Võ thuật TP.HCM: 40 năm hội nhập, phát triển và những thách thức (kỳ 2)

Dẫu sinh sau, đẻ muộn (so với môn võ cổ truyền dân tộc) nhưng Vovinam chính là môn quốc võ hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả nhất, luôn tích cực chuyển mình vươn ra biển lớn, đặc biệt trên địa bàn TP.HCM…

Phần 1: Hội tụ, tỏa sáng và những thách thức

Phần 2: Vovinam – Việt Võ Đạo: Phải chuyển mình mới mong vươn ra biển lớn…

Các võ sư cao cấp và VS Chưởng môn

Các võ sư cao cấp và VS Chưởng môn

Những tháng ngày gian khó

Vovinam – Việt Võ Đạo (VVN) do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960) sáng lập tại Hà Nội năm 1938, trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nòng cốt, nghiên cứu các môn võ khác trên thế giới để thái dụng và hóa giải, nhất là cải tiến nền tảng kỷ thuật của mình theo nguyên lý Cương – Nhu phối triển.

Khoảng cuối năm 1954, VVN bước chân vào làng võ Sài Gòn… Chẳng may, võ sư Nguyễn Lộc sớm từ giã cõi đời và trao nhiệm vụ chưởng môn lại cho võ sư Lê Sáng. Do tình hình thời cuộc lúc bấy giờ, phong trào tập luyện VVN còn khá khiêm tốn…

Gần 1 năm sau ngày thống nhất đất nước, một số võ sư và huấn luyện viên VVN TP.HCM đã tập họp, ôn luyện tại Quận 8 nhưng mãi đến cuối tháng 12/2978, lớp tập chính thức khai giảng tại hồ bơi Hòa Bình (Quận 8) với 80 võ sinh mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại phong trào. Chỉ một thời gian sau, VVN TP HCM đã tham dự đợt Hội thảo Võ thuật do Viện Khoa học Giáo dục và Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương 2 phối hợp tổ chức (6/1980) và 5 năm sau, võ sư Nguyễn Văn Chiếu (nay là chánh chưởng quản môn phái) được mời huấn luyện cho lớp Nghiên cứu võ thuật phía Nam (Khóa tập trung 4 tháng) của Cục Cảnh vệ – Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an)…

Bên lề AIGs III, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đánh giá cao sự tiến bộ của môn vovinam

Bên lề AIGs III, Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân, PCT Hứa Ngọc Thuận động viên các HLV, VĐV môn vovinam đạt thành tích tốt tại kỳ thể thao quan trọng bậc nhất châu lục này.

Trong suốt quá trình phát triển, Vovinam TP.HCM đánh giá cao sự hy sinh, phấn đấu vì võ học dân tộc của nhiều võ sư, huấn luyện viên, môn sinh. Còn nhớ vào khoảng cuối thập niên 80, tiền bồi dưỡng cho các lớp tập chỉ đủ cho huấn luyện viên uống ly cà phê đen hoặc ly nước đá chanh sau mỗi buổi tập. Ấy vậy mà họ vẫn kiên trì bám trụ năm này qua năm khác. Khoảng đầu năm 90, kinh phí có hạn, Trung tâm TDTT Quận 8 đang tháo dỡ để xây mới, giải VĐ toàn thành phải tổ chức trên sân trường phổ thông trung học Lương Văn Can. Trưa nắng, cứ sau vài lượt ra đòn, võ sĩ phải dừng lại để các võ sinh quận 8 dùng vải ướt lau nhanh qua thảm cho các võ sĩ đỡ nóng chân… Có lần giải VĐ toàn thành tiến hành tại Nhà thi đấu Quận 8 còn đang xây dang dở, mưa dột tứ tung ướt cả thầy lẫn trò… Nếu không có các võ sư Trần Văn Mỹ, Nguyễn Chánh Tứ, Trần Văn Phước, Cao Hải Bình, Nguyễn Văn Vang, Giang Quan Thiêm, Tô Văn Vượng, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Đình Phước… cùng hàng trăm võ sư, HLV tâm huyết khác, phong trào VVN khó có thể phát triển đến hầu hết các quận, huyện, một số trường đại học và lực lượng vũ trang trong TP HCM với hàng chục ngàn võ sinh thường xuyên tập luyện như ngày nay. Đồng thời cũng chính từ phong trào này đã xuất hiện nhiều võ sĩ giành thành tích cao trên đấu trường quốc nội và quốc tế như: Nguyễn Hồng Quỳ, Nguyễn Tấn Thịnh, Phạm Thị Phượng, Nguyễn Thị Tuyết Loan, Phạm Đoàn Trâm Anh…

