Chuyện lạ về chàng khổng lồ xứ Thanh

Với 30 năm viết báo, tôi đã đi gần hết đất nước và nhiều lần đến những xứ sở xa lạ, nhưng chưa bao giờ gặp một người cao to như chàng võ sĩ quê Thanh Hóa này.

Có thể hiện tại, anh là người cao nhất Việt Nam với chiều cao 2,2m, nặng 120kg. Anh quá “khủng” giữa dòng người và xe đông đúc trên đường phố Sài Gòn, và càng “khủng” hơn khi chiều cao vẫn đang tăng thêm.

GIA ĐÌNH VÀ TUỔI THƠ CỦA “SIÊU NHÂN”

Chiều 21-10-2017, trên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt (P15Q11), nhiều người đi đường bỗng “hoa mắt” trước một thanh niên cao lớn khác thường. Anh này mặc đồ thể thao xanh nhạt, đeo balô và đôi găng boxing lủng lẳng trên vai. Người khổng lồ đó là Trần Ngọc Tú (SN 1997), một võ sĩ từng đoạt huy chương bạc (HCB) vovinam toàn quốc vào tháng 4-2017 và đang ấp ủ giấc mơ huy chương vàng (HCV) môn võ này, trong giải đấu vào cuối tháng 10-2017. Quá kinh ngạc trước cơ thể “siêu nhân” của Tú, nên tôi đã mời anh đến một quán cà phê để được nghe những chuyện bất ngờ.

vovinam

Anh Tú đứng cạnh một người cao 1,65m

Tú sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Cha anh là ông Trần Ngọc Tư (SN 1973, cao 1,7m), làm nghề xây dựng, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Tuyết (cao 1,6m, làm thợ may, qua đời năm 2002 do tai nạn, khi đó Tú mới lên 5 tuổi). Anh trai Tú là Trần Ngọc Tuân (SN 1996, cao 1,7m) cùng làm nghề xây dựng với cha. Hai em gái cùng cha khác mẹ của Tú mới 5 và 12 tuổi. Dòng họ nội, ngoại cũng chẳng có ai cao quá 1,75m. Nói chung, Tú sinh ra trong một gia đình bình thường về chiều cao.

Từ nhỏ đến năm 12 tuổi, Tú chậm lớn so với một số bạn cùng trang lứa trong làng nên thường bị bắt nạt, phải chạy về “méc” anh trai. Nhưng từ năm 13 tuổi trở đi, dù ăn uống kham khổ, Tú vẫn lớn nhanh như thổi, cao thêm một tấc mỗi năm: 16 tuổi cao 2,08m, 18 tuổi cao 2,12m và hiện nay (20 tuổi) cao 2,2m. Tú cho biết, anh vẫn đang cao thêm, nhưng tốc độ không nhanh như trước, từ 3 - 5cm/năm. Anh cảm thấy rất lo lắng về điều này.

ĐƯỜNG ĐẾN HCB VOVINAM CỦA CẬU BÉ PHỤ HỒ

Tú kể: anh bỏ học, “đi bụi” từ năm lớp 7. Sau đó, Tú theo một nhóm xây dựng từ Thanh Hóa đến Vĩnh Phúc thi công công trình. Một hôm, Tú đang xách xô vữa hồ thì có mấy chú ở Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đến hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi? Sao mặt còn non choẹt mà to con thế?”. Khi Tú trả lời rằng gần 16 tuổi và cao 2,08m, nặng 100kg thì các chú ấy đều giật mình. Họ hỏi: “Có thích học võ không?”, Tú gật đầu. Thế là họ đưa anh về trung tâm huấn luyện Pencak Silat.

Từ đó, cậu bé “khổng lồ” giã từ nghề phụ hồ để học võ. Cậu được nuôi ăn, ở chu đáo, mỗi tháng còn được cho 500 ngàn đồng tiêu vặt nên rất sung sướng. Nhưng hơn 2 năm miệt mài, nỗ lực với Pencak Silat, Tú chưa thành công ở bất kỳ giải đấu nào. Tú chuyển sang học vật để trở thành một đô vật chuyên nghiệp, nhưng rồi mộng cũng không thành. Đầu năm 2016, Tú giã biệt lò vật, đón xe đò vào TPHCM tìm cơ hội phát triển nghề võ.

Với vóc dáng “siêu nhân”, Tú được các huấn luyện viên môn vovinam rất ưng ý. Anh được vào Đội tuyển TPHCM và được trợ cấp hơn 6 triệu đồng/tháng để luyện tập. Tú cùng một số anh em trong đội tuyển thuê nhà trong một con hẻm ở P7Q11, ngày ngày đến Nhà thi đấu Phú Thọ để luyện tập. Trong 2 năm qua, Tú đã đoạt HCĐ, HCB toàn quốc môn vovinam.

“TẠI EM NGHÈO NÊN MỚI... CAO NHƯ VẬY!”

Vì to cao khác thường nên Tú gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Anh phải ngủ dưới đất vì từ hồi ở Trường Thể dục - Thể thao Vĩnh Phúc, trong khu nội trú không có chiếc giường nào đủ to và dài cho Tú nằm. Khi anh nằm trên nệm thì cũng phải đưa chân ra ngoài. Quần áo, giày dép đều ngoại cỡ, gang tay của Tú hơn 30cm và bàn chân dài, to gần gấp đôi người bình thường).

