Phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh ngày càng được đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp người trung niên và cao tuổi tham gia.
Ngày nay không chỉ ở các công viên, góc phố, bờ sông, bãi biển… của các thành phố lớn mà ở các sân nhà thiết chế văn hoá, trường học, đình làng, nhà thờ tộc… ở nông thôn đều có rất đông người dân tập thể dục dưỡng sinh từ lúc còn tinh mơ vào buổi sáng. Những người theo tập thể dục dưỡng sinh cũng không chỉ bắt đầu ở tuổi 60 trở lên như nhiều năm trước mà ngày nay đã có không ít người ở độ tuổi 40 tham gia vào các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh buổi sáng. Điều đáng chú ý là từ khi có lực lượng “trẻ” này tham gia thì chất lượng chuyên môn của việc tập luyện được nâng cao, các bài tập đẹp mắt của võ thuật cổ truyền được khai thác, đưa vào chương trình tập luyện của các câu lạc bộ, tạo nên bước ngoặc chuyển biến bộ môn thể dục dưỡng sinh đơn giản trở thành một nghệ thuật có khả năng sử dụng để đơn diễn, đồng diễn trên nền nhạc, thu hút người xem.
Phong trào lan toả trên cả nước và thu hút đông đảo người ở lứa tuổi trung niên tham gia nên nhiều tổ chức, đơn vị.
Những năm trước đây chỉ có các Hội Người cao tuổi xã, phường chủ chốt trong việc tổ chức các lớp tập thể dục dưỡng sinh cho hội viên là người cao tuổi và phong trào chỉ có mặt ở những thành phố, đô thị lớn.
Ngoài một số đơn vị ở thành phố có hướng dẫn viên là cán bộ thể dục thể thao hoặc võ sư võ cổ truyền nghiên cứu thể dục dưỡng sinh thì được tập luyện có phương pháp, hiệu quả đạt được rõ ràng và chất lượng ngày càng nâng cao. Đa số các lớp khác có hướng dẫn viên là những người “tay ngang”, chỉ qua một khoá học về các động tác của bài tập, không nắm vững nguyên lý, đặc trưng kỹ thuật và lý thuyết bài tập thì bài bản truyền đạt lại sai lệch nhiều, hiệu quả mang lại cho sức khoẻ người tập còn nhiều hạn chế và không bền vững.
Trong những bài tập được phổ biến ngày càng thu hút nhiều người, nhất là ở lớp trung niên và những người cao tuổi còn tráng kiện thì bài Thái cực quyền 24 thức của Võ dưỡng sinh Trung quốc đã có tác dụng tích cực không nhỏ đối với sức khoẻ người chuyên cần tập luyện. Đây là một bài tập có giá trị rất lớn, được các võ sư Trung quốc biên soạn từ một bài võ thuật cổ truyền Trung quốc. Nó đã đóng vai trò làm nền tảng, quyết định cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào tập thể dục dưỡng sinh hiện nay. Sự thành công của bài Thái cực quyền 24 thức cũng đã tạo điều kiện cho các bài Thái cực kiếm 32 thức, Thái cực đơn phiến, song phiến, đao, thương được biên soạn và phổ biến tiếp theo.
Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm là phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh phát triển ồ ạt ở khắp nơi trên đất nước ta đang ở trong tình trạng thiếu Huấn luyện viên, Hướng dẫn viên có chuyên môn cả về thực hành và lý thuyết, đang phải dựa vào một, hai bài võ cổ truyền của Trung quốc và chưa theo một chương trình tập luyện thống nhất, quy củ nào; Trong khi đó, tiềm năng dưỡng sinh ẩn chứa rất lớn trong Võ cổ truyền dân tộc chưa được khai thác ứng dụng thành một môn tập rộng rãi cho mọi người.
Trong thực tế cuộc sống, các võ sư võ Cổ truyền Việt Nam có tuổi thọ và sự cường tráng cơ thể kéo dài rất lâu. Hầu hết các võ sư thường xuyên tập luyện võ cổ truyền đều có tuổi thọ từ 80 trở lên, trong đó có nhiều người sống thọ và khoẻ mạnh xấp xỉ và trên 100 tuổi. Điều đó cho thấy Võ cổ truyền dân tộc mà Ông cha ta để lại từ hàng ngàn năm qua có “tiềm năng dưỡng sinh” trường thọ, phòng bệnh là rất lớn:
Về kỹ thuật, “Tấn pháp”, “bộ pháp” và “cước pháp” là các thao tác vận động của hai chân trong các bài quyền với tư thế chân bám chặc đất, hơi khụy ở gối để chịu đựng sức nặng toàn thân trong khi di chuyển có tác dụng củng cố vững chắc các khớp hông, gối, cổ chân, ngón chân làm cho đôi chân ngày càng mạnh mẽ, đi đứng thăng bằng, nhanh nhẹn, linh hoạt, phòng ngừa và chữa trị được nhiều bệnh về khớp và cơ bắp ở chân như: Teo cơ chân, chuột rút, đau khớp chân, đau nhức thần kinh toạ.
