Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhiệm kỳ V (2018-2023) được tổ chức sáng ngày 3-6 tại Hà Nội, nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển võ thuật cổ truyền Việt Nam đã được nêu ra.
Một trong các giải pháp hàng đầu, đó là Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ tập trung giáo dục thể chất, tinh thần cho thanh, thiếu niên, học sinh các cấp qua việc dạy và học võ cổ truyền, góp phần hình thành một thế hệ công dân đáp ứng công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thời gian tới, Liên đoàn sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thể dục thể thao tập huấn 3 bài quyền cơ bản công và 3 bài Thần Đồng quyền, Ngọc Trản quyền, Lão Mai quyền cho các cấp học; tổ chức tốt nội dung thi đấu võ cổ truyền trong các trường học để nhà trường lựa chọn mở câu lạc bộ võ thuật trong nhà trường, tiến tới hoàn thiện hệ thống giải Võ cổ truyền Việt Nam trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp.
Cùng với đó, Liên đoàn cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đưa võ thuật cổ truyền vào tập luyện trong chương trình đào tạo võ thuật của các lực lượng vũ trang để góp phần giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm tiếp tục phát huy võ cổ truyền dân tộc, truyền bá rộng rãi các giá trị văn hóa cao đẹp của võ cổ truyền Việt Nam đến mọi miền thế giới…, Liên đoàn sẽ đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ các bài quyền cổ, bảo tồn các lò võ của võ cổ truyền Việt Nam, tìm cách khôi phục dụng cụ, trang phục, binh khí… Một giải pháp đáng chú ý khác, đó là từng bước hoàn thiện các thủ tục xây dựng học viện đào tạo, nghiên cứu và phát triển võ cổ truyền Việt Nam (gọi tắt là Học viện Võ cổ truyền Việt Nam).
Để kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện các giải pháp này, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ V gồm 51 thành viên, trong đó có 17 ủy viên Ban Thường vụ, do ông Hoàng Vĩnh Giang là Chủ tịch, ông Đặng Danh Tuấn là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.