Nhờ những thế hệ võ sư đầy nhiệt huyết, luôn tận lực để phát triển tinh hoa văn hóa Việt mà làng võ Việt đã có một mái nhà chung trên đất Pháp : Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam – Fédération des Arts Martiaux Traditionnels Vietnamiens ( FAMTV). Dù đã phát triển sâu rộng trên khắp cr nước, tổ chức được nhiều sinh hoạt võ thuật quy mô quốc tế tại Pháp, nhưng đến giờ Liên Đoàn vẫn chưa được sự công nhận chính thức của bộ Thể Thao Pháp trong khi mà không ít các môn phái võ khác có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, đều đã được hội nhập vào làng thể thao Pháp bằng những tổ chức riêng được Nhà nước công nhận. Theo các võ sư đi tiên phòng sáng lập Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp đến giờ đã hội đủ mọi tiêu chí để có thể có một vị trí xứng tầm trong làng thể thao của Pháp.
Nhân việc Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tại Pháp đang phát động trở lại cuộc vận động được chính quyền thể thao Pháp thừa nhận chương trình thể thao RFI đã có cuộc phỏng vấn Võ sư Trần Nguyên Đạo, người đã có gần nửa thế kỷ hoạt động vì sự phát triển của tinh hoa võ Việt ở Pháp và là người sáng lập FAMTV. Trước tiên ông cho biết hành trình lịch sử làng võ Việt đi tìm một vị trí trong thể thao Pháp :
Võ sư Trần Nguyên Đạo : « Liên đoàn Võ thuật Việt Nam có danh xưng bằng tiếng Pháp là : Fédération des Arts Martiaux Traditionnels Vietnamiens, viết tắt là FAMTV là một liên đoàn đã được tôi đứng ra vận động thành lập từ năm 1999, tức là cách đây 22 năm. Liên đoàng là sự kết hợp của rất nhiều trường phái võ thuật Việt Nam tại Pháp như là Vovinam Việt Võ Đạo, Quán Khí Đạo, Minh Long, Sơn Long Quyền Thuật, Việt Vũ Đạo, Thanh Long Hàn Bái, Bình Định… Tôi có thể ước lượng khoảng trên dưới 60 trường phái.
Sự kết hợp này để xin Nhà nước Pháp công nhận hòng sánh vai với các liên đoàn gốc Nhật Bản như là Karaté, Judo, hoặc gốc Hàn Quốc như là Teakowndo, hoạc gốc Pháp như Boxe Française. Đó là những liên đoàn đã được Nhà nước Pháp công nhận từ nhiều năm qua. Nhưng rất tiếc vào thời điểm đó, thế lực cản trở của Liên đoàn Karaté quá mạnh, nên chúng tôi đã không thành công.
Đến năm 2005, sau 6 năm hoạt động thì Liên đoàn tan rã. Đa số các trường phái xoay ra hoạt động độc lập. Nhưng cũng có một số lại tự đặt dưới quyền quản lý và lãnh đạo của Liên đoàn Karaté. Nhưng đến năm 2014, tức khoảng 15 năm sau, khi tôi được Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang, vốn là chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam kêu gọi giúp đỡ để tiến đến việc thành lập Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi đã thành công và Liên đoàn Thế giới đã chính thức ra mắt tại Hà Nội năm 2015.
Nhân dịp này tôi lại có ý định xây dựng trở lại Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tại Pháp. Ý kiến này đã được sự hưởng ứng tích cực của mọi người, bởi trong 15 năm qua, họ hoạt động trong khó khăn và thường bị chia thành 2 hoạc ba nhóm khác nhau do cái sự gọi là nhử lợi, áp lực lôi kéo của Liên đoàn Karaté.
Chính vì thế, ngày 20/3/2016, tôi đã chủ tọa, triệu tập một đại hội để làm sống lại Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tại Pháp. Múc đích đến từ ý trí nhất quyết thực hiện lại một lần nữa hồ sơ xin Nhà nước Pháp công nhận. Ngoài ra đây cũng là cách thể hiện tinh thần tự trọng và tự chủ. Bởi nền võ Việt của chúng ta không có lý do nào để cho một cái liên đoàn võ gốc Nhật quản lý, lãnh đạo và nhất là cấp phát đẳng cấp. Đối với tôi đây là một cái tủi nhục không thể chấp nhận. Hiện nay Liên đoàn đã hoàn tất hồ sơ xin công nhận và đã đệ trình lên Bộ Thể Thao Pháp...."
Võ sư Trần Nguyên Đạo- île-de-France -CH Pháp
Nguồn tin: https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-th%E1%BB%83-thao/20211121-v%C3%B5-thu%E1%BA%ADt-vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91i-t%C3%ACm-m%E1%BB%99t-v%E1%BB%8B-tr%C3%AD-x%E1%BB%A9ng-t%E1%BA%A7m-trong-l%C3%A0ng-th%E1%BB%83-thao-ph%C3%A1p