Ngày nay, phong trào luyện tập Vovinam phát triển rộng khắp, không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là một tín hiệu đáng phấn khởi đối với môn võ Việt.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui về số lượng thì chất lượng giảng dạy lại là nỗi lo lớn. Việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các huấn luyện viên Vovinam cần được quan tâm, đầu tư để môn võ này phát triển bền vững.
Trên thực tế và cả trong giáo trình kỹ thuật của Vovinam được ban hành trong những năm gần đây với sự đóng góp không nhỏ công sức của các bậc võ sư cao niên, dày dạn kinh nghiệm và những gương mặt trẻ mang hoài bão lớn lao về công việc phát triển môn phái đều lộ ra một lỗ hổng lớn về những lý giải khoa học rất cần thiết trong chương trình. Về mặt kỹ thuật, chưa có tài liệu kỹ thuật nào phân tích về các đòn thế cơ bản, mà chỉ xoay quanh việc hướng dẫn cho người học phải làm như thế này thế kia cho đúng bài, còn tại sao như vậy mới là đúng thì chẳng thấy ai đề cập tới. Do vậy, không ít HLV và các võ sư đã không thể lý giải được về hàng loạt cái “tại sao” này.
Xin nêu lên một vài ví dụ sau đây để thấy sự cần thiết phải lý giải về khoa học cho rõ ràng nhằm mang lại hiệu quả cao trong khi thực hiện.
Thứ nhất, về kỹ thuật đá thẳng. Người thực hiện phải sử dụng ức bàn chân để tiếp xúc mục tiêu thay vì mũi bàn chân. Nghĩa là khi đá thẳng bàn chân duỗi thẳng, các ngón chân cong lên gần giống như tư thế ta đứng nhón gót (kiễng chân), như vậy sẽ dễ dàng công phá mục tiêu một cách tốt nhất. Còn ngược lại, nếu ta đá bằng mũi bàn chân thì có thể sẽ bị gãy mũi chân nếu mục tiêu quá rắn.
Thứ hai, về kỹ thuật chém cạnh bàn tay. Người thực hiện thường chỉ chém cạnh bàn tay ngửa hoặc úp tùy theo lối chém, chứ ít ai quan tâm tới việc phải chém cạnh bàn tay như thế nào để mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, nếu làm một thử nghiệm cầm một khúc mía chúc thẳng đứng, tay kia cầm con dao phạt ngang lưỡi dao vào khúc mía, ta thấy khó có thể làm cho khúc mía đứt lìa. Nhưng nếu ta nghiêng lưỡi dao và phạt xéo góc 450 vào khúc mía, khúc mía sẽ đứt lìa một cách dễ dàng, bởi lực xéo là lực vừa chém vừa ghì từ trên xuống không cho vật bị chém bung ra và như vậy hiệu quả mang lại tốt nhất. Tóm lại, lực chém bằng cạnh bàn tay xéo 450 so với mặt đất vào mục tiêu là lực chém tốt nhất cho các lối chém 1 và 2.
Thứ ba, về kỹ thuật đấm. Khi thực hiện, người tập thường lấy hết gân cốt để tung quả đấm ra với cánh tay và thân hình cứng nhắc, như vậy vừa tốn sức vừa làm chậm đòn đánh, không mang lại hiệu quả cao. Khi thực hiện đòn đấm, cách tốt nhất là người tập phải buông lỏng cánh tay trong phạm vi 2/3 đoạn đường của cú đấm. Khi còn 1/3 đoạn đường thì mới dùng sức, đồng thời xoáy úp nắm đấm khi nắm đấm tiếp xúc mục tiêu. Có như vậy thì đòn đấm sẽ được tung ra bằng tốc độ nhanh nhất có thể, ít hao tổn sức lực, có thể thực hiện nhiều cú đấm liên tiếp vừa nhanh mà không mệt. Đồng thời khi thực hiện đòn đấm, người tập phải biết áp dụng lực phản hồi. Nghĩa là khi tung đòn đấm bằng tay phải thì tay trái cùng lúc phải giật về, có như vậy lực phản hồi (phản lực) sẽ truyền từ tay giật về qua xương đòn gánh để giúp gia lực cho cánh tay đấm ra. Hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn là một tay đấm ra một tay thụ động. Tóm lại, khi thực hiện các lối đấm người tập phải kết hợp nhuần nhuyễn vừa thả lỏng cánh tay, vừa áp dụng sự trợ giúp phản lực của cánh tay còn lại, kết hợp lực của cánh tay và lực của hông. Đồng thời, cổ tay và nắm đấm phải luôn thẳng, không được để cho nắm đấm ngóc lên hay gục xuống hoặc nghiêng qua trái, qua phải, như vậy khi nắm đấm tiếp xúc mục tiêu gặp lực cản lớn không bị gãy gập cổ tay…
Mặt khác, một khuyết điểm hiện nay trong công tác huấn luyện võ thuật, đó là nhiều HLV “thế hệ mới” không mấy am hiểu về mặt võ đạo. Từ đó, dẫn tới việc giảng dạy chỉ xoáy sâu vào võ thuật, thậm chí một số người dù danh xưng võ sư nhưng chưa từng nghe và hiểu được khái niệm cơ bản nhất về hệ thống triết lý võ đạo của bản môn. Điều đó dẫn đến một số chuyện không hay, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của môn phái.
Thiết nghĩ, những người làm công tác phát triển môn phái Vovinam và các môn võ khác cần nghiêm túc nghiên cứu một chương trình nhằm bồi dưỡng và phổ cập kiến thức cho đội ngũ huấn luyện viên. Đồng thời phải nhìn lại công tác tổ chức thi thăng cấp từ hàng trung đẳng trở lên, nhất là từ cấp Hoàng đai tam lên Chuẩn Hồng đai trở lên, yêu cầu phải nắm vững hệ thống triết lý về võ đạo của các cấp dưới qua khảo hạch rồi mới đến phần võ thuật. Võ học không giới hạn tuổi, không giới hạn trình độ, uy tín, địa vị xã hội, nên càng đòi hỏi người dạy võ phải trau dồi bản lĩnh nhiều hơn các ngành học khác. Có thể sự phát triển về số lượng chậm lại, nhưng sản phẩm của môn phái sẽ có đủ hai yếu tố hữu ích, đó là võ thuật và võ đạo.
Võ sư CHÂU MINH HAY
Nguồn tin: http://www.baophuyen.com.vn/88/186149/cong-tac-boi-duong-huan-luyen-vien-vovinam--can-duoc-quan-tam-hon.html