Những ngày gần đây, dự án phim Võ Đạo (cốt truyện chính về cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, bộ môn Vovinam – Việt Võ Đạo) trở thành tâm điểm của giới võ thuật Việt Nam.
Điều thú vị rằng bộ phim đầy ấn tượng này được thực hiện bởi một tập thể vẫn chưa có nhiều tiếng tăm trong làng điện ảnh.
Phim Võ Đạo được thực hiện với tâm niệm tạo nên một tác phẩm điện ảnh thực sự tập trung vào các khía cạnh Võ và Đạo (yếu tố Võ thuật trong phim Việt trước nay vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ phim hình sự, hành động…), bên cạnh đó đem đến cho giới trẻ Việt một cái nhìn sinh động đối với bối cảnh võ thuật Việt Nam đầu thế kỉ 20 – thời điểm mà một trong những con người kiệt xuất của nền võ thuật Việt ra đời: cố võ sư Nguyễn Lộc, sáng tổ bộ môn Việt Võ Đạo.
Với những ước nguyện tốt đẹp đó, ekíp làm phim xứng đáng nhận được những lời cổ vũ nhiệt tình, cũng như những lời góp ý chân thành, nghiêm túc, để tác phẩm được hoàn thiện và mang giá trị thực sự cả về mặt giáo dục lịch sử, võ thuật lẫn giải trí.
Võ sư Châu Minh Hay – một trong những cây bút trứ danh trong làng Việt Võ Đạo, người từng có nhiều bài bình luận đáng chú ý về võ thuật Việt Nam cũng đã có đôi lời nhận xét về dự án làm phim, chỉ rõ những sai sót mà êkíp đã để lộ ngay từ video clip trailer giới thiệu:
1) Về chỉ đạo võ thuật: Đạo diễn đã không dựa vào lịch sử môn phái mà dựng theo cảm tính cho nên hóa ra Sáng tổ Nguyễn Lộc đang học Vịnh Xuân quyền. Nét đánh (thủ pháp) Vịnh Xuân thể hiện rất rõ mà bất kỳ ai đam mê hoặc có chút kiến thức võ thuật cũng có thể nhận ra. (Về điều này, cá nhân người viết cũng cho rằng bộ phim đã chịu ảnh hưởng nhiều từ võ sư Peter Phạm – người thủ vai cố võ sư Nguyễn Lộc. Anh là người tập luyện và giảng dạy Vịnh Xuân, và từng có một số phim ngắn liên quan đến môn võ này)
Dựa theo trailer, đoàn làm phim có vẻ đã bị “nhiễm” thủ pháp của Vịnh Xuân và tái hiện nên một võ sư Nguyễn Lộc không đúng với sự thật lịch sử.
2) Về yếu tố chính xác trong lịch sử. Trong lịch sử môn phái Vovinam thì Nguyễn Lộc là một nhân vật có khả năng võ thuật thiên bẩm, ông chỉ quan sát và mạn đàm cùng một số võ sĩ thời danh rồi rút ra những luận cứ võ học cho riêng mình. Hay nói cách khác là ông Nguyễn Lộc không có thầy dạy võ cụ thể như trong phim.
Trailer phim có một đoạn dài nói về việc nhân vật chính (cố võ sư Nguyễn Lộc) giao đấu, tập luyện và học hỏi từ các võ sinh Karate (không phù hợp với bối cảnh lịch sử)
3) Giọng nói nhân vật: Cứ tạm cho là Sáng tổ Nguyễn Lộc có người thầy dạy võ và người thầy này có thể là người miền Trung (Bình Định hay Quãng Ngãi) gì đó (theo phát âm lồng tiếng) nhưng nhân vật Nguyễn Lộc là người sinh ra và lớn lên tại miền Bắc Việt Nam, tại sao nhân vật trong phim lại nói tiếng người miền Nam (Lỗi này vẫn có thể chỉnh sửa ở giai đoạn hậu kỳ lồng tiếng lại)
4) Xây dựng bối cảnh: Cảnh quay không phù hợp với ngoại cảnh của xã hội Việt Nam thời bấy giờ mà giống Hàn quốc hay Nhật bản thời nay hơn. Trang phục của các nhân vật trong phim thì càng không phù hợp với trang phục người Việt thời bấy giờ, có vẻ giống phim Tàu hơn.
Bối cảnh trong phim không thực sự phù hợp với lịch sử.
Dự án phim “Võ Đạo” hiện nay vẫn trong giai đoạn kêu gọi tài trợ và tiếp tục xây dựng kịch bản. Với những ước nguyện đáng trân trọng cùng sự nỗ lực không thể phủ nhận, thiết nghĩ ekíp làm phim Võ Đạo cần nhìn nhận lại những vấn đề kể trên để tạo nên một tác phẩm điện ảnh thành công, tránh làm phí phạm công sức của chính đoàn làm phim lẫn những người đã ủng hộ dự án.
Được đầu tư thực hiện một cách nghiêm túc, đoàn làm phim cần nghiên cứu lại các vấn đề về lịch sử và biên đạo võ thuật để có thể hoàn thiện tác phẩm tâm huyết của mình
Nếu như phim Võ Đạo chọn một bối cảnh khác, một nhân vật khác, có lẽ chúng ta không cần nghĩ đến những “hạt sạn” ở trên. Thế nhưng, với vị trí là một bộ phim dựa trên cuộc đời và sự nghiệp cố võ sư Nguyễn Lộc, yếu tố chính xác và rõ ràng trong các thông tin lịch sử vẫn là điều cần tôn trọng.
Hồ Võ