(VoThuat.vn) – Nói đến roi của võ thuật cổ truyền Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến roi Thuận Truyền của đất võ Bình Định. Sự liên tưởng đó hoàn toàn có cơ sở trên những kỳ tích của bậc thầy về roi một thời danh bất hư truyền trên miền “đất võ trời văn”.
Đó chính là võ sư huyền thoại Hồ Nhu (1891 – 1976, thường gọi là Hồ Ngạnh) với tuyệt kỹ roi đánh nghịch.
Đường roi “độc nhất vô nhị”
Làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) gắn với tên tuổi của cố võ sư Hồ Ngạnh với tuyệt kỹ roi đánh nghịch. Song thân của võ sư Hồ Ngạnh là ông Hồ Đức Phổ và bà Lê Thị Quỳnh Hà. Thời ấy, ông Phổ ra kinh thành Huế dự thi văn thì gặp bà Hà (người Huế) dự thi võ. Người văn người võ nhưng mối lương duyên đã khiến họ gặp gỡ và gắn kết cuộc đời với nhau.
Khi về quê chồng, bà Hà đã đb theo những tuyệt chiêu võ học của dòng họ mình. Điều đặc biệt là bà không vội vàng truyền dạy võ công cho con trai, mà cho con theo học nhiều thầy như học roi của Ba Đề, học nội công của Đội Sẻ, tiếp đến học roi của Hồ Khiêm.
Sau đó, bà Hà xb con đánh roi rồi chỉ ra những điểm mạnh, yếu trong các chiêu thức và uốn nắn, xây dựng cho con lối đánh hiệu quả nhất. Và, tuyệt kỹ roi đánh nghịch độc đáo, cực kỳ lợi hại của võ sư Hồ Ngạnh là do chính bà Hà truyền dạy.
Học võ ở miền “đất võ trời văn” Bình Định.
Theo võ sư Hồ Sừng (SN 1938, cháu nội võ sư Hồ Ngạnh), roi là một loại binh khí tiêu biểu của võ Bình Định. Roi làm bằng gỗ dẻo, mây già hoặc tre đặc, to nhỏ tùy theo bàn tay người sử dụng lớn, nhỏ.
Một bài roi gồm hai phần là lời thiệu và động tác. Lời thiệu thường là thể thơ, ca dao dân gian… Động tác là các đòn thế tấn công và phòng thủ theo các phách cơ bản như bát, bắt, triệt, chận (nặng về thủ để triệt phá các đòn tấn công của đối phương); hoành, khắc, lắc, tém (vừa thủ vừa công).
Thủ ở đây không có nghĩa thụ động, mà phải dùng các phách hợp lý để triệt tiêu đòn tấn công đối phương rồi ra đòn tiêu diệt đối phương. Hay có thể giả vờ trá bại, dụ đối phương vào thế. Có lúc phải dùng trừ công để thủ, tức là khi đã trừ được các đòn tấn công của đối phương, phải thủ cho kín chặt, không cho đối phương ra đòn tấn công tiếp, rồi phán đoán nhanh xb đối phương phản ứng để có đối sách.
Bài “Tam thao tùy hình pháp” của võ sư Hồ Ngạnh biến chuyển dị thường, mỗi câu mỗi đoạn có giá trị khác nhau. Chẳng hạn, câu một là chuyên trị các đường thương, câu hai chuyên phá các đường đao kiếm, câu ba đánh dụ địch vào thế hiểm, câu bốn đánh nơi cần đánh gấp, câu năm và sáu chuyên đánh ra vào nơi loạn quân.
Nói về đường roi đánh nghịch của ông nội, võ sư Hồ Sừng cho biết: “Roi đánh nghịch là ngược với cách đánh thuận thông thường, trên cơ sở sử dụng các tuyệt kỹ roi của nhiều môn phái khác nhau. Nhờ khổ luyện, ông nội tôi có thể đánh nghịch cũng thuần thục như đánh thuận. Sau này khi phải giao chiến với các cao thủ, ông nội tôi nhờ có ngọn roi đánh nghịch bất ngờ và hiểm nên giành chiến thắng”.
Những năm 1930 của thế kỷ trước, tiếng tăm của võ sư Hồ Ngạnh vang dội khắp nơi nên học trò đến theo học rất đông. Các học trò của ông phải kể đến Mười Mỹ, Đinh Văn Tuấn, Năm Tạo, Sáu Được… đều đã có danh có tiếng. Điều đặc biệt, thâu nhận học trò, ông đều thử trước rồi dạy sau, kể cả con cháu trong nhà.