Lá cờ đầu phát triển phong trào

Đoàn Vovinam VN và UB Olympic QG giới thiệu Vovinam tại Hội đồng TT Đng Nam Á-Thái Lan 2006

Đoàn Vovinam VN mà nòng cốt là các nhân tố của TP.HCM (võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh chưởng quản môn phái Vovinam và võ sư Võ Danh Hải – TTK WVVF) và UB Olympic QG giới thiệu Vovinam tại Hội đồng TT Đông Nam Á-Thái Lan 2006 – đây là cột mốc quan trọng để Vovinam có được sự đồng thuận của các quốc gia ASEAN khi thuyết phục OCA đồng ý đưa Vovinam vào chương trình thi đấu của ASIAN Indoor Games III năm 2009 và sau này là SEA Games 26, 27.

Khi phong trào đi vào ổn định, Hội VVN TP HCM được thành lập năm 1989. Đây là cột mốc quan trọng vì nó có ảnh hưởng ít nhiều đến công tác nhân sự, chuyên môn lẫn sự quan tâm của các tỉnh, thành khác đối với bộ môn. Kể từ thời điểm đó đến nay, dưới sự lãnh đạo và hỗ trợ của Sở TDTT, Liên đoàn Võ thuật, VVN TP HCM không ngừng lớn mạnh và trở thành đơn vị đầu tàu trong nước và quốc tế. TP.HCM từng là nơi tổ chức Hội diễn kỹ thuật khu vực 3 (1990), giải VĐTQ lần thứ nhất (12/1992) quy tụ 178 võ sĩ của nhiều tỉnh, thành tranh tài 2 nội dung: Hội diễn kỹ thuật và đấu đối kháng. Đây là bước đột phá đầu tiên trong quá trình thể thao hóa VVN, vì từ lúc hình thành đến thời điểm đó, VVN chỉ biểu diễn kỹ thuật trong các kỳ lễ hội. Hồi tưởng lại thời kỳ này, tất cả các võ sư VVN TP HCM vẫn luôn nhớ đến cố võ sư Trần Huy Phong (1938-1997), người chấp bút soạn thảo luật thi đấu và ủng hộ giải thưởng cho những giải toàn quốc đầu tiên. Cùng lúc đó, TP HCM cũng đăng cai nhiều Hội nghị chuyên môn toàn quốc. Vốn là nơi tập trung nhiều võ sư cao đẳng, TP HCM còn hỗ trợ chuyên môn cho nhiều tỉnh, thành, ngành, đồng thời liên tục chiếm giải nhất toàn đoàn trong suốt 13 lần tham dự giải VĐTQ.

VĐV Nguyên Linh tại AIGs III

VĐV Võ Nguyên Linh – võ sĩ xuất sắc của TP.HCM đoạt HCV  tại AIGs III

Chính nhờ những nỗ lực vận động không ngừng nghỉ của Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Bộ Giáo dục Đào tạo đã cho phép đưa quốc võ vào giảng dạy trong các trường học phổ thông, đại học. Nếu chỉ tính riêng tại TP.HCM, hiện có 150 trường học phổ thông và 40 trường Đại học có phong trào Vovinam phát triển tại 24/24 Quận. Phong trào tập luyện trong lực lượng Công an cũng được phát triển mạnh. Bên cạnh đó, phong trào tập luyện Vovinam cho người lớn tuổi thông qua hình thức dưỡng sinh cũng được thu hút đông đảo nhiều người hưởng ứng tham gia.

Vươn ra biển lớn

Tháng 9/1990, 4 võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Anh Dũng, Lê Thanh Liêm, Tô Mạnh Hòa được mời sang Belarussia biểu diễn và võ sư Nguyễn Anh Dũng được mời lại lưu giảng dạy. Rồi chuyến biểu diễn thành công vang dội của VVN TP HCM tại Lễ hội Văn hóa – Thể thao truyền thống thế giới lần thứ 2 được tổ chức tại Thái Lan (12/1996) cộng với việc võ sư Nguyễn Văn Chiếu được mời sang Tây Ban Nha huấn luyện VVN trong nửa tháng (4/1997) và sự mở rộng VVN ở nhiều nơi đã thu hút sự chú ý của những người mến mộ võ thuật dân tộc. Kể từ đây, mối quan hệ quốc tế của VVN TP HCM ngày càng mở rộng – các võ sĩ TP HCM thường có mặt tại các kỳ Liên hoan Võ thuật truyền thống thế giới ở Chungju (Hàn Quốc) cũng như được mời biểu diễn ở Võ hội Becry (Pháp); một số võ sư được các nước phương Tây mời sang tập huấn… Nhiều võ sinh Pháp, Ý, Đức, Tây ban Nha, Bỉ, Romana, Nga, Ba Lan, Mỹ… thường đến TP HCM viếng cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, chào võ sư chưởng môn Lê Sáng và tập huấn với võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Văn Sen, Nguyễn Chánh Tứ… Đây chính là cơ sở để TP HCM tổ chức các kỳ Hội diễn kỹ thuật quốc tế từ năm 1998 đến nay. Nói chung những hoạt động trên của VVN TP HCM đã góp phần nâng cao tầm vóc của môn võ này trong làng võ truyền thống thế giới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và TTK Võ Danh Hải chúc mừng VđV Phạm Thị Phượng đạt HCV đầu tiên của AIGs III

