MỘT VÀI VẤN ĐỀ TIÊU CỰC CỦA VÕ HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY

Võ học Việt Nam là bộ phận vô cùng quan trọng của quốc gia gắn liền với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, triết lý, tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Võ học Việt Nam là bộ phận vô cùng quan trọng của quốc gia gắn liền với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, triết lý, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Võ học Việt Nam đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, là phương tiện và bí quyết vô cùng lợi hại để đánh tan quân xâm lược. Võ học Việt Nam rất đồ sộ, đa dạng và phong phú, thấm nhuần triết lý nhân sinh, đạo đức, tinh thần của dân tộc Việt. Nền võ học Việt Nam thật vĩ đại như vậy, nhưng hiện nay đã có rất nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp và rối ren, làm ảnh hưởng xấu đến phong trào tập luyện của các môn sinh của nhiều môn phái võ chân chính và môn võ lâu đời trên những mảnh đất giàu truyền thống.

1. LIÊN ĐOÀN VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

- Vấn đề Màu đai: màu đai trước mang ý nghĩa xoay quanh về Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), có ý nghĩa về từng màu đai. Màu đai ngày nay, mang ý nghĩa về Lịch sử Việt Nam hay về gì? Ý nghĩa cụ thể từng màu đai là như thế nào?

- Những vấn đề xoay quanh về đai: đai, đẳng, đổi đai, lệ phí thi lên đai, lệ phí đổi đai…

- Vấn đề danh hiệu võ sư: Chuẩn võ sư, Võ sư, Võ sư Quốc tế, Đại võ sư Quốc tế, Võ sư Cao cấp...

 

Việt Nam chúng ta những năm gần đây xuất hiện nhiều võ sư tầm cỡ quốc tế như vậy chẳng? Vậy những thành tích đạt được trên thế giới là gì?

Những cái mới ra như vậy là vì tiền hay vì danh hiệu? Được tiền, được mang danh là Võ sư Quốc tế?

- Tên gọi Võ thuật cổ truyền Việt Nam hay Võ cổ truyền Việt Nam:Võ cổ truyền hay Võ thuật cổ truyền? hay võ thuật? Những tên gọi như vậy đã dần dần thay thế những tên gọi rất hay và mang ý nghĩa chân thật như Võ Ta, Võ Việt Nam.

Trích Wikipedia: "Võ cổ truyền Việt Nam dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong quá trình lịch sử Việt Nam."

Có nghĩa là những môn võ được dạy lâu đời (cổ truyền) trên đất nước Việt Nam đều được gọi là Võ cổ truyền Việt Nam như: Võ Thiếu Lâm, Vịnh Xuân, Nga Mi, Không Động, Côn Luân,... Cũng như các môn võ của Việt Nam được người Việt Nam sáng tạo và bồi đắp như Võ Tây Sơn (tồn tại lâu đời từ thời Tây Sơn trên các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,... Và nhiều nhất là Bình Định), Võ Bình Định, Võ Ta (môn võ người Việt Nam ta tại Quảng Nam hay gọi là Võ Ta - hòa lẫn võ Tây Sơn lâu đời tại Quảng Nam), Võ Lâm Việt Nam (khai khẩn mở mang trong quá trình Nam Tiến), Võ Kinh triều đình, Nhất Nam - Võ Héc,... đều được gọi chung là Võ cổ truyền Việt Nam từ khi có liên đoàn, mặc chung màu võ phục.

Vì thế rất nhiều người đã hiểu lầm rằng: Võ Cổ Truyền là một môn võ hoặc Võ Cổ Truyền Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc bởi có nhiều môn phái cùng nằm trong Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, cùng màu võ phục theo liên đoàn có tên gắn liền với các từ Thiếu Lâm, Vịnh Xuân,… Những môn Võ Ta và Võ Tàu tồn tại lâu đời trên nước.

- Vấn đề các bài quyền quy định: Những bài võ quy định thống nhất được vào giáo trình giảng dạy tại sao lại không hội tập những phiên bản bài võ để nghiên cứu đưa ra thống nhất về bài quyền có tính chất thế nào, phân thế, lời thiệu.

Ví dụ: Ngọc Trản Quyền có nhiều phiên bản. Tại sao không sưu tầm và hội tập, chọn lọc, nghiên cứu. Tại sao chỉ chọn lọc những bài được giới thiệu trong Hội nghị chuyên môn.

Tại sao những bài như Phong Hoa Đao, Song Tuyết Kiếm, Lão Hổ Thượng Sơn, Bát Quái Côn,... có xuất xứ từ Trung Quốc, mặc dù đã tồn tại lâu đời và được ảnh hưởng của Võ Việt Nam, vẫn được đưa vào hệ thống các bài quy định. Trong khi lời thiệu các bài võ gốc Tàu ấy là các câu rời rạc, dài, và không vần điệu. Không mang tính chất về lời thiệu (khẩu quyết) như lời thiệu của Võ Việt Nam, Võ Ta là những câu thơ trong một bài thơ, hoặc những câu về đòn thế có thể dài nhưng vẫn vần điệu, dễ thuộc và đi vào lòng người. Không lẽ Võ Ta, Võ Việt không có những Bài Võ Hay để đưa vào hệ thống bài võ quy định hay sao? Lại đưa những bài võ ấy!?

