(VoThuat.vn) – Với tâm niệm Võ cổ truyền không chỉ để dạy kỹ thuật võ học mà còn giúp người học rèn luyện đạo đức, Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa đang ngày ngày miệt mài cống hiến để giúp môn võ của dân tộc Việt Nam khẳng định chỗ đứng trong xã hội hiện đại.
Năm 1951, cậu bé Lê Kim Hòa chào đời tại một vùng biển đầy nắng ở Phú Yên trong một gia đình giàu truyền thống võ học. Từ nhỏ, qua những bài học từ ông nội, Lê Kim Hòa đã nuôi dưỡng cho mình tình yêu mãnh liệt với võ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Khi đó cậu mới có 9 tuổi đã được người ông võ sư “áo vải” Lê Côn truyền dạy võ dân tộc với cái tên bình dị là võ Ta. Những trận huyết chiến thư hùng của dân tộc trong những thế võ cổ truyền vừa cương vừa nhu mà ông nội kể lại càng khơi dậy trong huyết quản đứa cháu niềm đam mê võ thuật cháy bỏng.
Ba mẹ hành nghề lênh đênh trên biển, Lê Kim Hòa từ bé đã có tinh thần tự giác, tự học. Hằng ngày, cậu bé Lê Kim Hòa vẫn đều đặn đến trường học văn hóa. Sau giờ học văn hóa, cậu bé tìm đến những bãi đất trống giữa những miền cát cháy Phú Yên để tập luyện những bài quyền mà ông nội truyền thụ. Học xong những bài quyền của ông, Lê Kim Hòa lại tìm đến những võ sư khác trong huyện để thọ giáo nhằm hiện thực hóa ước mơ võ đạo của mình.
May mắn, ông đã tìm được thầy Võ Kim Khanh, người giỏi về binh pháp và quyền cước của dòng võ Tây Sơn – Bình Định nổi tiếng lúc bấy giờ. Những đòn thế hiểm hóc của võ Tây Sơn cùng thăng hoa với chất tinh túy, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ của dòng võ gia truyền đã làm cho người thụ giáo “ngộ” ra một võ thuật của riêng mình. Đối với người con xứ biển này, võ thuật không chỉ để tấn công mà nó đầy kỳ ảo và biến hóa như gió lùa và trăng khuyết trên biển đêm quê ông vậy.
Mong muốn giữ gìn và phát triển những gì được truyền dạy, năm 20 tuổi, Lê Kim Hòa tự lập ra môn phái của riêng mình và lấy tên là Thanh Long Võ đạo. Ở cái tuổi quá trẻ như vậy nhưng Lê Kim Hòa chẳng hề tỏ ra kiêu căng hay tự phụ, chàng trai đôi mươi mỗi ngày vẫn luôn ra sức trau dồi và rèn luyện bản thân để có thể dạy cho các môn sinh của mình.
Ngày trước hay đến tận bây giờ, Lê Kim Hòa vẫn luôn tâm niệm rằng dạy kỹ năng võ học không quan trọng mà dạy đạo đức làm người mới là điều quan trọng.
Trong bối cảnh nền võ học nước nhà vẫn rối ren thì lúc bấy giờ danh tiếng của Thanh Long Võ đạo đã vang xa khắp Sài Gòn thậm chí là nhiều tỉnh thành khác. Một vị võ sư trẻ làm được điều này thật sự đáng khâm phục.
Tiếng tăm vang xa, nhiều môn phái khác đứng ra thách đấu để kiểm chứng tài năng của vị võ sư trẻ. Nhưng ông biết rằng nếu tiếp nhận thách thức với các phái võ dù thắng hay thua cũng tạo nên ân oán sau này. Vì thế, ông khéo léo từ chối, bởi người theo võ không được để mình rơi vào vòng xoáy giang hồ.
Trong số những người thách đấu có một nhóm giang hồ quyết buộc ông phải ra mặt cho bằng được, biết không thể từ chối, ông liền âm thầm sắp xếp một trận thư hùng để phân thắng bại. Sau lần tỉ thí ấy, vị giang hồ kia xin kết bạn tâm giao với ông như một sự kính phục và bày tỏ mong muốn được thỉnh giáo võ thuật phái Thanh Long võ đạo.
Bằng tài năng của mình, Võ sư Lê Kim Hòa đã đưa Thanh Long Võ đạo phát triển vượt bậc vào thời kì đó.
Người giữ lửa cho Võ cổ truyền TP.HCM
Trong bối cảnh Võ cổ truyền có nhiều môn phái hoạt động riêng rẽ, ngành thể dục thể thao đã thành lập ban chuyên môn về võ thuật để đưa phong trào vào nề nếp. Bằng tài năng và uy tín trong giới võ thuật, đại võ sư Lê Kim Hòa được anh b đồng môn tín nhiệm và bầu làm Trưởng ban chuyên môn.
