2016 là năm đầy biến động của làng võ Việt. Bên cạnh những sự kiện đặc biệt đáng chú ý, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của võ thuật Việt Nam như Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VTF… còn có nhiều scandal thu hút sự quan tâm, bình luận của cộng đồng cũng như các cơ quan báo chí.
1: KẺ THẮNG RA VỀ, NGƯỜI THUA… LÊN NGÔI VÔ ĐỊCH
Đó là câu chuyện trớ trêu xảy ra tại vòng Chung kết Đấu trường Thép Let’s Viet 2016, và nó không chỉ xảy ra một lần. Trong đêm Chung kết, đã có đến 2 trận đấu bị khán giả phản ánh không đồng tình với kết quả mà tổ trọng tài công bố. Cụ thể, trận đấu thứ nhất là cặp đấu ở hạng cân 51kg nữ giữa Trịnh Thị Diễm Kiều (Quân đội) – Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội).
Trận đấu thứ hai là trận chung kết ở hạng 64kg nam giữa Nguyễn Văn Dễ (Quân đội) – Ngô Việt Nhật (Quảng Ngãi). Cả hai trận đấu đều kết thúc với chiến thắng điểm số thuộc về các võ sĩ Quân đội. Sự việc khiến cho làng Boxing Việt Nam nói riêng và cộng đồng NHM võ thuật đối kháng nói chung đặc biệt quan tâm và bức xúc.
BTC giải họp báo ra quyết định mổ băng chấm lại 2 trận đấu.
Ngay sau khi bế mạc giải đấu, Thiếu tướng Võ Văn Cổ – Trưởng ban tổ chức giả và Ông Trần Minh Tiến – Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam đã mời trọng tài AIBA (Liên đoàn quyền Anh bán chuyên thế giới) Chattuchai Champahom sang Việt Nam xb lại băng ghi hình 2 trận đấu. Kết quả chấm lại của trọng tài Champahom cũng đã được BTC công bố rộng rãi: Cả hai trận đấu đều đã bị đội ngũ giám khảo chấm sai, khiến người thua lại… lên ngôi Vô địch.
2: VÕ SĨ VÕ CỔ TRUYỀN CŨNG BỊ XỬ ÉP
Câu chuyện xử ép không chỉ xảy ra tại những trận tranh đai vô địch mà còn diễn ra ngay từ Bán kết Giải Đấu trường Thép Let’s Viet 2016. Liên tục nhiều võ sĩ như Đặng Đình Văn (Bình Định, hạng cân 55 kg) và Nguyễn Thế Quyền (Bình Định, hạng cân 70 kg) liên tục thua tức tưởi ngay sau những hiệp đấu thể hiện rõ bản lĩnh thi đấu vượt trội, thậm chí có lúc suýt knock-out đối thủ.
Sự việc không chỉ một lần nữa khiến khán giả đặc biệt bức xúc cho sự công bằng của giải đấu mà còn đặt dấu chấm hỏi về trình độ chuyên môn của đội ngũ trọng tài đang thực hiện công tác quan trọng của những người cầm cân nảy mực.
3: QUY ĐỊNH KHÓ HIỂU TRƯỚC THỀM GIẢI VÔ ĐỊCH MUAY TOÀN THÀNH TP.HCM
Trước thềm Giải Trẻ và Vô địch Muay TP.HCM mở rộng năm 2016, BTC giải này đã có những quyết định khó hiểu về việc tước quyền thi đấu đích danh một số võ sĩ và HLV mà không theo bất cứ điều lệ nào trước đây.
Cụ thể, tại các cuộc trao đổi, thảo luận với tổ trọng tài và HLV, ông Giáp Trung Thang – Tổng thư ký hội Muay TP.HCM ra quyết định tước quyền thi đấu của tất cả võ sĩ, HLV đang tập luyện hoặc có liên quan đến hai HLV Phan Ngọc Thanh Hưng và Trần Bảo Trâm (từng công tác tại CLB Muay Phú Thọ do ông Thang quản lý, sau đó xin rút khỏi CLB và hiện đang giảng dạy Muay phong trào).
Hai HLV Phan Ngọc Thanh Hưng (ngoài cùng bên trái) và Trần Bảo Trâm (áo đỏ) từng đào tạo nhiều tài năng trẻ, tham gia các hoạt động lớn như Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016
Theo ông Giáp Trung Thang “vì tính chất quan trọng của giải cũng như nhiều lý do tế nhị khác”, các võ sĩ và HLV có liên quan đến 2 HLV kể trên “không đủ tư cách và đạo đức thể thao” để tham gia giải đấu. Lệnh cấm này lại chỉ mang tính chất “truyền miệng” tại các cuộc họp mà không có bất cứ văn bản nào khác.
