Trần Ngọc Tú, anh thợ hồ lấm lem ngày nào giờ đã trở thành VĐV Vovinam TP.HCM được gần 1 năm. Trước khi tham gia Vovinam, anh từng tập luyện Pencak Silat và từng giành được thành tích đáng nể.
ĐƯỢC HLV PHÁT HIỆN KHI ĐANG XÁCH VỮA
HLV Nguyễn Xuân Hùng, bộ môn Pencak silat Vĩnh Phúc, kể lại ngày tìm ra Trần Ngọc Tú: “Tôi đi ngang một công trình xây dựng và thấy một thanh niên cao lớn đang xách vữa, mồ hôi nhễ nhại. Tôi tò mò, tại sao không mời cậu ấy về thử sức với Pencak silat, làm thợ xây vất vả quá. Tôi đến bắt chuyện, Tú gật đầu. Tôi đến dãy phòng trọ chật chội và ẩm mốc nơi Tú ở, đưa cho Tú 900.000 đồng để thanh toán các khoản nợ tiền ăn và tiền nhà”.
Sau đó, Tú về Trung tâm huấn luyện TDTT Vĩnh Phúc, trở thành VĐV cao nhất Việt Nam (trước đó, VĐV cao nhất VN là chủ công Nguyễn Ngọc Thắng của đội bóng chuyền nam Long An với chiều cao 1,98 m). HLV Nguyễn Xuân Hùng đặt riêng cho anh những bộ quần áo và những đôi dép vừa vặn với đôi chân quá dài và bè rộng. Mỗi bữa Tú ăn đến 12 bát cơm, ăn sáng bằng 4 phần người khác cộng lại, mỗi tối Tú phải trải chiếu dưới đất nằm vì không có cái giường nào vừa với thân hình anh. Được HLV giúp đỡ tận tình, Trần Ngọc Tú đã cố gắng tập luyện chăm chỉ, anh giành được 1 HCĐ giải trẻ Pencak silat toàn quốc 2015 và từng hy vọng môn thể thao này là cơ hội đổi đời cho mình.
Tuy nhiên, cũng chính vì cơ thể phát triển quá nhanh, Trần Ngọc Tú không giữ được hạng cân 110 kg. Cân nặng mới đây nhất của Tú là 126 kg. Cách đây không lâu, Tú xin rời khỏi đội Pencak silat Vĩnh Phúc quay về làm thợ xây vì cảm thấy không thể chơi tốt môn này do không có hạng cân phù hợp.
Trần Ngọc Tú và một người bạn nước ngoài
BÉN DUYÊN VOVINAM
Ngay khi biết câu chuyện về Trần Ngọc Tú, nhiều lò bóng chuyền, bóng rổ, Taekwondo đã thuyết phục Tú về đội của mình. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc anh đã nhận lời mời của Vovinam TP.HCM. “Tôi đã đắn đo rất nhiều và quyết định không làm thợ xây nữa. Tôi chọn Vovinam TP.HCM, tôi nghĩ đây sẽ là môi trường giúp tôi học hỏi để trưởng thành và thành công hơn”, anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Bình Định, Phó tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Phó tổng thư ký – Chánh văn phòng Liên đoàn Vovinam Việt Nam cho hay, ông đã cử một VĐV đối kháng trụ cột của Vovinam TP.HCM và đội tuyển quốc gia để hỗ trợ Tú trong thời gian đầu bỡ ngỡ làm quen môn võ.
“Chúng tôi trân trọng tố chất, chiều cao, thể lực của Ngọc Tú. Trước mắt có thể Tú chưa giúp chúng tôi có thành tích nhưng lâu dài, nếu Tú phấn đấu tốt, đạt nhiều huy chương trong nước và quốc tế thì đây sẽ là cánh cửa để đổi thay cuộc đời em ấy”, ông Bình Định nói.
Về phía lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM, ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT, cho biết sẵn sàng chào đón những VĐV có tiềm năng. Ông nói: “Chúng tôi mong Tú phải nỗ lực hết sức mình, thể thao rất khắc nghiệt. Tú cần trau dồi, nâng cao trình độ văn hóa để mở ra những hướng đi khác của mình sau này, như trở thành một trọng tài, một HLV chẳng hạn”.
Tết Nguyên đán 2017 vừa qua có lẽ là quãng thời gian dài lê thê trong cuộc đời của Trần Ngọc Tú khi anh không được về quê ăn tết cùng gia đình. Đón năm mới đầu tiên nơi xứ người cũng là trải nghiệm quý giá với Trần Ngọc Tú, đây cũng là khoảng thời gian để anh nhìn ngắm lại quá khứ và định hình rõ ràng hơn cho mình một tương lai.
Năm 2016, thành tích lớn nhất của Trần Ngọc Tú có lẽ là tấm HCĐ giải Vô địch quốc gia, hạng cân 95 kg. Tuy nhiên, đây cũng là thành tích mang tính động viên khích lệ cho VĐV quê Thanh Hóa nhiều hơn, khi ở hạng cân 95 kg, Trần Ngọc Tú không có nhiều đối thủ.
Hiện tại, lịch tập luyện của Trần Ngọc Tú không quá căng thẳng, các HLV đều sắp xếp để VĐV mới như Tú có thể nâng cao thể lực, chuẩn bị cho những giải đấu mới.
Trong năm 2017, sẽ có nhiều giải đấu là cơ hội cho VĐV cao nhất Việt Nam mà trước mắt, vào tháng 3 sẽ là giải Vô địch Vovinam Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thanh Thanh