Cao đến 2,25m, “người khổng lồ Vovinam” Trần Ngọc Tú lo không biết... còn cao đến khi nào?

Đa phần những người có vóc dáng to lớn đều do di truyền của cha và mẹ. Đặc biệt, với các nhà làm công tác tuyển chọn tài năng thể thao, họ cũng lưu tâm nhiều về vấn đề này để khoanh vùng tuyển chọn.

Nhưng đối với trường hợp của “người khổng lồ” Trần Ngọc Tú của Vovinam lại khác.

Tú sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Cả cha và mẹ đều không phải những người có vóc dáng vượt trội so với người thường. Ông Trần Ngọc Tư (SN 1973), cha Tú cũng chỉ cao 1,7m.

Còn mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tuyết cũng cao chỉ 1,6m. Anh trai Tú là Trần Ngọc Tuân (SN 1996), cũng cao 1,7m. Bên cạnh đó, hai bên nội - ngoại cũng chẳng có ai cao quá 1,75m. Điều đó thấy rằng cơ sở di truyền không phải yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của VĐV cao nhất Việt Nam này.

Lúc nhỏ cơ thể Tú phát triển chậm hơn so với bạn cùng trang lứa. Đến năm 11 tuổi, cơ thể Tú phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc khi anh cao 1,75m. Anh cao thêm 10cm mỗi năm, dù khi đó anh ăn uống thiếu dinh dưỡng vì gia đình nghèo nên khi 14 tuổi Tú đã cao 1,95m. Năm 16 tuổi, Tú đã cao đến 2,08m. Đến khi 18 tuổi, chàng trai này đạt đến chiều cao 2,16m.

Chiều cao của Trần Ngọc Tú liên tục thay đổi chóng mặt. 

Ở tuổi 20, chiều cao Tú đã là 2,2m. Đến nay, ở tuổi 24, chàng trai này đã cao 2,25m. Tuy nhiên anh cho biết, chiều cao của mình vẫn tiếp tục phát triển tuy đã bắt đầu chậm lại nhưng có thể cao 2-3cm/năm. Điều đó khiến chàng “khổng lồ” lo lắng vì không biết mình còn cao đến bao nhiêu.

Khi phát hiện sự “cao bất thường”, Tú được gia đình đưa đi khám ở địa phương, được cho thuốc uống nhưng không có hiệu quả.

"Thấy mình cứ cao quá so với mọi người, lúc đó tôi sợ lắm. Xin cha đi chữa nhưng nhà không có tiền đến bệnh viện, tôi chỉ ra trạm xá địa phương khám và cho thuốc uống mà không có kết quả. Nếu lúc ấy có tiền chữa bệnh, có lẽ bây giờ tôi đã không cao đến thế này”.

Theo các nhà chuyên môn lĩnh vực Nội tiết và di truyền, trường hợp của Tú nhiều khả năng bị bệnh khổng lồ (gigantism). Đây là bệnh nội tiết hiếm gặp. Nguyên nhân bởi khối u của tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng (GH) trên mức bình thường, trước tuổi dậy thì ở trẻ, hậu quả là cơ thể phát triển quá mức nhưng còn cân đối.

Chiều cao trong võ thuật là lợi thế, nhưng cũng là nỗi lo với chàng vận động viên Vovinam. 

Muốn chẩn bệnh khổng lồ cần xét nghiệm đo nồng độ hormone GH và IGF-I trong máu. Nếu có điều kiện hơn thì làm thêm nghiệm pháp ức chế GH (Growth hormone suppression test) và chụp cắt lớp CT scan hay MRI sọ não để thấy; đo kích thước khối u tuyến yên. Ngày nay, bệnh khổng lồ được chữa trị bằng uống thuốc, phẫu thuật hay biện pháp phóng xạ.

Với chàng trai cao 2,25m này, anh cần phải sớm có sự chuẩn bị để can thiệp bằng biện pháp y học. Vì có thể, sau này, những di chứng của sự phát triển quá mức khiến cơ thể chàng võ sĩ này không thể chịu được nữa và xảy ra hậu quả đáng tiếc.



Nguồn tin: https://webthethao.vn/mma-boxing/nguoi-khong-lo-225m-tran-ngoc-tu-con-cao-den-khi-nao-FbxybZaMg.htm