Vị võ sư 55 tuổi tuy chỉ còn một chân nhưng vẫn có thể truyền thụ nghề cho học trò. Ông thậm chí còn bay nhảy, ra đòn điêu luyện hơn người bình thường.
Ông Tạ Anh Dũng (55 tuổi, ngụ quận 8) là thầy dạy võ thuật có tiếng ở Sài Gòn. Năm 21 tuổi, võ sư bị tai nạn đường sông và phải cắt cụt chân trái quá đầu gối.
Bằng nghị lực và sự kiên trì, võ sư Dũng đã không bỏ cuộc. "Sau nhiều đêm trằn trọc, tôi suy nghĩ giờ chân không thể mọc lại, tự mình phải cố gắng, không được buồn phiền", ông Dũng tâm sự.
Với niềm đam mê và là con nhà nòi trong nghề võ, ông quyết tâm theo đuổi đến cùng. Việc học võ đối với người lành lặn đã khó, đối với ông hiện nay còn khó hơn nhiều lần.
Những buổi đầu tiên trở lại bằng một chân, tập tễnh, ông Dũng vừa phải luyện giữ thăng bằng vừa tập ra đòn khá khó khăn. "Nhiều lúc đang tập, đứng trụ trên một chân mỏi quá tôi té đùng ra trên sàn", võ sư chia sẻ.
Tập luyện lâu ngày thành quen, các động tác của ông Dũng trở nên thành thục hơn. Nhiều người dân sống ở khu vực quận 1 biết rõ việc võ sư bước lên sàn đấu võ những năm 1992 hạ được nhiều đối thủ như thế nào và cảm phục tài năng của ông.
Từ đó, họ gửi con em mình cho ông học võ để rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, ông Dũng còn biết chơi nhiều môn như bóng bàn, bơi lội mặc dù chỉ có một chân.
Trong các buổi luyện tập, ông Dũng tận tình chỉ dạy cho các học trò.
Vị võ sư có thân hình rắn chắc so với tuổi của mình đã đào tạo nhiều VĐV cho các đội tuyển Pencak Silat, Muay Thái của TPHCM.
Chứng kiến những pha ra đòn nhanh nhẹn, dứt khoát của ông nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi.
Sau khi lấy bằng võ sư năm 2002, ông có điều kiện phát triển môn võ phái Kim Kê Tây và trở thành người có tên tuổi của làng võ cổ truyền.
Hiện tại, ông Dũng đang dạy võ buổi tối ở trường THCS Lý Phong (quận 5).
Ngoài nghề dạy võ, ông Dũng còn kiêm thêm công việc giao báo để nuôi gia đình. Những tòa soạn lớn ở Sài Gòn không còn xa lạ với người đàn ông một chân sáng sáng đạp xe tới nơi phát hành nhận báo mang đi phát.
Tuy nhiên, công việc này của ông bị thu hẹp dần khi mỗi ngày chỉ còn giao vài chục tờ báo. Thu nhập bị giảm sút, ông Dũng kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác để có tiền phụ con gái nuôi cháu.
Ông Dũng chia sẻ, nhiều người gặp đều thương cảm vì khiếm khuyết trên cơ thể. "Nhưng tôi không muốn sống dựa dẫm, còn sức lao động còn làm việc để nuôi gia đình và bản thân", ông tâm sự.