Điều đáng nói rằng lệnh cấm này xuất phát hoàn toàn cảm tính và không căn cứ theo bất cứ văn bản, quy chế nào rõ ràng. Thậm chí, theo Điều lệ giải trẻ và Vô địch Muay TP.HCM 2016 (Công văn số 1094, ĐLSVHTT-TTTTC của Sở Văn hóa và Thể thao), các trường hợp nêu trên thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu để tham gia giải như không phải VĐV có huy chương giải khu vực trở lên từ 2014, không chịu sự quản lý và hưởng chế độ tài chính của các đơn vị…
Sau khi được báo chí phản ánh, lãnh đạo Sở cũng đã có chỉ đạo yêu cầu làm rõ các quy định về tư cách tham gia thi đấu của võ sĩ, xác định rõ các trường hợp cho phép / không cho phép tham gia thi đấu và đề nghị mọi thông báo về vấn đề này phải được trình bày công khai, chính thức. Sau quyết định này, các võ sĩ liên quan đã có thể quay lại thi đấu bình thường.
4: JOHNNY TRÍ NGUYỄN TỔ CHỨC GIẢI MMA VI PHẠM NHIỀU QUY ĐỊNH
Giải đấu Ngày hội võ sĩ – Nha Trang được tổ chức bởi võ đường Liên Phong đang là tâm điểm của cộng đồng võ tổng hợp Việt Nam. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, sự kiện này mang tính chất “cầm đèn chạy trước ô tô” và ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển võ thuật đối kháng.
Sự kiện Ngày hội Võ sĩ – Nha Trang 2016 được võ đường Liên Phong (dưới sự chỉ đạo của Johnny Trí Nguyễn) dự kiến tổ chức ngày 27/11/2016 tại Nha Trang với 12 cặp đấu và khoảng 4000 khán giả. Đây được xb là giải đấu nối tiếp những sự kiện mà ngôi sao điện ảnh – võ sư Johnny Trí Nguyễn từng tổ chức như Ngày hội Võ sĩ (10/2013), Ngày hội Võ sĩ lần 2 (10/2014) và Kiện tướng Võ thuật (9/2015).
Tuy nhiên, theo sự nhận định của Tổng cục TDTT, Sở TDTT tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan ngôn luận, giải đấu của Johnny Trí Nguyễn đã xuất hiện nhiều sai phạm như cố tình “luồn lách” để tránh sự chế tài của các cơ quan lý thể thao, khai báo sai tính chất của sự kiện được xin phép, cố tình làm ngơ trước sự cảnh báo của các cơ quan chức năng kể cả khi đã có văn bản chính xác.
Trước khi tổ chức ở Nha Trang, Trí Nguyễn từng liên hệ Sở TDTT Đà Nẵng xin phép tổ chức MMA, nhưng Tổng cục TDTT đã có văn bản nhắc nhở và cảnh báo rõ về việc không ủng hộ tổ chức MMA.
Với sức ảnh hưởng sẵn có nhờ quá trình hoạt động nghệ thuật (diễn viên), Johnny Trí Nguyễn nhận được sự ủng hộ lớn từ đông đảo người hâm mộ khi giải đấu chính thức bị đình chỉ. Tuy nhiên, nhiều độc giả trong cộng đồng võ thuật lại bày tỏ sự đồng tích với cách xử lý này, khi Trí Nguyễn đã thể hiện quá rõ thái độ cố tình chống đối cơ quan chức năng.
5. DƯ LUẬN XÔN XAO VỚI QUYẾT ĐỊNH ĐỔI BẰNG CẤP CỦA LIÊN ĐOÀN VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Vừa qua, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam bất ngờ khiến dư luận hoang mang khi đưa ra thông báo về quyết định thay đổi hệ thống bằng cấp và đai đẳng. Quyết định này nảy sinh ra nhiều vấn đề bất cập như màu đai mới được Liên đoàn đề xuất rất lộn xộn và sai khác so với màu đai vốn đã quen thuộc với Liên đoàn, không có các bằng chứng lập luận thẩm mỹ – văn hóa rõ ràng về vấn đề đổi đai. Số lệ phí đổi đai và văn bằng cũng quá cao, gây khó khăn cho nhiều người và khiến nhiều người đặt dấu hỏi về việc số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào để phục vụ lợi ích Liên đoàn, các bộ môn Võ cổ truyền cũng như cộng đồng võ sinh.
Một Trọng tài cấp quốc gia VCT ví dụ thú vị về “tổng thiệt hại” của cộng đồng võ sinh cho đợt thay đổi khó hiểu và không cần thiết này.
Vothuat.vn