Tiếp sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Võ cổ truyền TP.HCM và sau này là Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM kiêm luôn Phó chủ tịch Liên đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam.
Lúc này, đại võ sư Lê Kim Hòa mới 36 tuổi, những thành công vang dội của ông khiến nhiều người không khỏi nể phục. Thành công sớm nhưng võ sư lúc nào cũng giữ thái độ khiêm tốn, đó cũng là một điều khiến người khác xem trọng ông.
Với đại võ sư Lê Kim Hòa, Võ cổ truyền không chỉ là một môn võ dựng nước giữ nước của cha ông, mà nó là nền tảng của đạo đức là văn hóa của dân tộc nên việc gìn giữ và phát triển Võ cổ truyền là một điều hết sức quan trọng.
Mấy chục năm qua, Đại võ sư Lê Kim Hòa đã dẫn dắt Võ cổ truyền TP.HCM đạt đến rất nhiều thành công. Ông luôn khuyến khích các võ đường giữ gìn và phát huy những nét đẹp của môn võ Việt. Nhờ vậy, Võ cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút sự quan tâm, tham gia của rất nhiều người. Số lượng võ sinh tham gia tập luyện ở các môn phái ngày càng tăng.
Cùng với sự gia tăng số lượng võ sinh, TP.HCM đến nay đã tổ chức thành công 14 lần hội diễn võ thuật cổ truyền “Võ Việt Đất Phương Nam”, bên cạnh đó là vô số giải đấu lớn nhỏ khác.
Dưới sự lãnh đạo của đại võ sư Lê Kim Hòa, Võ cổ truyền TP.HCM ngày càng phát triển rộng khắp và thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Điển hình có thể kể đến việc TP.HCM đã làm rất tốt trong việc đưa môn võ của người Việt vào trường học để phổ cập đến lứa tuổi học sinh.
Đại võ sư Lê Kim Hòa cùng những người trong Liên đoàn Võ cổ truyền TP.HCM đã kí kết nhiều hợp tác với các trường đại học không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn ở khu vực phía Nam để giúp xây dựng, đào tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của môn võ. Dự án lớn mà ông cùng những người yêu Võ cổ truyền ấp ủ là thành lập Học viện Võ cổ truyền tại TP.HCM ngay trong năm 2019.
Chẳng những là người có công trong việc gìn giữ và phát triển Võ cổ truyền ở Việt Nam, đại võ sư Lê Kim Hòa còn góp phần mang môn võ của dân tộc ra rộng rãi bạn bè quốc tế. Vị võ sư đã có rất nhiều lần sang các nước trời Âu để truyền bá võ thuật của dân tộc Việt.
Đi đến đâu, Đại võ sư Lê Kim Hòa cũng khiến người ta kính nể bởi tài năng và khí chất hơn người của mình. Năm 1991, Đại võ sư Lê Kim Hòa sang Nga để dạy Võ cổ truyền cho những võ sinh tại đây. Lớp học đông đúc với hơn 80 võ sinh, ai ai cũng cao lớn. Vị võ sư lọt thỏm giữa rừng người khổng lồ. Nhiều người nhìn vị võ sư bằng ánh mắt hoài nghi rằng con người nhỏ bé ấy có đủ khả năng để dạy võ cho mình.
Ai cũng cố thử thách đại võ sư Lê Kim Hòa bằng những đòn khó, hiểm hóc. Nhưng ông đã hóa giải bằng đường quyền nhẹ như gió thoảng nhưng có sức công phá mạnh mẽ. Đó là bí quyết lấy nhu thắng cương, lý giải vì sao con người Việt Nam nhỏ bé như thế lại có thể đánh thắng bao nhiêu giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Nói đến đây, các học trò phương Tây ai nấy đều nhìn người thầy bằng ánh mắt khâm phục.
Từ đó đến nay, Võ cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Trong lần hội diễn “Võ Việt Đất Phương Nam” mới đây có sự tham gia của 14 đoàn quốc tế cũng đủ cho thấy sức hút của Võ cổ truyền đối với người nước ngoài.
Ở tuổi 67, Đại võ sư Lê Kim Hòa vẫn miệt mài cống hiến cho Võ cổ truyền TP.HCM nói riêng và Võ cổ truyền Việt Nam nói chung. Với tâm huyết, tình yêu mãnh liệt cho môn võ thể hiện bản sắc Việt, đại võ sư Lê Kim Hòa đang giúp Võ cổ truyền bước từng bước vững chắc trên con đường phát triển, khẳng định chỗ đứng giữa thế giới võ học mênh mông. Tương lai Võ cổ truyền ngày mai vẫn còn tươi sáng nhờ những người như ông.
Hoài Phương – Anh Thư