Khi tuổi cao sức yếu, võ sư Hồ Ngạnh thiên về nghề làm thuốc nhiều hơn dạy võ. Ông thường lui tới cửa Phật như giác ngộ sự bình yên qua cuộc đời nhiều oan khiên, sóng gió của mình.
Giai thoại “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”
Huyền thoại roi đánh nghịch Hồ Ngạnh được truyền tụng với nhiều giai thoại ly kỳ và đậm tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, thú vị bậc nhất phải kể đến cuộc giao đấu giữa đệ nhất roi Thuận Truyền – Hồ Ngạnh và đệ nhất quyền An Thái – Diệp Trường Phát.
Ở làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cách Thuận Truyền không xa, có phái Quyền Tàu do ông Diệp Trường Phát (thường gọi là Tàu Sáu, người Trung Quốc) khai mở vào đầu thế kỷ XX. Nghe danh nhau, ông Tàu Sáu và Hồ Ngạnh hẹn thí võ để giao kết bạn bè, với giao ước hai bên không đả thương, mà chỉ dùng mực ghi dấu trên võ phục đối phương để phân định thắng thua.
Sau hiệp đấu quyền, người xb đếm được những vết mực trên áo hai người như nhau. Tuy thế, Hồ Ngạnh vẫn chắp tay bái phục Tàu Sáu, thừa nhận mình kém hơn một bậc. Ông lý giải rằng, các vết mực do Tàu Sáu lưu trên y của phục mình có phần nhạt hơn.
Điều đó chứng tỏ đường quyền thế cước của Tàu Sáu đã đến mức thượng thừa, có thể vận hành công lực như ý muốn nên đòn ra nhẹ nhàng, để lại dấu mực nhạt. Với quyền thế ấy, Tàu Sáu có thể lấy mạng đối phương trong chớp mắt.
Đến trận đấu roi, hai binh khí roi mỗi đầu bọc đệm bông trắng được đưa ra, một thấm mực xanh do Hồ Ngạnh cầm, một thấm mực đỏ do Tàu Sáu giữ. Thời gian đấu là tàn một cây nhang, võ phục người nào ít bị điểm mực hơn tức người đó thắng.
Sắp tàn cây nhang, Tàu Sáu nhảy ra ngoài, ngượng ngùng nhìn những vết mực xanh chi chít trên võ phục mình đang mặc, chắp tay bái phục: “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất” (Roi Thuận Truyền chỉ có một).
Hồ Ngạnh cũng liền ra câu: “Thủ vũ An Thái ngã vô song” (Tay quyền An Thái cũng không hai). Câu ca dao: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” bắt nguồn từ giai thoại này. Cũng từ đó, hai người kết nghĩa thâm giao, trao đổi võ nghệ lẫn nhau.
Thời ấy, nơi này có tướng cướp Dư Đành nổi tiếng khắp vùng. Dư Đành có dáng người lực sĩ, võ nghệ rất cao cường. Đang tung hoành ngang dọc không đối thủ, bỗng dưng cái tên Hồ Ngạnh nổi lên làm Dư Đành khó chịu. Muốn Hồ Ngạnh làm thuộc cấp của mình nên nhiều lần Dư Đành ngỏ lời mời mọc. Tuy nhiên, lần nào y cũng bị từ chối nên rất tức giận.
Chiêu mộ mãi không được, Dư Đành liền khiêu chiến với Hồ Ngạnh. Đồng thời, y đưa ra yêu cầu nếu Hồ Ngạnh thua thì phải nhập bọn của y. Chối mãi không được, cuối cùng Hồ Ngạnh phải nhận lời thách đấu.
Khi ấy, trận đấu diễn ra ban đêm và Hồ Ngạnh một mình cầm roi đến điểm hẹn. Với đường roi nghịch, ông đã đánh bại hơn chục lâu la trong băng đảng của Dư Đành. Thấy đệ tử của mình lần lượt nằm bẹp dưới đường roi của Hồ Ngạnh, tướng cướp Dư Đành nộ khí cầm đao tấn công tới tấp đối thủ. Tuy nhiên, tất cả đều bị Hồ Ngạnh hóa giải.
Sau khi hóa giải các đòn của Dư Đành, Hồ Ngạnh liền đánh những đòn roi nghịch áp đảo đối phương. Sau nhiều đòn đánh hiểm vô phương chống đỡ của đối thủ, Dư Đành chấp nhận chịu thua. Tuy nhiên, vốn là tên tiểu nhân nên Dư Đành tìm cách đánh lén Hồ Ngạnh.