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và TTK Liên đoàn Vovinam thế giới Võ Danh Hải chúc mừng VĐV Phạm Thị Phượng của TP.HCM vinh dự là võ sĩ đầu tiên của Việt Nam đem huy chương vàng về cho Việt Nam tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà AIGs III năm 2009.

Sau khi Liên Đoàn Vovinam Thế giới ra đời (năm 2008), những hoạt động Vovinam càng mạnh mẽ, các liên đoàn quốc tế liên tiếp được hình thành: LĐ Châu Âu ( 2012) LĐ Châu Á, LĐ Đông Nam Á, LĐ Châu Phi (2012)… Song song đó, Vovinam đã được đưa vào hệ thống thi đấu tại các kỳ đại hội: Asian Indoor Games, SEA Games…

Hàng năm, các võ sư, HLV xuất sắc nhất của TP.HCM – là nòng cốt của phong trào Vovinam toàn thế giới – như Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Chánh Tứ… đã không ngơi nghỉ khi đến những vùng đất xa xôi như châu Âu, châu Phi… tập huấn bài bản cho những vùng trắng của thế giới dưới ngọn cờ của Liên đoàn Vovinam thế giới…

Nỗi lo còn đó

vovinam

Vovinam luôn được bè bạn quốc tế đón nhận và yêu mến. Trong ảnh: Các võ sĩ Vovinam Quân Đội – xuất phát cũng là những võ sĩ của TP.HCM – biểu diễn, giới thiệu tại Liên hoan Võ thuật thế giới, TP. Chungju, Hàn Quốc 2012.

Có thể nói, Vovinam TP.HCM giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa Vovinam Việt Nam vươn ra biển lớn cũng như việc phát triển các hệ thống Liên đoàn vệ tinh cho Liên đoàn Vovinam thế giới hiện tại lẫn tương lai. Thế nhưng, một thực tế đáng quan ngại của phong trào voviam TP.HCM là một số nhân sự chủ chốt của phong trào vẫn chưa bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của phong trào, đội ngũ HLV trình độ chưa đồng đều. Trong khi vovinam đang tiến dần đến thành một một môn thể thao quốc tế cần có luật lệ rõ ràng, điều hành theo đúng tiêu chí của một tổ chức thể thao quốc tế thì còn đó một vài cá nhân lãnh đạo của phong trào mà TP.HCM là chủ chốt vẫn còn lấy cái “tôi” làm tiêu chí hoạt động. Thậm chí đã có nhiều ý kiến về phong cách điều hành tổ chức Hội, Liên đoàn theo kiểu gia đình. Chính vì những nhân tố đó đã làm chậm sự phát triển của phong trào chung, chưa thu hút được tất cả các nguồn nhân lực, HLV, võ sư giỏi, tâm huyết. Mối quan hệ giữa Vovinam TP.HCM và các tổ chức Vovinam trong nước và quốc tế (vẫn chủ yếu là “người nhà Việt Nam” với nhau) không thật sự chặt chẽ, gắn kết, thường xuyên dẫm chân lẫn nhau, phân công trách nhiệm chưa thật khoa học. Việc Singapore từ chối tổ chức Vovinam tại SDEA Games 28 cũng là một “thất bại đáng tiếc” của Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á (và Vovinam TP.HCM) trong việc cải thiện quan hệ với hội đồng thể thao khu vực. Để khắc phục điều này… Vovinam TP.HCM cần tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách làm việc, đoàn kết thống nhất, đóng góp những ý kiến thiết thực để hoàn thiện hệ thống lý luận về kỹ thuật, cải tiến luật thi đấu đối kháng, nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện viên và trọng tài… cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, việc tìm ra những nhân tố lãnh đạo có tâm, có tầm và có khả năng dẫn dắt phong trào phát triển trong thời kỳ mới cũng là những thách thức cho sự phát triển vovinam TP.HCM nếu muốn duy trì vị trí dẫn đầu của phong trào .

Đón xem tiếp kỳ 3: Võ Cổ truyền TP.HCM – Trên đường thống nhất.

Hoàng Võ