm học 2018-2019, cùng với Võ cổ truyền, Vovinam cũng sẽ bắt đầu được ngành Giáo dục Phú Yên đưa vào giảng dạy trong các trường học nhằm giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, nâng cao khả năng tự vệ, góp phần gìn giữ tinh hoa, văn hóa của dân tộc.

Song, để các trường “mặn mà” hơn trong việc đưa hai môn võ này vào giảng dạy, các cấp, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong xây dựng kế hoạch triển khai, thống nhất giáo trình giảng dạy và tăng cường tập huấn cho giáo viên.

 

Chưa phổ biến

 

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài Võ cổ truyền được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông, từ năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo các trường đưa Võ cổ truyền vào giảng dạy cho học sinh.

 

Ngay sau khi Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn bài Căn bản công pháp 36 động tác cho 100 giáo viên chủ chốt của các trường và phòng GD-ĐT vào tháng 10/2016, từ học kỳ II năm học 2016-2017, một số trường học đã mạnh dạn đưa bài Võ cổ truyền này vào tập luyện cho học sinh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau 2 năm triển khai chương trình đưa võ cổ truyền vào trường học, số lượng các trường thực hiện chưa nhiều.

 

Ở cấp THPT mới chỉ có Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa), còn cấp THCS, triển khai mạnh nhất là Phòng GD-ĐT huyện Tuy An, tiếp đến là Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa... Tại TP Tuy Hòa, số trường tiểu học đưa vào giảng dạy nội dung này chỉ đếm trên đầu ngón tay…

 

Theo ông Hồ Văn Đạt, chuyên viên phụ trách TDTT Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa, mặc dù có chủ trương và tổ chức tập huấn, song do ngành chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đưa Võ cổ truyền vào trường học nên các trường còn lúng túng khi thực hiện. Thêm vào đó là chưa có bộ giáo trình cơ bản cho các cấp học nên khó thống nhất chương trình giảng dạy; thời gian tập huấn ngắn, trong khi đa số giáo viên không am hiểu Võ cổ truyền nên gây không ít khó khăn cho công tác triển khai tập luyện trong các nhà trường.

 

Còn ông Phan Thống Nhất, chuyên viên phụ trách TDTT Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa, cho hay: Năm học 2017-2018 vừa qua, Phòng GD-ĐT huyện đưa Võ cổ truyền vào giảng dạy tại 11 trường THCS trên địa bàn. Song, thực tế chỉ có một số ít trường lồng ghép, đưa vào giảng dạy trong giờ học Thể dục. Phần vì giáo viên không am hiểu nhiều về Võ cổ truyền nên ít mặn mà, phần vì thời gian của mỗi tiết học chỉ có 45 phút nên giáo viên khó triển khai chương trình.

 

Phối hợp tập huấn, biên soạn chương trình

 

Với quyết tâm đẩy mạnh phong trào tập luyện Võ cổ truyền, từ đó nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực và góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hóa truyền thống cho học sinh, mới đây, Tổng cục TDTT (Bộ VH-TT-DL), Bộ GD-ĐT tổ chức khóa tập huấn 3 bài Võ cổ truyền Căn bản công pháp và hướng dẫn, cập nhật một số nội dung liên quan đến công tác phát triển phong trào tập luyện Võ cổ truyền trong các trường phổ thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018.

 

Tại khóa tập huấn, hơn 100 võ sư, cán bộ, HLV, giáo viên ngành GD-ĐT thuộc các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được trang bị kiến thức về xây dựng kế hoạch phát triển phong trào tập luyện Võ cổ truyền cho thanh thiếu niên và học sinh trong các trường phổ thông; hướng dẫn phương pháp huấn luyện môn Võ cổ truyền; tập huấn, trao đổi kinh nghiệm công tác phổ biến 3 bài Võ cổ truyền Căn bản công pháp cho học sinh các trường phổ thông và công tác phát triển môn Võ cổ truyền.

 

Trong hai ngày 12-13/10 tới, Sở GD-ĐT Phú Yên sẽ tổ chức hội thảo Nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và phong trào thể thao học đường để các giáo viên, chuyên viên phụ trách TDTT đến từ các trường THPT, các phòng GD-ĐT trao đổi kinh nghiệm, đề xuất cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trường học trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay. Trong đó, các giáo viên, chuyên viên cũng sẽ trao đổi, góp ý về việc đưa Võ cổ truyền và Vovinam vào trường học trong năm học này.

 

Anh Nguyễn Văn Chánh, chuyên viên phụ trách TDTT Sở GD-ĐT Phú Yên, chia sẻ: Ngoài Võ cổ truyền, năm học 2018-2019, Vovinam cũng sẽ được ngành GD-ĐT Phú Yên đưa vào giảng dạy tại các trường học. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Hội Vovinam Việt Võ Đạo tỉnh, Sở VH-TT-DL Phú Yên tổ chức tập huấn Vovinam cho giáo viên, chuyên viên phụ trách TDTT của các phòng GD-ĐT và các trường. Sở GD-ĐT cũng sẽ có công văn hướng dẫn các trường trong việc đưa Vovinam vào giảng dạy để đa dạng hóa các môn thể thao trong nhà trường.

 

“Để triển khai mạnh mẽ Võ cổ truyền và Vovinam vào trường học, cần thiết phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở GD-ĐT với Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh và Hội Vovinam Việt Võ Đạo tỉnh trong chuẩn hóa giáo trình phù hợp với từng lứa tuổi của học sinh cũng như đào tạo đội ngũ võ sư, cán bộ, giáo viên đứng lớp giảng dạy. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng sẽ nghiên cứu đưa các nội dung của các môn võ này vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng và Giải Thể thao học đường để khuyến khích các trường tập luyện cho học sinh”, anh Chánh cho biết.

 

HÀ MY



Nguồn tin: http://www.baophuyen.com.vn/88/208267/dua-vo-thuat-vao-hoc-duong--tang-cuong-phoi-hop-de-trien-khai-manh-me-hon.html