Một lần, y cho người nhổ sạch đám mì của nhà Hồ Ngạnh nhưng củ thì để lại. Biết là tướng cướp Dư Đành phá hoại nên Hồ Ngạnh chỉ ra gánh củ mì về nhà.
Nhưng không ai ngờ, đó lại là kế của Dư Đành. Khi Hồ Ngạnh đang trên đường gánh củ mì về thì Dư Đành cùng đám lâu la từ trong bụi rậm lao ra đánh lén. Hôm ấy, Dư Đành dùng chiếc bắp cày bất ngờ tấn công Hồ Ngạnh, nhưng với một người học võ, ông nghe tiếng động và né kịp.
Sau đó, ông dùng chiếc đòn gánh làm roi đánh Dư Đành và đám lâu la của y văng liên tục vào trong các bụi rậm. Bị đánh thừa sống thiếu chết, Dư Đành quỳ gối xin tha mạng và hứa không dám đánh lén nữa.
Viết tiếp truyền thống
Võ sư Hồ Ngạnh có một người con trai nhưng mất sớm, để lại người cháu nội duy nhất là võ sư Hồ Sừng. Đến nay, võ đường Hồ Gia kéo dài qua 5 thế hệ, từ thời cố võ sư Hồ Ngạnh, sang thế hệ cháu nội của ông là võ sư Hồ Sừng, rồi các con võ sư Hồ Sừng là Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Dư, Hồ Sỹ. Tiếp nối truyền thống gia đình, thế hệ thứ 5 của võ đường Hồ Gia là Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Thiệt, Hồ Đức Hạnh… đều mang trong mình đam mê võ thuật.
Làng võ Thuận Truyền xưa kia có nhiều gia tộc võ cùng tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, từ sau giải phóng đến nay, bề dày võ của làng Thuận Truyền chỉ còn võ đường Hồ Gia tồn tại. Đây là một trong những dòng họ võ lâu đời ở Bình Định, có công đóng góp rất lớn cho sự nghiệp võ cổ truyền tỉnh nhà.
Hiện tại, đại gia đình này có người tham gia dạy võ tại Bảo tàng Quang Trung, người làm huấn luyện viên võ thuật, người theo nghiệp vận động viên võ thuật…
Đại gia đình nhà võ này sống quây quần trong địa bàn huyện Tây Sơn, đến mùa võ đường tuyển sinh, các con cháu lại cùng nhau tụ về để chăm lo cho võ đường. Hàng năm, võ đường Hồ Gia đón hàng trăm môn sinh trong và ngoài tỉnh Bình Định đến học. Võ đường đã đào tạo ra rất nhiều võ sư, võ sinh nổi tiếng cho Bình Định, trở thành vệ tinh cung cấp vận động viên cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định.
“Chúng tôi xem võ là tổ nghiệp của gia đình, không thể để mai một, nhưng cũng luôn động viên con cháu cố gắng học văn hóa. Cái vốn văn hóa càng dày thì cái chất võ biền càng giảm. Đó mới là cách luyện võ sâu rễ bền gốc. Thế hệ tôi và các con hiện vẫn đang cố gắng truyền dạy võ để gìn giữ truyền thống, chứ nguồn thu học phí để cải thiện kinh tế cũng chẳng bao nhiêu”, võ sư Hồ Sừng cho biết.
Cũng tại làng võ Thuận Truyền này, từ nhiều năm nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, võ đường Hồ Gia đều đứng ra tổ chức giải võ thuật cổ truyền để vui xuân đón Tết. Võ đường Hồ Gia mời các võ đường trong tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận về làng Thuận Truyền giao lưu võ thuật, thượng đài mùa xuân.
Ghi nhận những đóng góp của cố võ sư Hồ Ngạnh cho võ thuật nước nhà, tháng 3/2018 vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển và quảng bá võ học Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Danh nhân Võ học Việt Nam cho cố võ sư Hồ Ngạnh.
Danh trấn giang hồ bằng đường roi nghịch tuyệt kỹ, hẳn võ sư Hồ Ngạnh phải là một con người bản lĩnh khi cầm trên tay cây roi chiến Thuận Truyền của đất võ Bình Định. Và đến hôm nay, lớp người sau khó mà hiểu tận ngọn nguồn. “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ” là như vậy.
Theo Nhuận Oanh