TP.HCM sẽ thành lập học viện Võ cổ truyền trong năm 2019

(VoThuat.vn) – Năm 2018 kết thúc với nhiều thành công của Võ cổ truyền TP.HCM. Bước sang năm 2019, tiếp nối những thành công vừa rồi, Võ cổ truyền TP.HCM tiếp tục hướng đến những mục tiêu mới.

Để nhìn lại Võ cổ truyền trong năm 2018 và định hướng cho năm 2019, PV VoThuat.vn đã có buổi phỏng vấn với Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa – Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM.

Thành lập Hội đồng Võ sư

PV: Đại võ sư Lê Kim Hòa có đánh giá gì về hoạt động của Võ cổ truyền TP.HCM trong năm 2018 vừa rồi?

Đại võ sư Lê Kim Hoà: Bên cạnh các hoạt động bình thường của thành phố thì chúng tôi đã tập trung vào hội diễn “Đất Phương Nam”, đặc biệt hội diễn có sự tham gia của 14 đoàn nước ngoài. Đây cũng là lần thứ 5 hội diễn và thi đấu quốc tế tại TP.HCM và là lần thứ 14 hội diễn võ thuật cổ truyền “Đất Phương Nam”. Điều này cho thấy Võ cổ truyền ngày nay đã phát triển rộng rãi trên thế giới và bản thân nó cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung tại TP.HCM và khu vực phía Nam.

Chúng tôi cũng đã tổ chức thành công giải học sinh các trường phổ thông. Giải lần đầu tổ chức thu hút 14 đoàn tham dự. Trước đây chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều, chúng tôi đã đi khắp ba miền để hướng dẫn cho các giáo viên thể thao và võ sư ở các tỉnh để họ mới có thể có đoàn, đội hỗ trợ huấn luyện để tham gia giải lần đầu này. Mọi khó khăn chúng tôi đã vượt qua.

Việc tiếp theo là chúng tôi đã kí kết hợp tác với nhiều trường đại học ở khu vực phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM có trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM, trường ĐH Tôn Đức Thắng,… Ở các tỉnh phía Nam bước đầu chúng tôi đã kí kết được với trường ĐH Cần Thơ để đưa Võ cổ truyền vào trường học.

Bên cạnh đó chúng tôi đã thành lập được Hội đồng Võ sư, đây là một tổ chức trực thuộc Liên đoàn trong đó có nhiều vị thầy có tuổi, có chuyên môn, có nhiệt tâm với Võ cổ truyền. Chúng tôi đưa võ học vào Quỹ phát triển Tài năng trẻ Thể thao học đường, chúng tôi đã góp sức vào đào tạo những học sinh, sinh viên có năng lực, đạo đức. Chúng tôi cũng đã đưa Võ cổ truyền vào trường Trung học Việt – Nhật, nơi không chỉ có người Việt mà còn có người Nhật theo học.

Những khó khăn mà Võ cổ truyền TP. HCM phải đối mặt

PV: Trong năm 2018, có điều gì Võ cổ truyền còn trăn trở, ấp ủ?

Đại võ sư Lê Kim Hoà: Nói về phát triển võ thuật, thật lòng trong năm 2018 tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn sự chưa đồng bộ một số thành viên trong ban chấp hành, nghĩa làm giao nhiệm vụ nhưng chưa thực hiện được. Vẫn có những thành viên vì lợi ích cá nhân, danh vọng nên xa rời tập thể. Điều này chúng tôi sẽ chấn chỉnh trong năm tới, điều này chúng tôi cương quyết vì tập thể này phải đoàn kết để thành công.

Việc thứ hai là vấn đề muôn thuở về cơ sở vật chất như sân bãi thi đấu, nhà tập luyện, văn phòng làm việc,… Cơ sở vật chất Võ cổ truyền hiện nay là một con số 0. Ngay cả văn phòng cũng rất nhỏ không đủ để làm việc, chỉ là nơi biên soạn, in ấn là chính. Về việc thi đấu, hôm nay ở nhà thi đấu quận 7, ngày mai thì ở Phan Đình Phùng, hôm khác thì ở nhà thiếu nhi,… Cho nên, cơ sở vật chất là vấn đề quá khó cho chúng tôi để làm những việc lớn, đó thật sự là một cản trở. Hiện nay vấn đề này vẫn ngoài tầm tay các nhà lãnh đạo nên chúng tôi phải tự xã hội hóa.