“Thủ pháp” là các thao tác vận động của hai tay trong võ cổ truyền có đặc điểm phong phú, hoa mỹ làm cho đôi tay luôn vận động rất đa dạng trong tập luyện và số lượng vận động lớn trong một bài võ có khả năng rất cao trong việc duy trì và phát triển sự linh hoạt, khéo léo các hoạt động cánh tay, đồng thời hỗ trợ phục hồi trí nhớ khá tốt cho những người suy nhược thần kinh.
“Thân pháp” võ cổ truyền với sự vận động đa chiều, kéo dãn cột sống có tác dụng giải phóng sự chèn ép các rễ dây thần kinh (do thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm ở các đốt xương cổ, đốt xương lưng và đốt xương thắt lưng) chạy từ cột sống ra tay, chân giúp phòng tránh và chữa trị tê buốt, nhức nhối tay, chân, bại liệt bán thân, cong vẹo cột sống, còng lưng ở người lớn tuổi. Ngoài ra, các động tác xoay cổ còn tăng cường lượng máu lên não chống lại tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, phòng tránh các bệnh ù tai, hoa mắt, đãng trí… sớm xảy ra đối với người cao tuổi.
Những bài nhu quyền trong võ cổ truyền Việt Nam được tập luyện với nhịp chậm rãi, động tác diễn ra song hành với ý nghĩ, là liệu pháp cực kỳ hiệu quả mang lại đời sống tinh thần an lạc cho người lớn tuổi. Cách thức tập những bài này thiên về ý pháp, khí pháp và tâm pháp:
Về ý pháp, tập trung sự chú ý vào từng động tác tay, chân khi thu và phát lực. Tập lâu ngày, ý thường trụ tại huyệt đơn điền (dưới rốn khoảng ba lóng tay của ngón tay trỏ) trong khi luyện quyền thì các cơ trơn (được điều khiển bởi thần kinh thực vật) ở thành huyết mạch sẽ tự dãn nở ra tạo điều kiện cho máu huyết lưu thông toàn thân dễ dàng, huyết áp điều hoà ở mức chỉ định an toàn (dưới 140/90). Sự tập trung chú ý kéo dài còn huy động sự làm việc tối đa của đại não, do đó trung khu thần kinh được thường xuyên huấn luyện và cơ năng của hệ thần kinh được phát triển, tăng cường một cách tự nhiên tác dụng điều tiết đối với các bộ máy khí quan cơ thể làm gia tăng tính thích ứng của thân thể đối với ngoại giới, tạo ra khả năng đề kháng chống lại bệnh tật.
Về khí pháp, phép “hít sâu – thở hết” có tác dụng thanh lọc hơi thở, làm sạch buồng phổi, làm mạnh cơ năng hoạt động của nội tạng và kích thích mạnh mẽ hoạt động của các hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá và bài tiết.
Về tâm pháp, do phương pháp tập được thay đổi từ thiên về sức mạnh, tốc độ lúc còn trẻ chuyển sang thiên về mềm mại, khoan thai lúc tuổi cao dẫn đến trạng thái tâm lý bình ổn, thoải mái, lạc quan trong cuộc sống.
Các bài quyền của Võ thuật cổ truyền Việt Nam có giá trị rèn luyện sức khỏe rất cao.
Tóm lại, các bài võ cổ truyền Việt Nam nếu được giản hóa về động tác, được điều chỉnh về cường độ và tốc độ vận động, và áp dụng phương pháp hít sâu thở hết, khai thác đặc điểm mềm mại, nhu nhuyễn trong tập luyện hằng ngày để xây dựng môn tập “Võ dưỡng sinh thuần Việt” thì sẽ rất đắc dụng trong việc mang lại sức khỏe bền vững, kéo dài tuổi thọ, hạn chế bệnh tật do lão hóa cơ thể gây ra và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người trung niên, cao tuổi và các võ sư, huấn luyện viên võ cổ truyền lớn tuổi không còn phù hợp với việc tập luyện những bài võ chiến đấu nữa.
Võ sư Trần Xuân Mẫn
(Bài viết từ website Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam)