(VoThuat.vn) – Ba võ sư đã có công đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng quyền thuật Việt Nam, nhất là đào tạo nhiều võ sĩ giỏi đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam chiến thắng vẻ vang nhiều nhà vô địch của các nước bạn, chính là: Từ Thiện Hồ Văn Lành, Xuân Bình và Lý Huỳnh.
Hồ Văn Lành – người lấy trừ gian diệt ác làm lẽ sống
Hồ Văn Lành, còn có tên khác là Từ Thiện là một võ sư nổi tiếng của võ phái Tân Khánh Bà Trà, nguyên sáng lập viên của Tổng hội Võ học miền Nam Việt Nam, nguyên cố vấn Hội Võ thuật Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh và cố vấn Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.
Ông mở trường dạy võ, sau 7 lần thượng đài hoàn toàn thủ thắng, được giới thanh niên hâm mộ theo học rất đông. Sau đó, võ sư Từ Thiện thọ giáo Thiếu Lâm Bạch hạc, Thiếu Lâm Vịnh Xuân và Đông y với võ sư Huỳnh Bá Phước, từ đó kiến thức võ học được nâng cao, võ sư Từ Thiện hoàn chỉnh giáo trình giảng dạy cho chính bản thân mình và võ phái.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, võ sư Từ Thiện cùng các võ sư cùng chí hướng khai giảng lớp Võ dân tộc, làm sống dậy phong trào Võ cổ truyền Việt Nam tại Câu lạc bộ Thể dục Thể thao quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, những kỳ Hội nghị chuyên môn Võ thuật cổ truyền toàn quốc từ năm 1993 trở đi do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức đều có võ sư Từ Thiện và các võ sư lão thành tham dự.
Võ sư Từ Thiện đã góp nhiều công sức thực tế cho nền võ học cổ truyền Việt Nam, không những đào tạo võ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên, võ sư cho võ phái Tân Khánh Bà Trà, ông có công trong việc phục hưng giá trị Võ cổ truyền qua tổ chức Tổng hội Võ học Việt Nam trước năm 1975 và làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế qua hình ảnh thi đấu của các võ sĩ nổi tiếng Từ Thanh Nghĩa, Từ Y Văn, Từ Trung Tín…với các võ sĩ vô địch các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Hong Kong, Indonesia. Nữ võ sư Hồ Hoa Huệ cũng là đệ tử của võ sư Từ Thiện và nhiều võ sư, võ sĩ khác là môn đệ Tân Khánh Bà Trà dưới sự dìu dắt của võ sư Từ Thiện.
Xuân Bình – kho tàng sống về võ cổ truyền Bình Định
Xuân Bình sinh năm 1917 tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Gia đình ông là dòng dõi võ thuật, nên ông được ông ngoại dạy võ Thiếu Lâm từ năm 14 tuổi. Về sau, ông còn học thêm các môn võ: Võ Kinh, võ Tây Sơn, võ Thiếu Lâm Bắc Phái.
Trong sự nghiệp thượng đài của mình, võ sư Xuân Bình nhớ nhất là trận gặp võ sĩ Huỳnh Tiền ở Phan Rang vào năm 1952. Huỳnh Tiền là tay đấm danh trấn giang hồ, là sư phụ của võ sư – nghệ sĩ Lý Huỳnh. Huỳnh Tiền hầu như không có đối thủ ở môn võ tự do trong những năm đầu thập niên 50. Xong trận đấu, tuy được chấm hòa, song với tinh thần thượng võ, võ sư Xuân Bình vẫn nghĩ là mình thua.
Từ năm 1943, ông bắt đầu mở lớp dạy võ thuật ngay tại quê hương và tại: Nha Trang, Phan Rang, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn, Biên Hòa. Nhiều võ sĩ nổi tiếng trong làng đấm Việt Nam như Xuân Thanh, Xuân Hùng, Xuân Phước, Xuân Thịnh, Xuân Liễu, Xuân Nghĩa… đều là học trò của thầy Xuân Bình.
Lý Huỳnh – từ điện ảnh đến võ thuật đời thường
Lý Huỳnh có tên thật là Lý Kim Tuyền, ông nổi tiếng với chiêu “Liên hoàn bát cước” (Tung người đá 8 cước trên không) và từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Lý Huỳnh sinh năm 1942 tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình người Hoa giỏi võ. Ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ Việt Nam và Quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền.
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận về Quyền Anh và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương vô địch 6 tỉnh miền Trung.
Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ “Lý Huỳnh”, như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến,…
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim Việt Nam và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công. Lý Huỳnh quan niệm rằng đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật. Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động.
Các bộ phim có sự tham gia của Lý Huỳnh mở đầu với Long hổ sát đấu và sau đó là Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709,… Lý Huỳnh cũng đồng thời tham gia liên kết sản xuất phim khá thành công.
Ba võ sư này đã được Tổng Nha Thanh Niên trao tặng Bằng Khen về các thành tích vẻ vang cho đất nước. Ba “gốc đại thụ” của Võ cổ truyền Việt Nam trong cuộc đời đã không ngừng cống hiến cho sự phát triển chung của môn võ truyền thống dân tộc. Sự hưng thịnh của Võ cổ truyền ngày một phần là nhờ công giữ gìn và quảng bá của các ông.
Thiên Ngân