Theo tôi, xã hội hóa không phải là đi xin tiền mà phải hết sức toàn diện. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo, sự động viên của quần chúng và sự cố gắng của tập thể Liên đoàn dạy dỗ võ thuật và đạo đức đến nơi đến chốn. Nếu chỉ với mục đích có tiền để tổ chức giải thì có bao nhiêu tiền đi nữa cũng sẽ bị hạn chế bởi sân bãi, bởi con người, bởi lòng tin của họ với mình. Xã hội hóa là phải làm cho quần chúng biết chúng ta là ai và chính bản thân mình cũng phải hiểu mình là ai.

Với những cái khó khăn đó chúng tôi sẽ khắc phục trong tương lai.

Thành lập Học viện Võ cổ truyền

PV: Nhân nói về tương lai, Đại võ sư Lê Kim Hòa và Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM có dự định gì?

Đại võ sư Lê Kim Hoà: Mục tiêu 2018 đưa ra chúng tôi đã thực hiện được. Trong năm 2019 chúng tôi sẽ xuất bản nhiều đầu sách trong đó có Y học do Hội đồng Võ sư biên soạn nói về cách cấp cứu khi chấn thương trên đài, cách chữa các bệnh thông thường bằng bấm huyệt,… Hiện nay chúng tôi đã gửi qua nhà in rồi, sau tập 1 chúng tôi sẽ tiếp tục làm tập 2.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ thực hiện chương trình thống nhất của thành phố. Võ cổ truyền có nhiều dòng võ khác nhau, tập trung về thành phố có hơn 80 môn phái. Những bài thống nhất sẽ là những bài được hội đồng tuyển chọn. Những bài này không phải là những bài hay nhất mà là bài phổ thông nhất, dễ tập nhất. Như vậy, chúng tôi sẽ làm tài liệu hướng dẫn, mở các lớp hướng dẫn chính quy, lớp bồi dưỡng trọng tài và đưa ra một bộ giáo trình về đạo đức, sau này nó sẽ trở thành chuẩn mực mà các võ đường phải đưa ra để giảng dạy. Tôi không chú trọng lắm về mặt võ thuật mà chú trọng hơn về mặt bồi dưỡng đạo đức cho võ sinh.

Năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội diễn ở khu vực phía Nam, sẽ có một số nội dung thay đổi khiến cho Võ cổ truyền hấp dẫn hơn. Nghĩa là Võ cổ truyền mang những bản sắc văn hóa khác nhau nhưng hội tụ, sự hội tụ đó chính là tinh thần của dân tộc mình.

Chúng tôi sẽ mở rộng liên kết với các trường đại học. Đặc biệt, trường đại học TDTT TP.HCM có thể hỗ trợ Võ cổ truyền rất nhiều vì họ đã đưa Võ cổ truyền vào giảng dạy từ rất lâu. Chúng tôi đang tiến tới mục tiêu thành lập Học viện Võ cổ truyền trong năm 2019. Đây là ý tưởng mà chúng tôi đã manh nha từ nhiều năm trước.

PV: Hiện giờ có một trào lưu đó là các môn võ hiện đại như MMA, Boxing thu hút được sự tham gia tập luyện của rất nhiều người trẻ tuổi và họ có xu hướng coi thường những môn võ thuật truyền thống không chỉ riêng Võ cổ truyền mà còn có cả Karate, Taekwondo. Đại võ sư Lê Kim Hòa nghĩ sao về điều này?

Đại võ sư Lê Kim Hoà: Mỗi môn võ có một nét riêng, Võ cổ truyền là môn võ nền tảng đạo đức, là môn võ văn hóa dân tộc, là môn võ dựng nước giữ nước, là môn võ của người Việt. Chúng tôi trân trọng những môn võ du nhập vì võ thuật nào, kỹ thuật nào cũng rất tốt cho con người nhưng để dạy cho người khác thì chỉ có thể là Võ cổ truyền mà thôi. Nếu bảo họ xem thường Võ cổ truyền thì đó là do ý thức riêng của mỗi người, đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Những người này chỉ quan tâm đến việc thi đấu chứ không quan tâm tới việc rèn luyện cho bản thân. Nếu họ đam mê thì cứ việc tập luyện nhưng nếu họ xem thường Võ cổ truyền thì theo tôi điều này là chưa chuẩn mực.