Bận học, bận làm thêm…nhưng nhiều sinh viên ở TP.HCM vẫn sắp xếp thời gian đều đặn đến các lớp Vovinam. Có thể nói Vovinam đang ngày càng được các bạn sinh viên yêu thích và lựa chọn.
Học viên CLB Vovinam Đại học Luật tập luyện – Ảnh: N.K.
“Học võ Việt yêu nước Việt”
Câu slogan trên đang được các bạn sinh viên cụ thể hóa qua việc tham gia ngày càng nhiều các CLB vovinam tại trường học. Dù bận bịu lịch học ngoại ngữ hay đi làm thêm mỗi tối để có thêm chi phí nhưng các bạn vẫn cố gắng đến CLB tập luyện.
Chẳng hạn ở CLB Vovinam Trường đại học Luật TP.HCM, mỗi tối có từ 60 đến 80 bạn sinh viên tham gia tập luyện sôi nổi trước khoảng sân rộng tại cơ sở 2 ở Bình Triệu (Thủ Đức) từ 18g đến 20g. Do phân nửa thành viên của CLB Vovinam học tại trụ sở chính ở quận 4 nên sau khi kết thúc giờ học, các bạn lại nhanh chóng tìm đón xe buýt sang Bình Triệu để kịp giờ tập võ. Còn trong balô, bên cạnh sách vở là cái bánh ngọt để kịp ăn lót dạ cho có sức tập.
Tham gia CLB, mỗi bạn đóng quỹ với số tiền 70.000 đồng/tháng. Số tiền này dùng để trả chi phí cho thầy dạy và mua vật dụng tập luyện. Do tiền quỹ không nhiều nên dụng cụ tập luyện cũng phần nào hạn chế. Như thảm tập, điều rất quan trọng cho các động tác té ngã khi bay thực hiện các đòn chân, CLB chỉ có gần 20 miếng nhỏ ghép lại khá khiêm tốn. Tập luyện trong bối cảnh nhiều lần té đau ê ẩm mình khi rơi ngoài thảm nhưng các thành viên CLB đều hăng say.
Cô sinh viên năm nhất khoa luật quản trị kinh doanh Nguyễn Thị Thanh Huế (Nghệ An) cho biết: “Tôi nghĩ học võ Việt là cách mà người trẻ như chúng tôi thể hiện tình yêu nước”. Trong khi đó, Dương Phương Thảo – cô gái đang học năm 3 khoa y đa khoa, vừa đem về cho Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch HCV đơn luyện vũ khí nữ sơ đẳng với bài biểu diễn “Tinh hoa Lưỡng Nghi kiếm pháp” ở Giải vovinam sinh viên TP.HCM mở rộng 2015 – cho biết lý do thôi thúc cô đến với vovinam là để tìm hiểu kỹ hơn môn võ của dân tộc. Thảo nói: “Càng tập tôi càng thấy đòn thế vovinam hấp dẫn. Đó cũng là lý do môn võ này lôi kéo tôi tập luyện cho đến tận bây giờ”.
Bài giảng võ đạo “tôn trọng lẽ phải”
“Việt võ đạo sinh/ tôn trọng các võ phái khác/ chỉ dùng võ để tự vệ/ và tôn trọng lẽ phải”. Một góc Nhà thiếu nhi quận 1 (đường Trần Cao Vân) vang lên rõ mồn một khi các sinh viên đang theo tập ở CLB võ thuật Đại học Kiến trúc cùng hô vang và lặp đi lặp lại nhiều lần trong buổi tập. Đó cũng là bài giảng võ đạo mà HLV Lê Nguyễn Hùng Long thường nhắc các sinh viên của mình trong mỗi buổi tập.
Không chỉ vậy, nhiều khi HLV Hùng Long còn yêu cầu vài sinh viên bước lên trước để phân tích ý nghĩa của câu nói đó. Giải thích về việc này, HLV Hùng Long chia sẻ: “Tôi muốn các bạn sinh viên không chỉ học võ mà còn phải học cả võ đạo nữa. Nếu cho các em tập thiên về đối kháng quá sẽ là người cộc tính, còn nếu chỉ tập quyền không cũng không được. Mọi thứ cần có sự cân bằng, bổ sung cho nhau”.
CLB Vovinam Đại học Kiến trúc có khoảng 60-70 sinh viên theo tập thường xuyên vào ba tối mỗi tuần với không khí tập luyện chuyên nghiệp. Dù 20g là kết thúc buổi tập nhưng sau đó các bạn lại chia nhau ra từng góc tập luyện tiếp đến tận 21g. HLV Hùng Long cho biết sân tập cũng chính là nơi các bạn sinh viên kiến trúc tranh thủ đến sớm bàn chuyện học, bàn đồ án với nhau. Ở Đại học Kiến trúc, Vovinam là CLB ngoại khóa thu hút sinh viên nhiều thứ ba sau CLB Guitar và Truyện tranh.
Nhưng điều đáng quý nhất ở CLB Vovinam Đại học Kiến trúc chính là việc nuôi dưỡng niềm đam mê phát huy võ Việt. Cụ thể là việc nhiều đàn anh quay trở lại dạy cho đàn em sau khi đã ra trường và đi làm. Công việc bận bịu ở công trình xây dựng hay chỉ vừa tan sở, nhiều người đến 18g lại xách đồ ra sân tập để hướng dẫn vovinam cho lớp đàn em.
Tống Lê Đình Hưng là một ví dụ. Anh vào CLB tập vovinam năm 2010, ra trường năm 2014 rồi đi làm cho Công ty kỹ thuật cơ điện lạnh REE ở đường Cộng Hòa (Tân Bình). Rời công ty lúc 17g30 và dù đường Cộng Hòa thường kẹt xe nhưng Đình Hưng luôn chạy ngay đến lớp.
Trần Hoàng Bảo đoạt HCV với bài “Nhật Nguyệt đại đao pháp” – Ảnh: N.K.
Mê vovinam qua hình ảnh võ tướng cầm đao ra trận
Giành 2 HCV tại Giải vovinam sinh viên TP.HCM mở rộng 2015 nhưng chiếc HCV đơn luyện vũ khí nam trung đẳng với bài biểu diễn quyền “Nhật Nguyệt đại đao pháp” mới là kỷ niệm đáng nhớ nhất của sinh viên Trần Hoàng Bảo (Đại học quốc tế Hồng Bàng).
Đây là bài thuộc dạng khó khi đòi hỏi người luyện phải có thể lực tốt do phải cầm thanh đại đao nặng (5-6kg) biểu diễn. Ngoài việc không được để rơi đao với tư thế quăng đao lên không rồi chụp lại, người biểu diễn còn phải duy trì lực tốc độ và lực đánh trong thời gian khá dài.
Nói về tình yêu vovinam và lý do tập bài quyền “Nhật Nguyệt đại đao pháp”, chàng trai quê Nha Trang này kể: “Từ nhỏ tôi đã ấn tượng với hình ảnh oai hùng của những vị tướng cưỡi ngựa ra trận cầm đại đao đánh nhau với kẻ thù. Vào lớp 11, thấy vovinam có đòn thế hấp dẫn tôi liền xin tập. Vào TP.HCM học đại học, có dịp tìm hiểu kỹ hơn về môn võ dân tộc, tôi lại càng mê mẩn. Do đó, khi được thầy Huỳnh Khắc Nguyên khuyến khích tập thử đại đao, tôi thử sức ngay”.
Nguồn: Nguyên Khôi (TTO)