Mỗi lần đi máy bay hay tàu, xe, anh đều rất vất vả. Tú vẫn còn ớn lạnh khi nhớ đến 2 ngày 1 đêm trên xe giường nằm từ Hà Nội vào Sài Gòn. Cái gường chỉ chứa được một nửa chiều cao và bề ngang thân thể nên Tú phải ngồi bó gối suốt hành trình dài dằng dặc. Tôi hỏi: “Sao không mua 2 ghế để nối đầu cho đỡ mệt?”. Tú cười hiền: “Em không đủ tiền. Với lại mua 2 ghế thì đi máy bay chỉ 2 tiếng cho nhanh”.

Gang tay của Tú hơn 30cm, bàn chân dài, to gần gấp đôi người bình thường

Dù to cao và là một vận động viên luyện tập cường độ cao, Tú cũng chỉ ăn uống như người bình thường. Buổi sáng, anh thường nhịn ăn, chỉ uống cà phê. Trưa anh ăn theo tiêu chuẩn như mọi người. Ông chủ quán cơm ở đầu hẻm nơi Tú trọ, kể: “Mỗi bữa cậu ấy cũng chỉ ăn một dĩa cơm chính với chén cơm thêm, tổng cộng 25 ngàn. Trong gần 2 năm ăn cơm ở quán tôi, cậu ấy cao thêm gần cả gang tay”.

Tú kể lúc rảnh rỗi thường rủ bạn bè cả trai lẫn gái đi uống trà sữa, xem phim. Hồi nhỏ ở quê nghèo khó nên khi vào TPHCM, Tú ăn gì cũng thấy ngon, nhất là thịt gà. Tôi đùa: “Tú to con như vầy, chắc nhiều cô gái mê lắm?” Tú lắc đầu: “Họ thấy em cao to quá nên chẳng dám yêu. Mà em cũng chẳng muốn làm khổ ai, vì bác sĩ bảo những người cao khác thường như em là mắc bệnh khổng lồ, dễ đột tử lắm! Em sẽ không lấy vợ hay muốn có người yêu...”.

Rồi Tú nhắc lại ước mơ: “Biết bao giờ em mới bé lại còn 1,7m?”. Hồi nhỏ, tôi cũng như muôn vạn cậu bé khác đều ước mơ mình cao lớn, có sức vóc “siêu nhân”. Giờ nghe một “siêu nhân” thứ thiệt than thở về chiều cao quá “khủng” của mình, tự nhiên tôi thấy bùi ngùi: “Có khi ước mơ của người này lại là nỗi thất vọng của người khác”.

Chia tay tôi, Tú lững thững băng qua đường Lý Nam Đế (P7Q11) để vào con hẻm có phòng trọ của mình. Cả phố phường nhộn nhịp nhìn theo chàng võ sĩ “khổng lồ” trầm trồ, bàn tán. Mấy ai trong đám đông đó hiểu được khát vọng được “lùn đi” của Tú? Chiều 22-10-2017, Tú sẽ bước vào đợt tranh tài quyết liệt của Giải vovinam toàn quốc. Tôi cầu mong cho em đạt được ước mơ HCV của mình.

Khi được hỏi về ước mơ, Tú cười buồn: “Em mong sao mình chỉ cao 1,7m như hồi nhỏ. Còn to lớn thế này bất tiện đủ thứ!”. Tú hay mặc cảm về cơ thể khác thường của mình. Giọng Tú trầm xuống, đôi mắt buồn mượt, nói: “Lúc mới lớn thấy mình cứ cao vùn vụt, em sợ lắm, muốn đi điều trị, nhưng vì nhà nghèo không có tiền đến bệnh viện điều trị, chỉ khám ở những cơ sở y tế địa phương nên không giải quyết được gì. Nếu lúc ấy có tiền chữa bệnh, có lẽ bây giờ em đã được làm một người bình thường”.

----------

Sáng 22-10-2017, trao đổi với chúng tôi, Tú cho biết, trong trận chung kết vovinam toàn quốc diễn ra hồi tháng 4-2017, anh bị đối thủ từ Đắk Nông đả bại. Chàng võ sĩ kia cao 1,8m, chỉ đứng ngang ngực Tú, nhưng ra đòn rất nhanh và mạnh nên Tú chịu thua. Trong giải cuối tháng 10 này, Tú mong mình thi đấu tốt hơn để đổi màu huy chương.

Theo VNExpress ngày 24-2-2016, người đàn ông cao nhất lịch sử nhân loại là Robert Pershing Wadlow (người Mỹ, SN 1918, chết năm 1940; chiều cao 2,71m). Còn người giữ kỷ lục Guiness Việt Nam về chiều cao là ông Trần Thành Phố (tên thật là Trần Quang, SN 1947, quê Thái Bình). Ông Phố cao 2,28m, nặng 115kg. Ngày 1-7-2012, Kenh14.vn thông tin, ông Phố đã qua đời vào năm 2010, thọ 64 tuổi. Hiện nay, có lẽ Trần Ngọc Tú với chiều cao 2,2m là người cao nhất Việt Nam.

Bệnh khổng lồ (Gigantism) là do khối u lành trong tuyến yên phát triển bất thường, điều khiển hoạt động sản sinh các loại hormone cao hơn mức cơ thể cần. Ngày nay, bệnh khổng lồ được chữa trị bằng uống thuốc, phẫu thuật hay biện pháp phóng xạ.

Nguồn tin: http://www.xaluan.com/