- Tại sao khi biểu diễn bài võ lại thêm vào tiết tấu cho bài võ: lúc nhanh, lúc chậm. Mất đi tính chất và bản sắc của Võ Việt, lại ảnh hưởng Wushu.

- Bài võ đưa vào quy định rồi tại sao mỗi năm lại thay đổi, chuẩn hóa. Giả sử Võ sư Ngô Bông bây giờ sống lại cũng không nhận ra rằng HÙNG KÊ QUYỀN hiện nay là do ông giới thiệu vào trước đây.

2. VÕ BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY

Phát triển chậm, chỉ theo phong trào, phát triển mạnh hơn vào các dịp hè, những bài võ và thế võ độc đáo dần mai một, xuống cấp và xóa sổ rất nghiêm trọng.

Có những bài võ được lịch sử tương truyền của các danh tướng, cha ông sáng tạo và lưu truyền đến ngày nay như:

- Yến Phi Quyền, Nghiêm Thương tương truyền do vua Quang Trung sáng tạo.

- Hùng Kê Quyền do Đông Định Vương - Nguyễn Lữ sáng tạo.

- Song Phượng Kiếm do Nữ tướng Bùi Thị Xuân sáng tạo.

- Lôi Long Đao do Danh tướng Võ Văn Dũng sáng tạo.

- Lôi phong tùy hình kiếm do Đô đốc Trần Quang Diệu sáng tạo.

- Ô Long Đao do vua Quang Trung sáng tạo.

- Độc Thần Kiếm do Nguyễn Nhạc sáng tạo.

Trong lịch sử cũng có nói rằng Ô Long Đao là binh khí của Quang Trung và kiếm của Nguyễn Nhạc được gọi là Độc Thần Kiếm, nhưng các vị ấy có sáng tạo và để lại bài võ hay không thì chưa chắc chắn được).

Những bài võ trên được tương truyền như vậy! Nhưng thực hư thế nào thì cũng chưa rõ. Bên cạnh đó, hiện nay lại có những bài mới xuất hiện và được một số môn phái võ cho rằng là dòng võ, bài võ của vị tướng đó để lại, và sự thật là như thế nào thì các chuyên gia vẫn chưa có câu trả lời. Chúng tôi xin được phép không nhắc đến tên võ phái, môn phái ấy. Ví dụ như:

- Bài Linh Miêu Độc Chiến được cho là sáng tạo của Nữ tướng Bùi Thị Xuân.

- Bài Bạch Miêu Quyền (tức bài Bạch Miêu Đả Thanh Xà) được cho là do Võ sư Ngô Mảnh sáng tạo, rồi truyền lại cho danh tướng Ngô Văn Sở, rồi được lưu truyền đến ngày nay.

- Bài Trường Đại Đao Xung Thiên (khác với bài Siêu Xung Thiên, lời thiệu cũng khác) được cho là vua Quang Trung sáng tạo.

Và những phiên bản khác nữa.

- Trong tỉnh Bình Định: Võ Bình Định đang dần mai một. Có những võ sư trẻ chỉ giảng dạy những bài võ quy định và đối kháng theo lối hiện nay như kick boxing… Những bài võ của quê hương thì đang dần bị lãng quên. Phong trào tập luyện võ yếu đi, chỉ phát triển vào dịp hè. Nền võ học chân chính bị tổn thương nặng nề.

- Ngoài tỉnh Bình Định: Xuất hiện nhiều võ phái gắn liền với các từ Bình Định, Tây Sơn,… nhưng các môn phái này chưa hẳn có nguồn gốc từ Võ Tây Sơn, Võ Bình Định. Tính chất đặc trưng của Võ Bình Định, Võ Tây Sơn từ nhiều môn phái mang danh môn võ này hoàn toàn mờ nhạt… Tuy nhiên vẫn có những môn phái có nguồn gốc từ Bình Định và phát triển đúng nghĩa.

Có rất nhiều môn phái được xuất hiện, xuất hiện nhiều vị chưởng môn trẻ tuổi, thường xuyên sáng tạo ra những các mới và thay đổi nhanh chóng.

Cần lắm những người có tâm và có tầm, cần lắm các cơ quan lãnh đạo quan tâm sâu sắc đến vấn đề Võ học Việt Nam - Nền võ học chân chính của Việt Nam. Một cánh én không làm nên mùa Xuân. Mong những người có tâm với Võ học Việt Nam cần suy nghĩ và phát triển xứng tầm, làm cho nền Võ học Việt Nam trở nên giàu đẹp!

Bài viết còn nhiều sai sót, mong mọi người bổ sung, góp ý để vấn đề trở nên hoàn thiện.

NDT . Quy Nhơn 27.05.2017

 



Nguồn: http://vocotruyenvn.net